Sự học, mồ hôi, và nước mắt

    0
    849
    Air Force Chief of Staff Gen. David L. Goldfein bags groceries for an Airman at the commissary on Ramstein Air Base, Germany, Aug. 21, 2017. Gen. Goldfein worked as a bagger at the Ramstein commissary as a teenager. He passed through Ramstein on his way back to the states after visiting Airmen at several locations in the Middle East. (U.S. Air Force photo by Tech. Sgt. Sharida Jackson)

    Trân Văn

    Tuần trước, Kaiserslautern America – tờ tuần báo phục vụ cộng đồng quân nhân, nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ và gia đình của họ tại Tây Bắc nước Đức – vừa có một phóng sự ngắn về sự kiện Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không lực Mỹ đến thăm Ramstein Air Base (căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở hải ngoại).

    Theo đó, trên đường từ Trung Đông trở về Mỹ, ngoài chuyện làm việc với giới chỉ huy Ramstein Air Base, tướng Goldfein còn ghé commissary (chợ thực phẩm và tạp phẩm trong các căn cứ quân sự của Mỹ) ở Ramstein Air Base để thăm lại nơi ông từng làm bagger cách nay gần năm thập niên.

    Bagger là lối dân Mỹ gọi người chuyên gom hàng hóa mà khách đã mua để cho vào bọc trước khi khách rời khỏi quầy tính tiền. Không giống như những ngôi chợ khác, bagger ở các commissary không phải nhân viên mà chỉ là những người tình nguyện trợ giúp khách hàng, thành ra họ không được trả lương, thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào tiền thưởng (tip) từ khách. Đó là lý do commissary nào cũng có hàng chữ lưu ý khách: “Baggers work for tips only” (các bagger chỉ có tiền thưởng).

    Kaiserslautern America không kể gì về cha của ông tướng bốn sao hiện là Tham mưu trưởng Không lực Mỹ mà chỉ cho biết ông ta cũng là quân nhân, từng được điều động từ Mỹ đến Kaiserslautern, phục vụ tại Ramstein Air Base hồi thập niên 1970. Trong thời gian sống cùng gia đình tại Kaiserslautern, cậu bé David L. Goldfein vừa đi học, vừa làm bagger tại Commissary của Ramstein Air Base để kiếm thêm tiền…

    Tướng Goldfein tâm tình, bagger là công việc đầu tiên trong cuộc đời của ông và trong chuyến thăm lại nơi làm việc đầu tiên của mình, tướng Goldfein tỏ ra rất sung sướng khi gặp lại Charlie Searchwell – người điều hành nhóm bagger tại Commissary ở Ramstein Air Base, vốn đã từng là xếp của David L. Goldfein gần 50 năm trước.

    Ông Searchwell – giờ râu tóc đã bạc trắng vẫn còn nhớ bagger David L. Goldfein. Ông Searchwell nói thêm rằng, tướng Goldfein không phải là trường hợp cá biệt, nhiều chuyên viên cao cấp, cũng như sĩ quan cấp tá khác của quân đội Mỹ đã đến Commissary của Ramstein Air Base, thăm lại nơi họ từng là bagger.

    ***

    Cũng tuần trước, Thanh Niên – một nhật báo tại Việt Nam – đăng “Cử nhân chạy xe ôm”. “Cử nhân chạy xe ôm” vốn là đề tài cũ nhưng vẫn được dành cho một khoảnh trên tờ Thanh Niên có thể chỉ vì nó giới thiệu thêm nhiều bi kịch cá nhân mới. Tại Việt Nam, con số tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thậm chí cao học nhưng thất nghiệp càng ngày càng nhiều. Hồi hạ tuần tháng ba vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Việt Nam công bố thống kê về tình trạng thất nghiệp trong quý 4 năm 2016. Theo đó, vấn nạn thất nghiệp của nhóm có học vấn cao càng ngày càng trầm trọng. So với quý 3 năm 2016, trong quý 4 năm 2016, có thêm hàng chục ngàn người trong nhóm học vấn cao thất nghiệp, tỉ lệ thấp nghiệp của của nhóm có học vấn cao chiếm tới 42,5% tổng số người thất nghiệp (1,11 triệu người). Tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam có 218.800 người có học vấn cao thất nghiệp song đó chưa phải là con số cuối cùng. Người ta dự đoán, năm nay, sẽ có thêm chừng 200.000 người thuộc nhóm học vấn cao thất nghiệp.

    Vài năm gần đây, tình trạng có học vấn cao nhưng thất nghiệp được các “chuyên gia” và hệ thống truyền thông Việt Nam giải thích là do… cha mẹ đương sự và chính đương sự lệch lạc về mặt nhận thức, sính bằng cấp, chỉ thích làm “thầy” chứ không không muốn làm “thợ” và do… hệ thống, chương trình đào tạo lạc hậu, không bắt kịp chuyển động của thị trường lao động. Một số “chuyên gia” và cơ quan truyền thông còn lên án những cá nhân thuộc nhóm có học vấn cao đang thất nghiệp là thiếu cố gắng tự đào tạo, tự thích nghi…

    Trong bối cảnh học vấn càng cao, càng dễ thất nghiệp, trên hệ thống truyền thông Việt Nam, những tấm gương hiếu học, những câu chuyện về sự hy sinh cho con cái có thể đeo đuổi con đường học vấn càng ngày càng ít. Điều này tuy bất thường nhưng dễ hiểu. Khi nỗ lực học hành không còn là lối thoát để thay đổi số phận, chẳng phải hàng trăm ngàn cá nhân mà còn có thêm hàng trăm ngàn gia đình tuyệt vọng.

