GIỜ CỦA SỰ THẬT: DỰ ÁN MỎ MỸ-UKRAINA ĐỔ BỂ, ĐỨC MUỐN DỰA ”Ô HẠT NHÂN” PHÁP

1
35
Tổng thống Donald Trump (P) và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng, ngày 28/02/2025. AP - Mystyslav Chernov

Dự án khai mỏ Ukraina từng được hy vọng làm cầu nối Kiev – Washington

Chính sách với Ukraina quay ngoắt 180° của Trump so với chính quyền tiền nhiệm gây lo ngại tại Đài Loan trước nguy cơ Trung Quốc khai thác cơ hội để lấn tới. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

*****

Dự án thỏa thuận với Mỹ về khai thác khoáng tại Ukraina đổi lại Washington tham gia bảo đảm về an ninh cho Kiev sau khi chiến tranh chấm dứt là tiêu điểm thời sự quốc tế tuần qua. Ngày thứ Hai, 24/02/2025, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đích thân đến Nhà Trắng với mục tiêu chính là vận động tổng thống Donald Trump không bỏ rơi Kiev. Ngày 27/02, thủ tướng Anh Keir Steimer đến Washington D.C. với cùng mục tiêu.

Dự án nhượng một phần lớn nguồn khoáng sản tại Ukraina cho Mỹ đã được chính quyền Kiev đề xuất từ hồi mùa thu năm ngoái trong chuyến công du Mỹ của tổng thống Volodymyr Zelensky. Chính quyền Ukraina và một số thế lực trong đảng Cộng Hòa hy vọng thỏa thuận hai bên cùng có lợi này sẽ cho phép nước Mỹ, trong trường hợp Trump trở lại, tiếp tục hậu thuẫn Ukraina về quân sự. Sau hai tuần lễ thương lượng căng thẳng, hai bên dường như đã đạt được « một thỏa thuận khung » về khai thác khoáng sản gắn với một Quỹ tái thiết Ukraina do Mỹ – Ukraina đồng chủ trì.

Ngày 28/02 được kỳ vọng sẽ là dịp ký kết thỏa thuận, mà theo Washington là một điều kiện căn bản mở đường cho việc chấm dứt chiến tranh với Nga. Tuy nhiên, cuộc gặp Trump – Zelensky tại Nhà Trắng rút cục đã biến thành một cuộc đấu khẩu. Họp báo bị hủy, Nhà Trắng yêu cầu đoàn của tổng thống Zenlensky về sớm. Thỏa thuận sụp đổ.

Những người ủng hộ tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tập hợp bên ngoài Nhà Trắng, Washington, ngày 28/2/2025. AP – Jose Luis Magana

Hai quan điểm đối lập về « hòa bình » và thất bại « được báo trước »

Với chính quyền Trump, lỗi thuộc về bên tổng thống Zelensky, bị lên án đã không thực sự mong muốn « hòa bình », thậm chí bị coi là có trách nhiệm về nguy cơ bùng nổ một cuộc « Đại chiến thế giới thứ ba ». Tuy nhiên, quan niệm của Kiev về « hòa bình » là khác hẳn với Mỹ. « Hòa bình » không chỉ là « đình chiến ». Một nền hòa bình lâu bền phải có được sự bảo đảm an ninh của các cường quốc, để Nga không dám tấn công trở lại. Như vậy, mấu chốt của thất bại, với Kiev, là do phía Mỹ đã không đưa ra bất cứ một đảm bảo rõ ràng nào về an ninh, ngoại trừ việc ngầm định rằng việc kinh doanh của các công ty khai thác Mỹ tại Ukraina trong tương lai được coi là biện pháp ngăn ngừa mọi mưu toan xâm lược lần nữa của Nga.

Trả lời đài Pháp France Info, nhà chính trị học Nicolas Tenzer nêu ra một số lý do chính khiến thất bại nói trên là điều hoàn toàn có thể dự đoán :

« Diễn biến này là hoàn toàn có thể hình dung trước, tất nhiên không phải là đến từng chi tiết. Nhưng thái độ của Trump và của phó tổng thống J.D. Vance đối với tổng thống Ukraina Zelensky rõ ràng là sự tiếp nối của hai lập trường căn bản. Thứ nhất là nước Mỹ của Trump thể hiện lập trường tương tự như lãnh đạo Nga Putin. Không chút lưỡng lự ! Họ còn hơn cả giống nhau nữa ! Có thể nói, trên thực tế, cả hai đều thể hiện là kẻ thù của Ukraina, và như vậy cũng là kẻ thù của châu Âu, của Thế giới Tự do.

