Home Blog Page 1508

Chị của con rể Trump mời chào nhà đầu tư Trung Quốc

0
VOA

Chị gái của con rể Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang ở Trung Quốc mời chào những người giàu có đầu tư 500.000 đôla vào các tòa căn hộ cao cấp ở gần thành phố New York. Việc đầu tư này được quảng bá là một phần của một chương trình cho phép họ định cư ở Hoa Kỳ.

Nicole Kushner Meyer là chị gái của Jared Kushner, con rể ông Trump. Jared Kushner là một trong những cố vấn hàng đầu tại Tòa Bạch Ốc.

Bà Nicole Kushner Meyer đã phát biểu hôm Chủ nhật với các nhà đầu tư tiềm năng ở Thượng Hải sau khi cũng đã quảng bá ở Bắc Kinh. Bà Meyer nói với hơn 100 người tại một khách sạn ở Bắc Kinh rằng dự án trị giá 976 triệu đôla là một tháp đôi 66 tầng với gần 1.500 căn hộ. Bà nói dự án “rất có ý nghĩa đối với tôi và gia đình”.

Bà đã đề cập rằng em trai bà trước đây là tổng giám đốc điều hành của Kushner Companies. Ông đã từ chức khi ông và vợ; là bà Ivanka, người cũng là con gái lớn của ông Trump; chuyển đến Washington và gia nhập đội ngũ nhân viên của ông Trump.

Để tránh những xung đột lợi ích giữa công việc kinh doanh và vai trò tại Tòa Bạch Ốc, ông Jared Kushner đã rút phần đầu tư của mình trong hoạt động kinh doanh của gia đình khi ông đảm nhận vai trò tại Tòa Bạch Ốc, bao gồm cả phần liên quan của ông đến dự án One Journal Square ở Jersey City, bang New Jersey, là dự án mà chị gái ông đang quảng bá.

Tại buổi quảng bá ở Bắc Kinh, không có lời nào đề cập rõ ràng đến mối liên kết giữa ông Jared Kushner với ông Trump, nhưng những tấm áp phích quảng cáo có dòng chữ “Chính phủ ủng hộ, nhà phát triển bất động sản nổi tiếng xây dựng dự án”.

Bà Meyer đang tìm kiếm các nhà đầu tư theo chương trình thị thực EB-5 của Hoa Kỳ, chương trình này trao quyền định cư ở Mỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài giàu có, nếu họ đầu tư ít nhất nửa triệu đôla vào một hoạt động kinh doanh ở Hoa Kỳ tạo ra 10 việc làm.

Một tập sách quảng cáo về tòa tháp căn hộ có đoạn “Hãy đầu tư 500.000 đôla và di cư sang Hoa Kỳ”.

Đụng độ Pakistan-Afghanistan làm 50 người chết

0
VOA

Pakistan nói các cuộc đụng độ biên giới với Afghanistan trong tuần qua đã khiến hơn 50 lính an ninh Afghanistan thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, cùng lúc, 5 trong số các tiền đồn của họ đã bị phá hủy.

Thiếu tướng Nadeem Anjum, chỉ huy lực lượng biên phòng bán quân sự cấp tỉnh, đã chia sẻ các thông tin hôm Chủ nhật tại Quetta, thủ phủ của tỉnh biên giới tây nam Baluchistan. Tỉnh này là nơi xảy ra những cuộc giao tranh hôm thứ Năm tuần trước.

Chính phủ Afghanistan nhanh chóng bác bỏ tuyên bố này, họ nói chiến sự đã làm 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 nhân viên an ninh, ngoài ra có hơn 30 người bị thương.

Afghanistan có tranh chấp về nhiều đoạn trên đường biên gần 2.600 km với Pakistan, còn gọi là Đường Durand. Đường biên này hình thành năm 1896 khi Anh cai trị Tiểu Lục địa Ấn Độ.

