VÁN CỜ BA HỌ

0
121
   

Phạm Lưu Vũ 

(Lời Tựa của cụ Văn Chinh)

Trộm nghe, phàm những việc dẫu chỉ có trời biết, đất biết thì rồi sớm muộn người người đều biết. Ví như chuyện hơn 200 năm thời Lê Trung hưng [các thế kỷ XVI, XVII và XVIII] sử ghi về Trạng Trình có mấy dòng, đều mờ tỏ bí ẩn như các sấm ký tương truyền là của cụ. Vậy mà rồi trong “Ván cờ ba họ” này, Trạng Trình thành người chơi cờ, thành nhân vật chính, sống động như một sư biểu tri kỷ tri âm của ta.

Tại sao như thế?

Vì tam tài [thiên địa nhân] đều từ Một mà ra, tay trái làm ác, chả ai nói mà tay phải biết ngay lập tức; cũng vậy, khi lòng người gặp biến, oán thán hoan hỷ đều kết tụ dần mà kinh động giời đất. Trong các sách xưa, khi nói về một triều đại hết phúc, làm nhiều việc nực cười như chuyện viên tướng 58 tuổi An Lộc Sơn gọi người đẹp đôi mươi Dương Quý Phi là mẹ nuôi, lòng dân khinh thị thì dân gian chuyên kháo chuyện mệnh trời, điềm giời hiện ra… 

Nhưng nhận ra điềm triệu, “nghe” được tiếng của giời đất thì lại do sở năng, không chia đều cho mọi người. Thầy bói, phù thủy, nhà sư, nhà sử học, nhà văn, nhà thiên văn địa lý sinh ra từ những mâu thuẫn sở năng bất quân vậy. Như việc sử ghi về Trạng Trình có mấy dòng mà Phạm Lưu Vũ “đọc” ra cả một thế giới quần tiên kỳ thú, nơi thân phụ thân mẫu cụ sống từ những kiếp trước; đến lượt mình, cụ công thành danh toại ở Mạc Bắc triều nhưng di đức của cụ lại đứng trên chính sự một thời, để bày kế trung hưng hằng tồn cho Lê Nam triều. Cụ là thầy của sĩ phu Bắc triều, trực tiếp góp vào việc kinh bang tế thế khiến cho bắc phần của nước phát triển thần kỳ vào thế kỷ XVI [1527 – 1592]. Nhưng cũng chính cụ khuyên thầy trò Trịnh Kiểm chỉ nên “quét chùa [thì được] ăn oản” và “tìm giống cũ mà gieo” cho nên từ Lê Anh tông về sau mới là hậu duệ của Lê Trừ – anh ruột vua Lê Thái tổ. Tại sao phải thế? Vì cụ Trạng “nghe” được tiếng [ngôn ngữ] của giời đất. Ấy là tâm thế còn hướng về nhà Lê của người Việt. Rồi cụ “nhắn” qua học trò đến tai Nguyễn Hoàng một lời khuyên qua câu sấm: “Phụng đàm an khảm trấn / Tích Thủy quảng ly hương”. Và giảng: Tích Thủy, cái hồ ở Gia Miêu, là khởi nguồn long mạch gọi là “Điểu đạo huyền lộ.” Như thế, cụ đã gieo vào lòng Nguyễn Hoàng đức tu kiên nhẫn xa quê để mở rộng quê. Rồi cụ còn lập kế để đứa trò yêu Mạc Cảnh Huống, em út vua nhà Mạc cho Nguyễn Hoàng dùng làm quân sư lập nhiều kỳ công. Về sau, cụ lại nhắn “Hoành Sơn nhất đái / Vạn đại dung thân”; cho đến khi chính Nguyễn Hoàng nhận ra long mạch điểu đạo huyền lộ dài từ Gia Miêu kéo mãi vào Thuận Hóa thì càng bền tâm tráng chí mà thành tôn chỉ mục đích cho cả một dòng họ lớn để công đức hiển lộ vào năm 1802 – tên nước Việt Nam ra đời bền vững rộng dài cho mãi đến mai sau. 

Như thế, có thể nói, Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm đã “quy hoạch” cho muôn đời vận nước. Cụ Trạng sinh năm 1491, nhân vật Trạng Trình ở đây “bắt đầu” mấy trăm năm trước đó và còn sống đến tận hôm nay vì cứ mỗi thời vận, khi ứng vào câu sấm – của cụ hoặc chẳng phải của cụ, thì Trạng Trình lại sống dậy. Vì cụ sống/ tư duy bằng quy luật cho nên có thể nói, khi nào quy luật khách quan về tam tài còn, thì Trạng Trình còn. Ít nhất thì đây cũng là cảm nhận của hậu sinh, khi đọc sách này.

