Với chính sách ”bất nhất”, Trump đang “nhường thế giới cho Trung Quốc”

1
28
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký các sắc lệnh tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 30/01/2025. REUTERS - Elizabeth Frantz

Tuyên bố và chính sách của tân chính quyền Mỹ từ hơn một tháng nay không ngừng gây bàng hoàng, cho dù lập trường của Donald Trump vốn dĩ không hề xa lạ với công chúng. Nhiều chuyên gia lo ngại « tính cách nóng nảy và ái kỷ » cùng « thái độ bất nhất » của tổng thống Mỹ tạo cơ hội cho các chế độ độc đoán – toàn trị giành các thắng lợi chiến lược trong bối cảnh « trật tự thế giới » định hình từ sau Thế Chiến Hai đang trên bờ sụp đổ.

Trọng Thành RFI

Nhà báo Pháp Pierre-Antoine Donnet, chuyên về chính trị châu Á và quốc tế trong bài tổng thuật báo chí phương Tây và châu Á, nhan đề «Thái độ bất nhất của Donald Trump đưa  Trung Quốc vào trung tâm bàn cờ thế giới » đăng tải trên Asialyst ngày 21/02/2025, cung cấp một cái nhìn tổng hợp về vấn đề này.

« Trump nhường thế giới cho Trung Quốc » là nhận định của chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc Michael Schuman, trên mạng của The Atlantic, tạp chí Mỹ chuyên về chính trị quốc tế, được nhà báo Pháp chọn làm câu mở đầu bài viết. Theo Michael Schuman, « Tập Cận Bình không thể mong ước điều gì hơn là một hủy diệt nhanh chóng đến như vậy của sức mạnh Mỹ », « vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ đã chấm dứt. Không phải do ‘‘sự suy yếu của Mỹ’’ hay sự trỗi dậy của một thế giới đa cực hay do các hành động của các đối thủ của Mỹ, mà nó chấm dứt do tổng thống Donald Trump đã muốn như vậy ».

Hành động « hủy diệt » của Trump và hy vọng đặt vào các nền dân chủ lớn còn lại

Chuyên gia về Trung Quốc Michael Schuman giải thích: « Gần như tất cả các chính sách của Trump, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đang hủy diệt các nền tảng của sức mạnh Mỹ. Người được hưởng lợi chính là lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã chờ đợi từ lâu thời điểm Washington loạng choạng, cho phép Bắc Kinh thay thế Mỹ trở thành siêu cường ». Michael Schuman nhấn mạnh : « Việc Trump sẵn sàng dâng hành tinh này cho Tập, hay việc ông ta thậm chí không biết điều mình đang làm, cho thấy sự mù lòa của Trump trước các vấn đề của thế giới », « sự ngưỡng mộ của ông ta đối với các lãnh đạo độc đoán » đang đặt an ninh của thế giới nói chung « vào tình trạng nguy hiểm, và cùng với điều này là cả tương lai của nước Mỹ ».

Chuyên gia về Trung Quốc Michael Schuman lưu ý đến hai hệ quả chính của lối hành xử kiểu Trump. Thứ nhất là tổng thống thứ 47 của nước Mỹ đã « hủy hoại những nỗ lực của người tiền nhiệm Joe Biden trong việc ngăn chặn Trung Quốc và nước Nga, đồng minh tình thế của Bắc Kinh ». Hậu thuẫn của chính quyền tiền nhiệm dành cho Ukraina đã từng buộc Nga phải cầu viện đến Bắc Triều Tiên về quân sự để có thể tiếp tục cuộc xâm lăng Ukraina, cũng như nỗ lực của Washington dành cho Israel với mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông có nguy cơ hỏng việc, sau khi Trump tuyên bố muốn trục xuất người dân Palestine, nạn nhân chiến tranh ra khỏi dải Gaza, để biến nơi này thành một thiên đường du lịch, gây phẫn nộ tại khu vực. Việc Trump rút Mỹ ra khỏi một loạt các định chế quốc tế trụ cột, như Tổ chức Y tế Thế giới, Ủy Ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, và đặc biệt là việc giải thể Cơ quan viện trợ phát triển Mỹ USAID khiến cho Trung Quốc có cơ hội trở nên « chỗ dựa thiết yếu với thế giới các nước đang phát triển ».

Hệ quả chính thứ hai mà chuyên gia Michael Schuman rút ra là, trong bối cảnh « các tổn thất » quốc tế mà chính quyền Trump gây ra có nguy cơ là « không thể khắc phục được », niềm hy vọng giờ đây đặt vào các nền dân chủ lớn tại châu Âu và châu Á, với các nước như Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản hay Anh Quốc trong việc « lấp được khoảng trống quyền lực mà Trump đã tạo ra, và để Trung Quốc khó bề lấn tới ».

Các cộng sự diều hâu của Trump và « Thỏa thuận với quỷ dữ » 

Cũng trong bài tổng thuật nói trên, nhà báo Pierre-Antoine Donnet nêu bật một khía cạnh đáng chú ý khác trong hành xử của Donald Trump với Trung Quốc. Một bài phân tích trên bán nguyệt san chính trị Mỹ Foreign Policy, hôm 18/02, chỉ ra tính chất mâu thuẫn trong đường lối « đầy bí ẩn » của Trump : Một mặt Trump đặt « các nhân vật có tư tưởng diều hâu với Trung Quốc » vào các vị trí chủ chốt như Ủy ban An ninh Quốc gia, bộ Ngoại Giao, hay bộ Quốc Phòng, điều cho thấy chính sách với Trung Quốc của Trump nhiệm kỳ 2 rất có thể sẽ là quyết liệt với Trung Quốc hơn là Trump nhiệm kỳ thứ nhất. Ngược lại, mặt khác, bản năng kiểu nhà buôn có đi có lại của Trump rất có thể sẽ khiến tổng thống Mỹ chọn cách hành động theo hướng « hoàn toàn có lợi cho Tập Cận Bình ».

