Từ một tháng nay, hình ảnh và video clip của Ngài Minh Tuệ đã gây nên một làn sóng trên mạng xã hội.
Phải nói là hình ảnh và clip đã lan toả đến nhiều tầng lớp trong xã hội: từ giới tu hành tăng ni, đến thiện nam tín nữ Phật tử, từ dân văn phòng, giới báo chí truyền thông đến dân lao động; từ dân kỹ thuật đến giới nghệ sĩ, từ miền núi đến đồng bằng…
Ngoài sự ngưỡng mộ về đạo hạnh, thái độ khiêm cung hoà nhã, vẻ mặt “ngây thơ” và lời nói thật thà đến khờ của Ngài, thì còn được cộng hưởng bởi y phục mà Ngài vận trên mình.
Theo lối tu của hạnh Đầu đà là áo “ba y” nên Ngài không có nhiều bộ để thay. Ngài du hành Bắc Nam và như Ngài nói chỉ tắm mỗi tháng 1-2 lần, khi gặp sông suối.
Vậy mà cánh hoạ sĩ và các nhà thời trang mê mẩn về những gì mà Ngài vận trên mình. Vì sao?
1- Văn minh về mặc thì Bắc (Trung Quốc và Bắc Việt Nam) và Nam (Nam Việt Nam và Đông Nam Á) khác nhau.
Bắc là cầm tấm vải lên, cắt ra những mảnh khác nhau và dùng kim khâu lại thành y phục (áo, quần, váy, xiêm). Nam thì cầm tấm vải lên, quấn quanh cơ thể sao cho kín và tiện cho di chuyển. Người phương Nam không dùng kéo và kim khâu.
Y phục của Phật giáo Nam tông ăn vận theo lối quấn vải lên người. Người Campuchia, Thailan, Mianma vẫn còn những trang phục truyền thống như vậy.
Chính vì sự cơ động của vải vận vào người như thế, không phân biệt trái phải trong ngoài tạo cho bộ y sự linh hoạt về nút buộc và màu sắc. Lại cộng thêm vải quấn rộng quanh thân, nên khi khoác vào y phục này tạo ra sự chuyển động theo bước chân người, tạo ra các góc nhìn thiên biến vạn hoá.
2- Như Ngài nói, y của ngài là những mảnh vải ngài nhặt được ở bãi rác, ở nghĩa địa và dọc đường đi. Ai tặng vải, hoặc tặng y may sẵn ngài không nhận.
Những miếng vải đó có các màu sắc khác nhau, ngài chắc không kén chọn màu sắc, nhưng tự nhiên khi nó xếp cạnh nhau thì lại gây hiệu quả thị giác đến lạ!!!
Những lúc dừng chân nghỉ ngơi, ngài lại lôi những miếng vải đủ màu sắc đó may chồng vào tấm y, gọi là “đắp y”.
Ngày mỗi ngày như thế. Cho nên mỗi ngày ngài như khoác trên mình một tấm y mới. Thậm chí sau khi ngài dừng chân, khi đứng lên là đã có tấm y mới, khác với tấm y mọi người vừa thấy. Và mỗi bước chân ngài đi, giống như ngài đang bước đi trong một bộ y mới.
3- Y nhiều màu, bước đi tạo cho tấm y nhiều hình khác nhau theo bước chân di chuyển. Như thế đã đẹp và lạ.
Lại thêm ngài là người tu tập, đã trải gió sương trên vạn nẻo đường, nên ngài có dáng hình rắn rỏi của một người từng trải và vẻ mảnh mai của một người mẫu, cộng với nước da nâu rám nắng, cho cảm giác như ngài đang bước thoăn thoắt trên sàn catwalk thời trang trong vẻ đẹp hiện đại, tân kỳ.
Hình ảnh một nhà tu hành đi trên đường rất gày gò khổ hạnh khác hẳn với vẻ núng nính béo múp đầu mà ta thường thấy và đã chán ngấy, đã đem lại hình ảnh mới mẻ cho đại chúng.
Tóm lại, “tự nhiên nhi nhiên”, tự như thế thôi, đã tạo ra một vẻ đẹp thời trang tối giản, tự nhiên, biến ảo tôn vinh một nhà tu hành có đầy đủ cả Bi (từ bi), Trí (thông tuệ) và Dũng (can đảm, vô uý) đang trên đường tập học theo Đức Như Lai.
17.5.2024
NXD
Bài viết có đăng kèm 4 bức hoạ của HS Le Tien Vuong Vuong