Giới Truyền Thông Việt Nam Tại Hải Ngoại (phần 1)

0
39
Tên miền báo Tuần Việt Nam.

Khi nói về giới truyền thông ở trong nước mà không nói về giới truyền thông ở hải ngoại thì là một điều thiếu sót. Chính vì thế mà bài viết này dành riêng cho giới truyền thông ở hải ngoại.

Giới truyền thông tại hải ngoại hoàn toàn đứng một vị thế khác xa giới truyền thông trong nước. Vị thế này là được quyền nói, diễn đạt suy nghĩ của mình mà không sợ sự bắt bớt của chính quyền nơi mình cư ngụ. Cho dù có chửi, dùng những từ thiếu văn hóa đối với những vị lãnh đạo tại nơi mình cư ngụ, cá nhân đó hoàn toàn không bị đi tù bởi cái quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến ghi rõ trong bản hiến pháp và chính quyền phải tôn trọng chứ không thể dùng bất cứ điều luật nào để cản trở quyền tự do ngôn luận trên.

Và chính ở vị thế khác biệt này, giới truyền thông tại hải ngoại thông tin trung thực hơn, nhận xét vấn đề tương đối độc lập trong các bài viết của mình. Khi dùng từ tương đối độc lập phải hiểu là có những người làm truyền thông tại hải ngoại, trong lúc phân tích những đề tài chính trị tại địa phương mình cư ngụ, đặc biệt tại Hoa Kỳ, thường hay có những dẫn chứng sai lệch để ủng hộ hay để bài kích một đảng phái nào đó giữa đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa tại Hoa Kỳ (xem bài Cộng Hòa, Dân Chủ Và Giới Truyền Thông Người Việt để thấy rõ sự sai lệch này).

Giới truyền thông tại hải ngoại thuộc thế hệ thứ nhất, vẫn mang tư tưởng đảng phái và chính vì thế — giới truyền thông này luôn luôn xem đảng Cộng Hòa là chống cộng nhất — mà không hề quan tâm đến chính sách thực sự của đảng Cộng Hòa trong việc chống cộng ra sao, không hề quan tâm là chính sách của đảng Cộng Hòa có giúp người dân nghèo — trong đó có người Việt Nam đang cư ngụ. Và chính vì tư tưởng đảng phái này, lối nhận định vấn đề đôi khi không được công bằng lắm.

Khi nói đến giới truyền thông ở hải ngoại thì phải chia ra làm hai loại. Những ông chủ báo, chủ đài truyền thanh — truyền hình; và những người làm truyền thông tức là những người xướng ngôn viên, săn tin, viết bài thuộc đủ thể loại. Sự phân biệt này rất là cần thiết bởi không hẳn bất cứ ông chủ báo, chủ đài (phát thanh và truyền hình) đều có khả năng viết, săn tin và bình luận. Và những ông chủ không có khả năng này thường thì luôn luôn tự nhận mình nằm trong giới truyền thông.

Những người chủ báo, chủ đài (truyền thông và truyền hình)

Đối với những cá nhân làm chủ báo, chủ đài thường là mang mục đích thương mại. Rất ít có tờ báo nào hiện giờ, không mang mục đích thương mại. Hai mươi năm về trước có rất nhiều tờ báo không phải sống vì thương mại mà vì muốn bảo tồn văn hoá, cho nên những tờ báo loại này có rất ít quảng cáo và bài vở thì rất có giá trị. Những tờ báo thuộc dạng này nếu còn sống ngày hôm nay thì cũng rất là ít, đếm trên đầu ngón tay.

Các cá nhân chủ báo thường là chủ báo lẫn chủ bút. Đa số có khả năng viết lách, lý luận. Một số khác không có  khả năng này, những vẫn có thể làm báo bởi miễn sao có tiền và mướn người trình bày cho in ấn là đủ. Bài vở thì hệ thống internet, chủ báo vào các mạng của người Việt Nam hay tại Việt Nam, lấy bài vở xuống, sửa một tí rồi đưa vào báo mình.  Có những trang mạng của người Việt Nam tại hải ngoại cho phép mọi người đăng bài của mình mà không cần xin phép, miễn sao ghi rõ xuất xứ. Thế là các chủ báo không có khả năng hoặc có khả năng,  lấy xuống đưa vào báo của mình và ghi rõ tên của tác giả mà không cần phải trả tiền nhuận bút.

