BÀI THƠ KHÔNG CHỮ

1
49
   

Dạ Thảo Phương album: “Cảm ơn thời gian”.

Khi chuẩn bị việc tố cáo công khai tội hiếp dâm của Lương Ngọc An, tôi hiểu mức độ nghiêm trọng của nó, hiểu mức độ nguy hiểm của những thế lực mà việc này có thể động chạm tới. Tôi không thể làm việc này một mình. Họ có thể nghiền nát tôi và sự thật mà tôi là một chứng nhân, theo cái cách một dây chuyền máy móc sản xuất đồ ăn đóng hộp nghiền nát một con cua chưa chịu chết.

CON CHIM PHẢI ĐẠN

Tránh một lần nữa bị chụp mũ vu oan, chính trị hoá vấn đề cưỡng bức tình dục, tôi liên lạc với những người quen trong giới báo chí nước ngoài và những trang văn chương không chính thống, tôi xin họ… im lặng. 

Còn các quan hệ cũ trong giới văn chương và báo chí chính thống? Nhiều năm không giữ liên lạc, hiện tại không có điều kiện làm lợi cho ai, sao tôi dám hy vọng người ta chọn việc lên tiếng vì nỗi oan khuất của tôi thay vì bảo vệ các mối quan hệ tình cảm và lợi ích thiết thực bao năm nay của họ?! Không những không hy vọng họ ủng hộ, tôi còn sợ họ, ngay cả khi không ghét bỏ gì, cũng sẽ chọn việc bức hại tôi (và thực tế nhiều người trong số họ đã làm như vậy, cả công khai và thầm lặng). 

Lúc đó, tôi chỉ dám đặt mục tiêu mơ ước là không bị bịt miệng và nghiền nát quá nhanh- trước khi kịp thét lên sự thật. 

Tôi cần chuẩn bị tinh thần cho một phiên toà mà kẻ thủ ác có thể kiện ngược, cần bảo mật đến cùng một số nhân chứng, vật chứng đề phòng có phiên toà, để họ không kịp dùng quyền lực đổi trắng thay đen sự thật. Tôi không thể tuỳ tiện lộ tài liệu chứng cớ cho người khác. Đồng nghiệp cũ cho tôi biết một số người có thể làm chứng trước toà, nhưng tôi không dám liên lạc lại với họ, sợ “rút dây động rừng”. Chồng tôi thậm chí còn vác về một chuyên gia IT từng bảo vệ nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Iran để lo việc bảo mật mọi thiết bị có kết nối internet trong nhà.

Những trải nghiệm tột cùng đau đớn về lòng người thời còn đi làm ở Văn Nghệ, những hiểu biết về mối liên hệ ngầm giữa giới văn chương chính thống và giới chính trị, an ninh và những người có tiền, có rất nhiều tiền, đã dạy tôi sự cẩn trọng đến đau xót ấy.

Những điều này, tôi đã không dám nói mà chỉ im lặng khi Lưu Quang Định hỏi: “Tại sao em không nói gì về việc này cho anh biết?”. 

 

CUỘC GỌI

Lúc đó, mới chỉ là mấy tiếng sau khi tôi đưa lên FB post đầu tiên.  Cơn bão quan tâm của dư luận trên mạng internet vừa bảo vệ tôi và người thân khỏi nguy cơ bị một nhóm người trù, dập, bịt miệng lần nữa, nhưng cũng vừa khuếch đại những tổn thương tâm lý của tôi khi mở lại nỗi đau cũ và nhận lãnh nhiều nỗi đau mới.

Sợ tôi “sụp hố”, những người thân sát cánh bên tôi lúc đó đã thống nhất là tôi không được đọc FB, không trực tiếp trả lời liên hệ với bất cứ ai. Tôi vừa hứa xong thì… Lưu Quang Định gọi tôi qua FB. 

Bất ngờ đến nỗi nhất thời không nghĩ ra anh gọi tôi làm gì, tôi bắt máy.

Anh Định nói ngắn gọn, nhỏ nhẹ, nhưng tôi có thể cảm thấy trong giọng nói của anh một sự cứng cỏi để cố gắng giữ điềm tĩnh: “Chuyện quá kinh khủng. Anh chia sẻ với em, với tư cách là một đồng nghiệp cũ, một người anh trai, và một người đàn ông”. 

Không phải lời nói, mà là cảm xúc đặc biệt trong giọng nói của anh đã đi thẳng vào tâm trí tôi, và ở lại đó. Như thể người bác sĩ số phận đặt vào cơ thể đau tấy lâu ngày một viên thuốc tan chậm. 

Định và tôi đều từng làm việc ở báo Lao Động. Nhưng giữa chúng tôi là một quan hệ xa cách hơn cả những quan hệ đồng nghiệp bình thường, vì hầu như không có giao điểm. 

Hồi đó, anh là một nhà báo kỳ cựu, được tôi luyện nhiều năm ở những lĩnh vực gay cấn. (Báo Lao Động nằm hàng top trong những tờ chính trị xã hội. Người ta giao anh làm trưởng ban Kinh Tế chắc chắn không phải vì anh là em ruột nhà thơ Lưu Quang Vũ!) Còn tôi, chỉ là một nhà báo trẻ mới chân ướt chân ráo từ một tờ báo văn chương sang, làm biên tập ở ban Cuối tuần. Xung quanh anh luôn là các nhà báo nội chính và kinh tế sắc sảo, các sếp lớn của báo chí, các chuyên gia hàng đầu, và… đội chân sút của Lao Động hay í ơi nhau sau giờ làm. Tôi không thuộc “biên chế” bất cứ thành phần nào trong số đó. Hơn nữa, sau biến cố ở Văn nghệ, tôi như con chim từng phải đạn sợ làn cây cong, rất ngại giao tiếp nơi công sở. Kỷ niệm gần gũi nhất của tôi và anh là những buổi chiều anh ngó vào cửa ban Cuối Tuần và gọi hoạ sĩ Trịnh Tú: “Cậu ơi, chúng ta có nên “uống khẽ” với nhau không nhỉ?”. Câu dài nhất anh nói với tôi là: “Chào em Dạ Thảo Phương, cậu Tú không có đây à?”.

