Về cách sử dụng từ VN thời CNXH.

0
735
Nhân Tuấn Trương

Vài ngày qua cánh “học giả” trong nước bàn luận sôi nổi (và thú vị) chung quanh cách sử dụng và ý nghĩa của từ (ghép) “thấu cảm”. Từ này xuất hiện trong đề thi “ngữ văn” của kỳ thi Trung học phổ thông 2017.

Theo tôi, đề thi nhằm mục đích kiểm soát khả năng “đọc và hiểu” của thí sinh. Ý nghĩa của từ “thấu cảm” thế nào thì tác giả đã giải thích khá tường tận (qua đoạn văn trích dẫn), dĩ nhiên theo “cách” của tác giả.

Nếu giới hạn ở việc “đọc và hiểu”, đoạn văn khá hữu ích để khảo sát khả năng của thí sinh.

Nhưng nếu soi rọi sâu xa, như khi hiểu ý nghĩa từ nguyên của “thấu-透” và “cảm-感”, vốn từ Hán-Việt, ta thấy ngay rằng cách giải thích từ “thấu cảm” của tác giả (qua đoạn văn) là “có vấn đề”.

Nhưng đây không phải là chủ đề tôi muốn nói trong status ngắn hôm nay. Tôi chỉ nhân việc này đặt giả sử rằng, nếu “học giả” VN chí tình bàn luận về ngôn từ của VN, mới hay cũ, như đã bàn luận về đề thi “thấu cảm”, thì tiếng Việt phong phú và chính xác biết bao nhiêu.

Một vài thí dụ.

Một số từ ngữ, mỗi miền Nam, Trung, Bắc có cách viết và phát âm khác nhau.

Về tiếng Hán-Việt, như các từ nhứt-nhất, trường-tràng, bản-bổn, vũ-võ… trước 75, VNCH nhìn nhận tất cả các cách viết.
Dân miền Nam đặt tên, thí dụ Trần Văn Nhựt, Nguyễn Đình Bổn, Tân Sơn Nhứt…

Đã là cái tên thì làm sao có thể thay đổi ?

Vậy mà cái tên Tân Sơn Nhứt lần hồi biến mất trong kho tàng ngôn ngữ Việt.

Về từ mới.

Gần đây các nhà khoa học khám phá ra cái gọi là “onde gravitationnelle – gravitational wave”. Từ này được dịch ra tiếng Việt là “sóng hấp dẫn”.

Theo tôi, dịch vậy là sai.

Người dịch không hiểu được nguồn gốc của từ “gravitation” là gì, cũng (chưa chắc) nắm vững được ý nghĩa vật lý của hiện tượng “gravitational wave”.

Từ “hấp dẫn” được các nhà “khoa học VN” sử dụng hôm nay, vốn nguyên thủy là “luật vạn vật hấp dẫn” (loi attraction universelle – universal attraction law).

Không biết từ khi nào “attraction” được “đồng hóa” với “gravitation” ?

“Luật vạn vật hấp dẫn” chỉ ứng dụng khi hiện hữu ít nhứt hai “vật thể”. Hai vật thể (có trọng lượng) “hút-attire-attract” lẫn nhau, gọi là “hấp dẫn-attraction”.

Trong khi “onde gravitationnelle – gravitation wave” thể hiện lên mọi thứ. Sóng này làm cho không gian “méo mó” và thời gian “thun giãn” (vì vậy VN mới có giờ giây thun. Tức là dân VN đã khám phá ra loại sóng này từ rất lâu rồi!).

Làm thế nào không gian, hay thời gian, một thứ “vô hình tướng”, “hút” lẫn nhau, theo quan điểm thuyết vạn vật hấp dẫn ? Không thể! Nhưng không gian – thời gian bị “co giãn, méo mó” vì “sự nặng”, tức trọng lượng của một vật có khối lượng cực lớn.

Từ nguyên của “gravitational” là “gravis”, tiếng La tinh, có nghĩa là “nặng”.

Hợp lý thì “gravitational wave” phải dịch là “sóng trọng”.
Thí dụ khác, về việc sử dụng từ “đặc quyền-exclusive”, trong thuật từ “vùng đặc quyền kinh tế – zone economique exclusive – exclusive economic zone”, viết tắt là EEZ.

Cách dịch này hoàn toàn sai. “Exclusive” là “độc quyền” chớ không phải “đặc quyền”. Đặc quyền là “droit spécial – special right”.

Nếu ta hiểu ý nghĩa luật học của hai thuật từ, ta thấy cách dịch của VN có thể gây ngộ nhận “chết người”.

