Trình độ tiểu học có thể làm điều tra viên?

0
114
   
NGƯỜI LAO ĐỘNG
Dự án Luật Công an xã vừa được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó quy định nhiều chức năng, nhiệm vụ của công an xã không khác gì công an phường chính quy đã gây nhiều quan ngại trong dư luận.

Không lo sao được khi trong các chức năng, nhiệm vụ của công an xã có hoạt động liên quan đến hoạt động điều tra hình sự như bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; điều tra ban đầu, lập biên bản… nhưng với quy định hiện hành, công an xã chỉ cần trình độ tối thiểu là tiểu học trở lên.

Trong khi đó, trên thực tế, thời gian qua có nhiều án oan sai mà nguyên nhân có yếu kém về trình độ chuyên môn, thực thi nhiệm vụ, áp dụng pháp luật của điều tra viênban đầu. Để giảm thiểu án oan sai, chúng ta đang từng bước nâng cao chuyên môn của điều tra viên chứ không chỉ có việc đào tạo chuyên tu, tại chức, từ xa. Đó là chưa nói đến tình hình an ninh trật tự ở nhiều xã nông thôn hiện rất phức tạp, bản chất tội phạm không thua gì ở thành phố. Với trình độ tiểu học, liệu công an xã có thể hiểu được từ ngữ trong văn bản pháp luật, soạn được biên bản quả tang, ghi lời khai ban đầu…- những việc cực kỳ quan trọng trong tố tụng hình sự, chứ chưa nói đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ to tát khác mà ngay cả người được đào tạo bài bản, chính quy cũng đôi khi phạm phải sai lầm? Ngoài ra, việc trao cho công an xã chức năng, nhiệm vụ nặng nề không khác gì công an phường nhưng lại không công nhận họ là chính quy vì tiêu chuẩn, trình độ thấp, liệu có công bằng?

Thiết nghĩ, nhiệm vụ, chức năng, trách nhiệm nào thì đòi hỏi trình độ phải tương xứng thế ấy. Nếu chỉ vì thiếu người mà trao cho công an xã những chức năng, nhiệm vụ quá lớn trong khi trình độ giới hạn, nhận thức về tố tụng yếu kém, đãi ngộ thấp, áp lực có thừa thì sẽ khó tránh khỏi quan liêu, hách dịch, lạm quyền và gây oan sai cho người dân.

Vì vậy, theo tôi, nên đưa công an có trình độ chính quy hoặc tuyển người có trình độ cao đẳng, đại học hoặc công an nghĩa vụ sau đó đào tạo thêm về chuyên môn, nghiệp vụ ngành về làm công an xã, đương nhiên kèm theo đó là chế độ đãi ngộ thích hợp. Không thể nói sợ tăng chính quy là phình biên chế, quan trọng là tính toán bố trí hợp lý bởi nói như bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, hoạt động công an xã cũng gây ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, trong đó có oan sai nên nhất thiết phải cân nhắc kỹ càng.

Phạm Nguyễn Quỳnh Thư

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here