SỐNG GIỮA XÁC CHẾT (PHẦN 3)

0
10

Võ Thu Phương

Tiếp theo PHẦN 2

Bên ngoài cửa sổ đã trở nên im ắng. Những cái bóng đen ghê rợn đã biến đi đằng nào. Tôi lần ra cửa, cố lắng nghe động tĩnh. Vẫn là một sự im lặng đầy đe doạ. Tôi nhớ tới lời căn dặn của thằng nhỏ đánh giày và Alois. Rõ ràng, họ biết có sự nguy hiểm nào đó trong bóng đêm. Nó bao vây và đeo đuổi tôi. Nó hiện diện ngay bên ngoài căn phòng này. Tôi không ngừng nghĩ tới Alois, nghĩ tới khuôn mặt rắn rỏi và giọng nói ấm áp của anh. Giờ đây, giữa thành phố chìm trong ác mộng cùng những con người mang tội ác khủng khiếp, tôi chẳng còn biết bám víu vô đâu.

Tôi lẩn quẩn trong phòng tới nửa đêm thì thay quần jean và quyết định đi ra ngoài. Đầu tiên, tôi núp sau tấm màn cửa sổ, ném cái gối qua ban-công. Cái gối trắng chao đảo một chút trong gió rồi đáp xuống lề đường. Nó hiện ra trong bóng đêm như một đốm sáng mờ nhạt. Tôi chờ năm phút, không thấy có gì khác lạ thì rón rén mở cửa chính, ló đầu ra hành lang.

Bên ngoài hành lang tối om om, nhưng vẫn không có tiếng động hay mùi vị gì khác thường. Tôi khấn thằng nhỏ đánh giày vài câu cho đỡ sợ, rồi cầm chìa khoá đóng nhẹ cửa lại. Mấy ngón chân tôi rón rén nhón đi qua cửa phòng chị Trung. Suy nghĩ của tôi một thoáng dừng lại nơi Lân. Không biết cả ngày nay gã biến đi đằng nào.

Quầy tiếp tân tối thui vì mất cây đèn dầu. Hình như cả khách sạn này chỉ có một cây đèn dầu. Tôi nhìn vô vùng tối tĩnh lặng nơi cô gái áo dài trắng vẫn ngồi đan len. Cô ta không còn ở đó. Một cảm giác khủng khiếp tràn qua suy nghĩ tôi. Ánh đèn. Phải rồi ánh đèn dầu vàng vọt. Nó phải có một ma lực nào đó. Nếu nó không kêu gọi hiểm hoạ thì nó đánh dấu vị trí hiểm hoạ. Bởi vậy mà thằng nhỏ đánh giày mới nói: “Khách sạn này có thắp đèn.”

Tôi không dám chần chừ, bước vội ra bên ngoài. Giờ đây nguy hiểm đã có mặt khắp nơi, chỉ còn chạy đua với thời gian. Tôi cắm đầu chạy dọc theo con phố đầy hàng quán, nhưng vắng tanh. Mùi hương trầm uẩn ức đuổi theo tôi mãi. Tôi nhận ra quán rượu, nơi tôi gặp Alois. Căn quán vẫn bừa bộn như tối hôm qua. Những dĩa thức ăn dang dở mốc meo. Những ly rượu rạn nứt nằm nghiêng ngả. Tôi không dám cất tiếng gọi. Mọi tiếng động lúc này đều làm tôi sợ hãi. Tôi lần mò bước vô quán, bỗng ớn lạnh nhận ra ở đây cũng có một ngọn đèn dầu leo lét. Hai mí mắt tôi giật mạnh khi nhìn lên vách tường gỗ. Tấm lịch treo tường in ngày 30 tháng 1 năm 1968.

Tôi rón rén lùi lại, bước qua gian quán bên cạnh. Cũng một ngọn đèn leo lét. Cũng tờ lịch treo trên tường ghi ngày 30 tháng 1 năm 1968. Cảm giác kinh hoàng xộc tới dựng đứng lớp da gà. Đây là khu phố chết. Những tấm bảng chỉ đường mục rữa như bia mộ. Những quán hàng hoang vắng chìm trong mốc thời gian cũ kỹ. Tôi nghĩ tới đó thì không ngăn được nỗi bất an khủng khiếp. Ở trong góc tối tăm nào đó, những con mắt bí ẩn đang lặng lẽ quan sát tôi. Cảm giác đó càng lúc càng lớn mạnh, đến độ tôi cứ tưởng, những cái mụt ruồi trên thân thể tôi cũng nhảy vọt ra khỏi lớp áo quần. Có người nào đó phía sau đang quan sát tôi. Ánh mắt sắc lạnh vừa lướt qua bờ vai làm tôi bất chợt co rúm cả người. Rồi không kiềm chế được nữa, tôi quay phắt lại nhìn vô bóng tối.

