Chính phủ Việt Nam, được hãng tin Reuters dẫn thông tin cho biết, đã chi 24 tỷ đô la để giải cứu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Mục đích được nói để tránh cho ngân hàng này không bị sụp đổ, sau khi Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào tháng 10/2022 và mới đây bị tuyên án tử trong phiên xử sơ thẩm.
Khoản chi của Chính phủ Việt Nam nhằm giải cứu SCB được Reuters nhận định là lớn chưa từng có tại Việt Nam. Vì sao vậy? Và, liệu việc “bơm” số tiền lớn như vậy sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, cũng như tác động thế nào đối với lòng tin của những nhà đầu tư nước ngoài. Giải đáp vấn đề này, RFA đã thực hiện cuộc phỏng vấn với chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu:
Cao Nguyên: Xin chào tiến sỹ, Theo một bài báo được đăng trên Reuters mới đây thì Chính phủ Việt Nam đã đổ 24 tỷ USD để cứu ngân hàng này khỏi phá sản. Theo ông, vì sao chính phủ Việt Nam không muốn SCB phá sản?
Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ muốn bất cứ ngân hàng nào sụp đổ. Cách đây chín năm, ba ngân hàng đi vào trong khủng hoảng, gồm ngân hàng Xây dựng Việt Nam, ngân hàng Đại Dương và VPBank đã ở bờ vực phá sản.
Lúc đó, ngân hàng Nhà nước đã mua lại ba ngân hàng đó với giá 0đ thay vì để họ phá sản. Sau đó, những ngân hàng như là ngân hàng Đông Á thì cũng đi vào trong tình trạng khủng hoảng, Chính phủ và ngân hàng Nhà nước cũng không muốn để cho ngân hàng Đông Á sụp đổ và giờ này Đông Á vẫn tồn tại.
Và bây giờ tới SCB, SCB trong thời gian vừa qua, qua cái việc lũng đoạn bởi tập đoàn Vạn Thịnh Phát và người lãnh đạo của Vạn Thịnh Phát là Bà Trương Mỹ Lan, đã đi vào tình trạng phá sản kỹ thuật rồi; Nhưng mà chính phủ và ngân hàng Nhà nước vẫn chưa bao giờ tỏ ý định để cho ngân hàng này phá sản. Chính vì vậy, tháng 10 năm ngoái, ngân hàng Nhà nước đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt thì ngân hàng nhà nước hầu như nắm toàn quyền kiểm soát ngân hàng; Và như mọi người thường nói với nhau là một khi ngân hàng Nhà nước mà đã kiểm soát thì con kiến cũng không lọt qua được tầm mắt của ngân hàng Nhà nước. Tức là họ sẽ kiểm soát tất cả mọi giao dịch.
Từ đó cho đến nay, theo tin của Reuters thì ngân hàng Nhà nước đã đổ vào SCB một lượng tiền cho đến bây giờ là 24 tỷ đô la, và cho đến tháng 10 năm ngoái thì mỗi tháng bình quân chính phủ đổ vào trên 1 tỷ đô la. Sau tháng 10 cho đến bây giờ thì số tiền đổ vào ít hơn, nhưng mà cũng đâu đó là gần 1 tỷ đô la mỗi tháng.
Việc mà chính phủ đổ vào 24 tỷ đô la để ngân hàng SCB còn tồn tại được là để ngân hàng có thể chia sẻ cho khách hàng gửi tiền ngân hàng. Theo như những thông tin của tôi thì vào tháng 10 năm 2022, tổng dư nợ tiền gửi lên đến 674 ngàn tỷ đồng, tương đương với 30 tỷ đô la. Hiện tại thì cái số này chỉ còn khoảng 6 tỷ, thì có lẽ cái 24 tỷ đó là để trả tiền cho khách hàng đến rút tiền ra khỏi ngân hàng.
Và có lẽ tiếp tục chính phủ sẽ chi thêm cho SCB để giữ SCB khỏi phải phá sản trên thực tế và tránh tình trạng người ta đến rút tiền hàng loạt tại SCB.
Cao Nguyên: Nếu không cho vay thì SBC sẽ bị sụp đổ. Thế thì việc SCB sụp đổ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam khiến cho ngân hàng Nhà nước phải đổ tiền để cứu SCB?
Nếu không có sự trợ giúp của Chính phủ thì ngân hàng SCB đã bị cạn tiền từ lâu rồi. Trong khi dư nợ của vốn huy động lên đến 30 tỷ đô la, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì ngân hàng không có tiền để chi trả cho khách hàng gửi tiền và nó tạo ra một hiện tượng là người ta đến rút tiền hàng loạt và đưa đến cái sự đổ vỡ tức thì cho SCB.
