Thiêu rụi Đảng Cộng hoà ư?

0
481

Hành vi đó sẽ gây thiệt hại cho đất nước, và những người đồng thuận với nó phải chịu một phần trách nhiệm cho sự ngoi lên của vị đương kim tổng thống. 

Peggy Noonan, 30 tháng 7 năm 2020

Translated from The Wall Street Journal Article “Burn the Republican Party Down?

Duong Nguyen

Donald Trump từ đâu đến? Đảng Cộng hòa đang đi về đâu? Có nên đốt sạch mọi thứ? Rất nhiều bước đi sai lầm trước đó đã dẫn chúng ta đến với Tổng thống Trump ngày hôm nay. Sự thật này, từng được thừa nhận rộng rãi, nay đã bị lãng quên.

Sự tranh cử của ông Trump đến từ hai cuộc chiến không thắng lợi (chiến tranh tại Iraq và Syria), tạo thành thảm họa lịch sử của chính sách đối ngoại cùng cuộc Đại suy thoái, điều mà những nhà cầm quyền đã làm lơ bởi mải mê với những nhiệm vụ vĩ đại cho đến khi nó kéo đến cùng với tất cả đổ nát. Ông ta đến từ sự từ chối khéo léo hàng thập kỷ của cả hai đảng về “sự lãnh đạo nhằm tôn trọng và đáp ứng những lo lắng của người Mỹ”, cả cánh tả lẫn cánh hữu, về nhập cư bất hợp pháp. Ông ta đến từ những chính sách tồi tệ trong quá khứ và những quyết định sai lầm về các vấn đề quan trọng. 

Ông ta đến từ sự nhận thức ngày một gia tăng của những người Mỹ thực dụng rằng chẳng đảng nào khiến họ cảm thấy có vẻ gắn bó hoặc trung thành, mà cả hai đều coi họ là “những thứ rác rưởi dưới đáy xã hội” cần quản lý và thao túng. Ông ta đến từ những khoảng cách xã hội và văn hóa ngày càng lớn giữa những người hành động và những người rao giảng thuộc đảng Cộng hòa, các chiến lược gia, các nhà điều hành, nhà tư tưởng, chuyên gia và chuyên viên của đảng, và cả những đảng viên phổ thông. Ông ta đến từ những thuật toán cố tình kích động, chia rẽ và gây nghiện, và từ những nhà lập pháp mà tất cả những gì họ làm để tồn tại là nói chuyện, chứ không phải làm luật, bởi vì lập pháp liên quan đến thỏa hiệp, và trong một thời kỳ ngày càng phân cực và mông muội, thỏa hiệp tức là phản bội.

Ông ta đến từ tinh thần thất vọng của một bộ phận lớn cử tri, theo thời gian, đã trở thành một thứ tinh thần của chủ nghĩa hư vô. Sẽ mất thêm thời gian dài để sửa chữa điều đó, và không ai chắc nên làm thế nào.

Và đây, hiện ra trong cơn bão hoàn hảo đó, chính là Ngài Trump thiên tài nhất thời, đơn giản. Ông ta tuyên bố tranh cử Tổng thống là một bài tập xây dựng thương hiệu, bước ra và phát biểu những lời tán dương. Khi đám đông hò reo, ông ta biết: “Đây là chương trình của mình,” và nếu họ không hưởng ứng, ông ấy nghĩ: “Hừ, nó không phải con đường của tôi.” Một vài trong số đó xuất phát từ bản năng của ông ta, nhưng hầu hết là qua loa. Sau cuộc bầu cử, một cựu quan chức cấp cao nói với tôi rằng ông đã quan sát tất cả từ cánh gà sân khấu. Tuần này, vị quan chức ấy nói rằng sau một cuộc vận động tranh cử, trên chiếc phi cơ trở về nhà, tất cả những gì ông Trump và Jared Kushner bàn luận chính là phản ứng của đám đông. “Con có thấy cách họ phản ứng với điều đó không?”

