Trump đang tham gia tái thiết thế giới?

0
15

Quốc Bảo

Đọc bài viết “Trump và năm cuộc chiến định vị lại nước Mỹ và thế giới” của ông Hoàng Anh Tuấn mà nhiều người ca ngợi là rất công phu về đánh giá Trump. Tôi thấy cần có ý kiến về những gì tác giả cho rằng Trump đang tham gia tái thiết thế giới. 

1- Mỹ rút ra khỏi các cam kết thương mại toàn cầu mà Trump cho là gây thiệt hại cho Mỹ vì người Mỹ mất việc phổ thông. Dân Mỹ có chọn làm việc phổ thông nữa đâu mà bảo mất vì những TPP. Câu chuyện di dân đâu chỉ có dân di cư được lợi, người Mỹ cũng được lợi khi họ được sử dụng lao động giá rẻ và không còn làm các công việc phổ thông nữa.

Nhưng ngay cả công nghệ cao trong cuộc chiến với TQ cũng khó nhằn. Với phản ứng cấm bán chip cho Huawei. Trump cho rằng đánh công nghệ khiến TQ sẽ ăn đòn, thực tế sẽ chứng minh sớm thôi, Mỹ cũng sẽ ăn đòn. TQ đã chuẩn bị nền tảng công nghệ cao trong 4 thập kỷ qua, bằng học, bẵng nỗ lực đánh cắp công nghệ, bí mật nghiên cứu và quản trị kinh doanh, bằng cách trở thành một phần quan trọng trong hệ thống phân phối tiếp nhận linh kiện, trước khi ra sản phẩm đầu cuối. Intel mới đây đã bán lại phần lớn mảng sản xuất chip cho công ty Hàn Quốc SK Hynix. Mỹ cũng cần bán chip cho TQ chứ đâu chỉ một chiều. Mỹ sẽ sớm nhận ra đây là một thất bại thảm hại về chiến lược. Làm việc phổ thông thì không mà công nghệ cao thì mất việc!

Hiệp định Paris COP-21 mà Mỹ rút là một rủi ro chính trị còn hơn TPP. Lúc debate với Biden, Trump bảo tôi muốn ‘clean air clean water ‘khi được hỏi về quyết định đó. Chúng ta có thể phát giác ra ông ta không biết gì việc này thật, ngoài nghĩa vụ tài chính mà nước Mỹ đóng cho hiệp định này, mà Trump thấy bất xứng. Thực ra thoả ước này không giản đơn như thông điệp không để nhiệt độ toàn cầu tăng quá 2 độ C đến cuối thể kỷ 21. Nó là một chuỗi các hoạt động chính trị để tạo ra thế cân bằng về tăng trưởng kinh tế và môi trường toàn cầu. Mỹ tham gia và hưởng lợi cũng đâu có ít: Nếu các nhà máy sản xuất công nghiệp đang đặt ở Mỹ cả, thì cơ sở nào Obama dám công bố kế hoạch ‘America’s Clean Power Plan’: Các nhà máy điện lực Mỹ kể từ năm 2030 giảm 32 % lượng thải khí CO2. Thực chất chính phủ phải trợ cấp cho các ngành năng lượng tái tạo. Chẳng doanh nghiệp nào làm nổi và làm thay vai trò chính phủ được, khi ta vẫn đang sống trong thời nhiên liệu hoá thạch.

Cần phải thực tế rằng, các hội nghị khí hậu là các thoả ước chính trị mà không dễ gì đạt được đồng thuận của các cường quốc. Nhưng bỏ chạy thì tuyệt nhiên không thể. Mỹ rút chẳng phải vì Mỹ phải đóng nhiều ít mà vì thấy TQ cũng không ậm ừ. Nhưng thay vì đấu tranh, Trump lại chọn cách thoái lui. Thoái lui nghĩa là giúp TQ mạnh lên với việc tăng trưởng mà bỏ qua cam kết chung về phát thải C02, và đi kèm là tăng nhiệt độ. Tự thân ĐCSTQ hiểu và biết rằng ô nhiễm không có lợi! Nhưng họ cần tăng trưởng, và đã đến lúc xuất khẩu ô nhiễm sang các nước nghèo hơn, như VN!