Một khi SCB mà bị đổ vỡ thì nó tạo ra một hiệu ứng dây chuyền cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đó là điều mà ngân hàng Nhà nước và Chính phủ rất lo lắng và phải tìm mọi cách để tránh sự đổ vỡ có hệ thống.
Không những là ngành ngân hàng có thể đổ vỡ một cách hệ thống mà cả nền kinh tế có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tại vì cái GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ có 430 tỷ đô la thôi. Số tiền gửi còn lại tại SCB là 6 tỷ, tương đương với trên 1% GDP của Việt Nam, là một con số rất lớn. Nó có thể ảnh hưởng không những là đưa hệ thống ngân hàng vào khủng hoảng, mà rất nhiều những khách hàng sẽ không được nhận lại tiền từ SCB và tạo ra một cú sốc trong xã hội Việt Nam.
Cao Nguyên: Cũng theo Reuters, nếu không cho vay thì SCB sẽ bị sụp đổ gây ra những hệ lụy như ông vừa mới nêu ra; Nhưng mà nếu tiếp tục cho SCB vay thì Kho bạc Nhà nước sẽ dần bị cạn kiệt. Theo ông đánh giá thì động thái của chính phủ đối với SCB là có hợp lý hay không?
Nếu mà nói rằng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho SCB mà đưa đến vấn đề là ngân sách quốc gia bị cạn kiệt thì có lẽ chắc cũng không đến nỗi như vậy đâu. Tại vì ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể in tiền ra và bất cứ một lượng tiền nào cần in ra họ có thể in ra tiền giấy và có thể phát hành tiền điện tử để có thể có tiền chi trả cho SCB. Thành ra nói ngân sách quốc gia có thể cạn kiệt trong thời gian sắp tới thì tôi không đồng tình.
Thế nhưng mà rõ ràng rằng trong thời gian sắp tới Chính phủ phải có cách giải quyết và hình như cái cách giải quyết đó là như sau:
Cái Luật Tổ chức tín dụng đã được sửa đổi và sẽ có hiệu lực vào ngày mùng 1/7/2024. Trong Luật này có một chương về chuyển giao bắt buộc. Những ngân hàng yếu kém mà đã đi vào trong diện kiểm soát đặc biệt, và ngay cả ba ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại với giá 0 đồng mà bây giờ vẫn không thể phục hồi được, thì ngân hàng nhà nước sẽ chuyển giao bắt buộc cho một trong những ngân hàng thương mại Việt Nam.
Nếu chuyển giao bắt buộc thì các ngân hàng thương mại đó bắt buộc phải nhận chuyển giao bắt buộc. Một khi đã nhận chuyển giao bắt buộc thì cái ngân hàng mẹ sẽ sở hữu ngân hàng yếu kém là ngân hàng con của họ để có thể tránh được sự đổ vỡ của các ngân hàng yếu kém.
Nhưng mà cái giải pháp này theo tôi là rất khó thực hiện. Tại vì theo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi, trong cái chương về chuyển giao bắt buộc, thì cái ngân hàng mẹ mua lại ngân hàng yếu kém sẽ sở hữu 100% ngân hàng yếu kém, nhưng mà lại không bắt buộc phải hạch toán khoản lỗ của ngân hàng yếu kém vào trong bản báo cáo tài chính của mình. Có nghĩa là ngân hàng mẹ không phải hợp nhất với ngân hàng con.
Mà nếu như thế thì nó đi ngược lại với cái chuẩn mực quốc tế về kế toán, nó đi ngược lại với cái nguyên tắc GAAP và nó cũng đi ngược lại với chuẩn mực kế toán của Việt Nam là khi một công ty được sát nhập với công ty mẹ 100% thì bắt buộc là cả hai bản cân đối kế toán kết quả kinh doanh và bản cân đối dòng tiền phải được hợp nhất lại. Có nghĩa là nếu ngân hàng con có lỗ thì phải hợp nhất vào ngân hàng của mẹ.
Trong khi cái quy định về chuyển giao bắt buộc thì lại không bắt buộc điều đó. Đây là một cái điều mà tôi đã lên tiếng ở trên nhiều diễn đàn rằng đây là một điều không hợp lý. Chính vì thế tôi nghĩ rằng sắp tới đây có lẽ ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển giao bắt buộc SCB cho ngân hàng nào lớn của Việt Nam, mà ngay cả phương pháp đó tôi thấy cũng không ổn.
Thế thì mình chỉ có hai con đường thôi, hoặc là chuyển giao bắt buộc hoặc là phá sản. Mà phá sản thì ngân hàng nhà nước không muốn. Chuyển giao bắt buộc thì có vấn đề. Thành ra đến cuối cùng thì việc chuyển giao bắt buộc SCB vào một ngân hàng khác là một vấn đề.
