Trung Quốc yêu cầu ngưng khoan dầu ở Biển Đông

    0
    467
    Tàu tuần duyên của Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam trong vùng nước tranh chấp ở biển Đông hôm 2/5/2014 AFP/Vietnamese Foreign Ministry
    RFA

    Trung Quốc hôm 25 tháng 7 lên tiếng khẳng định cho rằng chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực quần đảo Trường Sa cùng vùng nước quanh đó là không tranh cãi và thúc giục bên thứ ba ngừng các hoạt động vi phạm đơn phương tại khu vực đó.

    Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho báo chí biết như vậy tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 25 tháng 7.

    Ông Lục Khảng đưa ra lời phát biểu này để trả lời câu hỏi có phải Trung Quốc đã gây sức ép lên phía Việt Nam hay công ty Tây Ban Nha là Repsol khiến công ty này ngưng việc khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam gần đây.

    Công ty Repsol đã tiến hành khoan thăm dò ở lô 136/3 ngoài khơi Việt Nam từ hồi giữa tháng 6. Tuy nhiên lô này cũng nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra và đòi chủ quyền.

    Hôm 24 tháng 7, BBC dẫn nguồn tin từ trong ngành dầu khí Việt Nam cho biết Việt Nam đã phải ngưng khoan thăm dò trước sức ép của Trung Quốc. Tuy nhiên phía Việt Nam hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về tin này.

    Không có sự can thiệp từ bên ngoài

    Trong khi đó, phát biểu tại Manila, Philippines, nhân chuyến thăm đến nước này trước thượng đỉnh ASEAN vào tuần tới, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các nước ASEAN nên đoàn kết và nói không với các thế lực bên ngoài, ý ông muốn ám chỉ Hoa Kỳ.

    Ông Vương Nghị cũng ca ngợi quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Philippines, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay đồng thời cũng là đồng minh lâu năm của Mỹ trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói quan hệ đang ấm lên giữa Manila và Bắc Kinh đã giúp làm ổn định tình hình biển Đông. Ông nói với báo giới là nếu vẫn còn một số các lực lượng nước ngoài trong khu vực vốn không muốn thấy sự ổn định ở biển Đông thì họ vẫn muốn quấy đảo biển Đông và vì vậy các nước trong khu vực cần phải đứng bên nhau và nói không với họ.

    Trung Quốc là nước tuyên bố chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông nơi các nước khác gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng đòi chủ quyền.

    Hoa Kỳ dù không phải là một nước tham gia tranh chấp chủ quyền và cũng không tuyên bố đứng về bên nào nhưng đã luôn chỉ trích Trung Quốc về các hành động quân sự hóa tại khu vực này. Hoa Kỳ cũng đã gửi các tàu chiến đến khu vực, đi qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây lấp để thách thức những đòi hỏi quá mức của Trung Quốc ở biển Đông.

    Khai thác chung với Philippines?

    Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng nói ông ủng hộ ý tưởng khai thác năng lượng chung với Philippines ở vùng biển tranh chấp, đồng thời cảnh báo hành động đơn phương có thể tạo ra vấn đề ở khu vực này.

    Nói tại cuộc họp báo ở Manila, ông Vương Nghị cho biết nêu một bên tiến hành các hoạt động đơn phương tại vùng nước chồng lấn thì bên kia cũng sẽ có hành động tương tự và điều này có thể làm phức tạp thêm tình hình, và dẫn đến căng thẳng mà kết quả cuối cùng là không ai có thể khai thác được gì.

    Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ hai 24 tháng 7 cho biết một đối tác của Philippines đã tìm thấy những mỏ dầu và việc tìm khai thác có thể bắt đầu vào cuối năm nay. Tổng thống Philippines không cho biết đối tác đó là ai. Bộ Năng lượng của Philippines hôm 12 tháng 7 cho biết là việc khoan thăm dò ở Bãi Cỏ Rong vốn đã bị tạm ngưng từ năm 2014 có thể được tiếp tục trở lại vào cuối năm nay. Bộ này cũng cho biết chính phủ Philippines đang chuẩn bị để đưa đấu thầu việc khai thác các mỏ này với các nhà đầu tư vào tháng 12 năm nay.

    Philippines tạm ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí hồi năm 2014 để chờ kết quả của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) liên quan đến vụ kiện của nước này với Trung quốc về những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn. Tháng 7 năm ngoái, tòa PCA ra phán quyết bác bỏ tính hợp pháp của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông.