Tính chính danh không phải từ trên trời rớt xuống

0
44
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
   

Trương Nhân Tuấn

Tiếp tục chuyện “suy bụng ta”. Nếu Tô Lâm là tôi thì [ông ta] phải thấy rằng giai đoạn “củng cố quyền lực” cho việc “đít ngồi hai ghế” trước mắt không hề đơn giản. Chuyện “đít ngồi ba ghế” là chuyện viển vông. “Giết gà dọa khỉ” chỉ có hiệu lực giai đoạn. Nếu không có “tâm phục khẩu phục” thì đòn “hồi mã thương” sẽ xảy ra khi bỏ phiếu kín.

Lên thì khó mà xuống thì rất dễ. Cách nào để củng cố quyền lực? Hiệu quả mà ít đổ máu?

Trường hợp Tô Lâm thấy khó nhưng mà dễ. Dễ là vì Tô Lâm khác ông Trọng. Ông Trọng giáo điều bao nhiêu thì ông Tô Lâm thực dụng bấy nhiêu.

Ông Trọng đề cao tư tưởng Mác Lê Nin và Hồ Chí Minh nhưng cái gì cũng cóp nhặt Tập Cận Bình. Từ chuyện “đả hổ diệt ruồi” cho đến chuyện “nhốt quyền lực vào cái lồng lập pháp”. Khác họ Tập, người đã đưa Trung Quốc lên hàng đại quốc. Ông Trọng tập trung trí tuệ của ông vào chuyện xây dựng đảng. Chuyện quốc gia dân tộc thì ông gắn liền Việt Nam vào cái wagon “Vành đai – con đường” của Trung Quốc, để cùng Trung Quốc xây dựng “cộng đồng Việt Nam-Trung Quốc chia sẻ tương lai”.

Làm gì có chuyện “cây tre” ngã qua ngã lại? Tư tưởng của ông Trọng, nếu có, là “tư tưởng chư hầu”. Việt Nam thời ông Trọng ngả vào lòng Trung Quốc chớ không có ngã đi đâu hết. Chuyện ông Trọng sướt mướt đổ lệ khi đọc diễn từ trước ông Tập năm ngoái đã khiến người ta hoài nghi. Điều này chứng minh qua tấm hình bà vợ ông Trọng phủ phục trước sứ giả Trung Quốc là Vương Hỗ Ninh trong đám tang ông Trọng. Chỉ có chư hầu mới phủ phục trước thiên triều.

Ông Trọng thâu tóm quyền lực, đưa quyền lực nặc danh của đảng lên trên quyền lực hiến định của nhà nước, bằng thanh gươm Tô Lâm. Với công cụ “đốt lò”, ông Trọng thông qua việc lựa chọn “củi” để tìm người trung thành. Chuyện này ai cũng biết nhưng dưới thời ông Trọng không ai dám nói.

Vấn đề là ông Trọng loại cái tên Tô Lâm ra ngoài danh sách kế thừa.

Tô Lâm không được lựa chọn vì Tô Lâm võ biền, thiếu “miệng lưỡi” của một đảng viên cộng sản giáo điều. Ông Thưởng, ông Huệ, bà Mai đều có “lưỡi gỗ”. Những người này có thể tụng niệm kinh Mác Lê hàng giờ như ông Trọng, mà không mỏi miệng. Ông Tô Lâm nói là tốt nghiệp tiến sĩ đủ thứ. Nhưng tiến sĩ kiểu Tô Lâm là thứ tiến sĩ võ biền, chuyên chú cách nghe lén người nọ, rình bắt người kia.

Dĩ nhiên là Tô Lâm bất bình. Máu me chém người nọ, hay qua Đức bắt người kia, đều mang tiếng Tô Lâm. Tô Lâm là người thừa hành chuyện “đốt lò”. Tô Lâm làm theo lịnh của ông Trọng. Mọi tiếng thơm ông Trọng hưởng. Còn chuyện tanh hôi, dơ dáy ông Tô Lâm mang.

Viễn ảnh đến năm 2026 phải buông kiếm, chắc gì Tô Lâm được “toàn thây” để về “làm người tử tế”? Kẻ thù Tô Lâm nhiều hơn ruồi.

Nếu là tôi thì tôi cũng thấy con đường sống duy nhứt là phải “đảo chánh”. Mọi giá phải giành lấy ghế Tổng Bí thư. Không ngồi ghế Tổng Bí thư, Tô Lâm chỉ có con đường chết.

Với hồ sơ “đánh tham nhũng”, thu nhặt qua những trận long trời lở đất, kiểu Tân Hiệp Phát, Tô Lâm nắm hầu như toàn bộ danh sách những kẻ tham nhũng trong Ban Chấp hành Trung ương. Ai không tham nhũng? Chỉ riêng vụ Trương Mỹ Lan, Tô Lâm có thể truy ra hàng ngàn cán bộ, đảng viên “đứng tên giùm” bất động sản cho bà Lan.

Nếu ông Trọng “đảo chánh mềm”, kiểu đổi nội quy đảng, loại ông Ba X ra khỏi sân chơi quyền lực, ông Trọng còn có thể là “độc thủ dược vương”. Câu hỏi vì sao chủ tịch nước Trần Đại Quang “chết vì bịnh lạ” không lẽ không có câu trả lời? Người được lợi trong cái chết này là ông Trọng “đít ngồi hai ghế”. Thì ông Tô Lâm “đảo chánh mềm”, với tư cách người đưa củi vô lò. Ông Tô Lâm có thể đưa cả ông Trọng vô lò (Vụ Ciputra), huống chi ông Thưởng, ông Huệ hay bà Mai.

Không ai “chết vì bịnh lạ” trong quá trình “chinh phục quyền lực” của Tô Lâm thì Tô Lâm “nhân nghĩa” hơn ông Trọng nhiều lắm.

Câu hỏi bây giờ là làm thế nào để Tô Lâm củng cố quyền lực? Câu trả lời sẽ là: Ai có thể cạnh tranh với Tô Lâm trong thời điểm này? Hạ luôn người đó thì quyền lực sẽ được củng cố.

Nếu là tôi, thì tôi sẽ “một đít ba ghế”, như nói hôm qua.

Nhớ lại thủ đoạn của ông Trọng khi hạ bệ ông X: Khi quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, trên lý thuyết là tối cao (giữa hai kỳ đại hội), còn bị Bộ Chính trị “tiếm quyền”, thì chuyện đít ngồi ghế nào cũng sẽ không vững.

Củng cố quyền lực vì vậy còn để “cô lập” quyền hạn một bên, kiểm soát (và điều khiển) quyền hạn bên kia. Làm được vậy thì lần đầu tiên đảng CSVN có một Tổng Bí thư mà không nói tới XHCN hay chủ nghĩa Mác – Lenin.

Nếu ông Tô Lâm thực dụng thì sẽ không có vụ tư tưởng ông nọ ông kia. Thực dụng là cái nào có lợi cho đất nước và dân tộc thì mình làm.

Nếu tôi là Tô Lâm, thì tôi thấy là chuyện củng cố quyền lực còn là chuyện “chính danh của quyền lực”.

Tính chính danh không phải từ trên trời rớt xuống. Tính chính danh của ông Trọng là “ngụy danh”, không nên kế thừa. Nếu ông Tô Lâm thành công trong việc gỡ cái wagon Việt Nam ra khỏi đoàn tàu Trung Quốc để lấy lại nền độc lập cho đất nước, đó mới là kiến tạo cho mình một chính danh.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here