Đại khái, thuật từ EEZ trong bộ Luật Quốc tế về Biển thoát thai từ “quyền lịch sử – droit historique”, nhưng nó hạn chế quyền lịch sử trên nguyên tắc “bình đẳng về chủ quyền”.

Mọi quốc gia ven biển có bề rộng vùng EEZ là 200 hải lý. Quốc gia ven biển có quyền “độc quyền” khai thác kinh tế tài nguyên ở mặt nước, trong cột nước, trên mặt thềm lục địa cũng như dưới thềm lục địa. Những quốc gia khác chỉ có thể khai thác vùng EEZ của quốc gia kia với điều kiện được sự “nhượng quyền” khai thác của quốc gia kia. Ta gọi đó là “đặc quyền khai thác”.

Lý do nào VN gọi vùng EEZ của mình là “vùng đặc quyền kinh tế” ? Không lẽ vùng EEZ của VN đã thuộc về TQ. TQ “nhượng quyền” cho VN để VN có “đặc quyền” khai thác trên vùng EEZ của TQ ?
Thí dụ khác. Về ý nghĩa và cách sử dụng từ “pháp quyền”.

Đến nay chưa có học giả VN nào giải thích ổn thỏa “pháp” là gì ? và “quyền” là gì ?

Có người thì xem “pháp quyền” như là “rule of law”, người thì xem là “état de droit”. Nhưng hầu hết các học giả VN đều sử dụng “pháp quyền” trong bài viết của mình với ý nghĩa của “pháp luật”. Một số thì sử dụng như là “pháp chế”.

Trong một bài thuyết trình về “pháp quyền hay pháp trị” của LS Trần Thanh Hiệp tại Viện Việt Học năm 2011, ông có dẫn lại ý kiến của một học giả Trung Hoa, ông TSIEN Tche Hao, tiến sĩ luật khoa.

Theo đó TQ dùng chữ “faquan” (pháp quyền) với nghĩa của chữ “droit”, như khi họ dịch chữ “droit bourgeois” là “zichan faquan, tư sản pháp quyền“. Theo ông Tsien, “pháp quyền” hiểu theo ngữ nghĩa là quyền do luật định (pouvoir légal).

Nếu hiểu theo ý nghĩa của TS Tsien (mà LS Hiệp đã dân lại), “pháp quyền” như vậy có nghĩa là “pháp chế – législation”. Tức là nói về luật lệ của một quốc gia nào đó, hay luật lệ của quốc gia về một “giai cấp” hay một lãnh vực xã hội, về y tế, giáo dục, nghiệp đoàn, nghề nghiệp…. nào đó.

Nhiều người cũng sử dụng “pháp quyền” như là “droit-law”.

Điều này kiểm chứng dễ dàng nếu ta chịu khó thay thế chữ “pháp quyền” trong bài viết bằng chưc “pháp luật”, nếu không sai nghĩa, thì tác giả đã hiểu sai “rule of law” hay “état de droit”.

“Pháp quyền” là gì ? Ngày xưa VN (và các nước có nền tảng Hán ngữ) đều sử dụng từ này để chuyển ngữ từ “juridiction – jurisdiction” của u, Mỹ. Ý nghĩa của nó là “quyền được xét xử”. Các tự điển VN trước 45, hay của VNCH trước 75, đều dịch như vậy.

“Rule of law” hay “état de droit” là những “mô hình xây dựng nhà nước bằng pháp luật”. Các nước như TQ, Đài loan, Nhật, Hàn… đều sử dụng “nhà nước pháp trị” khi nói tới các thuật ngữ “rule of law” và “etat de droit”.

Tư tưởng về “nhà nước pháp quyền” là do ông Đỗ Mười đề xuất ra, năm 1992. Làm sao ông Đổ Mười, xuất thân thiến heo, có khả năng để hiểu “Rule of Law” và “Etat de Droit”, các khái niệm luật học trừu tượng của Tây phương ? Ở các xứ dân chủ tự do, người ta có cả một ngành học đào tạo chuyên gia chuyên về nó.

Đến nay nhà nước CHXHCNVN đã được xây dựng ra sao ? Rõ ràng là một chế độ chuyên chính phong kiến, độc tài toàn trị. Ông “vua” tập thể là đảng CSVN, cha truyền con nối, cai trị đất nước bằng hệ thống công an và phương pháp “đấu tranh giai cấp”.

Vậy mà gọi là “pháp quyền” với ý nghĩa của “rule of law – etat de droit” hay sao ?