Đặc biệt nữa là SCB vẫn còn huy động vốn là 6 tỷ đô la. Con số này là rất lớn và nợ xấu đã lên đến 97%, tức là hầu như toàn bộ cái dư nợ đều trở thành nợ xấu hết rồi. Tôi không biết là ngân hàng nào có can đảm, có hứng thú để nhận chuyển giao bắt buộc hay không. Thành ra tôi thấy là chuyện này đang đi vào ngõ bí, chứ cũng không phải là đường cụt.
Cao Nguyên: Ông đã nói về lợi ích khi mà ngân hàng nhà nước cứu SCB, vậy thì có hệ quả gì hay không?
Nó tùy thuộc vào cái cách giải quyết sự bế tắc của SCB. Chỉ có hai cách giải quyết mà thôi, hoặc là cho phá sản hoặc là chuyển giao SCB bắt buộc cho một trong những ngân hàng thương mại ở Việt Nam.
Tôi thì tôi nhìn về cái hướng phá sản. Hãy để cho SCB phá sản, hãy để nỗi đau đó nó trở thành hiện thực. Dĩ nhiên là thiệt hại là vô cùng lớn.
Những người có tiền gởi tại SCB có thể mất phần lớn số tiền gởi của họ. Tuy nhiên, ở Việt Nam có Luật bảo hiểm tiền gởi và hiện tại ở Việt Nam có công ty bảo hiểm tiền gởi quốc gia. Công ty này bảo hiểm số tiền gởi cho mỗi khách hàng lên đến 125 triệu đồng mỗi người trên một ngân hàng.
Thành ra, những người có tiền gởi ở ngân hàng SCB, nếu mà ngân hàng này đi vào phá sản thì chắc chắn công ty bảo hiểm tiền gởi sẽ bồi thường cho mỗi người 125 triệu đồng. Thế nhưng mà có lẽ số tiền 125 triệu đồng đó là con số rất khiêm tốn so với 6 tỷ đô la còn lại trong ngân hàng; và rất nhiều người, kể cả các tổ chức kinh tế có số tiền gởi vượt khỏi 125 triệu đồng trong một tài khoản. Thành ra nếu đi vào sự phá sản thì thiệt hại rất lớn.
Nhưng mà cái lợi của phá sản là thôi, mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng. Tất cả tài sản của ngân hàng sẽ được thanh lý và chi trả cho các chủ nợ của ngân hàng, trong đó người gởi tiền, có tiền thuế của chính phủ, có các chủ nợ của ngân hàng… và nếu còn lại được đồng nào thì cổ đông của SCB sẽ được hưởng nhưng đây là điều không tưởng.
Còn giải pháp thứ hai là chuyển giao bắt buộc, nếu thành công thì đó là may mắn cho SCB không phải đi vào phá sản. Có thể những người có tiền gởi tại SCB sẽ được ngân hàng mẹ cam kết trả tiền lại cho họ.
Nếu mà đi vào phương án 2 thì có thể các khách hàng gởi tiền sẽ được cam kết cũng như khách hàng của ngân hàng mẹ. Thế nhưng hiện tại chưa xảy ra chuyện đó. Thành ra chúng ta cũng chưa biết liệu rằng ngân hàng mẹ có cam kết bảo lãnh trả cho khách hàng của SCB hay không. Trên nguyên tắc thì họ phải làm điều đó. Thế nhưng mà ở Việt Nam mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Cao Nguyên: Hình ảnh về một nền kinh tế ổn đỉnh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng như thế nào qua sự kiện này?
Đó là điều không tránh được. Mặc dù Chính phủ và ngân hàng Nhà nước tìm các để ổn định tâm lý của nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài; và nói rằng chúng tôi đang tìm mọi cách để giải quyết vấn đề, tránh mọi thiệt hại nhiều nhất có thể cho khách hàng của SCB.
Nhưng mà với sự thiệt hại nhiều đến như thế và con số mà Chính phủ đã bỏ ra tới 24 tỷ và còn lại 6 tỷ nữa thì có lẽ cũng phải giải quyết. Việc lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam chắc chắn là bị tác động. với tất cả sự việc của Vạn Thịnh Phát, của SCB và sự lũng đoạn của ngân hàng của bà Trương Mỹ Lan đã và đang làm lung lay lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành tài chính và hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Chúng ta chờ xem là Chính phủ sẽ giải quyết trường hợp của SCB như thế nào. Và trong bất cứ trường hợp nào thì theo nhận định của tôi, vấn đề giải quyết đó đều rất khó khăn và rủi ro, và cái rủi ro là lòng tin vào hệ thống ngân hàng có thể sẽ tiếp tục bị lung lay.
Cao Nguyên: Chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.