Phụ Nữ Việt Và Ảnh Hưởng của Bà Thẩm Phán Huyền Thoại Ruth Ginsburg

0
21
Ruth Ginsburg
   

Người Thông Dịch

Luong Ta, ngày 26 tháng 9, 2020

Hôm qua, ngồi nghe một chị bạn có một thời con gái xinh đẹp đảm đang, nết na, chia sẻ về khoảng thời gian chị làm dâu cho gia đình chồng, mà không có chồng, từ năm 18 tuổi. 12 năm sau, chị vẫn còn trinh trắng, trong khi anh đã vượt biên, định cư. Khi chị còn làm dâu, nhiều chuyện mẹ chồng con dâu trong gia đình phong kiến, chị phải ráng nhịn nhục, chờ cơ hội đoàn tụ với chồng. Thời gian sau, mẹ anh đồn tiếng chị là một người lăng loàn để anh yên tâm có cớ với cuộc sống mới. Sau đó, gia đình chồng cũng vượt biên, bỏ chị ở lại. Sau 12 năm chờ đợi, chị đành lấy người hàng xóm. Chuyện đã lâu, nhưng chị kể với nước mắt ứa. Một cái gì ấm ức không bỏ qua được. Ai đền bù cả một thời con gái thanh xuân?

Câu chuyện của chị là một trong vô vàn câu chuyện của những phụ nữ Việt, suốt đời tận tụy hy sinh nhưng không bao giờ nhận được sự công bằng của gia đình chồng, của chồng, và áp lực công dung ngôn hạnh cổ xưa của xã hội và luật lệ chung quanh. Trong văn hóa Việt truyền thống, khác với con trai, con gái thường chịu đựng cảnh thiệt thòi, nạn tảo hôn, phận làm con dâu cho gia đình chồng hà khắc, chịu đựng bạo hành và thói trăng hoa của người chồng. Những hủ tục đã làm cuộc sống của phụ nữ dù là người gánh nhiều hy sinh cho gia đình, trở thành công dân hạng hai trong con mắt xã hội Việt Nam. Có nhiều người mẹ Việt Nam phải cáng đáng bao nhiêu công việc, đi làm, chăm con, nấu nướng, dọn dẹp, đôi khi phải làm dâu trong nhà, và phải ý tứ làm sao cho vừa lòng mọi người bên chồng. Tôi thường nghĩ đến mẹ, đến những người chị, và những phụ nữ tôi biết ở Việt Nam và thương cảm cho sự chịu đựng của họ. thân phận sống vì con, vì hạnh phúc gia đình, vì áp lực xã hội, mà cam chịu mọi bề. Xã hội đã nhiều thế hệ bình thường hóa sự thiếu công bằng đối với người phụ nữ. Nên chính người phụ nữ cũng không ý thức được quyền bình đẳng của họ. Có nhiều bà mẹ chồng đòi hỏi quyền thượng đẳng cho con trai mình để không phải thay tã cho con, giúp vợ chuyện nhà cửa. Cũng là con người mà thân phận chịu thiệt thòi, chỉ vì giới tính trời ban. Ít ai biết rằng phụ nữ Mỹ ngày xưa cũng có những áp lực gần như tương tự trong xã hội mà đàn ông Mỹ là chính. Mãi đến năm 1920, phụ nữ mới có quyền đi bầu ở Mỹ, hơn 170 năm từ khi lập quốc, do sự tranh đấu không ngừng nghỉ của nhiều phụ nữ, nổi bật là bà Susan B. Anthony vào đầu thế kỷ. 

Chiều thứ Sáu 18, tháng 9, đang họp, có tin nhắn từ chị bạn, nói chuyện rất quan trọng. Tôi gọi lại, Chị nói, bà Ruth Ginsburg, Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, thần tượng của con gái chị đã qua đời. Cháu khóc cả buổi chiều. Chị nhờ tôi gọi điện thoại an ủi, vì cháu rất quý tôi. Hai chú cháu thường trao đổi về chuyện xã hội ở Mỹ để giúp cháu định hướng ước mơ làm luật sư giúp đời của cháu, một sinh viên đại học rất đặc biệt và đầy nghị lực. Trên phone, cháu đã nguôi khóc và kể tôi nghe về bà Ruth Ginsburg. Bà là người mà cháu nhìn lên làm kim chỉ nam cho cháu những hoài bão, ước mơ cho một xã hội công bằng. Sự ra đi của bà là một hụt hẫng cho bản thân cháu. Vài ngày sau, tôi được biết, không riêng gì cháu, sự ra đi của bà Ruth Ginsburg là một biến cố lớn, là nỗi đau cho rất nhiều người Mỹ. Nhiều người bỏ ngang việc họ đang làm khi nghe tin bà mất, để tụ tập lại, góp nhặt hoa, thiệp bằng tay, tưởng niệm cho bà. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử được vinh dự nằm tại tòa nhà Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ để dân chúng Mỹ đến thăm viếng và chào vĩnh biệt.