Bác sĩ Alois đứng lặng lẽ bên góc đường.

Tôi phóng ào tới bên anh, suýt nữa thì oà lên khóc. Dường như Alois cũng mừng rỡ vì gặp lại tôi, khuôn mặt mệt mỏi của anh sáng lên trong chốc lát.

“Lạy Chúa. Em quay lại đây làm gì, hả cô bé?”

“Em đi tìm anh. Họ có ghé qua khách sạn lùng bắt anh. Họ cũng tới đó để bắt em. Thằng nhỏ đánh giày chết rồi. Hai tay nó bị cột chặt bằng dây điện.”

Alois dịu dàng kéo tôi lại gần:

“Họ sẽ tiếp tục cuộc săn lùng cho tới khi giết chết được tôi và Rai. Nhưng họ sẽ không giết được em, em thuộc về một thế giới khác. Một thế giới vẫn còn có ngày mai.”

“Họ là ai?”

Alois lắc đầu, bàn tay anh chạm nhẹ lên tóc tôi, dừng lại ở đó rất lâu. Giọng Alois tràn ngập một nỗi niềm tiếc nuối:

“Em không nên ở lại đây. Sẽ không có sự thật nào dành cho người chết. Hãy rời khỏi thành phố này, ngay khi mặt trời mọc.”

Tôi không rõ Alois đang nói tới cái sự thật nào, thế giới nào, ngày mai nào. Điều đó có gì là quan trọng. Tôi đã gặp lại anh và ở bên anh, tôi thấy bình an. Tôi nói với Alois điều đó, nhưng Alois vẫn lặp đi lặp lại bằng một giọng cương quyết:

“Tôi không thể làm được gì cho em. Tôi chỉ có thể đưa em về tới cổng khách sạn. Và em phải hứa với tôi, ngay khi trời sáng phải tìm cách rời bỏ thành phố bất hạnh này. Ngày mai đã là thời hạn cuối cùng.”

Tôi ngơ ngẩn nghĩ: ngày mai nào? Ngày mai của tôi hay ngày mai của mấy tấm lịch treo trong quán? Bàn tay tôi lần mò tìm nắm bàn tay Alois, nhưng dường như anh hoảng hốt rụt lại. Không, chắc là tôi lầm. Chẳng có người đàn ông nào hoảng hốt khi bị một người phụ nữ đẹp nắm tay. Alois dẫn tôi đi qua con đường rất hẹp, đôi lúc phải thót bụng lại mới lách qua được hai bờ tường. Không biết bằng cách nào, Alois cũng lách được thân hình vạm vỡ mà đi qua. Con đường dẫn qua một cánh đồng cát trắng, lồi lõm những hố sâu. Tôi vừa buồn ngủ, vừa mệt mỏi, cứ bám theo cái áo sơ-mi trắng mà bước. Có lúc tôi cũng lơ mơ tự hỏi, mình có nên tin con người này không. Nhưng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác.

Khi gần sáng, hai đứa mới về tới con đường dẫn vô khách sạn. Alois lùi lại để tôi lách qua hàng bông giấy rậm rạp. Giọng anh vang lên gấp gáp:

“Hãy về khách sạn thu xếp hành lý và đi ngay khỏi đây.”

Tôi quay lại trả lời Alois, nhưng anh đã không còn ở phía sau. Cảm giác bị bỏ rơi làm tôi tủi thân và hơi tự ái.

Tôi đi thẳng một mạch ngang qua quầy tiếp tân. Cội mai kiểng sáng nay bùng nở vàng rực. Tôi xốn xang nghĩ tới ngày mai là mùng một tết. Tờ lịch trên tường ghi ngày 9 tháng 2 năm 2013.

Cô tiếp tân mặc áo veston trắng nhìn tôi cười rạng rỡ.

*

Sau bữa ăn trưa, tôi định về phòng ngủ một giấc. Đã hai ngày tôi không hề chợp mắt. Giờ đây, cơn buồn ngủ kéo tới hung hãn làm tôi chỉ còn muốn lăn quay ra giường. Nếu thằng nhỏ đánh giày có chui ra khỏi tủ, tôi cũng cứ ngủ. Lời dặn khẩn thiết của Alois thoáng qua trong đầu, nhưng tôi quyết định ở lại chờ Lân. Giữa tôi và gã còn một hợp đồng chưa thanh toán xong.

