Trà My
Theo kế hoạch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ họp, từ ngày 16 đến 18/5, với nhiệm vụ bầu chọn bổ sung các chức danh chủ chốt của Đảng và nhà nước, như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và điều chỉnh nhân sự của bộ máy lãnh đạo. Để sau đó, Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 7, khai mạc ngày 20/5, sẽ thông qua và chuẩn thuận.
Theo phân tích của một số người, tại thời điểm hiện nay, 3 nhân vật trong Bộ Chính trị hội tụ đủ tiêu chuẩn theo Hiến pháp Việt Nam, để ngồi ghế Chủ tịch nước. Đó là, Tổng Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Ông Tô Lâm hiện đã giữ chức Bộ trưởng đủ 2 nhiệm kỳ, và không thể tiếp tục ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa. Nếu ông muốn có mặt trong “Danh sách Nhân sự chủ chốt” của Đại hội 14, thì bắt buộc, ông phải giành một suất “Tứ trụ”, còn không, ông sẽ phải về hưu vào năm 2026.
Cũng theo ý kiến của một số người, tham vọng của Tô Lâm là ghế Tổng Bí thư. Kể cả, nếu buộc phải có suất “Tứ trụ” để ở lại Đại hội 14, thì Tô Lâm sẽ chọn ghế Chủ tịch Quốc hội, chứ không chọn ghế Chủ tịch nước, vừa không có nhiều thực quyền, vừa bị “ma ám”.
Nhưng, các đối thủ chính trị của Tô Lâm, dường như đã bắt “thóp” được điểm yếu này. Theo nguồn tin nội bộ từ trong Đảng rò rỉ trên mạng:
“Hôm qua họp Bộ Chính trị, họp rất căng thẳng, các phe đã hợp lực để ép Bộ trưởng Tô Lâm phải nhận chức Chủ tịch nước. Sở dĩ các phe hợp lực ép Tô Lâm lên chức Chủ tịch nước, vì không muốn Tô Lâm ngồi ở ghế Bộ trưởng Công an nữa, do đánh bắt quá nhiều người của các phe, nên trước mắt, cứ hợp sức để đẩy được Tô Lâm đi cái đã.”
Nguồn tin còn tiết lộ thêm, “Tô Lâm khi ngồi ghế Chủ tịch nước mà không kiểm soát được Bộ Công an, rồi thì sau đó, số phận cũng rất mong manh, và bị đốn ngã bất cứ khi nào như Võ Văn Thưởng”.
Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của Giáo sư Thayer, từ Học Viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, đánh giá rằng:
“Có lẽ, nhiều người ở Trung ương không thích ông Tô Lâm, vì ông ấy có quyền lực quá lớn.” Vẫn theo ông Thayer, “theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên phải phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng. Vì vậy, nếu Ban Chấp hành Trung ương quyết định chọn ông Tô Lâm cho chức vụ Chủ tịch nước, thì bắt buộc ông Tô Lâm phải phục tùng.”
Đây là tình thế mang tính “triệt buộc”, và Bộ trưởng Tô Lâm đã chính thức bị “nhốt uy quyền trong cái lồng quyền lực”.
Giáo sư Thayer cũng đánh giá, tham vọng trở thành Tổng Bí thư của Tô Lâm không thuận lợi. Vì có vẻ, ông không giành được sự ủng hộ cao từ các “đồng chí của mình” trong Đảng. Bằng chứng là, trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hay phê chuẩn, vào cuối năm ngoái, ông Tô Lâm có số phiếu “tín nhiệm cao” thì thấp, trong khi, phiếu “tín nhiệm thấp” thì lại là cao nhất trong số 6 uỷ viên Bộ Chính trị lấy phiếu tín nhiệm.
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến lạc quan, tin rằng, trên cương vị Chủ tịch nước từ đây cho tới Đại hội Đảng năm 2026, có thể giúp cho ông chuẩn bị tốt hơn trong việc giành chức Tổng Bí thư tại Đại hội này. Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, với thời gian chỉ còn hơn 18 tháng, thì các đối thủ chính trị, đặc biệt là phe Nghệ tĩnh, sẽ không bỏ qua cho ông. Bởi thủ lĩnh của họ, ông Vương Đình Huệ, vừa bị Tô Đại tướng đánh gục.
Nghiêm trọng hơn, việc hạ bệ Huệ Vương nhanh chóng và bất ngờ, ngay sau chuyến thăm Trung Quốc trở về, có thể khiến Bắc Kinh tức giận.
Trước chuyến thăm của ông Huệ, giới phân tích đánh giá rằng, đây là dịp mà Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và Tổng Trọng nói riêng, muốn ngầm giới thiệu với Ban lãnh đạo Trung Nam Hải, nhân vật sẽ là Tổng Bí thư tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ấy vậy mà, chỉ 1 tuần sau khi về nước, tình hình đã đảo lộn đến mức khó tin. Do đó, giới quan sát cho rằng, Tô Lâm sẽ không còn đường sống.
Hơn nữa, tất cả các nhân vật trong nội bộ Đảng, chỉ cần có ý đồ manh nha dòm ngó ghế Tổng Bí thư của ông Trọng, thì đều có một kết cục đen tối, như ông Đinh Thế Huynh – cựu Thường trực Ban Bí thư khoá 12, bị thất sủng, và đang sống trong tình cảnh bi đát tới mức, “thà chết còn sướng hơn!”
Chúng ta hãy chờ xem./.