VÁN CỜ BA HỌ (trích)

1
93
Bến Hàm Tử thời xưa.
   

Phạm Lưu Vũ

CHƯƠNG 7

Câu chuyện ở Gia Miêu hơn chục năm về trước, vào cái đêm công tử nhà họ Nguyễn là Nguyễn Hoàng ra đời mà Nguyễn Kim vừa kể lại không phải chỉ có thế, bởi còn một chuyện nữa mà chính Nguyễn Kim và Nguyễn Ư Dĩ lúc đó cũng không biết. Rằng ở bờ hồ phía Bắc có một xóm nhỏ gọi là Ngoại Miêu, cách Gia Miêu chỉ hơn dặm, mà tịnh không nghe có động đất. Duy cái điềm rồng sa thì cũng làm kinh động cả xóm, nhưng là con rồng xanh, không phải rồng đỏ. Nguyên cùng một con rồng, nhưng người ở bờ Bắc nhìn ra rồng xanh, người ở bờ Nam nhìn ra rồng đỏ. Trong xóm cũng có một nhà họ Nguyễn tên Mộc, cũng vừa sinh con trai… Nguyễn Mộc không dám tin cái điềm rồng xanh là ứng vào con trai mình, nhưng cũng ra bờ hồ để ngắm. Mặt hồ vẫn còn nổi sóng dù không một gợn gió, lộ ra một doi đất lấp lánh, có hào quang chiếu thẳng lên trời. Doi đất cách bờ khoảng vài chục sải tay, bình thường chỉ thấy lau re và cỏ lác… sao đêm nay lại lấp lánh hào quang? Nguyễn Mộc vừa kinh ngạc vừa mừng thầm, vốn cũng là người có chữ, bèn lấy chữ Long đặt tên cho thằng con mới sinh, gọi là Nguyễn Hưng Long.

Mấy đêm sau, Nguyễn Mộc chèo thuyền ra doi đất ấy, nhằm chỗ phát hào quang đêm trước mà đào. Sâu xuống chừng năm thước thì “kịch” một cái, trúng chiếc hộp gỗ. Tưởng có vàng bạc châu báu, Mộc mừng rú. Song mở ra thì chả có vàng bạc gì, chỉ độc mỗi quyển sách cổ, ngoài bìa đề bốn chữ: “Bách luân kim cương” (trăm cách xoay chuyển thời thế, chắc như kim cương).

Nguyễn Hưng Long lớn lên, được cha đem sách ấy ra dạy, được cái sáng dạ, học đâu nhớ đấy, mười lăm tuổi đã thuộc lòng. Bấy giờ hàng xóm có một anh bần cố nông cũng họ Nguyễn, tên Chí, hàng ngày nghe Nguyễn Hưng Long đọc Bách luân kim cương thì hâm mộ lắm, liền bán đi mấy sào ruộng lấy tiền học chữ. Đọc võ vẽ rồi, bèn lân la sang mượn để đọc ké, cũng nhớ được vài trang, đi đâu cũng khoe. 

Nhân vua Trang tông lên ngôi ở Ai Lao, xuống chiếu chiêu tập hào kiệt, cha con Nguyễn Hưng Long bèn bàn nhau tìm đường sang Ai Lao, đem “Bách luân kim cương” dâng lên, vua Trang tông mừng lắm, liền thu nạp Nguyễn Hưng Long, cho ở dưới trướng Dực Quận công Trịnh Kiểm. 

Ở dưới trướng Dực Quận công Trịnh Kiểm, một hôm Nguyễn Hưng Long thưa:

– Tôi nghe nói thế chủ ta vừa lên ngôi, đã sai sứ sang ngay nhà Minh, cầu xin nhà Minh phát binh sang hỏi tội họ Mạc. Tôi không cho rằng đó là một kế hay.

Trịnh Kiểm nghe nói hơi giật mình, hỏi lại:

– Không phải một lần, mà mấy lần sai sứ đi rồi, đều là người họ Trịnh cả, song đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Nhưng ông nói như thế nghĩa là thế nào?

Nguyễn Hưng Long trả lời:

– Bụng dạ người Minh là không thể tin được. Mối hận của họ từ đời Tuyên Đức đại đế bị vua Thái Tổ (trỏ Lê Lợi) đánh đuổi, chắc gì họ đã quên? Huống chi danh nghĩa của ta là phù Lê diệt Mạc, nay lại rước người Minh vào, thì dẫu có diệt được Mạc, sẽ lại gặp cái họa người Minh. Tấm gương của Thân hầu nhà Tây Chu ngày trước vẫn còn đó.

