Lễ Vinh danh Anh hùng Hải Quân trong quân đội Mỹ: PAUL EDWARD GALANTI

0
11

Pham Thanh Nga

“7 năm bị giam cầm của tôi có thể được tóm tắt trong không gian của một con tem bưu chính. Nhưng tôi đã học được một bài học quý giá về sự biết ơn.”
Paul Edward Galanti.

Nhận lời mời của Phó Đề Đốc hưu Frank Thorp, CEO của US Navy memorial tham dự AWARDS DINNER (honor-recognize-Celebrate-Inform)
VINH DANH các vị anh hùng trong Hải Quân Hoa Kỳ và các đóng góp của các vị mạnh thường quân cho US NAVY MEMORIAL. Buổi tiệc được tổ chức ở bảo tàng viện quốc gia Washington DC.

Không bỏ lỡ cơ hội khoe tà áo dài thanh lịch của người Việt Nam tôi chọn chiếc áo màu của lính biển.

Bước qua cánh cửa đôi to lớn, trước mắt là một khung cảnh đẹp như những buổi tiệc trong các toà lâu đài của các vua chúa ngày xưa. Cách kiến trúc Âu Châu với các trụ cao to phải bằng 3 vòng tay ôm cao ngất ngưỡng, sảnh đường to lớn như sân vận động lung linh dưới ánh đèn vàng. Bàn tiệc đã bày biện bằng ly, chén, bát, dao, nĩa mạ vàng chung quanh hồ nước lớn. Trên sân khấu chỉ một tấm màn nhung xanh với hình người Lính Thủy Cô Đơn phủ dài từ trần nhà xuống: đơn giản nhưng trang trọng, bên cạnh sân khấu là dàn nhạc của Hải Quân. Tôi bước vào, chưa kịp hỏi người hướng dẫn đã nói:”Ms Elconin?” Tôi gật đầu trong ngạc nhiên, hai vợ chồng Phó Đề Đốc Frank Thorp đi đến đón tôi với vòng tay thân thiện, phu nhân Phó Đề Đốc ghé vào tai tôi:”Cám ơn những đóng góp của bà cho US Navy Memorial, rất vui khi bà đến tham dự”.

Phó Đề Đốc Frank Thorp giới thiệu tôi với một số các Tướng lãnh Hải Quân và phu nhân của họ.

Sau đó Tôi được hướng dẫn ngồi cạnh một vị anh hùng, người được vinh danh hôm nay: Trung tá Hải Quân đã về hưu Paul Galanti, một cựu tù binh trong chiến tranh Việt Nam, người thứ hai cùng được vinh danh hôm nay là Đại Tá Hải Quân đã về hưu là Chủ Tịch điều hành của công ty CACI, một công ty có doanh thu hơn 5 tỷ mỗi năm.

Không hiểu sao bình thường tôi hay mắc cỡ với đám đông nhưng hôm nay lòng tự tin như trở về gia đình, có lẽ chúng tôi cùng mang một tâm hồn khi đến đây tham dự: biết ơn những người đã hy sinh cuộc đời mình để bảo vệ hoà bình, dân chủ cho toàn thế giới. Vị anh hùng Paul Galanti với nụ cười nhân hậu đã nói khi nắm tay tôi trông lòng bàn tay ông:”bà đã làm tôi nhớ Vietnam, những phụ nữ Việt Nam xinh đẹp trong chiếc áo dài”.

Paul Edward Galanti lớn lên trong một gia đình quân đội. Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Valley Forge năm 1957 và Học viện Hải quân U. S. năm 1962, nơi ông là đại diện học sinh. Sau đó ông đã chọn ngành phi công, tham gia khóa huấn luyện bay phản lực của Hải quân tại căn cứ Không quân Hải quân, Pensacola, Florida. Sau khi tốt nghiệp khóa cao đẳng vào tháng 11 năm 1963, ông trở thành một huấn luyện viên phi công ở Pensacola. Vào tháng 11 năm 1964, ông gia nhập Phi đội tấn công phản lực hạng nhẹ (VA-216) trên hàng không mẫu hạm USS Hancock, có mặt tại chiến trường Việt Nam vào tháng 11 năm 1965. Galanti đã bay 97 phi vụ chiến đấu trên chiếc A-4 Skyhawk của mình trước khi bị bắn rơi và bị bắt vào ngày 17 tháng 6 năm 1966.

Sau khi nhảy dù ra khỏi chiến đấu cơ, ông đã bị bắt và đem về Hà Nội để diễn hành bêu rếu trước công chúng. “Chúng tôi đã bị họ còng tay và dẫn đi ngoài đường phố. Các cán bộ chính trị đã dùng loa để khích động dân chúng. Một người đã đá vào tôi khiến tôi ngã gục xuống. Sau khoảng một tiếng đồng hồ, họ mới dẫn chúng tôi về nhà tù.”

Vì không cộng tác với chúng nó, ông đã bị nhốt vào tù đơn độc hơn một năm trời. Trong suốt thời gian đó, cách duy nhất để nói chuyện với các đồng đội là dùng “morse code” và đánh gõ vào tường. Ông đã gõ cho tôi nghe trên mặt bàn ăn.

Ông nói tiếp, “mặc dù họ tìm cách lung lạc tinh thần chúng tôi, tất cả các tù binh đều thống nhất và giữ vững ý chí dưới quyền lãnh đạo của Trung Tá Jim Stockdale và Đại Tá Robbie Risner lúc đó.“ Qua bao nhiêu thử thách cũng như bị tra tấn khủng khiếp, ông ta vẫn giữ vững niềm tin và sự lạc quan là sẽ có ngày trở về với gia đình. Điều này đã giúp cho ông sống sót sau hơn 6 năm tù.

Ông còn kể cho tôi một chuyện thật lý thú. Đó là chuyện về một người bạn tù của ông ở Hà Nội, một phi công của Việt Nam Cộng Hoà mà đã bị nhốt cạnh nhà tù của ông. Lúc đầu ông đã nghi ngờ đó là nội giám của bọn cộng sản, nhưng sau một thời gian, tất cả các nghi ngờ đều tan biến. Người ấy hiện nay vẫn còn sống ở Florida và vẫn liên lạc với ông thường xuyên.

Nhìn lại quãng đời mình trong 5 thập niên qua, ông nói “Tôi rất cảm kích những gì tôi đã có. Tôi yêu đời, yêu mỗi ngày tôi có. Tại sao chúng ta không yêu đời được? Không có ngày xấu khi mở mắt, tôi thấy cửa ra vào của tôi có cái nắm mở ở phía trong.”

Bên cạnh những người coi trọng tình nghĩa, danh dự và sống vì lý tưởng: cho tôi lòng ngưỡng mộ và kính phục.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here