Justice For Myanmar: BIDV vẫn giao dịch với tập đoàn MEC bất chấp lệnh trừng phạt

4
8
Một quầy giao dịch của Ngân hàng BIDV ở Hà Nội.

VOA Tiếng Việt

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, ngân hàng Innwa do chính quyền quân quản Myanmar kiểm soát vẫn tiếp tục thực hiện các giao dịch quốc tế, trong đó có ít nhất 18 giao dịch với ngân hàng BIDV của Việt Nam, các nhóm theo dõi doanh nghiệp kinh tế có liên kết với chế độ của Myanmar cho biết.

Ngân hàng Innwa, thuộc sở hữu của tập đoàn quân sự Myanmar Economic Corporation (MEC), có nhiệm vụ trả lương cho các sĩ quan, chuyển tiền cho các đơn vị quân đội và duy trì các doanh nghiệp của chế độ.

Các hồ sơ giao dịch của Ngân hàng Innwa do nhóm Distributed Denial of Secrets và Justice For Myanmar (JFM) vừa công bố đầu tháng 11 cho biết các ngân hàng BIDV của Việt Nam, ANZ của Australia và UOB của Singapore nằm trong số các ngân hàng quốc tế có giao dịch với ngân hàng Innwa.

Các tài liệu của nhóm này tiết lộ rằng BIDV – có tên đầy đủ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sở hữu phần lớn, và Ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc giữ 15% cổ phần – đã thực hiện ít nhất 18 giao dịch với Telecom International Myanmar, do MEC sở hữu, kể từ cuộc đảo chính năm 2021 liên quan đến các khoản thanh toán cho MEC, thực hiện các giao dịch với các công ty con của MEC như Star High, Ngân Innwa và Eco Friendly Towers Company Limited.

Trụ sở của tập đoàn Myanmar Economic Corporation (MEC) ở Yangon. MEC là một trong các pháp nhân chính chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Trụ sở của tập đoàn Myanmar Economic Corporation (MEC) ở Yangon. MEC là một trong các pháp nhân chính chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

BIDV là nhà cung cấp dịch vụ tài chính và tín dụng chính cho Telecom International Myanmar, công ty mẹ của hãng viễn thông Mytel. Liên doanh Telecom International Myanmar, do MEC sở hữu đa số với cổ phần do tập đoàn Viettel Global Investment thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam nắm giữ.

Bà Yadanar Maung, người phát ngôn của Justice For Myanmar, nói với VOA rằng Ngân hàng BIDV là nhà tài chính chủ chốt của Mytel, giúp công ty viễn thông này “tạo ra doanh thu cho quân đội Myanmar và tiếp tay cho Mytel khả năng giám sát để sử dụng chống lại người dân”.

“Ngân hàng BIDV đã tiếp tục kinh doanh với Mytel khi biết rằng nhà khai thác di động này hỗ trợ và tiếp tay cho tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Việc tiếp tục hỗ trợ này khiến BIDV đồng lõa với những tội ác quốc tế này”, bà Maung cho biết qua email và cung cấp cho VOA các giao dịch bằng văn bản của BIDV được xem như là chứng cứ vi phạm lệnh trừng phạt.

“Ngân hàng KEB Hana, với tư cách là cổ đông lớn thứ hai của BIDV, có trách nhiệm quốc tế chấm dứt hỗ trợ của BIDV đối với quân đội Myanmar, hoặc thoái vốn. Thực tế là BIDV đang giao dịch với Ngân hàng Innwa, chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, Anh và EU, sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo trong mạng lưới các ngân hàng đại lý của họ, những ngân hàng này nên chấm dứt quan hệ với BIDV trừ khi BIDV cắt đứt quan hệ với quân đội diệt chủng Myanmar”, bà nói thêm.

Justice For Myanmar cho biết trong một thông cáo rằng các hồ sơ do tổ chức Distributed Denial of Secrets tiết lộ cho thấy các giao dịch của ngân hàng Innwa với các ngân hàng quốc tế ANZ, UOB và BIDV thực hiện bằng bản tệ kyat Myanmar.

Tiết lộ này bao gồm gần 20.000 hồ sơ và cho thấy rằng các ngân hàng quốc tế lớn này tiếp tục giao dịch với Ngân hàng Innwa sau khi công ty mẹ là MEC bị Mỹ, Anh và EU trừng phạt do vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tội ác tàn bạo do quân đội thực hiện trong nỗ lực đảo chính bất hợp pháp của họ.