Trịnh Kiểm hơi giật mình, bèn hỏi:

– Thân hầu ngày trước thế nào?

Nguyễn Hưng Long kể:

– Thân hầu rước quân Khuyển Nhung vào để diệt U vương, diệt xong U vương, quân Khuyển Nhung không chịu rời đi, cứ ở lỳ để cướp bóc và hãm hiếp phụ nữ. Kết quả lại phải triệu quân chư hầu đến thì mới đuổi được quân Khuyển Nhung. Nhà Tây Chu mất từ đó.

Trịnh Kiểm nghe ra, toát mồ hôi, liền hỏi ngay:

– Vậy bây giờ phải làm thế nào?

Nguyễn Hưng Long nói:

– Người Minh chỉ cốt tham lợi mà thôi. Tôi sẽ xin đem ba tấc lưỡi, để khiến họ Mạc dừng quân Minh lại ở bên kia biên giới.

Trịnh Kiểm mừng lắm. Liền đứng ngay dậy, vỗ vỗ vào lưng Nguyễn Hưng Long mà cười lớn.

– Nếu quả được như vậy, thì ông là Trương Tử Phòng của tôi đấy.

Rồi ngay lập tức đến mật bàn với Hưng Quốc công Nguyễn Kim. Nguyễn Kim cũng nghe ra, liền bí mật sai Nguyễn Hưng Long về Thăng Long để thuyết Mạc Đăng Dung. Vua Trang tông không hề biết gì về việc này.

Nguyễn Hưng Long ngày đêm băng rừng về Thăng Long, đóng giả một đạo sĩ, đội nón lá, mặc áo thụng đen đến trước cửa cung Mạc Đăng Dung, quay mặt vào cửa đứng nghiêm, hai tay chắp trước ngược, từ từ đưa lên quá đầu rồi quỳ xuống, xòe hai bàn tay ra, chạm xuống đất rồi lại ngửa lòng bàn tay lên, dập đầu hai cái rồi đứng lên. Làm như thế ba lần, kéo dài đến mấy khắc. Quân lính canh cửa lấy làm lạ, bèn chạy ra hỏi:

– Ông đạo sĩ kia, ông làm cái trò gì vậy?

Đạo sĩ trả lời:

– Tôi đến viếng người chết.

Lính canh trợn mắt, quát:

– Đây là cung vua. Sao ông dám gở mồm?

Rồi bảo nhau xúm lại đuổi, Nguyễn Hưng Long cứ cố tình dùng giằng. Lúc ấy, ở bên trong có một viên hoạn quan chứng kiến từ đầu, thấy lạ bèn chạy vào cung bẩm với Mạc Đăng Dung. Thượng hoàng Mạc Đăng Dung liền sai ra mời đạo sĩ vào.

Nguyên Mạc Đăng Dung cũng nghe tin Lê Ninh (tức vua Trang tông) ở Ai Lao liên tiếp sai sứ sang nhà Minh, cầu nhà Minh đem quân sang để giúp họ Lê khôi phục ngai vàng, triều đình nhà Minh đã cử bọn Mao Bá Ôn chuẩn bị binh mã đánh Đại Việt nên đang mải nghĩ cách đối phó. Nguyễn Hưng Long đi vào, chỉ vái chứ không lạy. Thấy đạo sĩ mặt còn non choẹt mà phong cách ung dung thì cũng có ý kính trọng, bèn hỏi ngay:

– Ông đến viếng ta chăng? Ta đang lo chuyện người Minh phía bên kia biên giới đây. Không phải vì việc sống chết của ta, mà lo cho dân chúng lại mắc phải cái nạn binh đao. Chẳng hay ông có kế gì giúp ta hay không?

Nguyễn Hưng Long nghe hỏi, biết Mạc Đăng Dung là người có tâm cơ, thì mưu của mình chắc sẽ thành, bèn trả lời:

– Người Minh chỉ tham lợi mà thôi, đã lâu không được tiến cống, thì cả một dải vua quan, từ biên giới đến triều đình đều dài cổ trông ngóng, chứ họ quan tâm gì đến việc ai là chủ của An Nam. Nay ta hãy theo lệ thời Chiến quốc, cứ giả vờ xin giảng hòa, rồi đem lợi mà dử, thì họ tất sẽ bãi binh.

