TRƯỜNG CAI NGHIỆN

0
38
   

Bạch Cúc

Lời giới thiệu: 

Ngày tôi tốt nghiệp trường Luật, mẹ của bạn tôi xin cho tôi vào làm Sở Tư Pháp TP. HCM, vào trong đó được mấy tháng thì họ gọi tôi ra nói nhỏ nhẹ rằng: Lý lịch gia đình toàn Sỹ quan VNCH, bạn rất khó để có thể làm việc và phát triển trong các ngành Nội Chính. Với mức lương Hợp đồng 400.000 đồng/tháng thế này bạn không sống nổi đâu, thôi thì ra ngoài làm việc hy vọng mới tiến thân được…

Tôi gật đầu cái rụp, chẳng băn khoăn buồn bã gì và quyết định ra đi…Hai đứa bạn cùng trường đã đi trước tôi, chúng ơi ới rủ tôi theo và tôi làm hồ sơ gia nhập Thanh Niên Xung Phong, háo hức với cảm giác vinh dự rằng mình sẽ làm được gì đó cho Tổ Quốc…nhưng thật ra tôi thích phiêu lưu, thích mạo hiểm và tôi muốn thử thách tôi ở những miền đất lạ…

Tôi canh đúng lúc mẹ tôi phải đi xa để trốn đi theo đúng nghĩa bởi tôi nói dối ba tôi rằng mình lên Đà Lạt thực tập… Lũ bạn thân kéo nhau đến nhà tạm biệt tôi, chia tay chia chân cảm động lắm. Đám bạn gửi cho tôi linh tinh đủ thứ đồ, một ít tiền, dặn dò đủ thứ và mong tôi “anh dũng” với sự lựa chọn của mình. Trước ngày ra đi, tôi đến chào tạm biệt người Cha Xứ thân thiết. Cha tặng tôi cuốn Phúc Âm và mong mỏi tôi hãy cố gắng dìu dắt những người con lỡ bước sa chân trở về với Chúa. Cha rao giảng trên nhà thờ về tôi, về một tấm gương trẻ với hoài bão và sứ mệnh “to lớn”, ôi vinh dự thay và cũng xấu hổ thay cho tôi…

Quãng đường xa và gập ghềnh, đi từ rất sớm nhưng đến trưa trật xe mới lên tới nơi. Tôi lạc giữa biển người đi thăm nuôi người nghiện, tôi lạc giữa tiếng khóc, tiếng cười, sự bịn rịn khi chia tay của họ. Chị quản lý dặn tôi chịu khó đợi vì chị đang rất bận và mang đến cho tôi một tô cơm, cơm trứng và thịt hẳn hoi, tôi như con ngốc ngơ ngáo vì chẳng kiếm được chỗ ngồi đàng hoàng. Tôi cứ đứng trước dãy nhà thăm nuôi, vừa xúc cơm ăn tỉnh bơ vừa quan sát, lòng trống rỗng chả biết mình đang nghĩ gì và điều gì đón đợi mình. Đến chiều tôi mới được đưa xuống trại, lúc ấy tôi mới chính thức “nhập trại”!

Họ xây dựng khu trại giữa lòng chảo rộng lớn, xung quanh phủ kín rừng, cây café bạt ngàn dài tít tắp… Trại có nhiều phân khu, tôi chỉ nhớ mang máng bao gồm khu cắt cơn, khu sau cắt cơn, khu sau cai nghiện, khu sản xuất… Tôi được đưa về khu sau cắt cơn cùng chỗ hai đứa bạn. Chúng đón tiếp tôi mừng mừng tủi tủi bằng bữa cơm chiều. Mỗi đứa một khay gồm cơm, 2 miếng cá khô, nước canh luộc có nổi lềnh bềnh vài cọng rau muống (chắc hẳn là có sự phân chia khu vực, cơm của khối điều hành quản lý khác hoàn toàn cơm ở từng khu trại). Tôi đưa miếng cơm đầu tiên lên miệng, bỗng dưng nước mắt trào ra xối xả rồi khóc nấc lên, bọn bạn cũng khóc… Chúng bảo ngày đầu tiên đến đây chúng cũng khóc y chang tôi, tôi không nhớ rõ cảm xúc mình lúc ấy thế nào, chỉ thấy lòng cuộn trào lên nỗi sợ hãi mơ hồ, có lẽ là do ngày đầu tiên tôi chính thức xa rời cuộc sống quen thuộc, chính thức bước vào một thế giới khác hoàn toàn thế giới tôi từng tưởng tượng…

Tôi được giao quản lý gần 50 học viên nữ (chúng tôi tếu táo gọi là 50 con Đại bàng) đủ mọi thành phần và đủ mọi lứa tuổi. Lớn nhất khoảng hơn 50, nhỏ nhất khoảng 19, 20…Phân khu chúng tôi đang ở khoảng 5 phòng, 2 phòng nam và 3 phòng nữ. Ngày ấy cơ sở vật chất còn túng thiếu, đáng lý ra phải tách riêng biệt Khu nam và Khu nữ, nhưng vì thiếu diện tích nên nam và nữ được ở cùng một khu, chỉ khác phòng, có chung một sân rộng ở giữa là nơi tập thể dục, sinh hoạt… Việc chung đụng nam nữ lúc ấy thế mà vui. Tôi biết tất cả học viên đều rất sợ đến cái ngày mà họ xây xong khu mới riêng biệt cho nữ. Ở cái chỗ khốn khổ này làm gì có niềm vui ngoài việc cả “Đực” lẫn “Cái” đều hy vọng và bấu víu vào thứ duy nhất là ánh mắt dò tìm, kiếm tìm, đong đưa nhìn nhau. Cố gắng lựa chọn được một ánh mắt có chung nhịp điệu trái tim tương đồng với mình giữa một bầy khác giống ngay sát bên cạnh và hớn hở với thứ tình yêu nửa là thật, nửa là tưởng tượng… Việc không thể tách bạch khu nam và khu nữ cũng gây không ít khó khăn cho bọn quản lý chúng tôi bởi Nội quy trại cấm nam và nữ trò chuyện, liên hệ với nhau bằng bất cứ cách nào kể cả ánh mắt, cử chỉ… thế là nảy sinh rất nhiều trò y như Phim Tình Cảm…