‘Nền kinh tế thị trường Việt Nam là nền kinh tế méo mó, lệch lạc’

XUÂN HẢI
‘Nền kinh tế thị trường Việt Nam là nền kinh tế méo mó, lệch lạc’

Một nền kinh tế thị trường méo mó

Phát biểu tại Hội thảo “xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra hàng loạt các bất cập của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Theo ông Cung, thị trường nhân tố hiện nay rất méo mó. Gần như không tồn tại thị trường đất đai, tài nguyên mà tất cả đều áp dụng cơ chế xin cho, chia chác.

Các thị trường khác thì đầy rẫy rào cản gia nhập. Tuy đã có rà soát, loại bỏ nhưng mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ, vẫn còn tồn tại rất nhiều quy định không công bằng, tạo lợi thế độc quyền cho một số nhóm.

Những hạn chế về quy mô trở nên hết sức phổ biến, như kinh doanh vận tải phải có ít nhất 20 ô tô, kinh doanh gas phải có 100 nghìn bình… Đó là hạn chế cực kì phi lí trong gia nhập thị trường, tạo ra sự bất bình đẳng trong nền kinh tế và là rào cản rất lớn đối với chính sách cạnh tranh.

Thêm vào đó, sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp nhà nước đã tạo ra tình trạng cạnh tranh không công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp, gây nên các ứng xử phi thị trường.

Điều này dẫn đến những tín hiệu thị trường lệch lạc, tạo ra những động lực hết sức méo mó trong phân phối nguồn lực, từ đó làm cho việc sử dụng trở nên kém hiệu quả.

Ngoài ra, dưới sự chi phối của các nhóm lợi ích, hàng loạt chính sách bị bóp méo, không tuân theo các quy luật chung, càng đẩy nền kinh tế đi vào khó khăn.

Đụng chạm đến ý thức hệ cũng phải cải cách

Lý giải về hiện trạng trên, TS Cung cho rằng đó là “do chúng ta vừa thích vừa sợ thị trường”. “Đó là một bi kịch. Vì thế, các cải cách trước nay của chúng ta luôn lưỡng lự, không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường”.

Có thể thấy điều đó trong tổ chức bộ máy nhà nước không phù hợp về chức năng, không tương thích về nhiệm vụ. Bộ máy ấy cản trở kinh tế thị trường, bảo vệ cho các lợi ích nhóm.

“Kinh tế thị trường có thể đụng chạm đến các thứ mang tính ý thức hệ như sở hữu công về đất đai, tài nguyên… Nhưng cải cách lần này không thể không nói đến thị trường đất đai, thị trường quyền sử dụng đất, vai trò của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Không thể muốn tiến đến kinh tế thị trường mà kinh tế nhà nước vẫn chiếm phần lớn. Không thể có kinh tế thị trường với đa số sở hữu công. Kinh tế thị trường phải là một nền kinh tế có chế độ sở hữu tư nhân là chủ yếu”, ông Cung nhấn mạnh.

Phải làm đồng bộ

Theo ông Cung, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường. Để làm được điều đó phải thay đổi tư duy, phải coi thị trường, coi cạnh tranh là cốt lõi trong việc nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

Vai trò của nhà nước phải chuyển sang khía cạnh bổ sung chứ không phải kiểm soát thị trường; không phải là người sở hữu, người cung ứng mà là người kiến tạo, người thúc đẩy.

Ông Cung cho rằng, ưu tiên hàng đầu là giảm rào cản gia nhập thị trường (các điều kiện kinh doanh, giấy phép con…), tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi chung một cách bình đẳng.

Thứ hai là giảm số doanh nghiệp nhà nước xuống, vì nếu quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc phân bố nguồn lực. Nhà nước không nên can thiệp vào mà phải để thị trường phải đóng vai trò quyết định trong phân phối đất đai, vốn, tài nguyên.

Thứ ba là tạo thị trường về quyền sử dụng đất, để thúc đẩy quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất. Khi thúc đẩy được tích tụ ruộng đất theo thị trường thì sẽ bớt được xin cho, bớt được bất công, mâu thuẫn và san sẻ lợi ích cho các bên có liên quan. Và cũng khi đó mới thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp cùng nhiều thứ khác nữa.

Tuy nhiên, người đứng đầu CIEM nhấn mạnh cần phải làm đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, như vậy mới tạo được sự bổ trợ và tránh khỏi tình trạng giằng xé lẫn nhau.

