Giới siêu giàu ở VN là ai và con đường làm giàu của họ thế nào?

0
11
HOANG DINH NAM/Getty Images Ông Phạm Nhật Vượng được tạp chí Forbes xếp hạng là tỷ phú đôla giàu có nhất Việt Nam

BBC Tiếng Việt

Giới siêu giàu ở Việt Nam hiện nay là những ‘doanh nhân và quan chức’, một luật sư và nhà hoạt động xã hội dân sự từ Sài Gòn nói với hội luận chuyên đề của BBC News Tiếng Việt hôm 27/05/2021.

“Tôi nghĩ giới giàu có Việt Nam hiện nay có hai tầng lớp, một tầng lớp là những doanh nhân và thứ hai là giới quan chức,” luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM nói.

Cũng theo vị luật sư này, tầng lớp doanh nhân là những người giàu có xét về ‘giá trị tài sản công khai’ dựa trên giá trị chứng khoán của họ, trong khi đó tầng lớp quan chức giàu có lại là những người mà ‘có thể tài sản không được minh bạch’.

Ngoài ra, “có một số không lên sàn chứng khoán nhưng mà cũng nổi tiếng là giàu rồi nhưng không phải là quan chức”, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, kinh tế gia, chuyên gia về chính sách công tham gia từ Hà Nội bổ sung thêm.

Ông Phạm Quý Thọ đưa ra ví dụ ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hay ông Đào Hồng Tuyển ‘chúa đảo Tuần Châu’ hoặc ông Dũng ‘lò vôi’ (Huỳnh Uy Dũng) v.v… là những người theo ông đã hội đủ số lượng nhiều để hình thành ‘một tầng lớp giàu có ở Việt Nam rồi’.

Hai ‘bí quyết giàu nhanh’ ở Việt Nam

Getty Images Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú đôla được đưa vào danh sách siêu giàu tại Việt Nam

Có thể thấy giới giàu có ở Việt Nam chia làm hai, một là làm giàu từ nước ngoài và trở về Việt Nam tiếp tục làm giàu và hai là làm giàu ngay chính trong đất nước, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, thuộc Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam nói.

“Những doanh nhân này từ nước ngoài trở về, đặc biệt là làm giàu từ khối Đông Âu, họ được gọi là ‘soái’ Đông Âu”, ông Phạm Quý Thọ nói thêm.

“Họ là những người đã từng có thời gian học tập hoặc lao động ở những nước thuộc khối XHCN ở Đông Âu bắt đầu từ những năm 1989 cho đến 1991.

“Khi Liên Xô sụp đổ thì “người Việt ở Nga có rất nhiều cơ hội”, ông Thọ nói.

“Bắt đầu từ những buôn bán nhỏ lẻ từ các quầy ở khách sạn hoặc các chợ vòm, sau đó tích lũy dần từ buôn bán hàng hóa lẻ được đánh qua…, nhưng mà tích lũy tư bản lớn nhất có lẽ bắt đầu từ khi sản xuất.”

Với giới làm giàu trong đất nước Việt Nam, có hai bí quyết giàu nhanh, theo Luật sư Lê Công Định.

NHAC NGUYEN/Getty Images Tỷ phú đôla Trịnh Văn Quyết cũng có chân trong danh sách siêu giàu ở Việt Nam

Một là giàu tham nhũng mà “có thể tài sản không được minh bạch, chẳng hạn như người ta đồn về những quan chức nào đó”, ông Định nói.

“Ở Việt Nam người ta cũng thừa biết rằng có những quan chức ở cấp phường thôi họ cũng đã giàu rồi đừng có nói đến cấp quận hoặc là cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp trung ương”, Luật sư từ Sài Gòn nêu quan điểm.

Hai là làm giàu từ đất đai, như PGS Phạm Quý Thọ nói: “phần lớn họ giàu lên nhờ đất đai, bất động sản”.

Tuy nhiên, ông Thọ cũng lưu ý rằng hi nay ‘miếng bánh bất động sản’ đã ‘bắt đầu có khó khăn’.

Chính vì vậy họ “bắt đầu chuyển sang các lĩnh vực dịch vụ mà cũng có nhu cầu rất lớn đó là dịch vụ hàng không, rồi những dịch vụ du lịch,” ông nói thêm.

Từ San Jose, California, Hoa Kỳ, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Liêm, học giả và là luật gia, bổ sung rằng sự chuyển hướng kinh doanh này ở Việt Nam “đi chung với sự chuyển hướng kinh tế của thế giới” và cũng giống với nước Mỹ nơi ông đang sinh sống và làm việc.

Ở một khía cạnh khác, PGS Phạm Quý Thọ lưu ý rằng giới giàu có ở Việt Nam ‘có quan hệ rất mật thiết với chính quyền’, ông cho biết:

“Đằng sau mỗi một quan chức hoặc mỗi một doanh nghiệp hoặc mỗi một đại gia mà chúng ta thấy nổi lên rất là nhanh thường có bóng dáng của các quan chức đứng sau.