Nên Mỹ rời Parris COP 21 là tự bỏ đi vị thế của mình.

Việc dầu mỏ khá hài hước. Thời Trump chưa làm tổng thống, chính ông ta bức xúc vì sao Mỹ bỏ phí dầu ở Iraq khi Mỹ đã hao người tốn của ở đây. Đến khi làm tổng thống thì ông ta bỏ qua thật. Việc Iran vẫn xuất dầu thô sang TQ, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đều không khó để kiểm chứng. Mỹ cấm đâu có nổi.

Cách duy nhất để ngăn vũ khí huỷ diệt hàng loạt vẫn phải là sự đồng thuận toàn cầu. Rút khỏi P5+1 chỉ làm TQ tự do nhập dầu thô từ Iran hơn mà thôi. Vậy thì ngăn vũ khí hạt nhân bằng cách nào?

2- Hiệp định mới USMCA là bản kế thừa của NAFTA. Tập trung chính để Mỹ bán nông sản. Còn trong lĩnh vực sản xuất ô tô USMCA chỉ để ngăn bớt việc đầu tư sản xuất từ Mỹ sang Mexico với quy định tăng tỉ lệ nội địa hoá lên 75% và đưa công việc sản xuất linh kiện ô tô cho Mỹ (với ràng buộc 45% linh kiện phải được sản xuất tại vùng có lương tối thiểu 16usd/giờ).

Nhưng Mỹ không phải cường quốc xe hơi. Vốn đang thuộc về Đức, Nhật, Hàn, sắp tới có thể là TQ.

USMCA cũng không đề cập gì đến biến đổi khí hậu và không phải là thoả ước mà tác giả ca ngợi Trump cao thủ bởi vì nếu muốn đàm phán với Nhật và EU cô lập TQ ,thì trước tiên người ta phải tiếp chuyện Mỹ cái đã. Đằng này Bộ trưởng Pompeo sang EU có tiếp đâu mà đòi làm ăn.

BTNG Mỹ Pompeo.

3- Chẳng phải tới thời Trump, Mỹ mới đòi xét đi xét lại vai trò LHQ và ngân sách đóng góp cho LHQ. Người nhìn Trump giỏi diễn thuyết có thể khấp khởi vì ông ta dám nói những gì trái truyền thống. Thực chất không phải vậy. Đảng Cộng Hoà đã thiếu thiện cảm với LHQ từ những năm 1980, và các khoản liễm chưa được nộp vẫn là chủ đề muôn thởu. Những năm 1990 chứng kiến việc Mỹ tăng cường kiểm soát LHQ kể cả khi đảng Dân chủ nắm quyền thời Clinton.

Phải nói thêm rằng cuộc chiến chống khủng bố là trọng tâm ngoại giao của Mỹ sau sự việc 11-9-2001. Và nếu mất đi ảnh hưởng trong LHQ, Mỹ sẽ bị bất lợi trong ngoại giao để theo đuổi chính sách trên.

Mỹ cũng không dại dột gì mà đi nộp tiền nhân đạo cho thế giới đâu. Các thoả thuận tài chính đóng góp liên tục được Mỹ thương lượng, thay đổi, đòi hỏi. Trump cũng chỉ tiếp nối, nhưng giỏi diễn thuyết cho cử tri thấy. Dù sao, Mỹ cũng là siêu cường tử tế nhất trong việc thương lượng và đóng liễm.