Thành phần nói trên, cùng với sự cổ vũ của họ, nói rằng họ không ủng hộ sự cắt giảm quyền lợi. Họ vẫn đang phải chịu đựng những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và những thứ khác nữa. Họ không đồng thuận việc mở cửa biên giới hoặc đánh nhau ở nước ngoài nhiều hơn. Họ ủng hộ một gã nói rằng hắn cũng ghét giới tinh hoa nhiều như họ ghét.

Bốn năm qua đã tạo ra hàng loạt những thảm họa hoàn toàn khác, thứ mà thường được mô tả trong bối cảnh hiện nay. Chỉ trong 6 tháng gần đây, ông Trump đã chống lại cơn bão hoàn hảo của chính mình, thứ mà ông không thể tận dụng hay nói xuôi cho qua chuyện: một cơn đại dịch, một sự sụt giảm về kinh tế có thể dẫn đến một cuộc suy thoái kéo dài, và các cuộc biểu tình dữ dội dai dẳng trên cả nước. Nếu các cuộc thăm dò đáng tin cậy, ông ta đang trên bờ vực mất chiếc ghế Tổng thống.

Bây giờ kẻ thù của Trump, những người đang hoặc đã từng cùng đảng phái với ông ta, muốn thiêu rụi mọi thứ – san bằng đảng, nhổ tận gốc, loại trừ các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và thay thế bằng những người thuộc đảng Dân chủ.

Điều này làm tôi liên tưởng đến một loại thuyết hư vô mới. Nó đẫm máu và không đầy đủ trách nhiệm vì ba lý do.

Trước hết, hệ thống hai đảng đúng là một mớ hỗn độn và gây bực dọc hàng ngày. Nhưng đến cuối cùng, cả hai đảng phái cùng nhau gạt bỏ yếu tố cá nhân để tạo thành một lực lượng hùng hậu cho sự đoàn kết khi một cuộc bầu cử lại đến. Dù lý tưởng của các bạn khác nhau đến đâu, bạn vẫn phải chọn giữa Đảng A hoặc Đảng B. Điều này sẽ khuyến khích xây dựng liên minh và tạo nên sự thỏa hiệp– điều không tưởng trong một hệ thống với bốn hay sáu đảng phái. Mọi chuyện sẽ rạn nứt và toàn bộ hệ thống sẽ lung lay. Đảng Dân chủ cần Đảng Cộng hoà, cần để kiềm chế sự thái quá của họ và sửa đổi những chính sách có hại mười mươi. Người Cộng hoà cũng cần người Dân chủ vì những lý do trên.

Thứ hai, nếu phe Cộng hoà mất Nhà Trắng lẫn Hạ viện và Thượng viện vào tháng 11, phe cấp tiến đang thăng tiến trong hàng ngũ Đảng Dân chủ sẽ trở nên dạn dĩ và đề xuất một dự luật kết hợp. Họ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ để đạt được điều họ muốn. Việc này sẽ y như một con tàu lạc đường ray và sẽ khuyến khích những chính sách tồi tệ có khả năng gây tổn hại đến đất nước. Phe Cộng hoà và những người bảo thủ thường hay âu lo về cảnh tượng đó.

Thứ ba, Donald Trump đang tự thiêu chính mình. Chẳng lẽ không ai thấy sao?

Khi trải nghiệm có tên Trump kết thúc, Đảng Cộng hòa phải tái thiết lập hàng ngũ của nó. Nó phải bắt đầu với hàng chục triệu cử tri mà trước đây đã ủng hộ ngài Trump. Nó sẽ phải quyết định xem nó đang đứng ở đâu, lý do tồn tại của nó là gì. Sẽ không đủ để lặp lại những câu thần chú cũ rích hoặc những công thức lỗi thời từ năm 1970 cho đến năm 2000. Đất nước này khác rồi.

