NGÀY 30 THÁNG TƯ VÀ NỖI ĐAU CỦA ĐẤT NƯỚC 

3
59
   

Huỳnh Thị Tố Nga 

Đã nửa thế kỷ trôi qua, hàng năm cứ đến ngày 30/4 là trái tim những người miền Nam lại nhói đau. Tôi là một người thế hệ 8x, tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến cuộc chiến “nồi da xáo thịt” của đất nước giai đoạn trước 1975, nhưng gia đình tôi, tồn tại hai dòng tư tưởng quốc gia và cộng sản, ông bà tôi, cậu, dì tôi là những nhân chứng sống cho giai đoạn lịch sử này. 

Cậu ba tôi, đã từng ngã xuống dưới họng súng của những người cộng sản. Cậu Út tôi, một tài hoa của gia đình và xã hội, cũng sống một đời sống dở chết dở dưới thủ đoạn của cộng sản. Ông ngoại tôi, một bác sĩ tim mạch được đào tạo ở Pháp, một trí thức mang tư tưởng cấp tiến, một đời chỉ biết sống với lý tưởng dùng tài đức phục vụ cho con người. Nhân cách của ông ngoại đã ảnh hưởng đến tôi rất lớn, dù khi ông mất, tôi chỉ mới tám tuổi, nhưng những kỷ niệm về ông tôi chưa từng quên. Tôi chọn nghề y cũng có lẽ ảnh hưởng từ ông. Tư tưởng chính trị của tôi có lẽ từ bé ảnh hưởng từ cậu út tôi, một người có tài và tư tưởng lớn nhưng rốt cuộc lại bị hủy dưới tay cộng sản. 

Ngược lại, bà ngoại và hai dì của tôi, cũng là những người trí thức, nhưng lại dùng cả đời phục vụ cho lý tưởng cộng sản. 

Cuộc đời luôn có những oái ăm, mà vô phúc cho những người phải sống trong dòng lịch sử đó, họ phải lội ngược xuôi, cuối cùng khi mất đi, đất nước này vẫn đang vật lộn với chuỗi ngày u tối cho những người dân đen, những người ở đáy tầng của đời sống. 

Rất nhiều người đã từng hỏi tôi, rằng tôi có ý thức đấu tranh từ khi nào, tôi cũng từng trả lời rằng, tôi có tư tưởng chính trị từ rất sớm, đó là tư tưởng xuất hiện từ vô thức, trước khi tôi hiểu rõ về chính trị là gì thì đã có nó rồi. Bởi vì gia đình hoàn cảnh phức tạp, tôi có được sự nhận thức đa chiều, một kinh nghiệm quý giá. 

Dượng tôi, một người từng lăn lộn ở chiến trường biên giới Lào, Campuchia và Thái Lan. Ở ông có cả một bầu kiến thức và kinh nghiệm. Dượng đã kể cho tôi nghe rất nhiều về cuộc sống của miền Nam trước kia. Ông là người đã sống qua hai thời kỳ, ông quá hiểu về chế độ. Qua lời kể của dượng, tôi biết được một miền Nam từng yên bình như thế nào. Người dân được học hành, khám chữa bệnh miễn phí, được hưởng trợ cấp khi khó khăn. Dượng dùng từ “nhà thương” chứ không phải gọi “bệnh viện” như bây giờ, vì người dân vào nhà thương, được chăm sóc tận tình và miễn phí. Dượng cũng kể những năm tháng ông lăn lóc ở chiến trường, chiến đấu dưới màu cờ quốc gia. Có những chuyện dượng kể, tuy là một góc nhỏ bé, nhưng tôi nhớ hoài. Ở rừng, có gì ăn đó, những lúc lương thực viện trợ của Mỹ chưa đến kịp, phải ăn thú rừng, đôi khi những con thú như voi, vô tình bị trúng đạn chết, người lính đành ăn thịt voi mà sống. Ông kể, cái vòi con voi, nấu lên nó “nở to như cái nia” (chắc có lẽ ông nói vui, tôi nghĩ nó sẽ nhỏ hơn cái nia một chút). Những lần dượng phải lăn lộn dưới đường ranh sống chết. Những kinh nghiệm sống đó, không phải ai cũng trải qua. 

Sau 1975, dượng sống như một người ẩn cư, không yên ổn với cộng sản, cuộc sống như người vô gia cư, rày đây mai đó, không giấy tờ tùy thân. Đối với dượng, cuộc sống sau 1975 như đày ải, mọi tự do bị tước sạch. Trên thân thể ông, dưới lớp da thịt, vẫn còn rải rác những mảnh vỏ đạn nhỏ xíu, sờ vào là cảm nhận được. 