Chị Trung biến đi đâu, không thấy có mặt trong bữa ăn. Tôi cũng không muốn đi tìm. Ánh mắt Gollum trong veo của chị chỉ gợi lại những điều bất trắc và kinh khiếp. Cũng không có tin tức gì của Lân. Tôi đoán gã chưa tìm được người chịu làm công việc phi tang xác chết. Lân là người cả quyết. Nếu đã nói gì, gã sẽ làm cho được. Nếu không tìm được người, chắc chắn gã sẽ quay lại và tự mang cái xác đi.

Tôi bước qua khúc quanh hành lang dẫn về phòng. Hình ảnh cánh cửa phòng tôi bị mở toang làm tôi suýt la rú lên. Chiếc xe đẩy dọn vệ sinh nằm ngay trên hành lang. Tôi quên là những người làm phòng cũng có chìa khoá, và họ có thể vô phòng khi tôi đi vắng.

Tôi đứng sững trên lối đi, không biết nên chạy về phòng ngăn họ lại, hay trốn đi trước khi bị họ phát hiện. Chị làm phòng khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi bước ra. Chị không thấy tôi, nhưng tôi thấy chị. Tôi thấy khuôn mặt bình thản thờ ơ của chị. Và tôi thở hắt ra một tiếng như ho khan.

“Chị. Chị mới bắt đầu dọn à?”

Chị nhân viên khoảng độ trên ba mươi tuổi, thân hình mập mạp, khuôn mặt hiền lành chất phát. Chị tròn mắt nhìn tôi đầy thiện cảm:

“Choa, cô đẹp như hoa hậu. Tôi dọn gần xong rồi, đang làm tới phòng ngủ. Mấy cái áo thun cô bỏ bên ngoài tôi cũng treo luôn vô tủ, cho gọn gàng…”

Như có ai đấm một cú vô ngực, suýt nữa tôi té nhào xuống đất. Tôi phóng tới bên cánh cửa phòng ngủ, bủn rủn nhìn vô. Cửa tủ áo quần mở toang hoang. Tiếng chị nhân viên nói như xin lỗi:

“Ủa, sao vậy? Có gì không vừa ý? Đồ đạc còn nguyên mà, tôi chỉ treo hai cái áo vô tủ.”

“Thằng nhỏ. Thằng nhỏ đâu?”

Tôi nhìn vô cái tủ trống trơn bên dưới. Tà áo dài cẩm thạch của tôi buông xuống thõng thượt.

“Thằng nhỏ nào? Thằng con cô hả? Làm gì có ở đây. Lúc tôi vô phòng…”

Tôi lập cập dúi tờ tiền hai trăm ngàn vô tay chị, nói như hết hơi:

“Không, không. Có thằng nhỏ hứa mang báo lên. Tôi mệt quá, muốn ngủ chút xíu. Chị cầm tiền…”

Chị nhân viên định nói gì thêm, chắc là hỏi chuyện bao giờ quay lại dọn phòng, nhưng tôi đã đẩy chị ra ngoài và đóng sập cửa lại. Cảm giác bây giờ không phải là khủng khiếp hay sợ hãi. Tôi chỉ mệt mỏi cùng cực.

Chắc Lân đã về đưa xác thằng nhỏ đi. Tôi bỗng nôn nao nhớ tới tấm hình nó bị trói hai tay. Không rõ ai đã chụp hình nó. Tôi tìm cái giỏ xách tay nằm lăn lóc trong góc nhà. Nó đã được chị dọn phòng đặt ngay ngắn lên ghế salon. Máy chụp hình nằm trong đó từ tối hôm qua. Tôi bấm nút ON, màn hình nhấp nháy sáng.

Tấm hình trắng đen đầu tiên đập vô mắt, làm tôi muốn tắt thở.

Lân nằm co quắp bên lề đường, thân hình cháy loang lổ. Da mặt Lân bị phỏng, căng phồng lên, nhiều chỗ nám đen. Nhưng tôi vẫn nhận ra gã, bởi nụ cười đau đớn quen thuộc trong giấc ngủ. Không rõ vì sao khi kề cận cái chết, gã lại cười. Tôi run run bấm lại máy. Toàn bộ hình ảnh của tôi trong máy đã bị xoá sạch, chỉ có duy nhất một tấm hình Lân nằm chết cháy.

