Buồn, thất vọng, tuyệt vọng, chán nản, bạn chọn cảm xúc nào?

0
21
LS Lê Văn Hoà

Chau Doan

Những người quan tâm tới công lý nơi đất Việt đã xôn xao nhiều khi luật sư Lê Văn Hoà, một cựu quan chức Ban Nội chính Trung ương, một người đã bỏ đảng, quay về làm luật sư nay tuyên bố bỏ nghề. 

“Tôi bỏ nghề luật sư từ ngày hôm nay 27-5-2021 vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam”.

LS Lê Văn Hoà

Tôi có mấy lời cho từng dạng người đọc: 

1.  Trước hết tôi muốn có mấy lời với luật sư Lê Văn Hoà. Là một người quan tâm tới những vụ án lớn ở Việt Nam, tôi hoàn toàn thông cảm với tâm trạng và quyết định của anh. Trước hết, tôi muốn chúc mừng anh bởi hình ảnh đẹp đẽ anh đã xây dựng lên trước những đồng nghiệp và công chúng. Suy cho cùng, danh dự là điều còn ở lại của một đời người khi chức vụ, quyền lực, tiền bạc đã bỏ ta đi và khi chính cuộc sống của ta đã tàn lụi. 

Anh chắc hẳn thấy ấm lòng khi nhiều người quan tâm đến anh, đấy là phần thưởng cho một con người có lương tri, một con tim biết đập những nhịp trăn trở cho công lý nơi đất Việt, cho nỗi đau khổ của người nghèo, dân oan, những thân chủ khát khao công lý nói chung. 

Ảnh : RFA edit

Nhưng, ở cái xứ xở khi công lý nhiều khi chỉ là diễn viên hài này, nơi những con người có lương tri rất ít ỏi thì vắng đi một luật sư, vắng đi một con tim đỏ đẹp biết thương yêu đồng loại, ấy là một sự thiệt thòi cho giới luật sư, cho những con người khốn khổ. Tôi mong anh tiếp tục là một chiến binh trên mặt trận công lý, đừng hạ gươm sớm thế, tôi biết anh đã 65 tuổi, anh là một chiến binh già nhưng tôi tin rằng sự quả cảm trong anh vẫn còn đầy và tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chiến binh công lý Lê Văn Hoà chỉ là đang sống với những phút nản lòng tạm thời để lấy lại năng lượng và khí thế, rồi chiến binh ấy sẽ xốc lại tinh thần, gươm giáo để tiếp tục chinh chiến trên con đường công lý. 

Nhóm LS tham gia bào chữa cho những nạn nhân của vụ thảm sát Đồng Tâm.

2.  Phần này tôi muốn gửi tới những bạn đang sống nép mình, suốt đời chỉ quan tâm tới những gì liên quan tới quyền lợi của chính mình. 

Đành rằng chăm lo cho nồi cơm của mình là một việc chính đáng bởi ai cũng có trách nhiệm cá nhân phải chăm lo nhưng một con người chân chính thường chỉ hạnh phúc được khi chúng ta quan tâm tới những thứ lớn hơn bản thân mình. Ý nghĩa ấy cao quý hơn nhiều cái quyền lợi sát sườn của mỗi cá nhân. Điều mỗi người cần tự hỏi là mình có tự hào với những việc đã làm không. Người tự hào vì những việc đã làm, ấy là một người đang sở hữu một niềm hạnh phúc vững bền. Đấy là một giá trị mà không kẻ nào có thể tước đoạt được của ta. 

Khi luật sư, các chiến binh công lý đã nản lòng, hạ gươm giáo thì ấy là lúc họ cần sự hỗ trợ về tinh thần của công chúng. Nếu họ đồng loạt ngã lòng thì cái nền tư pháp hiện có sẽ càng trở nên thối nát và ai cũng có thể trở thành nạn nhân của sự thối nát ấy. Những thế lực tiền quyền sẽ mặc sức múa may trên sân khấu bi hài kịch mang tên tư pháp, những vụ án được xử đều là những án bỏ túi khi luật pháp, đúng sai là đặc quyền của những kẻ có tiền, quyền. 

Hình minh hoạ. 29 người dân Đồng Tâm tại phiên toà ở Hà Nội hôm 14/9/2020. Hai người trong số họ đã bị tuyên án tử hình về tội giết người dù họ khẳng định mình vô tội

3.  Phần này tôi dành cho những quan chức ngành tư pháp. Các vị nghĩ gì khi một luật sư phải thốt lên đau đớn về sự mất lòng tin với ngành của các vị? Tất nhiên, nếu cá vị có lương tri thì các vị mới phải suy nghĩ, mới trăn trở chứ nếu các vị là một lũ bất lương thì các vị sẽ chẳng hề quan tâm, hay có khi còn cười khẩy đắc thắng bởi các vị đang áp đảo hơn một chút trên cái sân khấu bi hài kịch mang tên tư pháp. 

Cuối cùng tôi cũng chỉ muốn nhấn mạnh tới những giá trị đích thực của con người về lương tri, về lòng tự hào tự thân của mỗi người. Các vị cũng cần tự hỏi là mình có tự hào về những việc mình đã làm hay không? Ấy là niềm tự hào tự thân chứ không phải là sự hãnh diện khi đồng nghiệp, cấp dưới khen ngợi về tài năng, về sự giàu có, sự sợ sệt của người khác về quyền lực các vị đang có. 

Mỗi một cán bộ tư pháp chỉ có quyền tự hào một niềm tự hào tự thân và đích thực khi người ấy làm được một điều gì đây đóng góp thật sự cho sự tiến bộ của xã hội, ở đây cụ thể là nền tư pháp ở Việt Nam. 

Nếu tôi là một quan chức trong ngành, tôi sẽ cảm thấy xấu hổ khi một luật sư phải thốt lên những lời đau đớn như vậy. Mọi thứ sẽ qua đi, tiền tài, quyền lực và chính mạng sống của các vị cũng vậy, chỉ có sự đóng góp đích thực vào sự tiến bộ xã hội mới có ý nghĩa bền vững, lâu dài. 

Chỉ khi có một niềm tự hào tự thân chân chính, các vị mới có thể mở miệng dạy con cháu những bài học làm người cơ bản nhất mà thôi. Điều ấy nghe tưởng là đơn giản nhưng không dễ chút nào đâu. Khi dạy trẻ con bằng những lời dối trá, các vị sẽ thấy xấu hổ. 

Còn tôi, tuy là một người dân thấp cổ bé họng, tài hèn sức mọn nhưng tôi có thể dạy các con của tôi những bài học làm người cơ bản nhất với lòng kiêu hãnh của một người tử tế, hướng thiện, hướng thượng.