Sử sách viết về Nguyễn Hoàng nhiều hơn, nhưng cũng còn vắn tắt lắm. Người đồng thời của Nguyễn là cụ Lê Quý Đôn nói kỹ hơn trong các khảo cứu về địa dư, phong tục, sản vật có thể xem như là bản công trạng của sự nghiệp khai hóa phương Nam sau 1558. Chỉ đến Ván cờ ba họ, Nguyễn Hoàng mới hiển lộ hết chiều kích, tầm vóc sừng sững, vô cùng sống động của một nhân vật lịch sử. Tiểu thuyết cũng“cãi” lại các sử gia xưa nay vẫn đinh ninh Nguyễn Hoàng vào Thuận Quảng chỉ là để ẩn thân, tránh họa đố kỵ của ông anh rể Trịnh Kiểm. Cũng cãi lại một đinh ninh khác của lịch sử, do tâm thế nhớ ơn nhà Lê, sinh lòng ghét chúa Trịnh bất chấp quy luật tha hóa của quyền lực nên coi việc Trịnh Kiểm chém Nguyễn Uông vì tội lạm sát trả thù bọn quan quân nhà Mạc về hàng là nhằm đoạt quyền chứ không chịu công bằng để nhận ra: Giết bọn quy hàng là chặn lối tìm đến của hiền tài danh tướng bên phía đối địch đến với ta. Trong oan sự này, chính Nguyễn Uông không phân biệt kẻ trá hàng Dương Chấp Nhất sát hại cha An Thành hầu Nguyễn Kim với những người thực tâm về với nhà Lê mới là tội đồ của đại cục.

Ván cờ ba họ là những họ nào?

Tại thời gian nghệ thuật của tiểu thuyết, Đại Việt có hai họ vua là Lê, Mạc và hai họ chúa là Trịnh, Nguyễn. Trong thời gian lịch sử, đôi khi còn gọi đây là thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Như thế là bốn chứ sao lại ba? Là bốn nhưng thực chất chỉ là ba, họ Trịnh làm mọi việc đều nhân danh họ Lê, nên nói Lê Bắc triều giao tranh với Mạc Bắc triều thì trên thực tế là họ Trịnh đánh nhau với họ Mạc, còn họ Nguyễn thì chỉ làm việc tiến vào phương Nam là chủ yếu; vậy nên từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII chỉ có ba họ Mạc, Trịnh và Nguyễn chơi ván cờ thế đại cục. Họ đóng đô tại Hải Dương, Biện Thượng [Thanh Hóa] Ái Tử – cái tam giác quyền lực hay còn có thể ví với cái chân kiềng cho thế nước. Ngự trên chân kiềng nên nước động mà yên: Đó là Hải Dương luôn luôn làm lá chắn đối với phương Bắc dù có lúc họ phải chịu nhẫn nhục, bị hậu thế chê cười; đó là Biện Thượng luôn lấy danh nghĩa dẹp ngụy mà đánh chiếm để thu Bắc triều về lại với chính thống và do đó mà giúp cho Ái Tử rảnh tay theo đuổi chiến lược quảng ly hương với điểu đạo huyền lộ, mới đủ thời gian phong hóa vùng đất mới hoang sơ khác hẳn phong tục tập quán hòa nhuyễn thành một miền Trung vừa tài khéo vừa mạnh mẽ biểu hiện thật rõ nhưng chỉ khác tông chứ không khác màu trong bản đồ văn hóa Đại Việt. Lâu nay, người ta hay nói đến công lao mở cõi của họ Nguyễn. Đó là điều cần thiết. Nhưng cần kíp và quan trọng hơn là nhận ra vai trò của Mạc Đăng Dung và Trịnh Kiểm trong sự nghiệp vĩ đại ấy.

Mạc Đăng Dung, Nguyễn Hoàng, Trịnh Kiểm hiển lộ dần trong quá trình phong hóa Trung phần nhập tịch. Khi hiển lộ xong, họ vừa giống vừa rất khác trong những trang sử đã viết về họ.

Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng vậy, hiển lộ xong, cụ vụt trở nên khổng lồ, vừa là người bày ván cờ trăm năm lại vừa là thánh nhân của ngàn năm vận nước!

Nhưng suy đến tận cùng, nói ba họ [Mạc, Trịnh, Nguyễn] là nói trăm họ đấy.