Điều thứ hai là Trump không có bất cứ sự tôn trọng nào đối với luật pháp, luật pháp quốc tế. Luật pháp không có ý nghĩa gì với ông ta cả ! Đối với ông ta, không có sự khác biệt giữa nạn nhân và thủ phạm, giữa kẻ hành hung và người bị hành hung. Mọi thứ đều chỉ là tương quan sức mạnh. Đối với ông ta, sẽ không có chuyện xét xử Putin và các đồng sự về các tội ác, theo luật pháp quốc tế về nhân đạo. Trong đầu óc ông ta, thậm chí không có khái niệm về tội ác.

Bên cạnh đó là thái độ khinh bỉ của nước Mỹ của Trump đối với các dân tộc bị coi là nước nhỏ, hoặc tầm trung. Với Trump, việc tiếp một nhân vật, một người được coi là anh hùng của Ukraina, hoàn toàn không mang lại một giá trị tinh thần nào. Đối với ông ta, những quy tắc đạo lý tối thiểu trên thực tế hoàn toàn không tồn tại ! »

Kiev cố duy trì quan hệ mong manh với Mỹ, hy vọng không bị cắt hoàn toàn vũ khí

Châu Âu nói chung và Ukraina nói riêng đang trong tình thế đi dây trong quan hệ với Mỹ. Trước chuyến đi Washington bị coi là thất bại, tổng thống Ukraina hoàn toàn không ảo tưởng. Zelensky nói thẳng là dự án thỏa thuận khai mỏ « có thể đại thắng, nhưng cũng có thể bị bác bỏ hoàn toàn », và điều này « phụ thuộc vào các thương lượng » với Trump.

Bất chấp cuộc họp đổ vỡ căng thẳng tại Nhà Trắng, tổng thống Ukraina đã cảm ơn nước Mỹ trong một tin nhắn trên X: « Cảm ơn sự hỗ trợ của các bạn, cảm ơn vì chuyến đi này (…) Ukraina cần một nền hòa bình công bằng và lâu dài, và chúng tôi đang nỗ lực cho điều đó. » Sau cuộc gặp Zelensky – Trump, tổng thống Pháp một mặt khẳng định đứng hoàn toàn về phía chính nghĩa của Ukraina trong cuộc chiến chống xâm lăng, mặt khác kêu gọi hai bên bình tĩnh. Ông Macron cho biết đã điện đàm với hai tổng thống Mỹ và Ukraina. Tổng thư ký NATO Mark Rutte kêu gọi tổng thống Ukraina nỗ lực « tái lập quan hệ » với Trump.

Trả lời AFP, chuyên gia Brian Finucane, thuộc International Crisis Group, cho biết mối quan tâm lớn của Kiev hiện nay là làm sao để Mỹ không cắt hoàn toàn các khoản viện trợ quân sự, đã được lên kế hoạch dưới thời Biden. Hiện tại Trump chưa quyết định cắt, nhưng theo nhà phân tích chính trị kỳ cựu Ukraina, Volodymyr Fesenko, giám đốc trung tâm tư vấn Penta, « việc cắt đứt này sớm muộn cũng sẽ xảy ra ».

Châu Âu : Nạn nhân của sự « phản bội » hay lãnh đạo tương lai của « Thế giới Tự do » ?

Sự đổ vỡ của thỏa thuận khai khoáng Mỹ – Ukraina, gây nhiều thất vọng với không ít người, trên thực tế chỉ là một trong số hàng loạt sự kiện nối tiếp nhau, hệ quả của việc chính quyền Trump đảo chính sách trong quan hệ với các đồng minh châu Âu. Cuộc điện đàm Trump – Putin ngày 12/02, phát biểu của các lãnh đạo Mỹ tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich hồi giữa tháng cho thấy chính quyền Trump về nhiều điểm gần gũi với Nga hơn với châu Âu.