Người viết có quen biết anh Tưởng Năng Tiến. Đi đến thành phố nào, lấy một tờ báo Việt Nam lên xem thì thấy có bài viết của anh. Tháng 6 năm 2013, trong chuyến đi Washington D.C. người viết thấy có  tờ báo ở D.C đăng bài của anh Tưởng Năng Tiến và người viết gửi thư hỏi anh Tiến là các tờ báo có gửi tiền nhuận bút hay không. Câu trả lời của anh Tiến là họ đăng bài của mình là mình mừng rồi. Miễn sao nhiều người đọc, đó là điều mình muốn.

Vấn đề ở đây không phải chỉ là  người viết (anh Tưởng Năng Tiến) muốn có nhiều người đọc để truyền đạt những điều mình muốn chia sẻ với số đông . Vấn đề ở đây là một tờ báo thương mại, nếu đăng bài viết của cá nhân nào đó mỗi tháng, mỗi tuần thì cái lịch sự tối thiếu cần phải làm là (1) xin phép tác giả cho mình đăng trên tờ báo của mình (2) đồng thời cuối năm gửi vài trăm (200) đô la cho tác giả gọi là sự cảm ơn.

Có thể nói rằng, có rất nhiều tờ báo đăng bài viết của tác giả mà không xin phép. Đành rằng tác giả có trang mạng hay blog,  đồng thời tác giả cho phép đăng bài của mình. Nhưng là một người làm báo có trách nhiệm, luôn luôn liên lạc với người viết để tạo sự chính danh và cũng để tác giả biết bài của mình đang lưu lạc ở thành phố nào.  Còn vấn đề tài chính thì ai cũng hiểu là làm báo Việt tại nước ngoài khó sống lắm.  Nhưng nếu mình có cơm hay cháo thì cũng nên nhịn vài ba bữa cà phê, cuối năm gửi một trăm, hai trăm (số tiền quá nhỏ nhưng cũng nói lên được tấm lòng quan tâm đến những sản phẩm trí tuệ) đến những cây viết mà mình đăng bài thường xuyên. Đó gọi là kính mến, biết cách ứng xử (tuy nhỏ nhưng vẫn còn hơn không) với những sản phẩm của trí tuệ của người viết.  Điều này xem ra không xảy ra ở nhiều tờ báo của người Việt Nam tại hải ngoại.

Nói về những cá nhân làm chủ các đài phát thanh và truyền hình. Cũng giống như các chủ báo, những cá nhân này đôi khi không có khả năng, nhưng có tiền. Làm báo rẻ tiền hơn đài phát thanh và truyền hình. Cho nên một người thất nghiệp có thể bỏ một số vốn nhỏ ra làm báo. Còn đối với đài phát thanh và truyền hình phải là thành phần có tiền. Mà nếu làm truyền thông, đặc biệt là truyền thông Việt trong cộng đồng Việt, sẽ không bao giờ giàu, đủ tiền để làm chủ một đài truyền thanh hay truyền hình. Cho nên thường những người làm chủ đài truyền thanh, truyền hình thường là những người thuộc dạng khá giả, đôi khi không có khả năng truyền thông.

Có một số không có khả năng truyền thông,  nhưng nhờ có tiền để thành lập ra đài phát thanh hoặc truyền hình và mướn người để thực hiện chương trình cho đài.  Những cá nhân chủ đài này, có một số người, dù không có khả năng, nhưng lại muốn lấn át trong việc soạn bài, tài liệu cho chương trình. Xướng ngôn viên phải làm theo đúng chỉ thị của người chủ. Nếu ông chủ thuộc thành phần ủng hộ đảng Cộng Hòa mà nói “xấu” (cho dù cái “xấu” đó là sự thật) thì sẽ bị cấm đoán (kiểm duyệt).  Làm việc kiểu này sẽ đưa đến những ai có khả năng làm truyền thông qua dạng phát thanh hay truyền hình sẽ bỏ đi.

Đây là xứ tự do. Những ai làm công việc truyền thông bởi chuyện này đã nằm trong máu của họ. Có tiền bỏ ra để bắt họ viết bài theo đúng ý của mình xem ra khó lắm. Ở tại VN thì chuyện này rất bình thường bởi giới truyền thông tại Việt Nam quen sống nghề viết mướn, ông chủ bảo gì thì sẽ làm theo lời chủ muốn. Tại hải ngoại thì hoàn toàn khác. Chủ đài có tiền không có nghĩa là sai khiến được những cây bút có khả năng lý luận sâu sắc, những xướng ngôn viên giỏi trong việc ăn nói và điều khiển chương trình.