Theo tác giả của Foreign Policy, « các nhân vật có tư tưởng diều hâu với Trung Quốc » đã ký « một thỏa thuận với quỷ dữ » (un pacte faustien). Những người lo ngại Bắc Kinh vượt mặt Washington và không tin vào chính sách của phe Dân Chủ, đã phó thác linh hồn cho nhà lãnh đạo tiền hậu bất nhất này trong cuộc đối đầu thế kỷ với Trung Quốc, mà họ tin tưởng là cần đến một chính sách cứng rắn hơn, và chỉ có Trump là có thể làm được điều này.

Mưu đồ thống trị thế giới cùng Trung – Nga với « Yalta 2.0 » ?

Nguy cơ Trump mưu đồ liên kết với Nga và Trung Quốc để thống trị thế giới là điều mà báo Nhật Nikkei Asia lo ngại. Theo cây bút xã luận Katsuji Nakazawa, tổng thống Mỹ có thể lợi dụng cơ hội tìm kiếm giải pháp chấm dứt chiến tranh tại Ukraina để xác lập một thỏa thuận chia vùng ảnh hưởng trên thế giới, thỏa thuận được ví như một «Yalta 2.0 », ngụ ý so sánh với ý nghĩa địa-chính trị to lớn với thế giới của thỏa thuận Yalta năm 1945 giữa ba cường quốc thắng trận trong Thế chiến Hai. Nhưng lần này không phải là Mỹ phân vùng ảnh hưởng với Liên Xô, cùng Anh, mà là Mỹ với Nga và Trung Quốc.

Cây xã luận của Nikkei Asia nhận định : « năm 1945 (thủ tướng Anh) Churchill, (tổng thống Mỹ) Roosevelt, và (lãnh đạo Liên Xô) Staline đã đưa thế giới vào một lộ trình kéo dài trong nhiều thập niên sau đó. Các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong hiện tại đang có mục tiêu mở ra cánh cửa cho việc Tập Cận Bình trở thành đồng kiến trúc sư của một Yalta mới và một trật tự thế giới mới, thay thế cho kiến trúc hiện hành, tồn tại từ sau Thế chiến Hai ».

Tác giả nhấn mạnh là cách thức mà chiến tranh tại Ukraina kết thúc « sẽ quyết định ai là thế lực chủ chốt trong trật tự thế giới mới đang định hình ». Theo Nikkei Asia, « ba lãnh đạo mới » sẽ là Trump, Tập và Putin. Về viễn cảnh chính quyền Trump để ngỏ cho Bắc Kinh tham gia vào cuộc đổi chác với Putin, trong tư cách « một bên kiến tạo hòa bình » có vai trò hàng đầu, nếu xảy ra, điều này sẽ giúp cho chế độ Tập Cận Bình « lấy lại được uy tín chính trị đã mất trong nước, khi kinh tế Trung Quốc chìm trong trì trệ ».

Cơ hội thao túng châu Âu của Trung Quốc

Chính sách bất nhất của tổng thống Mỹ, sẵn sàng hy sinh đồng minh để kiếm lợi trước mắt, gây lo sợ cho châu Âu, có thể để ngỏ nhiều cơ hội cho Trung Quốc thao túng Lục địa già. Trên mạng Asia Sentinel, có trụ sở tại Mỹ, chuyên gia về Trung Quốc Mathieu Duchatel, Viện tư vấn Montaigne, chú ý đến các nỗ lực ngoại giao lôi kéo châu Âu của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich giữa tháng 2/2025.

Nhà nghiên cứu này cảnh báo các nước châu Âu trong lúc cần đa dạng hóa các quan hệ hợp tác, cần tránh bị ru ngủ trong các ảo tưởng về Trung Quốc, tránh tham những cái lợi nhỏ, lợi ích trước mắt trong hợp tác với Trung Quốc mà sao lãng điều chính yếu là củng cố nội lực « có ý nghĩa chiến lược », về công nghiệp, về sáng chế hay về an ninh.

…  và « phát biểu về Đài Loan » của Macron

Mathieu Duchatel nhấn mạnh đến một phát biểu « bất thường » liên quan đến Đài Loan của tổng thống Pháp với công chúng trong cuộc đối thoại trên mạng xã hội hồi tuần trước. Tổng thống Emmanuel Macron, trước chuyến công du Mỹ, báo trước với người Pháp, ông sẽ kêu gọi tổng thống Trump không được tỏ ra « yếu đuối », nhân nhượng Putin. Luận điểm được tổng thống Pháp đưa ra với hy vọng thuyết phục tổng thống Mỹ về một tầm nhìn toàn cầu, đó là : « Làm thế nào để giải thích rằng Trung Quốc không có quyền xâm chiếm Đài Loan khi nước Nga có quyền xâm lược Ukraina ? ».

Phát biểu của tổng thống Macron được chuyên gia Pháp ghi nhận là hoàn toàn khác với thái độ có phần thỏa hiệp với Trung Quốc của nguyên thủ Pháp trước đây, về những gì liên quan đến chủ đề nhạy cảm này.

Bài tổng thuật của nhà báo Pierre-Antoine Donnet khép lại với nhận định đầy lo ngại về nguy cơ nước Mỹ dưới quyền lãnh đạo của Trump đang mở ra những thỏa hiệp vô cùng nguy hiểm với các chế độ độc tài toàn trị.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here