TÌM NỀN ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ

0
63
   

Lê Công Định5 tháng 8, 2014 · 

Vừa tìm lại được bài viết về “tự trị đại học” (autonomie universitaire) cách đây gần 7 năm, đăng trên báo trong nước. Trong vụ án của tôi 5 năm trước, bài này đã bị xem là một trong những “tài liệu lật đổ nhà nước”!

TÌM NỀN ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ

Luật sư Lê Công Định
Sài Gòn Tiếp Thị ngày 15/08/2007

Tin tức Viện đại học Harvard hứa hẹn giúp đỡ Việt Nam thành lập một đại học đẳng cấp quốc tế làm nhiều người chú ý vì đó là mơ ước từ lâu của các bậc phụ huynh và những nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục quốc gia và cũng là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ hiện nay.

Tuy nhiên, dù các vị giáo sư khả kính và thành tâm của Harvard sẵn sàng chuyển giao tất cả “công nghệ đại học” của Harvard nói riêng và Hoa Kỳ nói chung, hoặc lắp đặt một “cỗ máy đại học” theo tiêu chuẩn Mỹ tại một nơi nào đó ở Việt Nam, thì cũng không thể ngủ một giấc mở mắt ra là thấy ngay bức tranh tươi sáng của đại học Việt Nam. Không thể nghĩ một cách đơn giản rằng với một đại học đẳng cấp quốc tế như vậy, hình ảnh nền giáo dục Việt Nam nói chung và đào tạo đại học nói riêng sẽ sớm được cải thiện.

Những nước từng có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam hơn 30 năm trước đây đã không đi theo con đường như vậy, tức là nhờ vả một viện đại học Âu – Mỹ lừng danh giúp đỡ. Cách làm của họ là ưu tiên xây dựng một nền tảng vững chắc chung cho toàn bộ hệ thống đại học trước. Sau đó thành lập một số đại học hàng đầu, những định chế giáo dục mũi nhọn riêng biệt này đến lượt mình sẽ giúp tạo sức bật mới cho cả hệ thống đào tạo đại học. Nói cách khác, họ chú trọng xây dựng nền móng trước vì nếu nền nhà chưa vững chắc, thì khoan nói đến ngôi biệt thự lộng lẫy.

Việc xây dựng ngay một đại học đẳng cấp quốc tế vào lúc này có nhiều điểm tương đồng với câu chuyện về vụ cháy khu siêu thị vài năm trước đây. Xe chữa cháy khổng lồ nhập từ Mỹ đã không thể vận hành trên đường phố chật hẹp của Sài Gòn để phát huy công dụng. Và kết quả đám cháy… vẫn cứ cháy! Hệ thống đại học Việt Nam nói chung cần được “nâng cấp” trước khi nghĩ đến sự hỗ trợ của Harvard hay bất cứ đại học danh tiếng nào.

Điều đầu tiên cần phải làm là thực thi ngay chính sách tự trị đại học (autonomie universitaire). Nhiều người thận trọng đang cố dùng khái niệm “tự chủ” nhẹ nhàng hơn để thay thế từ “tự trị” có thể gây hiểu lầm tai hại cho ý tưởng tách đại học khỏi sự can thiệp của bộ máy công quyền. Cho đến nay và trong tương lai gần, nhà nước vẫn và sẽ tiếp tục duy trì sự kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của các đại học, từ tổ chức thi tuyển sinh đến hoạch định chương trình đào tạo. Nếu đại học không tự trị, thì mãi mãi vẫn chỉ là trường trung học phổ thông cấp bốn thuần tuý.

Mỗi đại học phải có chủ trương đào tạo riêng biệt để các thế hệ giáo sư và sinh viên khác nhau cùng duy trì và bồi đắp nên bằng niềm tự hào chung của họ. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò hoạch định chính sách đào tạo ở tầm vóc quốc gia, chứ không can thiệp vào chương trình và giáo trình giảng dạy riêng của từng đại học và giáo sư. Thật nguy hại khi sinh viên tốt nghiệp là những robot cùng tư duy như nhau. Giáo dục khác với sản xuất… bánh trung thu, vốn cho ra lò những sản phẩm có hình dạng và kích thước bằng nhau. Đại học là nơi đào tạo nhân tài cho quốc gia, do vậy cần tôn trọng sự đa dạng, không rập khuôn.

Đại học cũng khác với thánh đường, không thể có cái gọi là “quan điểm chính thống” và đối nghịch lại là “ngụy” như sự phân biệt giữa chính thống giáo và tà giáo. Giảng đường là nơi các luồng tư tưởng khác biệt va chạm nhau để đạt đến chân lý một cách khoa học.

Sự thiếu vắng tinh thần tự trị sẽ khiến hệ thống đại học Việt Nam mỗi lúc một yếu kém hơn dù cho các quan chức ngành giáo dục cứ loay hoay hết giải pháp này đến giải pháp khác nhằm tìm màu sắc sống động hơn trang điểm cho gương mặt buồn bã của nền giáo dục nước nhà.

Xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế chắc chắn không phải là cách thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay, bởi lẽ đó là giải pháp cải lương, cố né tránh giải quyết nguyên nhân yếu kém nội tại và ngần ngại cải cách mạnh mẽ hơn bằng cách trao quyền tự trị cho các đại học.

Kinh nghiệm cải cách giáo dục ở các quốc gia láng giềng như Singapore hay Thái Lan cho thấy National University of Singapore (NUS) và Chulalongkorn University không phải là hai “cỗ máy đại học” theo tiêu chuẩn Mỹ do Harvard lắp đặt tại những quốc gia này, song đó vẫn là hai đại học danh tiếng hàng đầu tại châu Á ngày nay.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here