Làm công việc truyền thông tại Hoa Kỳ, trong cộng đồng Việt Nam, xem ra rất là khó khăn.
Khó khăn phải được hiểu là — nếu phải sống bằng nghề truyền thông tại Hoa Kỳ, trong cộng đồng Việt Nam, thì điều chắc chắn sẽ chết đói dài dài và khai phá sản mỗi năm — bởi tiền thu vào và tiền in ấn chẳng đủ vào đâu. Chưa kể, nếu là một chủ báo, chủ đài (phát thanh hay truyền hình), nếu có tấm lòng và biết điều, phải thanh toán thù lao cho những người đóng góp bài. Tiền quảng cáo đôi khi không đủ để trả tiền in hoặc trả lương cho chính mình thì làm gì có chuyện trả tiền thù lao cho những người viết bài. Chưa kể người đọc chỉ muốn đọc báo bỏ chợ thôi (báo chùa, báo biếu). Còn báo thuộc loại phải mua thì rất ít độc giả mua báo.
Khó khăn phải được hiểu là nếu người viết bài, nói thẳng – nói thật, thì đôi khi chẳng có một tờ báo nào dám đăng. Bởi báo sống bằng quảng cáo, mà những bài viết có vẻ hơi “thiên cộng”, hoặc đi ngược lại tiếng nói của “cộng đồng Việt Nam”, thì sẽ không bao giờ được đăng. Ngay cả tờ báo không sống vì quảng cáo, họ đôi khi cũng chẳng muốn chọn bài mà theo họ nghĩ – là hách, là tự cao, là không kính lão đắc thọ.
Khó khăn phải được hiểu là — người đọc càng ngày càng ít tại hải ngoại. Những trẻ lớn lên tại hải ngoại, cho dù biết đọc tiếng Việt, vẫn ít khi cầm tờ báo lên để đọc. Còn những đọc giả lớn tuổi thì lần lượt đi qua bên kia thế giới. Cho nên người đọc và người viết tại hải ngoại lần lần sẽ nhỏ dần.
Khi mà hệ thống mạng (internet) trở thành thông dụng; khi mà có những mạng sẵn sàng cho bất cứ cá nhân nào thành lập một blog (tạm dịch là nơi giải bài) để gửi những suy tư của mình đến những người khác — thì người viết đã không còn phải phụ thuộc vào giới truyền thông tại nơi mình sinh sống, hoặc phụ thuộc vào nhà cầm quyền. Người viết không còn bị giới hạn là phải viết trong khuôn khổ nào đó mà các ông chủ truyền thông đưa ra hoặc viết theo những điều nhà cầm quyền muốn nghe.
Những blog (nơi giải bày) lần lượt ra đời và tạo ra một cảnh chợ muôn màu muôn vẻ. Khi nói về chợ thì phải hiểu là có rất nhiều món hàng giống nhau và do nhiều người bán. Dĩ nhiên phẩm lượng của những món hàng này cũng khác nhau nhiều. Đi chợ mua một món hàng đắt tiền từ ông Tám chưa chắc là món hàng đó tốt so với món hàng của chị Năm bán giá rẻ hơn.
Chợ của những trang blog (nơi giải bày) hay những trang mạng (web) khác chợ thường là không cần phải mua. Và thường những đồ không mua đôi khi phẩm lượng không được tốt. Tốt ở đây phải hiểu là chất lượng. Có những trang mạng (web), và blog (nơi giải bày), những tin tức nói một chiều, nói một cách không biết ngượng. Chẳng hạn một trang mạng (web) cho rằng Hoa Kỳ, trong thời kỳ của Obama, ngày 11 tháng 9 (ngày mà lực lượng khủng bố tấn công Hoa Kỳ bằng bốn chiếc máy bay dân sự) chẳng có ai dám nói đến. Điều buồn cười là điều này hoàn toàn không đúng sự thật, thế mà người viết, vẫn cố gắng nói lên điều trái sự thật đó. Mục đích của người viết thuộc thể loại này, mục đích chính – có lẽ — chỉ để mình trút tất cả những bực tức cá nhân, chứ không phải tôn trọng độc giả. Bởi nếu tôn trọng độc giả, người viết cần phải có sự đạo đức của người cầm viết.