“Cải cách là một quá trình liên tục, nó có những thời điểm cụ thể đột phá, rồi sau đó sẽ tạo được đà và cứ thế phát triển. Việt Nam đang rất cần một cuộc cải cách có quy mô lớn, cường độ mạnh trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong quản trị quốc gia của Nhà nước”, ông nói

Trung Quốc yêu cầu Đài Loan thả 2 ngư dân bị bắt

Dân trí

Lực lượng tuần duyên Đài Loan cảnh báo các ngư dân trên tàu đánh cá Trung Quốc hôm 6/5 (Ảnh: CNA)

Lực lượng tuần duyên Đài Loan cảnh báo các ngư dân trên tàu đánh cá Trung Quốc hôm 6/5 (Ảnh: CNA)

“Vụ nổ súng khiến các ngư dân bị thương đã làm dấy lên sự phẫn nộ. Chúng tôi yêu cầu Đài Loan ngay lập tức điều tra và giải quyết vấn đề này, cũng như thả các ngư dân cùng tàu của họ”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông An Phong Sơn, phát ngôn viên của Văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, cho biết hôm 6/5.

Ngoài yêu cầu thả người, phía Trung Quốc cũng lên án vụ nổ súng của Đài Loan, cho rằng giới chức Đài Loan đã không tôn trọng quyền đánh bắt cá của các ngư dân đại lục.

Trước đó, hãng tin CNA đưa tin về một vụ va chạm xảy ra vào khoảng 5h30 sáng ngày 6/5 (theo giờ địa phương) khi một tàu đánh cá của Trung Quốc, chở 7 ngư dân đến từ tỉnh Quảng Đông, đang tiến tới đảo Huayu, gần quần đảo Bành Hồ tại eo biển Đài Loan thì bất ngờ bị tàu tuần duyên Đài Loan truy đuổi.

Quần đảo Bành Hồ gồm khoảng 90 đảo lớn nhỏ và nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Đài Loan. Khu vực này nằm cách đảo chính của Đài Loan khoảng 50 km và cách đại lục khoảng 140 km.

Mặc dù lực lượng tuần duyên Đài Loan liên tục phát tín hiệu cảnh báo tới tàu cá Trung Quốc nhưng tàu này vẫn không dừng lại để chấp hành yêu cầu kiểm tra. Một đoạn video ghi lại thời điểm xảy ra vụ việc cho thấy một số ngư dân Trung Quốc đã ngồi trên mạn tàu và ngăn không cho tuần duyên Đài Loan tiếp cận cũng như lên tàu kiểm tra.

Sau đó, lực lượng tuần duyên Đài Loan đã quyết định bắn súng cao su về phía tàu cá Trung Quốc để buộc tàu này dừng lại. Hai ngư dân trên tàu đã đã bị thương ở phần đùi và mắt cá chân sau vụ nổ súng này. Đài Loan sau đó đã bắt giữ cả 7 ngư dân Trung Quốc và tàu cá của họ.

Phía Đài Loan cho biết hai ngư dân bị thương hiện vẫn đang trong tình trạng sức khỏe ổn định và nhắc nhở Trung Quốc giáo dục các ngư dân tuân thủ luật của Đài Loan để tránh các vụ việc tương tự tái diễn. Trong khi đó, phía Trung Quốc đại lục cho rằng Đài Loan nên tôn trọng quyền đánh cá của ngư dân đại lục tại ngư trường truyền thống, bao gồm cả vùng biển gần quần đảo Bành Hồ.

Kể từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016, Đài Loan đã đẩy mạnh các cuộc tuần tra trên biển để cảnh cáo các tàu cá của đại lục đi vào vùng biển gần quần đảo Bành Hồ. Năm ngoái, Đài Loan đã trục xuất 107 tàu cá của Trung Quốc vi phạm và số tiền phạt cho các vụ vi phạm này cũng tăng lên đáng kể. Từ đầu năm đến nay, Đài Loan đã xử phạt 6 tàu cá Trung Quốc vi phạm, trong đó vụ việc xảy ra gần đây là vào sáng ngày 31/3 khi lực lượng tuần duyên Đài Loan bắt một tàu cá chở 10 ngư dân đại lục đến từ tỉnh Chiết Giang.