Châu Âu thấy bị Mỹ « phản bội » sau cuộc điện đàm Trump – Putin, mà tổng thống Mỹ đã tỏ ra nhân nhượng với Nga trên lưng châu Âu. Cảm giác bị phản bội với châu Âu càng thêm rõ ràng với việc Mỹ hoàn toàn đứng về lập trường của Nga trong ba nghị quyết Liên Hiệp Quốc về chiến tranh tại Ukraina hôm 24/02, dịp tròn 3 năm cuộc xâm lăng. Bỏ phiếu chống nghị quyết cùng với Matxcơva tại Đại Hội Đồng lên án Nga xâm lược Ukraina, và bỏ phiếu thuận cùng Matxcơva trong nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An kêu gọi chấm dứt chiến tranh, nhưng không nhắc đến toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Nhiều nhà ngoại giao châu Âu lo ngại tình hình sẽ còn tệ hơn với việc Mỹ phối hợp cùng Nga đệ trình một dự thảo nghị quyết chấm dứt chiến tranh tại Ukraina, theo quan điểm của Trump và Putin. Vật cực tắc phản : bị đẩy vào chân tường, châu Âu được đặt trước đòi hỏi thay đổi triệt để. Sau cuộc đàm phán đổ vỡ Trump – Zelensky, lãnh đạo ngoại giao châu Âu tuyên bố : « Điều đã trở nên rõ ràng là thế giới tự do cần đến một lãnh đạo mới. Chính chúng ta, những người châu Âu phải đứng lên hóa giải thách thức này. »

Đức muốn « ô hạt nhân » của Paris, Pháp kêu gọi châu Âu tăng tốc « tự chủ quốc phòng »

Trong bối cảnh này, nhiều nước châu Âu và trước hết là Đức, tăng tốc thúc đẩy việc xây dựng nền quốc phòng chung. Thủ tướng tương lai Đức, ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng Dân Chủ – Thiên Chúa Giáo Đức, về đầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội 23/02, ngỏ ý sẵn sàng đặt nước Đức dưới sự bảo trợ hạt nhân của láng giềng Pháp. Theo giới quan sát, đây là một « tuyên bố mang tính lịch sử ».

Chính phủ Pháp hôm 01/03 đã kêu gọi Liên Âu « lấy lại quyền tự chủ hoàn toàn » trong lĩnh vực quốc phòng, đồng thời cho biết muốn huy động thêm đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Tuyên bố được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh tại Bruxelles vào tuần tới về Ukraina và các vấn đề an ninh châu Âu. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Eric Lombard, trong một cuộc trả lời phỏng báo Le Parisien, nhấn mạnh đến việc cần khẳng định « quyền tự chủ chiến lược của châu Âu trong NATO, mà vai trò của khối này trong hiện tại chưa bị tổng thống Trump phủ nhận ».

Tàu ngầm hạt nhân lớp Rubis của Pháp (tàu bảo vệ tàu sân bay Charles de Gaulle) tại căn cứ hải quân Toulon ở miền nam nước Pháp, ngày 15/04/2024. AP – Daniel Cole

Trả lời ban quốc tế đài RFI, tướng Dominique Trinquand, chuyên gia về các vấn đề địa-chiến lược, nhận định : « Cũng cần nhớ lại đây không phải chỉ là đề nghị của tổng thống Macron, mà của cả nhiều tổng thống tiền nhiệm. Cho đến nay, chưa có một quốc gia châu Âu nào đáp ứng đề nghị của Pháp, bởi tất cả đều dựa vào ô hạt nhân của Mỹ. Đây là lần đầu tiên thủ tướng tương lai của Đức đã nêu khả năng này. Tôi tin rằng đây là một thay đổi lớn tại châu Âu.

Ô hạt nhân không phải là việc thiết lập các cơ sở vũ khí hạt nhân tại nước Đức hay nơi khác, do bởi phần cơ bản của lực lượng hạt nhân của Pháp dựa vào các tàu ngầm hạt nhân ở Đại Tây Dương. Dĩ nhiên, sẽ có các thảo luận giữa các nước châu Âu và Pháp về chủ đề này, nhưng điều đó không có nghĩa là việc bấm nút hạt nhân phải cần đến quyết định của 27 nước. Ô hạt nhân có nghĩa là sức mạnh răn đe hạt nhân Pháp sẽ được mở rộng sang các nước châu Âu, nhưng luôn do Pháp chỉ huy.

