NỖI BUỒN MAN MÁC

0
56
Tấm ảnh chụp cô Nhung và bà cựu đại sứ Theresa Tull.

Sau loạt tùy bút “Phu nhân một vị tướng”, cô Nguyễn Tường Nhung, phu nhân cựu Trung tướng Ngô Quang Trưởng có gởi tôi một bài viết mới của cô mà cô bảo nhờ đọc loạt bài của tôi đã làm cô có niềm vui viết lại. Tấm ảnh chụp cô Nhung và bà cựu đại sứ Theresa Tull.

Mời các bạn đọc cuối tuần. 

NỖI BUỒN MAN MÁC

Nguyễn Tường Nhung

– Má đi thăm cô Tull không? Mấy tháng rồi con bận quá – Hiền hỏi mẹ.

– Ừ, đi chứ! – Nhã trả lời con. Rồi hỏi thêm:

– Lúc này cô sao rồi? Mấy giờ mình đi?

– Má thay đồ xong thì mình đi.  À, để con ghé lấy phở và chả giò biếu cô. 

Khoảng 15 phút sau Nhã đã xong xuống dưới nhà chờ ra xe cùng con gái đến thăm người mà con gái gọi là cô Tull.

THERESA A. TULL. Chúng tôi thường gọi là cô Tull. Cô làm Phó Lãnh Sự tại Đà Nẵng cùng thời gian với gia đình chúng tôi sống ở Đà Nẵng. Cô cũng là người giúp đem 3 trong số 6 đứa con của chúng tôi qua nước Mỹ khoảng gần một tháng trước khi Việt Cộng chiếm miền Nam. Khi chúng tôi qua đến Mỹ, định cư tại tiểu bang Virginia, các con chúng tôi vẫn sống với cô Tull tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn cách nơi chúng tôi ở khoảng 30 phút lái xe. Lúc đó, cô Tull vẫn làm trong chính phủ.  Hai năm sau, khi được cử đi làm Đại Sứ ở một quốc gia nào đó, cô giao 3 đứa con lại cho chúng tôi và nói, “Vì các cháu không phải là con nuôi mà chúng tôi chỉ muốn nhờ cô chăm sóc khi đến nước Mỹ.” Chúng tôi cũng rất mừng vì từ đây gia đình được đoàn tụ mặc dù thời gian ấy tôi còn đang học nghề làm tóc, còn Ba của chúng cũng chưa có công việc nhất định. Khi các con về, chúng tôi phải thuê một căn chung cư rộng hơn với giá tiền gấp rưỡi.

Thời gian trôi nhanh thật nhanh. Vui buồn rồi cũng qua đi…

Thế mà đã 49 năm. Hôm nay cùng con gái đến thăm cô Tull, một người ơn của gia đình chúng tôi. Một sự trùng hợp thật ngẫu nhiên khi cô và tôi sinh cùng năm cùng tháng và cùng ngày: OCT 1936 – cô ngày 02 tại Mỹ, còn tôi ngày 03 tại VN. Năm nay chúng tôi đều ở vào tuổi 88. Tôi thì vẫn thích tính theo tuổi VN dùng 12 con giáp, ngay khi mới chào đời là mình đã được một tuổi. Như vậy hiện giờ tôi đã được 89 tuổi (con chuột nhắt).

Đến nhà cô mất khoảng gần một tiếng. Mùi phở, mùi chả giò thơm ngào ngạt. Chúng tôi nhắc đến những người anh chị em của cô phần đông cũng thích thức ăn VN, tất cả đều không còn nữa. Nay thì những người cháu thay nhau thăm hỏi giúp đỡ khi cô cần đến. Con gái tôi mỗi tháng cũng thường đến đưa cô đi ăn thức ăn VN hoặc đi làm tóc, móng tay, v.v…

Nhà cô là một căn trong chung cư có hai phòng ngủ. Phòng khách khá rộng, được chia một phần nhỏ làm phòng ăn. Trên tường phòng khách có vài bức tranh ảnh nghệ thuật, hai tủ kính trưng bày một số cổ vật quý giá của nhiều quốc gia, một cái đàn piano, một ghế sô-pha. Bếp cũng khá thoáng có nhiều ngăn đủ để những vật dụng cần thiết. Ngồi trong phòng khách, qua làn cửa kính, khách có thể nhìn thấy hàng cây cao to xanh mướt bên ngoài.