“Nếu không có những quan hệ này thì tôi nghĩ rất khó để có thể giàu được ở Việt Nam, đặc biệt là trong một cơ chế mà quyền lực chưa được kiểm soát một cách công khai và minh bạch.”

Vai trò của giới giàu có trong nền kinh tế

MANAN VATSYAYANA/Getty Images Một khách sạn với nội thất ‘dát vàng’ ở Việt Nam

Một khách sạn với nội thất ‘dát vàng’ ở Việt Nam

Các khách mời tham gia hội luận Bàn tròn chuyên đề hôm thứ Năm, 27/5/2021 của BBC News Tiếng Việt đều cho rằng giới giàu có đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Liêm, từ California, nói: “Nó là một mô hình phát triển để cho lớp thế hệ sau học hỏi” từ những người giàu đi trước.”

So sánh kinh tế nhà nước với kinh tế khu vực tư nhân, Luật sư Lê Công Định đánh giá ‘kinh tế nhà nước hoàn toàn thất bại’; do đó, ông cho rằng tầng lớp giàu có là doanh nhân “chính là những người có thể giúp nền kinh tế tiến lên phía trước”.

PGS. Phạm Quý Thọ thì cho rằng: “Họ là những nhà tư bản yêu nước và chúng ta phải khuyến khích họ, mặc dù con đường làm giàu có thể có những vấn đề.”

Ông Thọ cũng cho rằng cần phải “coi họ như là đầu tàu không những chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn kéo các tầng lớp dân cư khác lên nữa”.

Chế tài pháp luật ra sao?

Hai cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son (phải) và Trương Minh Tuấn nằm trong số nhiều quan chức phải ra tòa trước các cáo buộc ‘cố tình làm sai, tham nhũng và nhận hối lộ’ ở Việt Nam

Hai cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son (phải) và Trương Minh Tuấn nằm trong số nhiều quan chức phải ra tòa trước các cáo buộc ‘cố tình làm sai, tham nhũng và nhận hối lộ’ ở Việt Nam

Đánh giá về tầng lớp giàu có, siêu giàu là doanh nhân, từ góc nhìn nghề nghiệp chuyên môn, lLuật sư Lê Công Định nói:

“Có sự chuyển động rất là rõ rệt trong nhận thức của giới doanh nhân Việt Nam trong vấn đề tuân thủ luật pháp” so với trước đây tầm 10 năm.

“Tinh thần tuân thủ luật pháp của giới doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là giới giàu có lớn thì họ rất chú trọng vấn đề tuân thủ luật.”

Tuy nhiên, ông Định cũng cho rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam ‘còn đầy thiếu sót’ dẫn đến việc ‘lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi’.

“Vấn đề là nhà nước có nhận ra những kẽ hở đó để mà lấp nó lại bằng những đạo luật, những quy định chặt chẽ hơn và việc giới doanh nhân lợi dụng luồn lách để mà có cơ hội làm giàu thì đó có thể nói là chuyện xảy ra rất thường xuyên…

“Vậy thì vấn đề là làm sao nhà nước tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ để có thể quản lý quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam và đặc biệt tạo điều kiện cho giới doanh nhân Việt Nam kiếm tiền một cách hợp pháp”, Luật sư Định nói thêm.

Getty Images Nhiều vụ án cố tình làm sai, hoặc cáo buộc về tham ô, hối lộ trong giới quan chức đã được đưa ra xét xử ở Việt Nam gần đây

Nhiều vụ án cố tình làm sai, hoặc cáo buộc về tham ô, hối lộ trong giới quan chức đã được đưa ra xét xử ở Việt Nam gần đây

Nói về thuế bất động sản ở Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Liêm từ Mỹ cho rằng nó ‘rất vô lý’.

Ông lấy dẫn chứng rằng ở Hoa Kỳ, tùy theo luật pháp từng bang, người dân hàng năm phải đóng thuế bất động sản là 1,5% (như ở California) giá trị thị trường của bất động sản sở hữu, hoặc 3% (như nhiều nơi ở Texas).

Liên quan đến làm giàu và điều được cho là hiện tượng tham nhũng trong tầng lớp quan chức ở Việt Nam, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ từ Hà Nội nói:

“Tôi nghĩ rằng luật pháp là chưa đúng, bởi vì người ta cứ xử những quan chức gọi là vi phạm và gây thiệt hại cho nhà nước, nhưng mà chẳng thấy tội tham nhũng đâu.”

“Luật phòng và chống tham nhũng có từ rất lâu rồi nhưng để mà ra được nghị định hướng dẫn thì cũng rất là chậm”.

Còn khách mời của chương trình từ Sài Gòn nói:

“Chống tham nhũng bây giờ giống như là một lĩnh vực cũng thiếu minh bạch luôn thì làm sao có thể đặt vấn đề có một cơ chế hữu hiệu để phòng chống hoặc là ngăn ngừa tham nhũng,” Luật sư Lê Công Định đưa ra bình luận với BBC.

Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn tròn thứ Năm về giới Siêu giàu ở Việt Nam hiện nay với Luật sư Lê Công Định, PGS. Phạm Quý Thọ tham gia từ Việt Nam và TS. Nguyễn Hữu Liêm từ Mỹ.