WHO hoạt động bằng tiền của ai?

    0
    224
    Tổng thống Trump chỉ trích tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thiên vị Trung Quốc - Ảnh: fr24news.com
    TUỔI TRẺ
    TTO – Tổng thống Donald Trump dọa sẽ xem xét khả năng Mỹ ngừng đóng góp cho WHO vì WHO có ý thiên vị Trung Quốc và sai lầm trong nhiều vụ việc về y tế cộng đồng. Vậy nguồn tài chính cho hoạt động của WHO đến từ đâu?

    WHO là ai?

    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được thành lập ngày 7-4-1948, là  cơ quan chỉ đạo và điều phối y tế toàn cầu trong hệ thống Liên Hiệp Quốc (LHQ).

    Nhà chính trị Tedros Adhanom Ghebreyesus người Ethiopia giữ chức tổng giám đốc WHO từ năm 2017. WHO hiện có 194 quốc gia, lãnh thổ là thành viên.

    Hoạt động của WHO rất đa dạng, từ thiết lập các quy chuẩn và dược phẩm thiết yếu, tư vấn về hành vi ăn uống cho đến đấu tranh chống các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh, nghiên cứu văcxin.

    Theo số liệu gần đây nhất, WHO sử dụng ngân sách 4,4 tỉ USD trong năm 2018 và 2019.

    Hầu hết số tiền này (hơn 800 triệu USD) được dành cho cuộc chiến chống các bệnh truyền nhiễm. Gần 600 triệu USD được sử dụng cải thiện hệ thống y tế, nhất là ở các nước nghèo nhất. Các bệnh không lây nhiễm như đau tim, tiểu đường ngốn ngân sách 351 triệu USD.

    Tiền của WHO đến từ đâu?

    Các quốc gia thành viên của WHO bỏ phiếu cho ngân sách WHO mỗi hai năm một lần. Chi phí hoạt động của WHO gồm hai khoản: đóng góp cố định và đóng góp tự nguyện.

    Các quốc gia thành viên đóng góp phần cố định theo các mức khác nhau tùy quy mô và mức sống mỗi nước.

    5 quốc gia đóng góp hàng đầu gồm Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đức và Pháp đã đóng góp khoảng 60 triệu USD cho năm 2016 và 2017.

    WHO hoạt động bằng tiền của ai? - Ảnh 2.

    Trong các tổ chức đóng góp cho WHO, hào phóng nhất là Quỹ Bill & Melinda Gates của ông bà Bill Gates – Ảnh: AP

    Các khoản đóng góp tự nguyện chiếm khoảng 80% ngân quỹ đến từ của các quốc gia thành viên, các quỹ tư nhân và các tổ chức quốc tế.

    Các khoản này thường dành cho các chương trình cụ thể như đấu tranh chống lại căn bệnh ABC nào đó hoặc viện trợ cho quốc gia nào đó.

    Chỉ riêng năm 2017, Mỹ đã chi thêm hơn 400 triệu USD. Trong các tổ chức, hào phóng nhất là Quỹ Bill & Melinda Gates ở Mỹ với gần 325 triệu USD.

    Với hai khoản đóng góp cố định và tự nguyện, các quốc gia thành viên tài trợ 51% ngân quỹ của WHO.

    Phần còn lại là đóng góp của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức liên chính phủ, các ngân hàng phát triển, các quỹ thiện nguyện, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác, lĩnh vực tư nhân và đại học.

    Vai trò của Ủy ban khẩn cấp

    Để đối phó với khủng hoảng y tế toàn cầu, WHO đã thành lập Ủy ban khẩn cấp. Ủy ban này chịu trách nhiệm đánh giá diễn biến khủng hoảng và đưa ra khuyến nghị cần thiết cho tổng giám đốc WHO.

    Ủy ban khẩn cấp về COVID-19 của WHO gồm 15 chuyên gia thuộc các quốc tịch Thái Lan (2 người), Singapore (2 người), 11 nước sau đây mỗi nước một người gồm Mỹ, Nga, Pháp, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Nhật , Úc, Saudi Arabia, Senegal.

    WHO hoạt động bằng tiền của ai? - Ảnh 3.

    GS Didier Houssin (phải) đứng đầu Ủy ban khẩn cấp của WHO và tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus – Ảnh: YOMIURI SHIMBUN

    Ủy ban khẩn cấp bắt đầu hoạt động từ ngày 22-1-2020 do GS Didier Houssin người Pháp đứng đầu.

    Bên cạnh Ủy ban khẩn cấp còn có 6 cố vấn gồm các chuyên gia của Ý, Pháp, Thụy Điển, Canada, New Zealand, Trung Quốc.

    Tổng giám đốc WHO là người chọn các thành viên Ủy ban khẩn cấp từ danh sách các chuyên gia quốc tế chuyên về nhiều lĩnh vực y tế khác nhau.

    Trả lời báo chuyên ngành y tế Le Quotidien du Médecin (Pháp), GS Didier Houssin cho biết theo Điều lệ y tế quốc tế (IHR) năm 2005, tổng giám đốc WHO không thể đơn phương tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà phải dựa vào khuyến nghị của Ủy ban khẩn cấp.

    Cơ chế Ủy ban khẩn cấp được sử dụng từ năm 2005 sau dịch SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) bùng phát từ Trung Quốc.

    Khuyến nghị có mang tính ràng buộc không?

    Nếu tổng giám đốc WHO quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu hay đại dịch toàn cầu, vị này có thể áp dụng một số biện pháp nhất định đối với các quốc gia liên quan như hạn chế đi lại hoặc vận chuyển hàng hóa.

    Tháng 7-2019, để chống lại dịch Ebola, WHO đã yêu cầu các quốc gia liên quan ở châu Phi tăng cường kiểm tra hành khách có hệ thống tại các sân bay và bến cảng.

    Các khuyến nghị mang tính chấp ràng buộc đối với các quốc gia thành viên của WHO.

    Tuy nhiên, theo TS Marie-Paule Kieny người Pháp – nguyên phó tổng giám đốc WHO ((2011-2017), trên thực tế WHO không có cơ chế xử phạt, vì vậy các quốc gia không tuân theo khuyến nghị tự đặt mình vào tình huống khó khăn và có thể chịu áp lực từ các quốc gia khác.

    Nguồn : https://tuoitre.vn/who-hoat-dong-bang-tien-cua-ai-20200408205110276.htm