Thành Đạt

Tổng hợp

Bất thường việc ông Vũ Huy Hoàng xin vào khu vực cách ly sân bay

DÂN TRÍ
 Không còn là Bộ trưởng nhưng có vẻ như, ông Vũ Huy Hoàng vẫn muốn có chế độ ưu tiên

Không còn là Bộ trưởng nhưng có vẻ như, ông Vũ Huy Hoàng vẫn muốn có chế độ ưu tiên

Cụ thể, theo nguồn tin của Dân trí, đề nghị trên của ông Vũ Huy Hoàng là xin được tạo điều kiện cấp thẻ an ninh cho vào khu vực cách ly sân bay để tiễn người thân đi công tác nước ngoài.

Đề nghị trên cũng đã được Bộ Công Thương hỗ trợ bằng một công văn gửi tới các cơ quan: An ninh Sân bay Nội Bài, Công an Cửa khẩu Nội Bài, Hải quan sân bay, Cảng vụ Hàng không Miền Bắc, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và cả Tổng công ty Hàng không Việt Nam đề nghị giải quyết cho ông Hoàng.

Theo đó, các cơ quan này nhận được đề nghị tạo điều kiện cấp thẻ an ninh, cho phép nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được vào khu vực cách ly để tiễn người thân đi nước ngoài. Bộ này cam kết sẽ có người của bộ đi kèm ông Vũ Huy Hoàng.

Nguồn tin của Dân trí cũng cho hay, chuyến bay có người thân của ông Vũ Huy Hoàng đi nước ngoài mà ông này muốn vào khu vực cách ly để “đưa tiễn” có số hiệu VN 512 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), khởi hành lúc 10h10 phút sáng ngày 5/5/2017.

“Thực tế là cả ngày hôm đó (5/5) không có ai được vào khu vực cách ly cả. Tất nhiên là không có cả ông Vũ Huy Hoàng“, nguồn tin (xin giấu tên) từ một cơ quan nhận được văn bản đề nghị cấp thẻ an ninh cho ông Hoàng khẳng định.

“Không có một cơ quan nào giải quyết chuyện này cả: Tổng công ty Hàng không cũng không, An ninh cũng không, Hải quan cũng không có thông báo, không có ý kiến gì nên không có hoạt động nào được triển khai ở khu vực cách ly hôm đó”, nguồn tin của Dân trí cho biết thêm.

Việc đề xuất cho ông Vũ Huy Hoàng có quyền đi vào khu vực cách ly sân bay tại thời điểm này được cho là “nhạy cảm”. Vì ông Vũ Huy Hoàng vừa phải nhận các mức kỷ luật chưa từng áp dụng với một cựu thành viên Chính phủ trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, ông Hoàng đã bị Ban bí thư Trung ương Đảng thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016).

Thời điểm đó, Ban bí thư kết luận ông Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016 với vai trò Bí thư Ban cản sự Đảng. Ông Hoàng còn được cho là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, điều động con trai tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Sabeco.

Những điều này được cho là vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.

 Rời ghế Bộ trưởng, nghỉ hưu chưa lâu, người ta vẫn thấy ông Vũ Huy Hoàng đi nước ngoài bằng hộ chiếu công vụ. Ảnh: CTV

Rời ghế Bộ trưởng, nghỉ hưu chưa lâu, người ta vẫn thấy ông Vũ Huy Hoàng đi nước ngoài bằng hộ chiếu công vụ. Ảnh: CTV

Ông Hoàng còn được cho là đã buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố. Trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh (đã bỏ trốn ra nước ngoài và bị truy nã quốc tế).

Ngay sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật với ông Vũ Huy Hoàng là xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương do ông Hoàng “đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng”.

Do đó, việc ông Hoàng đã bị xoá tư cách “nguyên Bộ trưởng” nhưng vẫn được đề nghị cấp thẻ an ninh với tư cách này có thể là một lý do mà các cơ quan chức năng từ chối không để cho ông này được quyền ra vào khu vực cách ly sân bay.

