Văn Bút Hoa Kỳ vừa lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt điều mà tổ chức này cho là “hành vi sách nhiễu” đối với nhà hoạt động Đặng Thị Huệ và kêu gọi Hà Nội tôn trọng các quyền cơ bản như tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến bất đồng một cách ôn hòa.
“Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) lên án mạnh mẽ hành vi sách nhiễu và đe dọa của chính quyền Việt Nam đối với bà Đặng Thị Huệ, một nhà hoạt động và bình luận viên trực tuyến người Việt Nam”, tổ chức của Mỹ lên tiếng trong thông báongày 21/10. “Nổi tiếng với việc thẳng thắn chỉ trích các chính sách của chính phủ và ủng hộ nhân quyền, bao gồm cả trên Facebook, bà Huệ ngày càng bị sách nhiễu, giám sát và đe dọa nhiều hơn nhằm trấn áp sự bất đồng chính kiến của bà”.
“Việc sách nhiễu bà Đặng Thị Huệ là một lời nhắc nhở rõ ràng về những rủi ro mà những người ở Việt Nam dám lên tiếng và thách thức sự cai trị độc tài của chính phủ phải đối mặt. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay hành vi sách nhiễu bà Đặng Thị Huệ và tôn trọng các quyền cơ bản của bà về tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến ôn hòa”, bà Anh-Thu Vo, giám đốc vận động và nghiên cứu của Văn Bút Hoa Kỳ nêu rõ trong thông báo.
“Không ai phải chịu sự đe dọa hoặc trả thù vì bày tỏ quan điểm của mình, cả trực tuyến hay trên thực tế. Chúng tôi cũng kêu gọi các đối tác nhà nước quan trọng của chính phủ Việt Nam, bao gồm cả chính phủ Hoa Kỳ, ưu tiên quyền tự do ngôn luận trong các cam kết ngoại giao của họ và gây áp lực buộc chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bất kỳ ai bị cầm tù vì việc biểu đạt của họ và chấm dứt hành vi sách nhiễu những người chỉ trích chính quyền”, vẫn bà Anh-Thu Vo.
Bà Đặng Thị Huệ, người từng bị chính quyền bỏ tù do phản đối các trạm thu phí BOT bất hợp lý tại Việt Nam, hôm 22/10 nói với VOA rằng bà “liên tục bị chính quyền sách nhiễu” sau khi bà mãn hạn tù vào đầu năm 2023.
“Ngay từ khi tôi ra khỏi trại giam từ ngày 16/1/2023 đến tháng 5/2023 công an tỉnh Thái Bình bắt đầu có những hoạt động bắt cóc tôi, họ luôn theo dõi mọi di chuyển và hoạt động của tôi, chụp hình tôi gặp người thân, bạn bè”.
“Ngoài việc đàn áp đối với tôi, họ còn gặp gia đình tôi thường xuyên”, bà Huệ đưa ra cáo buộc.
Thẩm vấn trẻ em?
Bà Huệ nhắc lại rằng vào hồi tháng 6/2024 bà đã tạm lánh khỏi địa phương sau khi bà cho là bị công an Thái Bình truy tìm và dọa bắt do đã kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Kể từ đó chính quyền được cho là đã tìm cách dò tìm tung tích của bà.
“Các nguồn tin báo lại cho biết rằng có đến 10 công an quay xung quanh gia đình tôi một cách bí mật để tìm hiểu các hoạt động của tôi ở trong địa phương, họ gặp gỡ cả chồng cũ và con trai của tôi sinh năm 2015 để tìm hiểu xem tôi đã liên lạc và thông tin với con như thế nào để tìm ra nơi ở mà tôi đang tạm thời trốn chạy khỏi địa bàn tỉnh Thái Bình”, vẫn lời bà Huệ.
Một thành viên gia đình bày tỏ sự lo ngại khi con trai 9 tuổi của bà Huệ bị công an dò hỏi thông tin về bà Huệ. Người này không tiết lộ tên vì lý do an ninh.
“Thời gian gần đây công an có hỏi cháu, đến nhà hỏi cháu, cả bố cháu. Gia đình chúng tôi biết vậy thì rất lo lắng bởi vì cháu còn nhỏ chưa ý thức được gì. Khi công an đến hỏi thì tâm lý của cháu rất là sợ sệt. Cháu nói với tôi và mọi người trong nhà rằng công an hỏi mẹ cháu ở đâu thì cả nhà rất lo lắng”.
VOA đã liên lạc với Công an tỉnh Thái Bình và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi của Văn Bút Hoa Kỳ, phát biểu của bà Huệ và của gia đình, nhưng chưa được trả lời.
Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn bác bỏ các cáo buộc cho rằng nước này vi phạm nhân quyền hay giam giữ người bất đồng chính kiến, tù nhân chính trị.
Hà Nội nói rằng họ luôn đảm bảo các quyền căn bản của mọi công dân, và chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Bà Huệ, 44 tuổi, hồi năm 2020 bị chính quyền Việt Nam tuyên phạt 15 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng” sau các hoạt động phản đối nhiều trạm thu phí giao thông theo hình thức “Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao” (BOT) đặt không đúng vị trí hoặc thu quá hạn, trong đó có trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng khi ấy nói rằng bà Huệ cùng một số đối tượng đã “lập các nhóm phản đối Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài, trên nhiều trang mạng xã hội để kích động, kêu gọi mọi người tham gia phản đối…”, cáo buộc rằng hành động của nhóm này đã “làm tê liệt hoạt động bình thường” của trạm thu phí.
Tổ chức nhân quyền Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) ghi nhận: “Sau khi được trả tự do vào đầu năm 2023, bà tiếp tục vận động và bình luận trực tuyến bất chấp sự quấy rối liên tục từ chính quyền. Vào tháng 5/2024, bà bị 6 người bắt cóc trên đường phố, trong đó có một người mặc đồng phục công an và bà bị câu lưu hơn 24 giờ”.
Trong thời gian bị câu lưu, bà bị thẩm vấn về nội dung trên đăng trang Facebook của bà, bị ép phải chấm dứt hỗ trợ các tù nhân lương tâm và gia đình họ, đồng thời bị ra lệnh ngừng đăng nội dung chỉ trích chính phủ trên Facebook, theo Văn Bút Hoa Kỳ.
Hồi tháng 5, tổ chức nhân quyền Dự án 88 (The 88 Project) có trụ sở tại Mỹ, cũng đưa tin rằng bà Đặng Thị Huệ, một cựu tù nhân chính trị, đã bị công an tỉnh Thái Bình “bắt cóc” và thẩm vấn trong 24 giờ mà không có thông báo trước.
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục thi hành luật có bản chất áp bức để dập tắt mọi lời chỉ trích. Điều này đã tạo ra bầu không khí sợ hãi và tự kiểm duyệt, buộc nhiều tác giả, nhà báo, nhà hoạt động phải im lặng hoặc sống lưu vong để tránh bị bỏ tù. Trong bầu không khí áp bức này, những người như bà Huệ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và sự tham gia của xã hội dân sự, bất chấp những rủi ro nghiêm trọng mà họ phải đối mặt”, Văn Bút Hoa Kỳ đưa ra nhận xét.
Strands Hint There is definately a lot to find out about this subject. I like all the points you made