Bang xanh, bang đỏ: Trò chơi màu sắc của chính trị Mỹ

0
42
Ảnh: gamblingsites.org.

LUẬT KHOA

Huỳnh Minh Triết30/10/2020

Mỗi năm khi nhìn vào bản đồ bầu cử Mỹ, các ô màu xanh đỏ gợi ra trong đầu các bạn những gì? Chắc không ít người thắc mắc: “Thế quái nào phe bảo thủ của Đảng Cộng hòa lại chọn cho mình cái màu đỏ chót như cộng sản thế kia?”

Tréo ngoe với thế giới

Trên thế giới, đỏ là màu cộng sản, màu của cánh tả. Điều này không phải bàn cãi. Hồng quân (đội quân đỏ) của Liên Xô, Hồng vệ binh của Trung Quốc, và đặc sản cờ đỏ là nhận diện thương hiệu của mỗi quốc gia cộng sản, trong đó có Việt Nam.

Tổng thống Trump vẫy cờ Việt Nam khi đứng cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 trước khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim. Ảnh: AFP.

Tổng thống Trump vẫy cờ Việt Nam khi đứng cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 trước khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim. Ảnh: AFP.

Tại Anh, Canada và Úc, người ta dùng màu đỏ để chỉ Đảng Lao động (cấp tiến, cánh tả) và màu xanh để chỉ Đảng Bảo thủ (cánh hữu). Nguồn gốc màu sắc đến từ những màu trên lá cờ của nước Anh. Những người cấp tiến chọn màu đỏ do sự liên tưởng tới cách mạng và đổi mới, còn phe bảo thủ chọn màu xanh dương (blue)– màu của lý trí.

Vậy mà phe bảo thủ (Đảng Cộng hòa) ở Mỹ lại được biết đến với màu đỏ, còn phe cấp tiến (Đảng Dân chủ) lại là đảng màu xanh? Chuyện thì dài dòng, nhưng có thể tóm gọn một câu: cái số nó thế.  

Lịch sử của Xanh và Đỏ

Cuốn Atlas của Scribner xuất bản năm 1883 thống kê các bản đồ bầu cử tại Mỹ trong các cuộc bầu cử trước đó. Sự thống trị của Đảng Dân chủ ở các bang miền Nam đều được đánh dấu bằng màu đỏ, trong khi chiến thắng của Đảng Cộng hòa tại các bang Trung Tây và Đông Bắc được tô màu xanh. Những khu vực mà không đảng nào đạt được đa số phiếu được tô màu trắng, tức là hoàn thành ba màu trên quốc kỳ Mỹ.

Việc phân màu này trong cuốn Atlas là ngẫu nhiên và không hề phản ánh một truyền thống gì gắn với màu sắc của hai đảng. Báo chí không sử dụng màu sắc đối với bản đồ bầu cử cho đến tận thế kỷ 20 và tivi màu thì chưa xuất hiện.

Tới tận những năm 1970, khi tivi màu trở nên phổ cập, thì ba kênh truyền hình lớn nhất của Mỹ – NBC, CBS và ABC – mới bắt đầu đưa màu sắc lên bản đồ bầu cử. Việc chọn màu của ba kênh này cũng không thống nhất với nhau và lại còn thay đổi qua các năm bầu cử. Hơn thế, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1947-1991) xu hướng chống cộng khá mạnh, các kênh truyền thông cũng ngại sử dụng màu đỏ để cố định cho một đảng phái nào vì sợ bị chỉ trích là chính trị hóa.

Bản đồ bầu cử có màu đầu tiên của CBS năm 1972. Khi đó, các bang ủng hộ Đảng Cộng hòa được tô màu xanh, còn bang ủng hộ Đảng Dân chủ có màu đỏ. Ảnh: smithsonianmag.com.

Từ năm 1984, ABC và CBS chọn màu đỏ để chỉ các bang mà Đảng Cộng hòa thắng, còn màu xanh để chỉ các bang bầu cho Đảng Dân chủ. Lý do đơn giản là vì ứng viên năm đó của đảng Cộng hòa là Ronald Reagan (R là Reagan và cũng là Red-màu đỏ). NBC thì ngược lại, vẫn trung thành với lựa chọn xanh – Cộng hòa, đỏ – Dân chủ của mình, theo đúng nguyên tắc màu sắc như ở nước Anh.

Từ năm 1984 đến 1996, kênh ABC và CBS dùng màu đỏ để chỉ các bang ủng hộ Đảng Cộng hòa và xanh để chỉ các bang ủng hộ Đảng Dân chủ. Tới năm 1996, NBC đổi ngược mã màu để thống nhất với hai kênh còn lại. Ảnh: Youtube.

Tới năm 1996, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và để công chúng không bị lẫn lộn khi chuyển kênh nữa, đài NBC quyết định đổi lại màu cho thống nhất với hai nhà đài còn lại. Nhưng tới tận cuộc bầu cử năm 2000 thì xanh-đỏ mới đóng đinh vào ý thức người dân Mỹ như hai màu đại diện cho hai đảng trên bản đồ bầu cử. 

Cuộc bầu cử năm 2000

Tim Russert, người dẫn chương trình “Today” trên NBC khoảng một tuần trước ngày bầu cử năm 2000, đã hỏi một cách khá “vu vơ” người đồng nghiệp rằng: “Làm sao để George W. Bush giành được 61 phiếu đại cử tri của những bang đỏ còn lại này hả ông?” Câu nói này đã đi vào từ điển chính trị, khiến Russert được xem như tác giả của các từ “bang xanh”, “bang đỏ”. Còn những bang mà chưa rõ ràng sẽ bầu cho bên nào thì được gọi là “bang tía” (purple state), bang dao động (swing state), hay bang lấp lửng (toss-up state).

