SONG CHI·CHỦ NHẬT, 2 THÁNG 9, 2018
+ Bài viết cho Trẻ Weekly Magazine, Dallas. Bài khi đăng lên có lẽ vì dài nên bị cắt ngắn một phần. Do đó, mình share cả hai bài gốc và bài trên báo.
Người Na Uy: sức khỏe là quan trọng nhất
Nếu bạn làm một cuộc khảo sát «bỏ túi» với dân Na Uy và đặt câu hỏi theo họ điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống, bảo đảm phần lớn câu trả lời sẽ là sức khỏe, chứ không phải tiền bạc, địa vị hay sự thành công trong cuộc sống.
Thật vậy, một thời gian khá dài sống ở Na Uy cho tôi nhận xét, người Na Uy rất quan tâm, thậm chí có thể nói là hơi bị «ám ảnh», về vấn đề sức khỏe. Trước hết, họ rất chú ý đến chuyện ăn uống làm sao để tốt cho sức khỏe, ít bệnh tật, mà họ gọi là sunn mat (healthy food). Ví dụ ăn bánh mì nâu thay vì bánh mì trắng nhiều chất đường (hoặc chỉ ăn ít bánh mì trắng), đường nâu thay vì đường trắng, bất cứ sản phẩm nào họ cũng chọn loại low fat-ít chất béo, ăn cá nhiều, nhất là cá hồi-vì Na Uy là xứ sở của cá hồi, ăn rau củ, ăn thịt trắng như thịt gà nhiều hơn thịt đỏ như thịt bò, và khi ăn thịt gà, thịt heo thì chỉ ăn phần nạc (người Việt mình thì lại thích ăn gà có cả da cả xương, và ăn không bỏ bất cứ bộ phận nào của con gà, còn thịt heo thì người Việt thích ăn cả nạc, cả ba rọi, cả thịt mỡ…).
Thứ hai, người Na Uy rất siêng tập thể dục, chơi thể thao. Các phòng tập gym có ở khắp nơi, mở cửa cả vào cuối tuần, cả vào ngày đầu năm mới. Phần lớn dân Na Uy ghé phòng tập gym ít nhất vài lần mỗi tuần, và thường ở lại vài tiếng đồng hồ. Có thể nói họ có cái văn hóa thể dục thể thao thấm vào người ngay từ bé, và cả xã hội Na Uy là như vậy.
Hầu hết dân Na Uy đều biết chơi một vài môn thể thao, nhất là những môn thể thao mùa đông như trượt tuyết, trượt ván tuyết, trượt băng… (điều dễ hiểu ở một xứ sở mà mủa đông kéo dài 4, 5 tháng hoặc hơn, tuyết phủ trắng trời trắng đất). Họ cũng yêu thích những môn thể thao mạo hiểm như leo núi, nhảy dù, lướt sóng, lái thuyển buồm, lặn, lao xuống biển từ vách đá, săn bắn….
Thật ra dân châu Âu, dân Mỹ nói chung đều quan tâm đến việc giữ gìn, rèn luyện sức khỏe, chơi thể thao chứ chẳng riêng gì dân Na Uy hay Bắc Âu. Nhưng mức độ quan tâm có thể ít nhiều khác nhau, ví dụ như dân Pháp vẫn ăn bánh mì trắng, đường trắng, ăn thịt bò đều đều, và uống rượu vang hàng ngày.
Người Anh: lúc nào cũng «health and safety”.
Khi đến Anh, tôi lại nhận thấy người Anh có nỗi “ám ảnh” về sự an toàn. Ở bất cứ đâu, từ môi trường học tập, lao động, hay công cộng, mọi người đều được giáo dục về việc làm thế nào để bảo đảm sức khỏe và an toàn, tránh những mối nguy tiềm tàng có thể biến thành tai nạn cho bản thân hay cho người khác. Ở Anh có rất nhiều luật lệ chi tiết về “Health and Safety” trong lao động.
Sau khi được giáo dục/hướng dẫn, học sinh, sinh viên, nhân viên sẽ phải cam kết là mình đã hiểu và chịu trách nhiệm nếu có chuyện gỉ xảy ra mà lỗi là do mình. Do được thường xuyên giáo dục, nhắc nhở, cam kết như vậy nên dần dần hình thành trong mỗi người ý thức tự giác về bảo đảm sức khỏe và an toàn trong môi trường chung và tinh thần trách nhiệm cao.