Ai đó đã kiểm tra hình ảnh của tôi. Ai đó đã dùng máy của tôi để chụp thi thể Lân. Có kẻ nào đó đã bám theo tôi và giết chết Lân. Tôi bỗng nhớ tới lời nói của Lân trên máy bay: “Chúng ta sẽ lạc vô vùng địa ngục và chỉ có một đứa quay trở lại.” Rõ ràng gã biết trước những điều kinh khiếp sẽ xảy ra. Tôi cười rú lên như điên như dại, như vừa đánh rơi cục đá tảng chặn ngang lồng ngực. Tôi cười tới sặc cả nước mũi. Kẻ không quay trở lại là Lân. Chắc gã không ngờ tới điều đó.

*

Tôi ngủ thiếp đi bốn giờ đồng hồ, ngủ say như vừa thoát hết nợ nần.

Khi tôi tỉnh lại, trời đã về chiều. Tôi nghĩ tới cái chết bất ngờ của Lân, nghĩ tới ngày mai không có gã, nghĩ tới cái may mắn của mình, nghĩ tới chuyện gặp luật sư để truy cứu quyền thừa kế, nghĩ tới những chương trình ca nhạc thời trang hoành tráng mà tôi sẽ dàn dựng trong năm mới… Câu hỏi ban chiều bỗng đột ngột quay lại, đập vô đầu tôi như nhát búa tạ. Ai đem xác thằng nhỏ ra khỏi phòng, khi Lân đã chết? Ai đã dùng máy của tôi để ghi lại hình ảnh thảm khốc của Lân? Tại sao? Để làm gì? Chị dọn phòng là ai? Thằng nhỏ đáng giày là ai? Alois là ai?

Tôi vùng dậy, mở ipad tìm tin tức. Chỉ là cầu may, tôi chẳng có điều gì để bám víu vô. Thông tin đầu tiên trên google dành cho dữ kiện “bác sĩ alois” là khoảng 12800 kết quả. Trong đó ba người được thường xuyên nhắc đến là, bác sĩ Alois Alzheimer, bác sĩ Alois Altekoester, bác sĩ Alois Karlbauer. Tôi gõ thêm dữ kiện kết nối “năm 1968”. Google báo 2830 kết quả. Thông tin của đường link đầu tiên hiện ra trên màn hình. Tôi choáng váng đọc qua hàng chữ:

“Sáu tuần lễ sau đó, thi thể của các bác sĩ Alois Altekoester, Raimund Discher, Horst-Guenther Krainick, và bà vợ của bác sĩ Krainick là Elisabeth, đã được tìm thấy tại các nấm mồ lộ thiên mà họ đã bị buộc phải tự đào lấy cho chính mình.”

Bác sĩ Raimund. Có phải người thường được Alois gọi là Rai?

Có tiếng động nhỏ phía sau lưng. Tôi rùng mình sởn tóc gáy. Hình như có kẻ nào đó đang hiện diện trong phòng. Tôi cố không nghĩ đến nó, bây giờ đã quá muộn màng để bỏ chạy. Tay tôi bấm nhanh lên những đường links, cố gắng đọc lướt qua đám thông tin hỗn độn để tìm ra một sự thật khả dĩ.

“Các hố cách khoảng nhau. Một hố có khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, nào là nằm, nào là ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạc trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ, họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng.”

“Rồi thì nhiều ngôi mộ tập thể khổng lồ của phụ nữ và trẻ em được tìm thấy. Hầu hết đều bị đập vỡ đầu cho đến chết, một số thì bị chôn sống; quý vị có thể nhận biết điều này từ các bàn tay được cắt, đánh bóng và sơn móng thật đẹp đẽ của các phụ nữ cố gắng cào bới để chui ra khỏi các nơi họ bị chôn sống.”

Bên ngoài trời đã sẫm màu. Bước chân người nào đó lết tới gần bên tôi. Hơi thở hôi hám như xác chết của nó toả lên gáy tôi một vùng lạnh lẽo. Hình như nó cũng đang cúi xuống đọc những điều kinh khiếp trên màn hình. Giữa lúc đó, màn hình phụt tắt. Căn phòng mất điện, đột ngột chìm trong bóng tối. Sợi dây mỏng tanh vội vã choàng qua cổ tôi, bị mất phương hướng, trượt xuống phần vai. Tôi nhấc ipad lên, dùng hết sức lực quật mạnh về phía sau.

(Còn tiếp phần 4)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here