    ***

    Tháng 4 năm 2013, bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ngụ tại xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau treo cổ, tự kết liễu sinh mạng của mình. Lý do khiến người phụ nữ này hành động như vậy là vì bà bị bệnh nan y, còn Đinh Công Bằng – đứa con trai lớn đang theo học Cao đẳng Dầu khí tại thành phố Vũng Tàu có thể phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Trong thư tuyệt mệnh, bà Nhân bày tỏ hi vọng sau cái chết của bà, tổng thu nhập/tháng của cả gia đình sẽ giảm, nhờ vậy sẽ hội đủ tiêu chuẩn của một “gia đình nghèo”, ba đứa con của bà sẽ được giảm hoặc miễn học phí. Bà Nhân xin các con đừng trách mẹ mà phải gắng học, vươn lên

    Tháng 8 năm 2013, nhiều tờ báo ở Việt Nam cùng kể về ông Nguyễn Hữu Định – một nông dân nghèo, bỏ quê tìm về Hà Nội để bốc vác, khi kiệt sức thì chuyển qua sửa xe để có tiền nuôi bốn đứa con ăn học. Mười năm mưu sinh tại Hà Nội là mười năm ông Định trú trong một ống cống bằng bê tông, đường kính 1,2 mét. Trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2013 tại Việt Nam, hai đứa con trai song sinh của ông Định trở thành thủ khoa, một của Đại học Y Hà Nội, một của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước đó, cô con gái lớn của ông Định đã giành được một chỗ trong Đại học Khoa học xã hội – Nhân văn Hà Nội, cô con gái thứ hai thì giành được một chỗ trong Cao đẳng Giao thông – Vận tải

    Sự học của ba đứa con bà Ngân, bốn đứa con ông Định đâu chỉ có mồ hôi, nước mắt mà còn nhuốm cả máu của những bậc sinh thành. Hàng chục triệu người Việt thuộc nhiều thế hệ đã đi hết con đường học vấn trải bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu như vậy. Cha mẹ càng nghèo, việc học hành của con cái càng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt.

    Thời nào và ở đâu người ta cũng tin học vấn và cố gắng vươn lên không ngưng nghỉ là con đường tốt nhất giúp cá nhân thoát khỏi đói nghèo, thành đạt. Đó cũng là lý do giúp David L. Goldfein, vào đời ở vị trị một bagger, sau gần 50 năm trở thành Tham mưu trưởng Không lực Mỹ. Ông tướng bốn sao này chỉ là một trong vô số ví dụ để chứng minh cho chuyện nỗ lực càng cao thành quả gặt hái được càng lớn, bất kể bạn là ai, cha mẹ bạn ra sao.

    ***

    Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, sinh lực, hy vọng của bao nhiêu gia đình đã bị phung phí khi hàng trăm ngàn cá nhân có học vấn cao thất nghiệp? Chẳng có ai thèm thống kê nhưng con số đó chắc chắn rất lớn.

    Thất nghiệp là hệ quả có tính tất nhiên của suy thoái, sản xuất – kinh doanh lụn bại. Suy thoái là con đẻ của chính sách, phương thức điều hành – quản lý kinh tế, xã hội.

    Làm sao Việt Nam có thể thoát khỏi suy thoái khi hệ thống không có chỗ cho nhân tài, việc lựa chọn viên chức các cấp phụ thuộc vào “quy hoạch”, “qui trình” mà xét về bản chất chỉ nhằm hỗ trợ cha con, dâu rể, vợ chồng, anh em, thân bằng quyến thuộc chia nhau các vị trí lãnh đạo một xã, một huyện, một tỉnh, một ngành, thậm chí cất nhắc hàng loạt thuộc hạ vốn là tài xế, bổ nhiệm làm Phó Văn phòng như đã từng xảy ra ở các huyện Nông Cống, Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa năm 2014?

    Hồi tháng 5 vừa qua, trong một báo cáo gửi Quốc hội Việt Nam, chính phủ Việt Nam thừa nhận có 58 trường hợp bổ nhiệm thân nhân làm lãnh đạo tại chín tỉnh, thành phố là: Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ. Báo cáo có hai điểm đáng lưu ý, một là 58 trường hợp đó đều do dân chúng tố giác rồi được báo giới nêu lên như một vấn nạn chứ không phải do hệ thống công quyền phát giác. Hai là dù thừa nhận thực trạng vừa kể làm “dư luận bức xúc” nhưng chính phủ Việt Nam không giải quyết được bất kỳ trường hợp nào. Vào thời điểm đó, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực của chính phủ Việt Nam chỉ hứa “sẽ hoàn thiện” và “thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác cán bộ, nhất là về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu”.

    ***

    Chuyện các chuyên gia và hệ thống truyền thông Việt Nam thi nhau chỉ trích cả những cá nhân có học vấn cao bị thất nghiệp lẫn cha mẹ của họ là cùng bị lệch lạc về mặt nhận thức rõ ràng bất cận nhân tình. Thế nhưng ngẫm kỹ thì lối ngụy biện thiển cận và tàn nhẫn ấy dường như hữu lý. Khi hết thế hệ này đến thế hệ khác chỉ biết “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”, xem “qui hoạch”, “qui trình” tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức như một thứ “mặc định” thì làm sao mà khác được.

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.