Một ví dụ nhỏ, khi bạn đi làm móng tay móng chân, người thợ sẽ đưa ra một cái form để bạn điền vào, mình có đang bị bịnh, bị dị ứng…gì không, nếu bạn bị tiểu đường, nếu bạn đang mang thai 3 tháng đầu tiên, nếu bạn bị một số bệnh về da, bị dị ứng hay bị những căn bệnh hay lây như HIV chẳng hạn, ngưởi thợ sẽ dứt khoát không làm. Còn nếu bạn có bệnh mà không chịu nói thật thì sau này nếu có gì xảy ra, bạn không thể kiện người thợ làm nail được. Ngược lại, một người thợ làm móng nếu có tinh thần trách nhiệm với công việc, đồng thời cũng là để tự bảo vệ mình thì phải tiến hành “thủ tục” đơn giản này để tránh rủi ro xảy ra cho khách, cũng như phải tuân thủ mọi luật lệ nếu muốn được bảo hiểm đền bù cho khi có chuyện gì xảy ra cho chính mình trong lúc làm việc (nhưng nếu bạn đến một tiệm làm móng của dân nhập cư, trong đó có người Việt, thì thường là không có chuyện này!)
Ngay cả một việc đơn giản như đi nhuộm tóc, uốn tóc, người thợ làm tóc sẽ không làm ngay cho bạn mà họ phải làm một cái test nhỏ, bôi thử một chút thuốc nhuộm, thường là phía sau tai và yêu cầu bạn để như vậy trong vòng 48 tiếng xem có bị phản ứng, dị ứng gì với thuốc nhuộm không rồi sau đó mới nhuộm, uốn.
Đó chỉ là những chuyện nhỏ và đơn giản nhất.
Còn ở mức cao hơn là bảo vệ môi trường thì người dân các nước tiến bộ nói chung rất có ý thức. Từ những việc nhỏ nhặt như phân loại rác thành từng loại riêng hàng ngày để có cách xử lý riêng và rác được tái chế tối đa. Chính phủ Na Uy còn khuyến khích người dân “trả lại” những vỏ chai coca, chai nước đã uống bằng cách khi bạn trả lại vỏ chai thì được hoàn lại một số tiền. Ở các cửa hàng quần áo thường có tấm bảng khuyến khích người dân đem cho, tặng lại quần áo cũ để… “tái chế” v.v…
Mọi nhà hàng, quán xá, công ty ở Na Uy, ở Anh, hay ở bất cứ quốc gia tiến bộ nào đều phải tuân thủ những quy định gắt gao về điều kiện vệ sinh, an toàn cho người lao động và cho khách hàng, có những cơ quan sẽ thường xuyên đi kiểm tra và nếu nơi nào không tuân thủ thì sẽ bị phạt nặng, thậm chí đóng cửa (nhà hàng) một thời gian, và dứt khoát không có chuyện “hối lộ” để cho qua!
Ở Na Uy hay ở Anh, bạn đi siêu thị hay đi bất cứ đâu mua hàng bạn thường phải bỏ thêm tiền nếu muốn mua bao đựng, nhà nước làm như vậy để người dân tiếc tiền (vì thường xuyên phải đi siêu thị) sẽ cất bao để dùng lại, thay vì xài rồi vứt thoải mái như ở VN. Một số quốc gia cũng đang tiến dần đến việc cấm dùng ống hút nhựa, vì ống hút nhựa quá nhỏ khó mà tái chế được, mà đồ nhựa như chúng ta biết khi chôn xuống đất hàng chục năm cũng chưa tan.
Người Việt: hồn nhiên như…cây cỏ.
Trong khi đó người Việt mình vẫn sống rất “hồn nhiên”. Ăn uống thì cốt ngon miệng chứ không quan tâm thức ăn đó tốt hay không tốt cho sức khỏe. Người Việt nói chung cũng rất lười thể thao, siêng lắm thì tập thể dục mỗi sáng, đi bộ, hay chơi một vài môn thể thao nhẹ, chứ cũng ít khi tham gia vào những môn thể thao đòi hỏi tính mạo hiểm hoặc kỹ năng cao. Người Việt có thể bỏ ra hàng giờ đồng hồ trong ngày để ngồi quán café, quán nhậu…chứ không bỏ giờ để đi tập gym hay leo núi.
Không có ý thức chăm lo cho sức khỏe của bản thân đã đành, người Việt cũng rất kém trong ý thức tự giác bảo đảm sức khỏe, sự an toàn trong môi trường chung. Như rác thì đổ tất cả các thứ rác vào chung một thùng chứ không phân loại, chưa kể nhà mình sạch nhưng “hồn nhiên” xả rác ra ngõ, ra đường là chuyện…bình thường. Mỗi một dịp lễ hội xong là đường phố như một bãi rác khổng lồ, bao nilon, các loại túi, lon nhựa…xài thoải mái.
