Khi Bức tường sụp đổ!

0
436
   

(Lược dịch bài của giáo sư Guy Sorman)

30 năm trôi qua, một nhắc nhở về sự thật về những chế độ độc tài toàn trị!

Một bức tranh có giá trị hơn vạn chữ: Việc phá bỏ Bức tường Berlin vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 dẫn đến ngày cáo chung của đế quốc Liên Xô và hệ tư tưởng Cộng sản. Một năm trước đó, tôi đã đến thăm Lech Walesa, người sáng lập Công đoàn Đoàn kết, sau khi Ba Lan được giải phóng vào năm 1990, đã trở thành tổng thống xứ này. Walesa đã tiên đoán về ngày tàn của Liên Xô, với lý do do chủ trương ôn hòa của Mikhail Gorbachev. Kể từ thời điểm 1988, khi Gorbachev kiềm chế không ra lệnh nổ súng vào những người nổi dậy ở Latvia, vào dân Đông Đức khi họ bỏ trốn xuyên qua Hungary, số phận của Đế quốc Liên Xô kể như đã được định đoạt. Tuy vậy, tôi nhớ, nhà lãnh đạo công nhân kiên cường này vẫn sống trong lo sợ về phản ứng của quân đội Nga.

Chính sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh đã làm cho sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô là điều không thể tránh được. Khi được báo cho biết diễn tiến sự việc vài chỉ vài ngày trước đó, tôi đã vội vã cùng với cố triết gia Andre Glucksmann, một nhân vật chống Marxist tiêu biểu (và cũng là bỉnh bút bán thời của tờ City Journal) và một đài truyền hình Pháp, qua Bá Linh. Những điều chúng tôi mục kích vào những ngày trước ngày 9 tháng Mười Một là những lượt người dân Đông Đức qua lại bức tường lịch sử này. Họ vượt qua bức tường này vì sự hiếu kỳ, rất ngạc nhiên khi công an đã biến mất. Nhiều người qua phía Tây để mua sắm rồi lại quay về nhà bên phía Đông. Đây là lúc ông Glucksmann nãy ra ý định ngộ nghĩnh là sẽ mang chuối qua Tây Bá Linh. Chúng tôi thấy dân Ossies, là tên họ được gọi lúc bấy giờ, là những người rất thích mua chuối vì đây là loại trái cây không tìm thấy ở đâu bên Đông Đức. Ông Glucksmann là người có ít nhiều ảnh hưởng, đã kêu gọi các tổ chức nhân đạo Tây phương mang hang loạt chuối qua Đông Đức. Ngày hôm sau, dân Đông Đức nhân ra rằng để dùng búa để phá hủy bức tường thì dễ dàng hơn là phải trèo qua nó. Và ông Glucksmann đã không gặp khó khăn gì trong việc phân phối chuối cho họ. Thật là một ấn tượng khó quên: Tự do thật ra chỉ đơn giản như thế, chẳng cần lời hay ý đẹp, là một bài học cho vị triết gia tên tuổi này.

Vì vậy bài học của sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh, nếu chúng ta vẫn chưa biết, là hệ tư tưởng cộng sản là sản phẩm để ru ngũ và hớp hồn bọn trí thức Tây phương và những kẻ nhẹ dạ cả tin khác. Liên Xô được xây dựng trên danh nghĩa của chủ nghĩa cộng sản mà thôi. Từ khi được tạo ra vào năm 1917, Liên Xô chẳng có gì ngoài chế độ độc tài dựa trên sợ hãi. Điều ông Walesa thấu hiểu có thể áp dụng cho mọi chế độ độc tài toàn trị từ Syria đến Cuba và từ Tàu đến Bắc Hàn. Điều kinh ngạc là phải đến khi bức tường bị sụp đổ thì điều này mới được thấy rõ ràng hơn.