Từ khi cộng sản nắm quyền, họ chỉ lo thu tóm quyền lực, giống như con khỉ ở rừng, sau khi được thả với tâm lý phải chứng tỏ bản lĩnh, người cộng sản không từ thủ đoạn, dùng chính sách cai trị khắc nghiệt để người dân Miền Nam phải tuân phục và sợ hãi. Đấu tố, tù đày và giết chóc diễn ra khắp nơi, những người từng phục vụ cho quốc gia, hầu như không còn đường sống. 

Sau nửa thế kỷ cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, nếu hiện tại Việt Nam yên bình và nhân dân ấm no, có lẽ tôi cũng không dấn thân vào đấu tranh làm gì. Tôi không quan tâm quyền lực, chỉ mong muốn một cuộc sống yên bình, tự do và khai phóng tư tưởng. Nhưng thực tế, từ quá khứ cho đến hiện tại, chính trị Việt Nam không thay đổi, chỉ thay đổi hình thức giả tạo để che lấp dưới mắt quốc tế, nhưng bản chất người cộng sản vì lợi ích đảng phái, vì lợi ích cá nhân và quan điểm triệt tiêu người bất đồng đường lối chính trị vẫn như vậy, bản chất người cộng sản không bao giờ thay đổi. Càng ngày họ càng tăng cường tuyên truyền nhiều hơn, càng sa đà vào chủ nghĩa cộng sản không thực tế, họ cho người dân ăn bánh vẽ cộng sản nhưng chính họ lại xa rời cái gọi là chủ nghĩa cộng sản, và tôi tự hỏi, những người đang mang mác cộng sản ở Việt Nam hiện nay, thực chất họ đang theo chủ nghĩa gì? Phải chăng là chủ nghĩa thực dụng và lợi ích nhóm, chứ làm gì có “cái gọi là chủ nghĩa cộng sản” ở họ. 

Con đường của tôi và những người mong muốn tự do cho Việt Nam còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng khi nào Việt Nam còn chưa được thật sự tự do, cuộc sống người dân còn chưa đủ ấm no cho tầng lớp đáy tầng thì tôi vẫn tiếp tục tranh đấu. 

Ít nhất, Việt Nam phải được như miền Nam trước kia, một Miền Nam tự do, dân chủ và văn minh. Nếu tốt hơn, phải kiến tạo được một Việt Nam giàu đẹp, con người giàu tinh thần dân tộc, đề cao đạo đức, khai phóng tinh thần, hướng thượng và nhân bản, người dân không phải sống trong một chế độ độc tài, chỉ phục vụ cho lợi ích cá nhân và lợi ích đảng phái như bây giờ. 

Người tham gia vào chế độ cộng sản, họ không còn mang tinh thần dân tộc, không tôn giáo, không đề cao giá trị Tổ Quốc, họ chỉ biết phục vụ cho chủ nghĩa cộng sản, dù chính bản thân họ cũng chưa hình dung được chủ nghĩa cộng sản ra sao. 

Sẽ không có khái niệm “hòa hợp hòa giải dân tộc” giữa cộng sản với nhân dân, bởi lẽ, cộng sản là chế độ chính trị, về chính trị sẽ không có khái niệm hòa giải hay không hòa giải, nó chỉ có khái niệm “Tồn tại hoặc không tồn tại” mà thôi. Chế độ chính trị không phù hợp để phát triển thì sẽ bị thay thế bằng chế độ chính trị khác, chứ “hòa hợp hòa giải” là thế nào? Nói vậy chỉ là cố tình đánh tráo khái niệm và làm sai lệch bản chất của chữ nghĩa. Nói hòa hợp hòa giải giữa các vùng miền hoặc hòa hợp hòa giải giữa các đảng phái thì mới đúng bản chất. Nhưng hiện tại, Việt Nam đang độc đảng thì không có việc hòa hợp hòa giải đảng phái rồi. Còn giữa các vùng miền, nếu muốn hòa hợp hòa giải thì phải xem nguyên nhân chính yếu từ đâu có sự phân biệt vùng miền như bây giờ, đầu đuôi mối nhợ cũng là từ cộng sản mà ra. Vậy nên, đừng đem mớ chữ nghĩa “hòa hợp hòa giải dân tộc” trong hiện trạng này, vốn đã sai từ bản chất nhồi nhét vào đầu nhân dân nữa. Người dân nếu muốn thay đổi cuộc sống của mình, hãy nhìn thẳng vào bản chất chế độ chính trị và hãy có sự nhận thức của chính mình. 

HUỲNH THỊ TỐ NGA

April 30, 2024

Advertisement
   

3 COMMENTS

  1. of course like your website but you have to check the spelling on several of your posts A number of them are rife with spelling issues and I in finding it very troublesome to inform the reality on the other hand I will certainly come back again

  2. I just could not leave your web site before suggesting that I really enjoyed the standard information a person supply to your visitors Is gonna be again steadily in order to check up on new posts

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here