Tuy vậy, chính người Mỹ sẽ thấy tiếc, vì không tận dụng LHQ để bình định trật tự thế giới trong thời toàn cầu hoá. Có lẽ họ giàu và quá mạnh để quan tâm tới thế giới đang nhỏ lại, và cần một người chủ trò là LHQ, một gia đình của các quốc gia để giải quyết các vấn đề toàn cầu, trong đó có Mỹ. Covid19 hay biến đổi khí hậu không cần visa, và là chuyện của chẳng riêng ai. Không gì là mãi mãi. Bỏ lỡ cơ hội đó, chỉ vài ba thập kỉ qua, TQ chuyên chế đã nổi lên thành siêu cường, bất chấp sự bất ổn nội tại. Trump không thể theo chủ nghĩa đơn phương. HĐBA và Đại hội đồng LHQ vẫn quyết định các vấn đề toàn cầu.

Và đừng bao giờ quên rằng Mỹ hưởng lợi lớn nhất thế giới từ trật tự ổn định mà LHQ mang lại. LHQ cũng chi tiền cho New York, biến Mỹ trở thành đối tượng thu lợi tài chính duy nhất từ LHQ. Một lợi ích lâu dài cho Mỹ.

4- Việc Mỹ- Trump tấn công trực diện vành đai và con đường, hay các ngân hàng phát triển hạ tầng của TQ là điều nằm mơ. Vành đai và con đường đã tự biến mất vì tính bất khả thi của nó. Nhưng Nhân dân tệ thì đã ở khắp nơi, với các nước nghèo mơ mộng đổi đời bằng đầu tư. Trump chống điều đó bằng công cụ nào nếu không tạo ra liên minh.

Và Trump lập ra các định chế mới kiểu gì nếu co cụm cho America first với việc đi xây tường, gây hấn với EU. Chiến lược Ấn độ – TBD với TQ mới là màn kịch. Nó đã được khởi xướng từ 2007 và không tạo ra ảnh hưởng gì cho đến khi TQ hung hăng trên biển Đông. Nhưng đừng quên rằng, TQ đã đi vận động Đông Nam Á trước bộ tứ Nhật Úc Mỹ Ấn. Trump đã lam gì? Từ bỏ TPP và để TQ hình thành RCEP. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.

Mỹ đã gánh thêm khối nợ công 3.000 tỉ usd để lấy tăng trưởng 1.600 usd. Và điều đó được nhiều người cho rằng đó là phát triển. Cần phải rất cảnh giác với nhận định này.

Một lời sau cuối: Phải thực tế rằng, Mỹ không ở cái thế bảo TQ phải nghe, ngay cả vài thập kỉ trước. Bây giờ thì cái thế đó còn xuống hơn với Trump, nhưng Trump là điều tất yếu phải đến của thời kỳ mạng xã hội và đặt kinh tế lên trên mọi thứ của Mỹ. (Không chỉ Mỹ!). Chúng ta không bao giờ được phép quên rằng chế độ quân chủ có những điểm lợi hại đặc thù trong huy động sức mạnh tập thể, trong một quãng thời gian, để đạt mục đích. Nó chỉ bất chấp mọi thứ về con người và đối tác mà thôi.

TQ đã thành công trong nâng cao sức mạnh về tổng sản lượng quốc gia, và hiên diện ở rất nhiều quốc gia khác, trong rất nhiều lĩnh vực trong vài thập kỉ. Quân chủ và chuyên chế có thể tách biệt hẳn quyền lợi quốc gia và quyền lợi của triều đại cầm quyền, nên TQ dù có những bất ổn lớn nội bộ, nguồn lực mà ĐCS tích tụ cho phép họ có tư thế để mở rộng chi phối bằng nhiều phương thức, trước toàn thế giới. Cùng thực thi chính sách phát triển đất nước và Hán hoá thế giới theo chế độ quân chủ, thì Xi Jinping có kinh nghiệm và phương tiện để làm hơn Trump nhiều.

Nên các bạn cứ ủng hộ Trump đi.