Ở VN cứ lâu lâu chúng ta lại đọc thấy những tin tức đau lòng về những tai nạn do con người không có ý thức gây ra. Ví dụ như hỏa hoạn. Nhà cửa tại các thành phố lớn nhỏ của VN thường xây tường rào bao quanh, cổng khóa chặt chẽ, cửa sổ thì có song sắt, nhưng lại ít khi nghĩ đến việc xây cửa thoát hiểm hay ít nhất, có một vài cửa sổ là loại cửa kiếng mở bung ra được, tệ lắm cũng có vài cuộn dây thửng thủ sẵn trong nhà… Khi xảy ra hỏa hoạn là chết chắc! Rất nhiều câu chuyện thương tâm nhà cháy ở tầng dưới, cửa lại khóa, hàng xóm phá không nổi còn người bên trong hoặc trên lầu thì chịu chết. Không chỉ nhà riêng mà nhiều chung cư cao tầng, nhà hàng karaoke, vũ trường…cho tới chợ…điều kiện phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm… rất kinh hoàng, như câu chuyện cháy chung cư cao cấp Carina Plaza, Quận 8, Sài Gòn, khiến 13 người chết, 91 người bị thương mới đây chẳng hạn.
Hay câu chuyện ông Lê Minh Phương làm nghề tạo hiệu ứng cháy, nổ trong phim, thường được gọi là “Phương khói lửa”, trong nhà để đủ loại vật liệu gây cháy nổ mà chính quyền địa phương chẳng ai có ý kiến nhắc nhở, đến khi xảy ra tai nạn (năm 2013) ngôi nhà bị sập, đồng thời 4 nhà liền kề cũng bị sập theo; vụ tai nạn làm chết tổng cộng 10 người, trong đó gia đình ông Phương 6 người chết hết! Vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh, báo chí mô tả, “phạm vi ảnh hưởng của vụ nổ lên tới 5km, thiệt hại tập trung trong bán kính 1km”, “Đầu đạn bay như mưa trong bán kính 1km”…cảnh tượng tan hoang như thời chiến. Hóa ra cả làng Quan Độ (Bắc Ninh) lâu nay vẫn vô tư sống cạnh một kho chứa phế liêu, đầu đạn, vỏ bom cũ…như vậy!
Từ thành phố lớn cho tới tỉnh lẻ, nông thôn, từ Nam ra Bắc, ở đâu chúng ta cũng có thể nhìn thấy vô vàn ví dụ về việc người Việt đang sống ở giữa những nguy hiểm tiềm ẩn!
Từ nhỏ cho tới lớn, người Việt không hề được giáo dục về việc phải bảo đảm vấn đề sức khỏe và an toàn trong mọi môi trường học tập, lao động hay môi trường công cộng, đó là trách nhiệm của nhà nước. Nhưng ngay ở góc độ nhà nước, hàng ngày chúng ta cũng vẫn đọc/nghe/chứng kiến tận mắt sự vô cảm, vô trách nhiệm của họ đối với vấn đề sức khỏe, sự an toàn và sinh mạng con người. Nào nạn thực phẩm “bẩn”, thực phẩm độc hại cho sức khỏe, nạn acid và các vật liệu gây cháy nổ có thể mua dễ như mua rau ở Sài Gòn, cho đến môi trường bị ô nhiễm, nạn thủy điện xả lũ khiến “lũ chồng lũ” năm nào cũng gây chết người, thảm họa Formosa , nhà máy điện hạt nhân hay việc khai thác bauxite Tây Nguyên có thể gây ra nhiều mối rủi ro tiềm ẩn chết người và hủy diệt hệ sinh thái ở Tây Nguyên v.v…Tất cả đều đã được dư luận cảnh báo từ lâu nhưng rồi vẫn đâu hoàn đó, người dân vẫn phải tiếp tục sống chung với bao nhiêu mối nguy rình rập, sức khỏe và tính mang người dân vẫn bị coi rẻ, khi tai họa xảy ra thì chả mấy khi có ai chịu trách nhiệm gì!
Trách nhiệm trước hết thuộc về nhà nước, phải đặt vấn đề sức khỏe và sinh mạng con người lên hàng đầu, phải có những chương trình giáo dục về sức khỏe và an toàn ngay từ trong trường học cho tới mọi nơi, phải có hệ thống kiểm tra, giám sát, trừng phạt nghiêm ngặt. Xây dựng một ý thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân và bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người khác là cả một quá trình lâu dài, trong khi đó những thói quen xấu đã tồn tại bao nhiêu năm rất khó bỏ!
Nhưng nhà cầm quyền nếu có lương tri thì phải làm, bởi nếu là thiên tai, là họa từ trên trời rơi xuống thì đã đành, đau đớn nhất là tai họa do con người gây ra.
Bao giờ thì người dân Việt được bớt đi những nỗi lo về sức khỏe, an toàn và chính mỗi người cũng có ý thức về điều đó?