Trong Mạc có Nguyễn [Bỉnh Khiêm] nhận lương Mạc nhưng làm việc cho cả nước; trong Trịnh có Nguyễn [Hưng Long] mang sách “Bách luân Kim cương” [đào được từ dưới đất, bàn việc địa nhân] chỉ dùng có vài trang sách đó mà lui giặc Minh chuẩn bị đánh nước Việt, lại chỉ một kế mà án binh bất động cả ba Quận công tránh đường cho Nguyễn Hoàng thong dong trở về Ái Tử; trong Nguyễn có Trịnh [Xuân Ba] quân sư học sĩ, có Mạc [Cảnh Huống] mang sách “Thái Ất thần kinh”[là sách thiên văn, bàn về quan hệ giữa trời với đất của thầy mình là con Trời] vào dâng cho minh công. Khi xứ Quảng có loạn bốn nhà, bộ tướng của Nguyễn Hoàng hăng hái bàn chuyện đánh dẹp, thì Mạc Cảnh Huống lại chỉ nghĩ tới chuyện thu phục lòng người. Thế rồi mang một nhúm quân đi, dẹp loạn bằng cách… bỏ trại. Ba lần bỏ trại mà cõi được yên, không bắn một mũi tên, không giết một tên giặc nào…

Khi Nguyễn Hoàng thấy thế lực Trịnh sa sút, Trịnh Kiểm mất, anh em Trịnh Cối Trịnh Tùng tranh đoạt, bộ hạ muốn nhân cớ ấy mà thôn tính họ Trịnh, Nguyễn Hoàng lại nhận được lời khuyên của bậc “nhất thiết trí”, rằng: “Cờ hay đi một nước này / Xóa đi cả ván đã bày trăm năm”. Nhưng câu trước nằm sấp mà nói, câu sau lại nằm ngửa, chỉ trong phút chốc. Đây là chỗ sinh động mà kì tuyệt. Nằm sấp nói ý Ma, nằm ngửa nói ý Trời. Mới hay cái việc gieo đồng tiền, Âm Dương sấp ngửa xưa nay là có ẩn ý huyền cơ cả đấy.

Có thể nói, xung quanh ba họ là hàng chùm các nhân vật, họ là những tùy viên, học trò, học sĩ, quân sư, danh tướng, nhà sư, thầy pháp, mỹ nhân, phú hào… làm nên tư tưởng nghệ thuật của Ván cờ ba họ, một tư tưởng lớn. Nó khởi đi từ mấy dòng về cụ Trạng trong Toàn thư như những hạt giống tốt, gặp được mảnh đất màu mỡ tơi xốp là độc giác tri Phạm Lưu Vũ – kẻ có sở năng nghe được ngôn ngữ giời đất mà lắng lọc tiếng khóc cười tiếng oán thán tiếng thở dài như hơi nước bốc lên trời, tích lại làm mây vẩn vơ bay của lịch sử rồi làm mưa gió tưới tắm, vậy chăng mà các hạt nhân ở đây đều thành các nhân vật mẫm mạp?

Nhưng, mẫm mạp đến mấy thì đó mới là tượng của quẻ, phần dễ nhất của kẻ muốn hiểu thấu thế sự qua lẽ biến dịch. Phần chí lý hấp dẫn của nó lại nằm ở nội / ngoại quái, đại / tiểu truyện rồi vận dụng thuyết giảng… mới khó, mới đáng ví là máu thịt của nhân sự và là việc của văn chương. Văn Phạm Lưu Vũ xưng xưng như thanh đồng, như nước sa, như gió cuốn, huyền hoặc như chuyện quỷ dị dưới âm ty địa phủ lại kỳ quặc bí ẩn như chuyện trên ba mươi ba tầng giời. Ấy là văn cách của dã sử, ngoại kỷ sử, thần thoại; nói như bây giờ, phép bút tiểu thuyết của Phạm Lưu Vũ là coi ma quỷ rắn hổ thần tiên thánh nhân bình đẳng với người trong tổ hợp văn bản. Có nhân vật Trịnh Công Năng được Quan Sư phu tử dạy cho phép giãn nước, rút đất. Do tu vi chưa đạt cảnh giới, phải dùng cây ngọc bích trợ lực thần chú; gậy trỏ hướng Tây nhưng trong người y giắt cái răng nanh lợn rừng, vật linh nọ cản hướng vật linh kia, khiến chệch hướng sang Tây Nam. Văn Phạm tiên sinh cũng thế, kể gì thì kể rồi cũng đến chỗ huyền kỳ, ma quỷ, điềm triệu hiện ra.

Như cái chỗ cụ Trạng Trình dặn học trò, dán bốn chữ “Tiệt sinh tử lưu” [dứt luân hồi sinh tử] đè lên bốn chữ “Tiệt minh đức lưu” [dứt dòng đức sáng truyền lưu] mà thầy phong thủy họ Thích từ bên Tàu đã trấn yểm; đọc xong, trầm trồ thán phục xong mà gai cả người. Văn hay ở đấy. Hấp dẫn ở đấy. Mà dở cũng từ đấy.

Nhân đây viết được mươi dòng, trộm gọi là tựa, kính đề.

VĂN CHINH

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here