Người cầm viết cần phải viết sự thật nếu bài viết thuộc loại thông tin. Còn nếu bài viết thuộc thể loại lý luận thì phải có tính chất hệ thống (nhận định sự kiện và đưa ra cách giải quyết). Còn bài viết thuộc thể loại nghiên cứu thì dựa vào sự kiện thật đã xảy ra và từ đó đưa ra những ý kiến cá nhân với những lập luận vững chắc để chia sẻ với độc giả. Độc giả đồng ý hay không đồng ý là quyền của độc giả. Nhưng ít nhất, người viết tôn trọng đôc giả qua những tài liệu và lý luận có hệ thống của chính mình. Điều đó gọi là đạo đức của người cầm bút.
Trở về câu hỏi chính của bài viết này — Viết Cho Ai Đọc?
Câu hỏi này xem ra không dễ trả lời và tùy theo quan niệm của người viết. Có những bài viết dành cho đồng nghiệp của mình. Có những bài viết dành cho bạn của mình. Có những bài viết dành cho giới thường dân. Có những bài viết dành cho giới làm chính trị. Và có những bài viết dành cho độc giả ở tương lai, sau khi người viết bài nằm xuống.
Cách đây hơn mấy tháng, người viết bài này nói chuyện với một anh bạn mà đã hơn 20 năm chưa gặp mặt. Anh than phiền là bài viết của tụi mình chẳng ai đọc. Tuy rằng anh than phiền, nhưng anh vẫn viết bài. Có lẽ anh nghĩ rằng – những bài viết của anh, tuy không có giá trị cho độc giả hôm nay, nhưng có giá trị cho độc giả của tương lai. Cũng có thể anh nghĩ rằng, để cho đầu óc mình được tiếp tục minh mẫn, mình cần phải đọc và diễn đạt tư tưởng qua cây viết, một hình thức tìm niềm vui cho chính bản thân.
Nói đến đây, thì những người cầm bút cần phải đặt câu hỏi cho chính mình là viết gì và viết cho ai? Nếu những đề tài mang tính Con Người — Đất Nước, phải hiểu rằng độc giả không những của hôm nay mà là của ngày mai. Ngày mai đó có thể là ngày mà người viết đã nằm xuống hoặc ở một thế kỷ khác. Dĩ nhiên trong đề tài Con Người — Đất Nước luôn luôn là khô khan và chỉ thích hợp với một số ít độc giả hôm nay. Và không vì số ít độc giả đó, người viết không tiếp tục cầm bút; trái lại, số độc giả của tương lai, thế hệ có những suy nghĩ phải – trái; đạo đức – phi đạo đức, biết đặt lợi ích của dân tộc — đất nước lên trên lợi ích của cá nhân là động cơ thúc đẩy người cầm viết tiếp tục đưa ra những trăn trở, những suy tư, và những đề nghị cho một Con Người — Đất Nước Việt Nam ở một thời gian sắp đến.
Có người nghĩ rằng công việc làm của những người cầm bút hôm nay, những người quan tâm đến Con Người — Đất Nước Việt Nam hôm nay và ngày mai, là công việc của dã tràng. Đối với người cầm bút, họ không nghĩ việc đang làm là việc dã tràng. Họ có thể không vẽ trọn bức tranh của một Việt Nam tương lai, nhưng họ tiếp tục vẽ bức tranh đang dang dỡ từ thế hệ trước đưa lại. Họ tiếp tục nhiệm vụ vẽ bức tranh Việt Nam tương lai — với hy vọng — thế hệ sau họ, khi có cơ hội nằm trong vị thế lãnh đạo, có đầy đủ tri thức, tâm thức về con người và xã hội để từ đó phục vụ xã hội và con người tốt hơn.
Trong tinh thần đó, những cá nhân viết cho trang mạng (web) Ngàn Lau này viết những đề tài cho hôm nay và ngày mai. Những đề tài có thể không thích hợp cho thời điểm hôm nay, nhưng sẽ thích hợp cho thời điểm tương lai. Những đề tài có thể là điều cấm kỵ của hôm nay, nhưng không phải là điều cấm kỵ của tương lai.
Tất cả những đề tài đang viết, sẽ viết là cung cấp cho độc giả hôm nay và ngày mai những món ăn tinh thần trong một cuộc sống có quá nhiều dối trá — cho dù sống ở bất cứ nơi đâu. Hy vọng trang mạng (web) này sẽ mang lại một niềm tin, một sức sống ở tương lai cho một dân tộc vốn đã có quá nhiều đau khổ.
Vũ Hoàng Nguyên
New Orleans tháng 12 năm 2012.