Sau khi chào hỏi thông thường, con gái tôi mang thức ăn vào bếp, lấy một cái chả giò và một chén nhỏ nước mắm đưa mời cô. Cháu cũng không quên cho chị giúp việc hai cái. Có lẽ chị ấy chưa ăn chả giò bao giờ vì tôi thấy chị hơi ngạc nhiên… Phần còn lại gần 20 cuốn chả giò được chia ra từng hộp nhỏ cất vào tủ đá. Hai bát phở to cũng được chia ra từng phần. Con gái tôi cẩn thận chỉ dẫn chị giúp việc cách hâm lại cho nóng khi nào cô muốn ăn. Chị là người da màu khá mập vẻ chậm chạp, nghe nói tiền công trả cho chị từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều là một khoản tiền khá nhiều vì chị không phải nấu nướng (câu lạc bộ lo phần này). Cô cần người giúp việc để sai vặt hay đẩy xe loanh quanh vì cặp mắt đã lờ mờ, hai chân đi không vững, phải dùng xe có bánh lăn, và hình như trí nhớ cũng phần nào sa sút (theo lời con gái cho biết). Ngồi đối diện nhau, thỉnh thoảng  cô cũng quay sang nói chuyện hỏi tôi điều gì đó nhưng tiếng cô nhỏ mà tai tôi đôi lúc cũng ù ù, phần thì từ khi nghỉ làm hơn 30 năm rồi không nói không nghe tiếng Mỹ nên gần như tôi đã quên gần hết, chỉ còn nhớ những câu nói chuyện thông thường mua bán chợ búa lặt vặt. Nên khi Cô và con gái nói chuyện với nhau ngay trước mặt mà tôi không hiểu hai người nói chuyện gì. Tôi không chú ý vào câu chuyện của cả hai để nhìn rõ từng bức tranh, từng những món đồ trang trí quanh phòng khách, để hình dung theo trí tưởng của tôi về một bà Đại Sứ Theresa A. Tull, một chức vụ khá quan trọng của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. 

Bà đang ngồi đây mái tóc lơ thơ vài sợi bạc, cặp mắt hơi lờ đờ, trên khuôn mặt chỉ thấy những vết nhăn, bộ đồ mặc như đã cũ.  Bà sống trong một căn nhà quá đầy đủ tiện nghi bao quanh những vật tưởng như vô tri vô giác nhưng chúng là chứng tích của một thời vẫy vùng vang bóng. Nhưng giờ đây bà không còn đủ sức khỏe để du lịch hoặc làm những điều mình còn muốn làm. Nhìn lại những hình ảnh kỷ niệm, những món đồ vật trang trí quanh phòng mang về từ nhiều quốc gia mà bà đã từng làm việc hay đã từng đi qua, một chút ngậm ngùi cho bà hay cho chính bản thân  tôi mà như có một hạt bụi bay vào mắt. Nhìn vào mặt và cách bà đang nói chuyện với con gái rất vô tư. Nếu thật sự như vậy thì tôi rất mừng cho bà được thản nhiên sống những tháng năm còn lại. Còn tôi vẫn khắc khoải, vẫn suy tư với nỗi cô đơn đã là một căn bệnh hay một bóng ma nào đó luôn luôn hiện diện trong suốt cuộc đời. Có một điều mà tôi muốn tìm hiểu ít nhiều về quan niệm sống của ÂU và Á và cá nhân của bà. Chỉ tiếc là tôi không đủ ngoại ngữ để tìm hiểu.

Sau buổi thăm viếng này, tôi có một tầm nhìn thoáng hơn về thân phận, về tuổi già. Dù sướng dù khổ, có tiền có danh vọng rồi cũng sẽ đến điểm cuối của cuộc đời – TRỞ VỀ CÁT BỤI.  

TN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here