Rất nhiều điều cần được suy ngẫm lại. Vì vậy, thuyết phục nhau qua chuyện trò, điều này tuy đơn giản, nhưng lại là then chốt.

Sự gầy dựng không bắt đầu bằng đốt cháy, thanh trừng hay liệt kê tên những người bạn muốn đuổi khỏi đảng.

Phần nhiều, nếu không muốn nói là đa số những người đang kêu gọi thiêu rụi Đảng Cộng hoà, họ được mệnh danh là “Never Trump” (Không bao giờ chọn Trump), và nhiều người trong số họ lại hay thích chỉ ngón tay buộc tội người khác. Họ đang chĩa nó vào những người ủng hộ Trump trong Quốc hội. Một số nhà lập pháp đã từ bỏ những luân lý họ từng giữ vững để thể hiện sự trung thành với tổng thống và những người ủng hộ ông. Nhưng, và chắc bạn thừa biết điều này nếu đã xem các công ty công nghệ điều trần trước Quốc hội vào tuần trước, nhiều tên Dân biểu khác thật ra chỉ là những kẻ đần độn.

Thế nhưng Never Trumpers có vẻ lại không bao giờ tự xem lại chính mình. Chính họ từng hưởng lợi với tư cách là người Cộng hoà hay người bảo thủ, từng ủng hộ hay biện hộ thành công cho những cuộc chiến nay đã biến thành tai hoạ, và cũng từng công kích bất cứ người nào bất đồng chính kiến. Nhiều người chẳng có chút tôn trọng nào với những ai lo lắng về vấn đề nhập cư bất hợp pháp và còn tuyên bố công khai rằng những người đó kỳ thị chủng tộc. Never Trumpers công khai chỉ trích rất hùng hồn sự thô thiển hoá của chính trị và nói rằng chức vị tổng thống đã bị hạ thấp bởi một người đàn ông như ông Trump, và điều này đúng. Nhưng chính họ đã tạo ra một nhân vật như bà Sarah Palin và đã mải miết công kích những người phê phán bà ta. Họ đã thường nhân danh sự trung thành đảng phái khi làm việc đó.

Một số Never Trumpers đã giúp tạo hoàn cảnh cho sự xuất hiện của Tổng thống Trump. Điều sẽ giúp ích cho họ bây giờ không phải là điên cuồng đốt phá mà là sự khiêm tốn có tính xây dựng, hay còn có thể dùng chữ nhún nhường.

Lãnh đạo quốc gia và các chiến lược gia của đảng này không có nhiều thành tích đáng tự hào trong nhiều thập kỷ vừa qua. Thay vào đó, tương lai của Đảng Cộng hoà dễ chừng sẽ vươn lên từ các tiểu bang. 

Nhưng điều quan trọng là trong vòng sáu tháng trời ông Trump đã huỷ hoại chính mình, quản lý cơn khủng hoảng bản thân bằng cách tự lao vào đám lửa. Nếu chúng ta đều đồng thuận về điều này, trường hợp Trump thua, người ủng hộ ông ta sẽ không thể nói rằng ông ta từng là nhà đấu tranh cho những người đã bị tầng lớp chính trị thượng lưu, Never Trumpers hay chính phủ ngầm phản bội, đại khái như: “Ông ấy không thua mà chỉ là một nạn nhân của sự bạc bẽo.”

Cả hai đảng đều có điểm yếu. Phe Tự do yêu thích cho rằng sự tiến bộ thuộc về họ — sự tiến bộ mà chưa bao giờ họ định lượng được. Phe Bảo thủ lại thích đề tài về sự phản bội.

Sẽ không có ích gì cho người Cộng hoà và còn làm xấu đi cho đất nước nếu đề tài đó tiếp tục làm nhạc nền cho Đảng Cộng hoà trong 10 năm tới.

Translated by Duong Nguyen & Cookie 

Edited by J. Le