Hà Nguyễn

Thực thi quyền biểu tình mà Hiến pháp đã trao cho công dân

Lê Công Định
 

Cuộc biểu tình hôm qua ở Nghệ An tuy nội dung nhằm đấu tố linh mục Đặng Hữu Nam, nhưng hình thức vẫn là việc thực thi quyền biểu tình mà Hiến pháp đã trao cho công dân.

Cuộc biểu tình như vậy, bất kể do ai tổ chức, một lần nữa xác nhận điều tôi đã khẳng định nhiều lần trước đây, rằng một khi biểu tình được hiến định, thì người dân không cần chờ Quốc hội ban hành Luật biểu tình, mới có thể thực thi quyền hợp pháp của mình.

Từ nay phía an ninh đừng bao giờ viện cớ chưa có Luật biểu tình để cản trở và tước đoạt quyền bày tỏ quan điểm ôn hoà của mọi công dân, bất kể quan điểm đó hợp ý nhà cầm quyền hay không.

 

Ông Trọng muốn Trung Ương ‘nhìn thẳng sự thật’

Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa khai mạc ngày 5/5. Trong bài phát biểu khai mạc, ngoài các nội dung về kinh tế, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam còn đề nghị Trung ương “nhìn thẳng vào sự thật”, “đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”.

Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư hồi tháng 3 đã dành ra 7 ngày để “kiểm điểm”, tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của mình.

Người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam nói quá trình kiểm điểm được thực hiện “bài bản” và “hợp lý”.

“Các báo cáo kiểm điểm đều được chuẩn bị đúng hướng dẫn. Không khí kiểm điểm dân chủ, đoàn kết, thẳng thắn, chân tình”, ông Trọng phát biểu trong lúc khai mạc hội nghị.

Ông Trọng thừa nhận tình hình Việt Nam gần đây có những “vấn đề phức tạp mới nảy sinh” như vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long…

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đề cập đến các nỗ lực phòng chống tham nhũng, ông nói rằng “có những chuyển biến tích cực, rõ rệt”. Ông dẫn chứng nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm đã bị kỷ luật nghiêm minh, công khai, “được nhân dân đồng tình và ủng hộ”.

Trên thực tế, các vụ xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao gần đây tại Việt Nam đã gây ra khá nhiều tranh cãi và đồn đoán trong giới quan sát và dư luận Việt Nam về “cuộc thanh trừng phe nhóm” trong nội bộ Đảng Cộng Sản.

Nổi bật nhất là vụ “đào thoát” ra nước ngoài của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Vụ này đã dẫn tới hàng loạt các quan chức bị kỷ luật, trong đó có nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và 7 cán bộ cao cấp khác. Vụ xử lý kỷ luật có thể xảy ra đối với Bí thư Thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng cũng bị cho là nằm trong loạt đấu đá này.

Trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 5, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn “vững vàng, đoàn kết” để đưa ra quyết sách kịp thời, được nhân dân “ghi nhận, hoan nghênh”.

Các nội dung khác về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu và đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân… cũng là những nội dung được bản thảo tại hội nghị.

Hội nghị Trung ương 5 sẽ kéo dài đến ngày 10/5.

Nguyễn Hữu Tấn bị giết hay tự cắt cổ?

0

Gia đình và Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy nói với VOA-Việt ngữ rằng họ không tin anh Nguyễn Hữu Tấn, người bị tạm giam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam ở tỉnh Vĩnh Long, chết do tự cắt vào cổ.

Em trai của anh Tấn, anh Nguyễn Hữu Tài, nói anh không tin anh Tấn chết do tự sát:

“Em không tin điều mà anh Tấn tự tử trong đồn công an vì trong đồn công an canh giữ nghiêm ngặt, không thể nào lọt vật nhọn hay vật bén được. Không thể nào trong phòng lại có hung khí bén nhọn để tự tử.”

Em không tin điều mà anh Tấn tự tử trong đồn công an vì trong đồn công an canh giữ nghiêm ngặt, không thể nào lọt vật nhọn hay vật bén được. Không thể nào trong phòng lại có hung khí bén nhọn để tự tử.

