Các ‘hợp đồng xấu’ đưa VN đến nguy cơ phải đền bù tiền tỷ đã trở thành tiền lệ?

0
488
Trong trường hợp Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 bị chậm tiến độ, VN có thể phạt chủ đầu tư thay vì đền bù cho họ . Ảnh: Đào Ngọc Thạch/Thanh Niên
TIẾNG DÂN

TN/ TTTG

Nguyên Nga – Chí Nhân

7-8-2017

Thông tin dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân bị chậm tiến độ, bên có lỗi sẽ bị phạt đến 620.000 USD/ngày (tương đương 14 tỷ đồng) mà Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà công bố đang gây sốc dư luận.

Đáng lo ngại, các “hợp đồng xấu” đưa VN đến nguy cơ phải đền bù tiền tỉ đã trở thành tiền lệ.

VN có thể phạt ngược chủ đầu tư

“Có ý kiến đưa vật chất nạo vét luồng này mang đi xa 100 km đổ, chi phí đó cũng được tính vào giá điện. Bất cứ phương án nào đưa ra cũng cần cân nhắc kỹ vì mỗi chi phí phát sinh sẽ trở thành gánh nặng cho người dân khi bị đổ vào giá điện”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Liên quan đến gánh nặng phạt 14 tỷ đồng/ngày nói trên, TS Lê Đăng Doanh nhận xét: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có 95% vốn của nhà đầu tư Trung Quốc. VN đã ký các điều khoản đảm bảo và tạo điều kiện cho dự án về hạ tầng, luồng lạch để vận chuyển than, xử lý các loại chất thải… Chính vì vậy vấn đề mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra để mọi người có thể ngầm hiểu là trách nhiệm thuộc về phía VN.

Luật sư Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND tỉnh, Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, nhận định: Thông tin của Bộ trưởng Bộ TN-MT rất dễ gây hiểu nhầm, kiểu như tạo “áp lực” để sớm hợp thức hóa quyết định mà Bộ này đã ký trước đây – đồng ý cho đổ ra biển 1 triệu m3 vật chất nạo vét luồng của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Ở góc độ luật pháp, luật sư Thiện cho rằng phải trở lại cái gốc đầu tiên là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nhận chìm 1 triệu m3 vật chất ra biển Bình Thuận. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã thuê đơn vị lập ĐTM là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng cảng biển VN. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty này là giám đốc một trung tâm tư vấn đầu tư thuộc Bộ Công thương. Theo pháp luật, cán bộ nhà nước không được làm chủ doanh nghiệp. Như vậy, mọi chữ ký của người đứng đầu đơn vị tư vấn được lập ra đều sai luật và không có giá trị.

“Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 đã chọn sai đối tác trong việc thực hiện tư vấn xử lý vật chất nạo vét luồng tàu. Đây là lỗi do Vĩnh Tân 1 gây ra nên họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và hậu quả. Nếu xét vấn đề ở góc độ này thì bên chịu trách nhiệm bồi thường cho nhà nước và nhân dân VN là Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 chứ không có chuyện đổ trách nhiệm ngược lại cho phía VN. Có chăng một phần trách nhiệm trong việc xác định lỗi chính là đơn vị và cá nhân cấp phép”, luật sư Thiện nhấn mạnh.

Truy trách nhiệm để xảy ra “hợp đồng xấu”

Đây không phải lần đầu VN đứng trước nguy cơ bị phạt hợp đồng vì chậm tiến độ. Cuối năm 2015, TP.HCM cũng bị yêu cầu bồi thường 2,5 tỷ đồng/ngày vì chậm giao mặt bằng thi công gói thầu số 2 tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên. Khi đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP phải đi thương lượng để xin giảm tiền nộp phạt. Việc VN bị phạt hợp đồng dường như đã trở thành tiền lệ xấu.

Ở góc độ hợp đồng, các chuyên gia cho rằng VN có ít kiến thức và kinh nghiệm quốc tế nên thường rơi vào thế “thiệt thòi” với các tập đoàn nước ngoài. VN cần thuê các công ty luật trong và ngoài nước có nhiều kinh nghiệm để tránh những tình huống xấu có thể có. Đối với các dự án có nguy cơ ô nhiễm cao, trong hợp đồng phía VN phải đưa ra các điều khoản, quy định ràng buộc, ký quỹ môi trường…; nhưng vì nhiều lý do, những người ký hợp đồng lại “bỏ quên” những điều này.

Theo TS Doanh, với hợp đồng “bất lợi” đã ký với chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân, cần phải xem xét người nào đã ký, đã xét duyệt hợp đồng. Hệ quả của nó cần được đánh giá lại, không thể xem là việc đã rồi. Càng không thể coi đây là tiền lệ, nếu không sẽ có nhiều hợp đồng “bất lợi” được ký kết, lúc đó đất nước và cả người dân phải lãnh đủ.

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), nói thẳng, nếu rà soát được khâu quản lý, chúng ta sẽ cơ bản giải quyết được phần nào những nguy cơ đền bù, vấn đề môi trường… Các dự án đầu tư nước ngoài lớn thường phải xin ý kiến cả 11 bộ, ngành. Tuy nhiên, khi cấp phép và triển khai dự án lại không có thông báo nào cho 11 đơn vị được tham khảo ý kiến trước đó. Các bộ phải có sự kết nối để giám sát chặt chẽ. Có thể lập một ủy ban độc lập làm việc từ thẩm định đến giám sát, chuyển giao. Khi cả bộ máy vào guồng thì việc thẩm định, giám sát, quản lý các dự án FDI sẽ tốt hơn, kiểm soát được vấn đề gây ô nhiễm môi trường ngay từ đầu.

____

Mời đọc lại: Không đổ bùn xuống biển, mỗi ngày nộp cho Trung Quốc $620,000 (NV/ TD).