Cuộc đời của Ruth Ginsburg có thể tóm gọn là một cuộc đời 87 năm không ngừng nghỉ tranh đấu cho quyền bình đẳng của con người, nhất là quyền bình đẳng của phụ nữ, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, sau khi can đảm vượt qua 4 cơn bệnh ung thư. Bà bà bỏ ra 60 năm trời hành nghề luật cho xã hội, 27 năm Thẩm Phán nữ thứ hai trong Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, cho đến khi qua đời. Khi còn trẻ, bà đã phải vượt qua những bất công của xã hội thời đó, nhưng bà không bỏ cuộc. Là một trong những luật sư nữ hiếm hoi, một người mẹ, và là người theo Do Thái Giáo, chỉ cao 1.5 mét, bà phải vượt qua những kỳ thị thời đó, ̣để có được tiếng nói. Khi bà Ginsburg bắt đầu làm luật sư năm 1959, nước Mỹ là một đất nước còn phân biệt giới tính nặng nề. Phụ nữ chỉ là công dân hạng hai và nhiệm vụ của xã hội cho họ là ở nhà, nuôi con. Đi làm cùng công việc thì lương thấp hơn đàn ông. Phụ nữ chỉ được làm trong một số nghành nghề. Luật pháp thiên vị cho đàn ông, cho dù Hiến Pháp Mỹ coi tất cả con người bằng nhau. Bằng trí thông minh, lòng quyết tâm, và khả năng thuyết phục, bà đã giúp làm thay đổi để lấy lại sự công bằng cho tất cả người Mỹ, nhất là cho phụ nữ. Bà giúp mở cửa nhiều cơ hội cho phụ nữ để họ có thể tham dự những nghề nghiệp trước đây họ không được phép. Trong thế hệ bà, nghành luật không dành cho phụ nữ. Hiện nay, hơn nửa sinh viên luật là phụ nữ, nối gót theo bước chân của bà. Qua cố gắng của bà, bà đã được tôn sùng trong văn chương, phim ảnh của Mỹ. Hollywood làm một bộ phim về bà, “On the Basis of Sex – Trên Cơ Sở Giới Tính”. Một bộ phim tài liệu ấn tượng được đề cử giải Oscar.

Bà Ginsburg đã góp phần lớn lao làm thay đổi cách xã hội và luật lệ Mỹ đối xử với phụ nữ. Nhờ đó, đàn ông Mỹ nhiều năm qua, đối xử với người phụ nữ tốt hơn, tôn trọng và bình đẳng hơn. Chúng ta có thể thấy rõ ràng cách người đàn ông Mỹ đối xử với vợ và phái nữ khác hẳn, so với những người Việt Nam trưởng thành trong xã hội truyền thống, chồng chúa vợ tôi. Trong những năm gần đây ở Việt Nam, bà Ginsburg đã gián tiếp giúp, qua ảnh hưởng và hội nhập văn hóa Âu Mỹ, cho người phụ nữ có một thế đứng tốt hơn trong gia đình và trong xã hội Việt Nam. Tôi đã thấy những ông chồng trẻ, từng tiếp xúc với thế giới bên ngoài, phụ giúp và lo cho con cùng vợ. Tôi đã thấy những phụ nữ tự tin, độc lập, tạo lập tư thế của mình mà không cần phải dựa vào giới tính của mình. Đó là một khởi đầu đáng mừng cho xã hội Việt Nam. 

Tuy thế, quyền bình đẳng tuyệt đối cho con người vẫn còn xa, cho dù ở Mỹ, nhất là khi tư tưởng con người còn kỳ thị về giới tính nam nữ, sắc tộc, tôn giáo, v.v.. Có những vụ hãm hiếp mà người phụ nữ vẫn bị phán xử thiệt thòi. Luật pháp vẫn đè nặng lên quyền tự do lựa chọn của người phụ nữ. Phụ nữ vẫn chưa nắm được những chức vụ cao nhất cho dù đủ điều kiện khả năng. Trong mọi thời thế, cái cũ luôn trì lại dù cái mới muốn thay đổi. Nhất là trong xã hội cộng đồng Việt Nam, trong và ngoài nước. Cuộc giằng co này còn kéo dài cho đến khi cái cũ trôi vào quá khứ, hay có những người có khả năng đẩy mạnh sự thay đổi như bà Thẩm Phán Ginsburg.

Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/phu-nu-viet-va-anh-huong-cua-ba-thamm-phan-huyen-thoai-ruth-ginsburg

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here