Trong cuộc đời, tôi chỉ biết 2 loại ngôn ngữ: đó là ngôn ngữ của người bình thường và ngôn ngữ của người câm. Bước vào thế giới này, tôi biết được loại ngôn ngữ thứ 3, ngôn ngữ của những người không câm, không điếc và chẳng hiểu bằng cách nào, từ bao giờ mà họ đã sáng chế và lan truyền với nhau một ngôn ngữ ký hiệu của riêng họ. Đám Quản giáo chúng tôi thật khốn đốn vất vả để có thể ngăn chặn họ truyền đi một tín hiệu bởi chính tôi đây cũng chưa thể hiểu rõ cử chỉ nào được gọi là “yêu”, là “nhớ”, là “hôn”. Khi thấy họ múa máy tay chân, đầu gật lúc la lúc lắc, đá lông nheo, liếc mắt, chu mỏ… thì có nghĩa là họ đang có hàng tá thứ ngôn ngữ không lời đang bí mật tìm cách trao đổi… Tôi không hiểu được lý do tại sao Nội quy trại lại cấm nam nữ học viên thích nhau, yêu nhau? Tôi chỉ ngỡ ngàng và cảm thấy phấn khích y như mình lạc vào một thế giới kỳ lạ mà bản năng nhân bản khiến tôi luôn phải nhắm mắt lại, giả ngơ, giả đò mỗi khi tôi phát hiện ra một tín hiệu lạ giữa hai bên. Lòng tôi thấy vui vui, tôi tò mò, tôi háo hức với những cử chỉ bí mật đó. Tôi mà còn hớn hở như vậy thì có nghĩa là cặp nam nữ đó còn hớn hở sướng vui đến mức nào? Vậy tại sao tôi có thể nỡ mà dập tắt chút ánh sáng leo lét chợt thắp trong trái tim họ với một cuộc đời gần như là bế tắc…

Xung quanh khu trại có 3 chòi canh gác rất cao, y như mấy cái chòi canh gác tôi được xem trong ti vi chiếu lại thời chiến tranh. Trên chòi luôn có một chú “bộ đội” ngồi canh gác rất nghiêm chỉnh, hết tua thì có người khác thay ca, 24/24. Lúc mới đến tôi ngây thơ hỏi đứa bạn cái người ngồi trên chòi canh gác chi cho mệt, có gì đâu mà phải canh gác? Con bạn bật cười và chửi tôi ngốc. Nó bảo tôi mới đến, chưa nhìn thấy “thảm cảnh” học viên chạy trốn. Nó bảo học viên luôn nung nấu trong đầu ý muốn phải chạy trốn bằng được, tìm đủ mọi cách để có thể thoát ra khỏi trại nhưng rất tiếc, chẳng có đứa nào thành công cả. Tôi tự lần mò tìm hiểu tại sao lại không thành công bằng cách đi lòng vòng quanh trại, đi sâu vào khu rừng café, trải dài quanh co tít tắp chỉ thấy café và café, chung quanh bốn hướng chắc hẳn là rừng…và thế là tôi bị lạc, ráng lần mò ra được con đường mòn nhưng tôi chẳng biết hướng nào là hướng quay về trại. Đứng chán chê rồi tôi lại ngồi bệt xuống, kiên nhẫn không khóc rồi lại hết kiên nhẫn và mếu máo rên rỉ cho đến khi chập choạng tối có người ra đưa tôi về, hú hồn…

Thế là tôi hiểu tại sao học viên không thể trốn thoát. Cái người trên chòi canh gác đã nhìn thấy tôi đi, họ thấy tôi loanh quanh lòng vòng, hết đứng lại ngồi và sau đó là ngồi im re rất lâu. Họ hiểu là tôi không biết đường về và cho người ra đón tôi. Với học viên, nếu muốn trốn thoát, cứ để cho họ trốn. Đây là khu vực lòng chảo, loanh quanh một hồi là mất định hướng, chạy đi đâu cũng chỉ lòng vòng, người ta thả rông cho chạy chán chê, chạy đến khi kiệt sức lả xuống thế là có người ra khiêng về, hất vào khu giam kỷ luật, bị cho ăn no đòn và nếu chưa tởn thì cứ việc đào tẩu lần 2…

Có rất nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra trong quãng thời gian ngắn ngủi tôi ở Trại Cai Nghiện, nhưng tôi chỉ viết lại những câu chuyện đã “ám ảnh” tôi đến giờ phút này: đó là những câu chuyện về những phận người, là những sự thật trần trụi và cay nghiệt đến mức tàn nhẫn mà Bạch Cúc đã cố giảm nhẹ, chỉ nói những gì cần nói ở mức độ cho phép để giữ nguyên sự thật và giúp người đọc tự hình dung và kết nối sự việc… Mong các bạn đón đọc từng tập, cảm ơn các bạn!

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here