Từ theo cộng đến chống cộng (6): Số đông trí, phú, địa, hào đi theo Việt Minh

    0
    1112
    Từ theo cộng đến chống cộng-Hồi ký Tống Văn Công

    Ngày 25 tháng  8 năm 1945 có tin Việt Minh đã cướp được chính quyền ở Bến Tre, Tỉnh trưởng Phan Văn Chi đầu hàng. Ấp An Hòa cùng cả làng An Bình Tây của tôi sôi sục chuẩn bị tham gia cướp chính quyền thị trấn Ba Tri. Các đảng viên Cộng sản công khai đứng ra nhân danh mặt trận Việt Minh cắt đặt việc mua vải, giấy hai màu đỏ, vàng để may và dán cờ đỏ sao vàng, tổ chức các đội võ trang với giáo mác, gây gộc. Chú thợ hồ Hai Dần là bí thư chi bộ, bác giữ vịt Tư Nay là phó bí thư chi bộ, không xưng danh cộng sản mà là chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, ngồi vào những chiếc ghế mới hôm qua còn là của Hương Cả, Hương Chủ trong Nhà Việc (trụ sở Ban Hội tề), chỉ đạo hoạt động cách mạng. Suốt đêm tiếng hô tập đi theo nhịp “một hai” làm cho bọn con nít chúng tôi cũng không thể chợp mắt. Vừa rạng sáng, tất cả được tập hợp xếp hàng theo từng khối để tiến ra thị trấn. Điều đáng nói là dẫn đầu các khối đều là các trí, phú, địa, hào của ấp, của xã: Trịnh Văn Vinh đại địa chủ, nguyên Chánh lục bộ; Võ Văn Di địa chủ, nguyên Hương Trưởng; Trịnh Văn Khâm sinh viên, con trai của ông Hương Cả Nghi; Huỳnh Dư Bì sinh viên, con trai ông Hội đồng Thuận; Ba Phán con trai địa chủ Tím; Sáu Sinh địa chủ, nguyên thư ký quận trưởng Ba Tri… Do đâu mà những người này hăm hở lao vào dòng thác cách mạng do Cộng sản lãnh đạo? Bởi vì từ ngày 19 tháng 5 năm 1941 tại Bắc Pó tỉnh Cao Bằng, dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám của đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định thành lập Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh gọi tắt là Việt Minh với cương lĩnh:

    Từ theo cộng đến chống cộng

    Từ theo cộng đến chống cộng

    Không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, hễ thừa nhận mục đích, tôn chỉ và chương trình của Việt Minh thì được gia nhập. Mục đích, tôn chỉ và chương trình của Việt Minh là: cùng nhau đánh đuổi Nhật, Pháp, làm cho nướcViệt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa.”

    Nội dung đó đã đáp ứng đúng nguyện vọng tha thiết của mọi người Việt Nam yêu nước. Đảng Cộng sản đã giấu biệt lá cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, họ không hô hào làm cách mạng vô sản mà kêu gọi dành độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân! Vài phút sau khi đoàn An Bình Tây lên đường, Huỳnh Dư Khải (con ông Hương cả Khiêm, cháu ông Hội đồng Thuần) bạn học cùng lớp nhứt với tôi chạy tới, gọi bọn nhóc chúng tôi như Võ Minh Triết, Trịnh Hoành Sang, Nhiều, Điểu, Thưởng, Trắc… kéo theo người lớn làm “khởi nghĩa”. Chúng tôi đến thị trấn Ba Tri thì thấy hàng ngàn người, cờ xí, biểu ngữ từ nhà lồng chợ đi tới dinh quận. Đứng trên cái bàn cao, xung quanh có dân quân bảo vệ, ông Lê Văn Lượm bí thư quận ủy, chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đọc tờ hiệu triệu viết sẵn. Đọc xong bảng hiệu triệu, ông thông báo ta đã chiếm trại bảo an và trại cảnh sát, ông quận Trực xin đầu hàng. Tiếp theo đó, ông Võ Châu Thành Phó bí thư quận ủy, Phó ban khởi nghĩa, nhân danh chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng và ông Nguyễn Chí Khải ủy viên ban thường vụ quận ủy, nhân danh chủ tịch Mặt trận Việt Minh ra mắt đồng bào. Mô hình hệ thống toàn trị này đã được giữ y cho tới hôm nay: bí thư của đảng là quan chức quyền lực số một đứng trên các tổ chức chính quyền và mặt trận. Phó bí thư của đảng là nhân vật quyền lực số hai được giao trách nhiệm làm chủ tịch ủy ban hành chánh (nay là ủy ban nhân dân); các ủy ban thường vụ của đảng làm chủ tịch mặt trận và chủ tịch các đoàn thể…

    Ngay sau ngày cướp chính quyền, chủ tịch Võ Châu Thành ký lệnh tử hình không cần xét xử đối với những người bị gọi là “có nợ máu với nhân dân” như Cai tổng Đặng, Cai tổng Bang, Biện Ký, Đội Xôm, Hương quản Nhường, Hương quản Lầu… Sau này được biết, ở nhiều nơi trên khắp đất nước ta đã có nhiều người bị giết, trong đó có những nhà ái quốc, nhà văn hóa nổi tiếng như Tạ Thu Thâu, Phan văn Hùm, Phạm Quỳnh…

    Sau khi đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, các tổ chức đảng ở huyện Ba Tri, Bến Tre vẫn giữ nguyên vai trò lãnh đạo như cũ, chỉ khác trước là không họp chi bộ công khai ở cơ quan. Trả lời báo chí trong và ngoài nước, chủ Tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Tôi chỉ có một Đảng – Đảng Việt Nam. Các cán bộ cũng như người có học ở quê tôi đều biết rõ sự thật là Đảng chỉ giả vờ giải tán, nhưng không ai chê trách cụ Hồ nói dối mà ngược lại đều khen “Cụ Hồ mình khôn khéo quá”.

    Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (5): Bỏ cờ tam sắc, chào cờ mặt trời

    Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (7): Quốc hội và hiến pháp 1946