“Tại sao chúng ta đã không nhận ra cái rỗng tuếch của hệ thống Sô Viết từ dạo bức tường Bá Linh được dựng nên vào năm 1961? Nếu đế quốc Liên Xô được xây dựng trên nền tảng của chủ thuyết, lòng tin tưởng, một niềm hy vọng cho một xã hội tốt đẹp thì đâu cần phải xây bức tường với dây kẻm gai và mìn bao quanh để ngăn ngừa dân Đông Đức bỏ trốn. Bức tường chẳng có giá trị gì đáng kể ngoài việc làm tăng thêm nỗi sợ hãi của người dân và trong hàng ngũ lãnh đạo của đế quốc cộng sản này; nếu họ đã từng đặt niềm tin vào chủ thuyết Marxist thì bức tường này, từ năm 1961, đã chứng minh rằng họ chẳng còn tin vào học thuyết đó nữa. Và ngay cả Stalin từ năm 1930, cũng đã chẳng còn tin vào chủ thuyết Marxist, vì bằng những đóng góp thiết yếu cho hệ thống Xô Viết (và sau đó lây lan qua cho bọn Tàu cộng và Cu cộng với những hành động bất nhân) và hệ thống hóa sự sợ hãi bằng các trại tù tập trung, bằng những tòa án ngụy tạo, sự bắt bớ tùy tiện và bằng những thủ thuật khiến mọi người cáo giác, đấu tố lẫn nhau”.

Có lần tôi hỏi Walesa, người được xem là phân tích gia thực tiễn nhất về hệ thống Sô Viết – vì ông ta có lợi thế là chỉ một người thợ điện chứ không phải một triết gia, đồng thời, cũng cần lưu ý một nhà dân chủ nỗi tiếng khác của Tàu, ông Ngụy Tiên Sinh hiện đang lưu vong bên Mỹ, cũng là một thợ điện – nếu Ba Lan, dưới sự khống chế của Nga từ 1939 đến 1990, trong số lãnh đạo chính thức đã từng bao giờ có một cá nhân nào tin tưởng vào chủ nghĩa Marxist. Ông Walesa trả lời “Không có lấy một tên”. Ông nói thêm: “Nếu phát giác có tên nào trong Công đoàn Đoàn kết, hắn sẽ bị tống xuất ngay lập tức”

Chủ nghĩa cộng sản thật ra chủ yếu chỉ được tin tưởng ở những nước tự do. Chúng ta đã quá quen thuộc với những tranh cãi giữa những trí thức Marxist ở Âu châu và Mỹ. Đối với họ, các chế độ ở Nga, Tàu và Cuba đã phản bội lại lý tưởng của Marxist. Người Nga, quí vị thấy không, thì quá sức là Nga, Tàu thì quá là Tàu và Cuba thì chỉ là bọn nửa vời. Xem ra, Chủ nghĩa cộng sản chỉ có hiệu quả ở những nơi mà chủ nghĩa này không được áp dụng.

Ba mươi năm sau khi bức tường bị sụp đổ, có người cho rằng biến cố này đã không đáp ứng được những điều mong đợi. Vậy thì hãy nói điều đó cho người Ba Lan, người Baltic và người Ukraine! Một điều nữa cũng gây tranh cãi trong giới sử học: Có phải bức tường sụp đổ hay bị đánh xập và nếu bị đánh sập thì do ai? Do những người hùng tìm tự do hay những người can đảm tìm mua chuối, do Đức Giáo hoàng Gioan Phao lồ Đệ Nhị, do bài diễn văn tiên tri của tổng thống Ronald Reagan tại Bá Linh vào năm 1987 với lời kêu gọi: “Ông Gorbachev, hãy kéo bức tường này xuống”?

Như đã từng xảy ra trong lịch sử, những biến cố trọng đại thường xảy ra vì nhiều tác động. Nhưng những tác động này, một điều không thể tưởng tượng có thể xảy ra là việc Gorbachev ra lịnh cho binh sĩ mình, “Đừng bắn”. Ông ta nghĩ rằng ông ta có thể tái tạo chủ nghĩa xã hội với bộ mặt nhân đạo. Kết quả là đế quốc Liên Xô bị sụp đổ bằng chính người lãnh đạo duy nhất của họ, kẻ tin rằng chủ nghĩa xã hội đích thực có thể tồn tại mà không cần tạo ra sợ hãi. Đó là một sai lầm, may mắn thay, lại tai hại chết người!

Nguồn : https://www.city-journal.org/fall-of-berlin-wall?fbclid=IwAR1esF7rBA0Xs4vKqC0PE_XfniCOtUK7iSfKkUpDiQ19iY96UuKfZ4XiwxM#.XcceoiyJgto.facebook

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here