Có những đài phát thanh, truyền hình, dù đang ở xứ tự do, nhưng vẫn chơi trò chơi không được tử tế lắm. Nghĩa là giam giữ lương của nhân viên từ một tháng, rồi hai tháng, rồi hơn hai tháng. Khổ nổi người Việt với nhau, các nhân viên làm cho đài, nếu đây chỉ là nghề duy nhất cho cuộc sống thì sớm muộn gì cũng phải bỏ đi để tìm một việc làm khác để có tiền sống hằng ngày. Đa số những người làm cho các đài phát thanh và truyền hình của người Việt tại hải ngoại là những người đã có một nghề chính để sinh sống. Thời gian còn lại thì đóng góp một vài tiếng cho các đài phát thanh và truyền hình thuộc dạng cộng tác viên không lương, mục đích phục vụ cộng đồng chứ không phải làm vì đồng lương.

Dĩ nhiên cũng có lúc phải thông cảm chủ đài. Làm đài phát thanh hay truyền hình tại hải ngoại sống không dễ đâu. Bởi nếu dễ thì ai cũng mở đài như các tờ báo tại những thành phố có đông người Việt.  Nhưng mà nếu chủ đài là những người thực sự có tiền (thuộc dạng bác sĩ, tiến sĩ, kỷ sư, hay nhà thương mại), nhưng vẫn chơi trò giam giữ lương của nhân viên.  Xem ra điều này khốn nạn thật (không được tử tế lắm).

Lý luận là tiền quảng cáo thu vào không đủ để chi phí cho nên giam giữ tiền lương của nhân viên. Cho dù lý luận này có đúng đi nữa, và nếu cứ giam lương từ một tuần —  đến một tháng — rồi đến hai tháng thì thôi đóng cửa đài cho rồi. Tại sao cố bám víu trong khi đó mình bắt người khác làm không công, giam giữ lương hai ba tháng?  Và khi quyết định đóng cửa, liệu các chủ đài có thanh toán số tiền lương của nhân viên hay chơi theo đúng luật pháp là khai phá sản để giựt luôn tiền nợ của nhân viên?

Có những ông chủ đài phát thanh hay truyền hình, khai phá sản nhưng vẫn cố gắng giữ đài bằng cách làm đài với một cái tên khác nhưng vẫn nhân viên cũ. Đồng thời năn nỉ nhân viên cố gắng giúp trong lúc hoạn nạn.  Người Việt Nam, những người yêu nghề truyền thông,  luôn luôn sẵn sàng hy sinh dù rằng đồng lương của mình, trên mặt pháp lý, ông chủ đó đã huỵch nợ bởi khai phá sản.  Nhưng do sự hứa hẹn, những nhân viên truyền thông này tiếp tục làm với hy vọng là ông chủ Việt Nam giữ lời hứa. Nhưng rồi lời hứa cũng thôi theo mây nước. Tiền lương của công ty phá  sản bị giựt và tiền lương của công ty mới cũng bị giựt luôn bởi ông chủ này bỏ chạy và giao luôn cho giám đốc đài.

Một số đài phát thanh người Việt tại các quốc gia trên thế giới, tiếp vận chương trình của đài phát thanh của người VN, nhưng lại không xin phép. Cái lịch sự tối thiểu trong việc liên lạc đài phát thanh của người Việt trước khi thực hiện chuyện tiếp vận cho đài của mình không xảy ra. Dĩ nhiên có một số đài phát thanh người Việt sẵn sàng cho mọi người tiếp vận chương trình của mình mà không cần xin phép. Tuy nhiên, đã làm trong ngành phát thanh, chúng ta nên hiểu cái lịch sự tối thiểu là thông báo trước khi tiếp vận.  Có bao nhiêu đài phát thanh Việt Nam tại hải ngoại tiếp vận đài Đáp Lời Sông Núi (hay bất cứ đài nào đó của người Việt Nam) và xin phép hoặc thông báo trước khi tiếp vận?

Phần trình bày bên trên để người Việt Nam thấy rõ thực tế và cách làm việc của các chủ báo, chủ đài phát thanh và truyền hình. Từ đó có thể hình dung được những người làm truyền thông thuộc hạng là chủ ra sao trong cộng đồng Việt Nam.

Còn đối với thành phần cầm bút đóng góp cho báo chí và thành phần xướng ngôn viên làm việc tại các đài phát thanh và truyền hình tại hải ngoại ra sao, người viết sẽ phân tích chi tiết trong bài viết tháng tới.

Vũ Hoàng Nguyên

Tháng 10 năm 2013

Dallas, TX

 

 

 

Advertisements