Vào ngày 25/3/2021, Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với MEC để đáp trả cuộc đảo chính. Vào ngày 1/4/2021, Vương quốc Anh thực hiện hành động tương tự và EU trừng phạt MEC vào ngày 19/4/2021. Các biện pháp trừng phạt này áp dụng cho ngân hàng Innwa với tư cách là một công ty thuộc sở hữu của MEC.

VOA đã liên lạc hội sở ngân hàng BIDV, chi nhánh BIDV ở Myanmar, tập đoàn Viettel và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ bình luận về các phát biểu của nhóm Justice For Myanmar, nhưng chưa được trả lời.

Tổ chức Justice For Myanmar và hãng tin Al Jazeera cũng đã liên lạc hai ngân hàng BIDV và KEB Hana của Hàn Quốc nhưng không được phản hồi.

Vào năm 2019, phái đoàn Tìm kiếm Sự thật Quốc tế Độc lập của Liên Hợp Quốc về Myanmar cho biết trong một báo cáo rằng ngân hàng Innwa “đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì các lợi ích kinh tế của chính quyền và cung cấp cho các tập đoàn và chủ sở hữu của họ khả năng tiếp cận tài chính quốc tế”.

“ANZ, UOB và BIDV phải chấm dứt quan hệ với ngân hàng Innwa ngay hoặc rời khỏi Myanmar theo trách nhiệm nhân quyền quốc tế của họ”, Justice For Myanmar kêu gọi trong một tuyên bố.

Hãng tin Al Jazeera loan tin rằng các ngân hàng ANZ, UOB cho biết họ không bình luận về các giao dịch cụ thể, nhưng nói rằng họ “tuân thủ” các quy tắc, luật lệ địa phương và quốc tế.

Người phát ngôn của ANZ cho Al Jazeera biết ngân hàng này “không có quan hệ thương mại” với ngân hàng Innwa Bank, đồng thời nói thêm rằng “ANZ phải tuân thủ tất cả các luật hiện hành ở tất cả các khu vực tài phán mà nó hoạt động, bao gồm cả các yêu cầu của các tổ chức siêu quốc gia, chẳng hạn như LHQ và Liên minh châu Âu”.

Một phát ngôn viên của ngân hàng UOB cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy tắc và luật lệ địa phương và quốc tế”, vẫn theo Al Jazeera.

Ngân hàng BIDV tại Hà Nội.
Ngân hàng BIDV tại Hà Nội.

BIDV lập chi nhánh tại Yangon từ năm 2016, trang web của ngân hàng này cho biết. BIDV Yangon, là chi nhánh ngân hàng Việt Nam đầu tiên được cấp giấy phép tại Myanmar, cung cấp các dịch vụ đa dạng cho các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài và địa phương tại Myanmar.

Trong khi EU, Anh và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với MEC vì cuộc đảo chính quân sự năm 2021, các nền kinh tế hàng đầu như Australia, Nhật Bản, Singapore, và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, vẫn chưa áp dụng bất kỳ biện pháp gì đối với tập đoàn quân sự này của nhà cầm quyền Myanmar.

Người phát ngôn Justice For Myanmar gửi thông điệp đến chính quyền Việt Nam: “Chúng tôi kêu gọi Việt Nam, với tư cách là thành viên của ASEAN và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chấm dứt ngay lập tức mọi hỗ trợ tài chính cho quân đội Myanmar thông qua BIDV và Viettel, đồng thời làm việc với cộng đồng quốc tế để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Myanmar”.

Hồi tháng 6, Justice for Myanmar tố cáo công ty viễn thông Viettel của Việt Nam và công ty Mytel về việc theo dõi dân thường và quân nhân, bao gồm việc truy tìm binh sĩ đào ngũ và “tiếp tay” cho chính quyền quân quản gây tội ác đối với người dân Myanmar.

Nhóm này nói rằng tập đoàn viễn thông của quân đội Việt Nam “đồng lõa với tội ác tàn bạo của quân đội Myanmar, bao gồm tội ác chiến tranh đang diễn ra và tội ác chống lại loài người” thông qua việc tài trợ cho Mytel và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật thiết yếu và hỗ trợ về mặt tổ chức cho liên doanh này.

4 COMMENTS

  1. I may need your help. I’ve been doing research on gate io recently, and I’ve tried a lot of different things. Later, I read your article, and I think your way of writing has given me some innovative ideas, thank you very much.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here