Mạc Đăng Dung nghe nói cũng thấy phải, song vẫn bảo:

– Nhưng họ Lê đã tiến cống mấy đời rồi, thì nay họ sẽ dùng đạo đức giả để lên mặt đòi hỏi. Nếu họ có yêu sách cả về đất đai, lãnh thổ nữa thì làm thế nào?

Đạo sĩ trả lời:

– Ngài quên lời dặn của vua Thái Tổ ngày trước rồi hay sao? Trước khi mất, Thái Tổ dặn đời sau mỗi lần tiến cống, đều phải đòi nhà Minh trả lại năm động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, vốn đã mất vào tay họ từ hồi triều Lý. Việc ấy đã thành lệ, song nhà Minh cứ lờ đi. Nay ta đem năm động ấy kê vào danh mục đất dâng cho họ, ngụ ý rằng từ nay sẽ không đòi nữa là được chứ gì?

Mạc Đăng Dung vỗ tay khen phải. Song vẫn cố hỏi thêm:

– Sau tất cả những chuyện ấy, nếu họ vẫn ngoan cố, chưa chịu bãi binh thì làm thế nào?

Đạo sĩ nói:

– Người phương Bắc vốn mê tín, thì ta đem cái điềm sao chổi mới xuất hiện ra nói. Hai nước liền kề nhau, mà bên ta nhìn thấy, bên họ không nhìn thấy, thì đó là điềm giời ứng vào An Nam, không phải Trung Quốc… Họ nghe tất sẽ chột dạ, mà không dám cưỡng lại mệnh giời.

Mạc Đăng Dung nghe đến đây thì như vén được đám mây mù. Liền đứng ngay dậy, vái đạo sĩ một cái mà rằng:

– Ông thật đã khai quang mở nhãn cho tôi. Nhưng phải chọn một người khéo ăn khéo nói, sang gặp họ trước mới được. Chẳng hay ông có vì tính mạng của con dân nước Đại Việt mà đi hộ một chuyến có được không?

Đạo sĩ nói:

– Nếu triều đình chưa có người, thì bần đạo cũng liều thử một phen xem sao.

Mạc Đăng Dung mừng lắm, liền cấp ngay ngựa trạm và lộ phí để Nguyễn Hưng Long lên đường.

Nguyễn Hưng Long đi ngựa trạm lên Trấn Nam Quan, rồi bỏ ngựa đi bộ qua cửa ải, vẫn đóng giả đạo sĩ, tay phe phẩy chiếc phất trần. Đến trước mạc phủ của quân Minh, Hưng Long báo với lính canh, xin vào yết kiến Mao Bá Ôn. 

Họ Mao nom thấy đạo sĩ An Nam, đoán ngay là thuyết khách, liền cất giọng phủ đầu:

– Ông vì họ Mạc mà đến đây có phải không? Chớ có hoang đường. Ta phụng mệnh thiên triều, đang sắp sửa đem binh sang hỏi tội họ Mạc đây.

Nguyễn Hưng Long vẫn tỉnh bơ, thản nhiên bảo:

– Tôi quả có vì họ Mạc mà đến đây. Nhưng cũng vì chính cả ngài nữa đấy.

Họ Mao cười nhạt tỏ vẻ khinh bỉ, hỏi luôn:

– Vậy ông nói đi. Tại sao lại vì ta?

Nguyễn Hưng Long trả lời:

– Tôi nghe nói không nên đánh một nước vẫn còn người giỏi. Thời Chiến Quốc, vua Tần đem quân vây thành nước Triệu, thấy sứ nước Ngụy đến bàn với Triệu, cùng tôn Tần làm đế thì mừng lắm, bèn đóng quân lại để chờ. Kết quả Lỗ Trọng Liên nước Triệu thuyết phục sứ nước Ngụy bỏ cái nghị ấy thì thất vọng lắm, đến nỗi vua Tần phải than rằng: “Trong cái thành bị vây này còn có người giỏi, thì không nên khinh thường”. Về sau quân Tần bị Tín Lăng quân cả phá, cứu được nước Triệu. Quân Tần ngày trước, toàn hổ báo mà còn như thế, huống hồ ngày nay, nước Minh đã lâu không có chiến tranh, quân lính lười nhác, không quen chinh chiến thì giả dụ nếu việc không thành, chẳng phải ngài sẽ đắc tội làm nhục thiên triều ư?

Họ Mao nghe cũng hơi chột dạ. Song vẫn ngoan cố, trỏ tay về phía Nam hỏi tiếp:

– Đấy là chuyện thời Chiến Quốc. Còn hiện nay, phía bên kia có ai là người giỏi?