Khoảng cách ấy càng được nuôi lớn sau hơn chục năm tôi rời VN, bặt liên lạc với môi trường cũ.

Tôi biết chắc chắn, sự xúc động trong giọng nói của anh hoàn toàn không phải từ quan hệ hay thiện cảm cá nhân đối với tôi. Nó từ chính bản thân anh, từ những giá trị cốt lõi mà anh tin tưởng.

SỰ LỰA CHỌN 

Anh bảo vệ quyền lên tiếng của tôi đơn thuần chỉ vì đó là đòi hỏi của lương tri, của ý thức công bằng và lòng bi mẫn có trong anh. 

Sau những năm tháng hoạt động trong giới cầm bút ở VN, tôi đã thấy các giá trị cốt lõi của nhân tính nhiều khi chỉ còn là những khái niệm được trang trí lộng lẫy cho trang viết bắt mắt bạn đọc, nhưng thực chất đã bị rút ruột rỗng toác. 

Chẳng phải những nhà văn, nhà thơ, nhà báo từng hôm trước nhìn vào mắt tôi sâu lắng, cất giọng run rẩy và say mê nói về những điều cao đẹp cũng chính là những người hôm sau, trong cuộc bàn họp kín, rút con dao quyền lực phi về phía lưng tôi? 

Trong làng báo, có một “luật” bất thành văn- tránh hết sức “động đến” đồng nghiệp. Lựa chọn để tiếng nói của tôi được biết đến trên tờ báo mà anh phụ trách, ngay cả khi anh không có gì phải sợ, thì Lưu Quang Định cũng có thể chuốc phiền, và hoàn toàn không có lợi gì. 

Nhưng, anh đã lựa chọn bảo vệ quyền lên tiếng của tôi.

Rất nhiều người cũng đã có cùng sự lựa chọn như anh.

Họ có thể là những người tôi cũng chỉ biết sơ, hoặc hoàn toàn không quen biết. 

Nhiều người trong số họ ở chính cái môi trường tôi đã mất hết lòng tin vào sự chính trực, thậm chí là bạn hữu lâu năm với chính Lương Ngọc An và những người muốn bảo vệ hắn ta.

Tôi hiểu rằng, ngoài ruột thịt của tôi, không ai lên tiếng vì tình cảm cá nhân với tôi cả. 

Chính là lòng tôn trọng sự thật, khả năng đồng cảm với đồng loại, ý thức về sự công bằng trong chính mỗi người đã khẳng định sự tồn tại của nó bằng cách thúc giục họ lên tiếng, kết nối những đường thẳng song song giữa người và người.

Lưu Quang Định

Sau cuộc nói chuyện ngắn gọn hôm đó của Lưu Quang Định, Nông thôn Ngày nay vào cuộc, báo Dân Việt online có ngày cập nhật tin tức về vụ của tôi tới 3 lần, là điều họ chưa từng làm với bất cứ vụ nào. Họ chỉ đưa thông tin, không có nửa dòng bênh vực tôi. Họ cũng đề nghị phỏng vấn Lương Ngọc An và một số người liên quan. Tôi hiểu đó không chỉ là thái độ làm việc chuyên nghiệp, mà còn là lòng chính trực của người làm báo. Họ tôn trọng quyền lên tiếng đa chiều.

Sau Dân Việt, rất nhiều báo chí trong và ngoài nước vào cuộc, chính thức đưa hành vi hiếp dâm của Lương Ngọc An thành một vấn đề quan tâm của xã hội chứ không còn chỉ là việc “ba con đàn bà kêu khóc với nhau trên FB, ai thèm quan tâm” như có nhà văn đã nói đến tai tôi.  

Nhưng điều làm tôi biết ơn Lưu Quang Định nhất không phải là những bài báo xuất hiện sớm nhất ấy, mà là những gì tôi cảm nhận được trong giọng nói của anh hôm đó.

Lưu Quanh Định vừa rời vị trí tổng biên tập của báo Nông thôn Ngày nay. Trong post chia tay của mình, anh có nói đến từ “tận hiến”. 

Tôi thấy yên tâm về anh. Trong từ tận hiến bao hàm nghĩa can đảm. Người biết tận hiến là người biết hạnh phúc và tạo ra được những giá trị thật cho cuộc sống, dù ở hoàn cảnh nào. 

Cũng như sự chính trực mà anh đã từng dành cho tôi, nhiều người đã từng dành cho tôi, chắc chắn sẽ được dành cho nhiều người khác họ gặp trong đời. 

Là con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, và là em ruột của nhà thơ Lưu Quang Vũ, nhưng Lưu Quang Định thường giấu thơ mình đi, “rêu rao” anh không làm thơ. 

Song với tôi, anh đã viết một bài thơ thật đẹp. Không phải bằng lời, không phải bằng chữ.

Advertisement
   

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here