Quá trình xây dựng nền quốc phòng châu Âu đang được thúc đẩy nhanh chóng do hai đòn đau điếng. Thứ nhất là việc Nga tấn công Ukraina từ 3 năm nay. Châu Âu đã thức tỉnh, tăng ngân sách quốc phòng và quyết định tổ chức tốt hơn nền quốc phòng. Đòn đau điếng thứ hai dĩ nhiên là việc Trump lên nắm quyền, có thể ví như một cú đạp mạnh buộc châu Âu phải gia tốc. Cuộc chiến tranh ở phía đông châu Âu, và việc Trump lên nắm quyền là hai tác nhân buộc châu Âu tăng tốc xây dựng, không phải trong một vài thập niên mà chỉ trong một vài năm, một nền quốc phòng tự trị của châu Âu. »

Nga tranh thủ « quan hệ » với Mỹ cùng lúc siết chặt hợp tác với Trung Quốc

Việc chính quyền Trump muốn nhanh chóng cải thiện quan hệ với Nga được đón nhận ra sao từ phía Matxcơva ? Trong tuần qua, hai bên đã có các đàm phán lần thứ hai tại Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung vào việc tái lập quan hệ ngoại giao bình thường, Matxcơva đề xuất mở đường bay trở lại, cùng với việc khẳng định không chấp nhận các nhân nhượng về các vùng lãnh thổ đã chiếm được tại Ukraina.

Một số người so việc chính quyền Trump cải thiện quan hệ với Nga như chính quyền thời Nixon thiết lập quan hệ với Trung Quốc, để cô lập Liên Xô. Tuy nhiên, đây là một « đánh giá sai lầm về lịch sử », vì thời Nixon, thế lực Trung Quốc còn « yếu », và Bắc Kinh « bị cô lập », và đang lo sợ bị Nga tấn công, theo chuyên gia Elizabeth Wishnick, thuộc Viện Weatherhead East Asian Institute, Đại học Columbia. Giờ đây Trung Quốc là một siêu cường thứ hai thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ, và đang có mối quan hệ mật thiết với Nga.

Chuyên gia Alexander Gabuev, giám đốc trung tâm Centre Carnegie Russie Eurasie, có trụ sở tại Berlin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn AFP, cũng lưu ý đến khả năng Matxcơva chắc chắn có thủ đoạn « để khiến tổng thống Mỹ tin rằng Matxcơva có thể giữ khoảng cách với Trung Quốc ».

Trả lời ban quốc tế đài RFI, chuyên gia Emmanuel Véron, Viện INALCO, nhấn mạnh:

« Các liên hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh trong thời điểm hiện nay là hết sức mạnh mẽ, hết sức mang tính hệ thống và hết sức sâu sắc. Chúng ta thấy qua chuyến công du của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Shoigu, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga đến Bắc Kinh mới đây để bàn về các vấn đề chiến lược và quân sự, và có thể về chính trị, nhưng trước hết là về chiến lược quân sự, có nghĩa là lập trường của hai bên về các hợp tác, trao đổi…trong lĩnh vực quân sự.

Dĩ nhiên là có sự đảo ngược trong chính sách của Mỹ, với mục tiêu tìm cách tách Nga ra khỏi Trung Quốc. Nhưng trong hiện tại, điều này chưa xảy ra. Điều rõ ràng là Matxcơva sẽ bắt cá hai tay. Về việc này Bắc Kinh có thể lo ngại ở một mức độ nhất định, nhưng Trung Quốc tin tưởng vào mối quan hệ bền chặt song phương. Do đó mà có việc Bắc Kinh tiếp Soigu tại Trung Quốc ».

Theo chuyên gia Elizabeth Wishnick, Đại học Columbia, đối với Trung Quốc, « kịch bản tối ưu sẽ là một nước Nga duy trì được các lợi ích lãnh thổ ở Ukraina và tái hòa nhập cộng đồng quốc tế ». « Kịch bản tối ưu » của Trung Quốc cũng dường như cũng là mục tiêu của tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, ông Donald Trump.

Phiên họp nội các đầu tiên của chính quyền Trump: Mỹ thờ ơ với việc bảo vệ Đài Loan

Ngoài các nước châu Âu, có lẽ ít nơi nào chú ý đến chính sách an ninh quốc tế của tổng thống Mỹ như Đài Loan. Trong tuần qua, lần đầu tiên kể từ khi lên cầm quyền, chính quyền Trump có cuộc họp nội các. Donald Trump tỏ thái độ hờ hững trước đe dọa của Trung Quốc với Đài Loan.

Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

« Trái ngược với cuộc họp hàng tuần của Hội đồng Bộ trưởng Pháp, vốn là cuộc họp làm việc, cuộc họp nội các Mỹ, được tổ chức giãn cách hơn, chủ yếu là vì mục tiêu truyền thông. Tổng thống Donald Trump không hề ngần ngại.Trump xác nhận tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ tới Washington vào thứ Sáu này để ký kết một thỏa thuận về đất hiếm và khoáng sản Ukraina. Tuy nhiên, Trump cho biết Mỹ sẽ không cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine trong các cuộc đàm phán đang tiến hành với Nga để chấm dứt chiến tranh.

Đối với tổng thống Mỹ, đấy là trách nhiệm của châu Âu,trong lúc các nước châu Âu vẫn tìm cách đạt được một số bảo đảm về an ninh cho Ukraina từ Washington.Tuy nhiên, những gì họ nhận được cho đến nay chủ yếu là đe dọa về chiến tranh thương mại và những lời lẽ hoa mỹ.Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế hải quan lên tới 25% đối với các sản phẩm từ LiênÂu, khối nướcTrump cho là đã được lập ra để bóc lột Mỹ.

Donald Trump cũng nói thêm với một người bạn truyền thống khác của Mỹ rằng Hoa Kỳ không hề có ý định cam kết sẽ ngăn chặn Trung Quốc chiếm Đài Loan bằng vũ lực.Ngược lại, Trump còn khoe về mối quan hệ tuyệt vời của cá nhân ông với nhân vật số 1 Trung Quốc Tập Cận Bình. »

Thái độ của Trump với Ukraina khiến người Đài Loan lo ngại

Trả lời hãng tin Đức DW, ông Vương Định Vũ (Wang Ting-yu), chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại và Quốc phòng Đài Loan, cho biết « lòng tin trong tương lai giữa Hoa Kỳ và các đồng minh ở Châu Á là mối quan tâm lớn nhất của ông ». Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại và Quốc phòng Đài Loan chú ý đến tình trạng « chính phủ thiểu số ở Nhật Bản », « khoảng trống quyền lực ở Hàn Quốc » sau nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của tổng thống Yoon Suk Yeol, và « sự chia rẽ sâu sắc » giữa tổng thống Philippines Ferdinant Marcos và phó tổng thống Sara Duterte là những nguồn bất ổn tiềm tàng tại các quốc gia có Hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ.

Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại và Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh : « Nếu có bất cứ điều gì phá hoại lòng tin giữa các đồng minh này với Hoa Kỳ hoặc Châu Âu, thì họ sẽ xích lại gần Bắc Kinh hơn. Bất cứ điều gì làm suy yếu lòng tin đó sẽ làm thay đổi thực trạng trong khu vực, và thay đổi đó sẽ không thể đảo chiều trong nhiều năm ».

Amanda Hsiao, giám đốc bộ phận về Trung Quốc  của Eurasia Group, cho biết lập trường của Trump sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào Mỹ ở Đài Loan : « Nếu một phần dân cư Đài Loan mất lòng tin sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng răn đe quân sự, và duy trì động lực xây dựng nền quốc phòng của Đài Loan ».

Hãng tin Mỹ AP dẫn lời ông Daniel Russel, người từng giữ các vị trí cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia và bộ Ngoại Giao Mỹ, theo đó chính sách tiền hậu bất nhất, rất khó lường của Donald Trump khiến Trung Quốc có thể đẩy mạnh các chính sách chống Đài Loan, và làm giảm mạnh mức độ tin cậy của các đồng minh của Mỹ tại châu Á. Các đồng minh thậm chí có thể xem xét lại việc phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ.

Biểu tình ủng hộ Ukraina tại Đài Loan nhân một năm cuộc xâm lược Ukraina của Nga, Quảng trường Tự do ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 25/02/2023. AP – ChiangYing-ying

1 COMMENT

  1. I have been absent for some time, but now I remember why I used to love this website. Thanks , I’ll try and check back more frequently. How frequently you update your site?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here