Nguyễn Hưng Long trả lời:

– Đăng Dung truyền ngôi cho con là Đăng Doanh. Đăng Doanh trị nước, mà người buôn bán và kẻ đi đường đều không phải mang vũ khí phòng thân, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc của nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, mùa màng được liên tiếp. Đăng Doanh làm vua, mà nước có được những điều ấy, mà không phải người giỏi là gì?

Nghe đến đây, họ Mao đã bắt đầu rờn rợn, song vẫn chưa chịu. Bèn lên giọng:

– Dẫu có người giỏi, thì cũng không thể chống đỡ nổi đại quân của thiên triều…

Hưng Long biết họ Mao vẫn tin vào cái chiến thuật lấy thịt đè người xưa nay của Trung Quốc, liền cười mà trả lời:

– Đại quân thì cũng phải ăn thì mới cử động được chứ? Càng đông ăn càng tốn. Muốn được như ngài nói, thì phải huy động ít nhất ba mươi vạn quân, chia làm sáu đường cùng tiến, lương ăn một năm cần một trăm sáu mươi vạn hộc, các chi phí đóng thuyền, sắm ngựa, đúc binh khí, khao quân… lại cần hơn bảy mươi vạn quan tiền nữa, huống chi phải lặn lội vào chỗ nóng nực, so với quân của họ Mạc thì cái thế nhàn, mệt khác nhau. Nếu họ Mạc dùng kế của Trần Khánh Dư ngày trước, chỉ đánh vào thuyền lương của Trương Hổ, thì quân Nguyên không cần đánh cũng tự vỡ… ngài nên xem xét kĩ, kẻo sau này hối không kịp.

(Họa sĩ Trung Dũng kqđ).

Mao Bá Ôn thấy Nguyễn Hưng Long đọc vanh vách như đi guốc trong bụng quân Minh thì sợ hãi dựng tóc gáy, mồ hôi toát dọc sống lưng. Còn chưa biết trả lời ra sao thì Nguyễn Hưng Long lại bồi tiếp:

– Họ Lê hay họ Mạc làm chủ thì chỉ can hệ đến người An Nam mà thôi. Đối với người Minh mà nói, thì họ nào cũng thế cả, miễn là chịu thần phục và tuế cống đầy đủ. Nay ngài chịu mệnh của vua Gia Tĩnh, nếu không tốn một tên lính, không mất một mũi tên, mà vẫn có được hai điều ấy, thì công của ngài đối với thiên triều lớn biết chừng nào, còn đỡ cái nạn binh đao cho con dân của cả  hai nước nữa. Thiết nghĩ một bậc đại trí thì không cần phải suy xét…

Mao Bá Ôn nghe đến đây như người vừa mở được hai con mắt, trong bụng mừng thầm, song vẫn cố giở giọng trịch thượng:

– Nếu kẻ tiếm nghịch kia (trỏ Mạc Đăng Dung) đích thân tự mang gông tới đây chịu mệnh, cam kết sẽ cống nạp đầy đủ, thì ta sẽ lựa lời tâu với hoàng đế Đại Minh tha tội cho.

Nguyễn Hưng Long biết việc đã thành, liền xuống giọng nói nhỏ:

– Họ Mạc sẽ tuân theo lời ngài. Và còn chuẩn bị riêng một món quà để tặng ngài, và Hàm Ninh hầu Cừu Loan để hậu tạ công lao khó nhọc đấy.

Mao Bá Ôn mừng lắm. Liền cùng đạo sĩ làm tờ cam kết, hẹn đến ngày ấy, tháng ấy… đích thân Mạc Đăng Dung sẽ dẫn thuộc hạ lên quan ải để chịu mệnh.

Chuyến đi của Nguyễn Hưng Long thế là hoàn thành. Ra khỏi quan ải, Hưng Long liền sai người đem thư về cho Mạc Đăng Dung, còn mình thì cởi bỏ y phục đạo sĩ, tìm đường tắt về báo với Trịnh Kiểm. Kiểm mừng lắm, từ đó cùng với Hưng Long như hình với bóng, ngày đêm bàn bạc công việc. Mạc Đăng Dung nhận được thư của Hưng Long cũng mừng lắm, nhất nhất làm theo những việc Hưng Long đã giao ước với Mao Bá Ôn.

Advertisement
   

1 COMMENT

  1. Information that is shared is very valuable. I wanted to thank the author for sharing this work with me because I really enjoyed reading it. I am really appreciative that you sent me this blog post. Again, thank you. It’s awesome.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here