Dù vậy, Russert nói rằng ông không phải là người đầu tiên nghĩ ra các từ này.

Năm 2000 cũng là một cuộc bầu cử vô cùng đặc biệt. Sau đêm bầu cử đầy hỗn loạn, không ai biết chắc đảng nào chiến thắng ghế tổng thống. Trong tận 36 ngày tiếp theo, người Mỹ dán mắt vào màn hình tivi với bản đồ đầy những ô màu xanh đỏ. Kết quả ở Florida quá sát nút khiến cho hai phe liên tục đòi kiểm lại phiếu lẫn kiện tụng nhau. Việc đưa tin dày đặc về cuộc bầu cử này đã khiến hai gam màu chính trị in đậm vào tiềm thức người dân: màu đỏ là bang của Đảng Cộng hòa, màu xanh là Đảng Dân chủ.

Các nhà bình luận, giới báo chí và cả các cây hài cũng thích gọi “bang xanh, bang đỏ” hơn là phải nói một cách dài dòng: bang mà Đảng Dân chủ/Cộng hòa thắng. David Letterman, một biểu tượng văn hóa Mỹ, đã nói một cách trào phúng về giải pháp cho cuộc bầu cử bế tắc này: “Hai ứng viên đã đi đến một thống nhất và ơn Chúa, không sớm hơn một phút: George W. Bush sẽ là tổng thống của các bang đỏ, còn Al W. Gore sẽ là tổng thống của các bang xanh”.

Chỉ đến ngày 12/12, khi Tối cao Pháp viện can thiệp thì tranh chấp mới dừng lại và Florida chính thức trở thành “bang đỏ” và Bush thắng cử.

Tới năm 2004 thì các từ bang xanh/đỏ/tía trở nên quen thuộc đến mức mà Hội Phương ngữ Mỹ đã chọn chúng làm từ của năm.

Không ai thích màu đỏ

Điều hài hước là không đảng nào ở Mỹ thích màu đỏ. Một cuộc rà soát từ năm 1972 đến 2016 cho thấy cả hai đảng đều thích chọn màu xanh làm biểu tượng cho mình. Các ứng viên Đảng Dân chủ chọn màu nền xanh làm logo cho các cuộc bầu cử 1984, 1984, 2000, 2008, 2012, và 2016. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa cũng dùng màu xanh cho logo của mình ở các năm 1980, 1988, 1992, 1996, 2000, 2004, 2008, và 2016.

Trung tâm Chính trị và Thiết kế Hoa Kỳ xác nhận màu xanh vẫn là màu nổi bật trong chiến dịch tranh cử của hai đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội 2018. Và nếu để ý, tới tận cuộc bầu cử năm nay, cả hai ứng viên Joe Biden và Donald Trump đều chọn màu xanh nổi bật hơn trong các logo chính thức của mình.

Ảnh: politicsanddesign.com

Ta có thể dùng khoa học để giải thích sự “ghét đỏ yêu xanh” của chính giới Mỹ. Mắt người có các tế bào hình nón để nhận diện và xử lý màu sắc. Theo các nhà khoa học, khoảng 64% tế bào hình nón chỉ dùng để ghi nhận màu đỏ và 2% để ghi nhận màu xanh (cụ thể là xanh dương). Điều này nghĩa là người ta sẽ có phản ứng tâm lý mạnh hơn khi nhìn thấy màu đỏ so với màu xanh, và đảng nào cũng muốn gắn mình với hình ảnh một lãnh đạo điềm đạm hơn là quá đỗi hung hăng.

Rõ ràng là Đảng Cộng hòa không hài lòng với việc họ bị gán cho màu đỏ. Ngày 14/3/2014, Đảng bộ Cộng hòa tại California chính thức bác bỏ màu đỏ và tuyên bố màu xanh mới là màu của họ. Một liên minh không chính thức với tên gọi “Đảng Cộng hòa không còn đỏ nữa”, tuyên bố đã đến lúc đảng này phải trở về với các tiêu chuẩn của lịch sử và ý thức hệ quốc tế, “sửa lại sai lầm 14 năm của truyền thông và, trong quá trình này, phản bác lại ý tưởng về một quốc gia bị chia rẽ đến vô vọng”. 

Tuy nhiên, các nỗ lực này dường như đã quá muộn.

Tiềm thức của người dân Mỹ và thế giới đã in sâu rằng Đỏ là Cộng hòa, Xanh là Dân chủ. Thực ra điều này cũng có lý của nó. Archie Tse, biên tập viên đồ họa của tờ New York Times giải thích cách chọn màu này là lẽ tự nhiên bởi: màu đỏ bắt đầu bằng chữ R, cũng với ký tự đầu tiên của Đảng Cộng hòa: Republican.

Đảng Cộng hòa chẳng bao giờ tự nhận họ là “đảng đỏ”. Nhưng chỉ có thể nói lịch sử đã chọn cho họ màu đỏ và còn lâu họ mới thoát được kiếp nạn này.

Nguồn : https://www.luatkhoa.org/2020/10/bang-xanh-bang-do-tro-choi-mau-sac-cua-chinh-tri-my/