Trước đó vào ngày 4/5, báo Vĩnh Long cho biết UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ “nghi phạm Nguyễn Hữu Tấn tự sát” trong Trại tạm giam Công an tỉnh.

Dựa trên thông tin được cung cấp trong cuộc họp báo thì Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Vĩnh Long hôm 2/5 đã ra lệnh “bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Hữu Tấn để điều tra về hành vi phát tán tài liệu chống phá nhà nước” theo Điều 88 của BLHS.

Đến sáng 3/5, trong quá trình cán bộ điều tra ghi lời khai, anh Nguyễn Hữu Tấn xin một điếu thuốc để hút và sau đó xin nước để uống. Khi cán bộ điều tra ra khỏi phòng để gọi người mang nước đến thì Tấn lấy con dao rọc giấy ở bên trong chiếc cặp của cán bộ điều tra đặt bên cạnh ghế làm việc, tự cắt vào mạch máu 2 bên cổ để tự sát.”

Báo Vĩnh Long trích lời Đại tá Phạm Văn Ngân, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nói rằng cha và vợ của anh Tấn đã “khẳng định Tấn không hề bị đánh đập và nhục hình” và rằng việc này có camera trại tạm giam ghi hình và gia đình đã xem qua.

Một cơ sở thờ tự của Phật giáo Hòa hảo

Một cơ sở thờ tự của Phật giáo Hòa hảo

Anh Tài nói cha và vợ anh Tấn có xem camera nhưng họ không thể xác nhận người trong camera là anh Tấn. Anh Tài cho biết:

“Có Muội, vợ của anh Tấn, và ba của anh Tấn vô được để gặp anh Tấn, nhưng vô tới thì anh Tấn đã chết tại trại tạm giam. Chị Muội lúc đó thì ngất xỉu, còn thầy của em lúc đó tay chân bủn rủn, mà xem camera thì xem chỉ được một đoạn camera.”

Ông Nguyễn Hữu Quang, cha của anh Nguyễn Hữu Tấn nói trong một clip do anh Tài ghi âm rằng ông không rõ khuôn mặt của người được cho là anh Tấn trong camera, và ông cũng thắc mắc tại sao người cầm dao trong camera lại mặc đồ tù, trong khi anh Tấn mới bị tạm giam chưa xét xử:

Theo tôi thấy khi nào người tù khi nào có kết án thì mới mặc đồ tù, còn con tôi vẫn còn trong vòng điều tra mà lại mặc đồ tù, thành ra không nhìn ra được con tôi. Thấy cái tướng như vậy đi ngang qua. Không thấy rõ mặt nữa

“Theo tôi thấy khi nào người tù khi nào có kết án thì mới mặc đồ tù, còn con tôi vẫn còn trong vòng điều tra mà lại mặc đồ tù, thành ra không nhìn ra được con tôi. Thấy cái tướng như vậy đi ngang qua. Không thấy rõ mặt nữa. Cầm dao gạch 2-3 cái. Con mắt của tôi thấy cũng không rõ.”

Ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Giáo Hội Trung Ương Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy nói với VOA rằng theo ông, công an đã dàn dựng cái chết của anh Tấn:

“Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy chúng tôi rất đau lòng khi nhận được tin Nguyễn Hữu Tấn đã mất. Cháu Tấn là một người hết sức hiền từ, nhân hậu, chỉ biết lo làm ăn. Nhưng công an tỉnh Vĩnh Long đã ép cung, tra tấn cho đến chết. Cuối cùng họ giàn dựng lên một hiện trường giả để cho là Tấn đã tự sát chết để chạy tội.”

Trong một thông cáo gửi cho LHQ và cộng đồng quốc tế ngày 4/5, Giáo Hội Trung Ương Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy đặt nghi vấn:

“Chúng tôi nghĩ rằng tại sao phòng hỏi cung lại có sẵn dao để ông Tấn tự cắt cổ, và tự cắt sao đầu gần lìa khỏi cổ, sao trên đầu có nhiều vết thương khiến đầu nhiều chỗ bị mềm nhũn, và trong lúc hỏi cung lúc nào nghi can cũng có ít nhất là hai người theo dõi thì làm sao tự sát?”

Trao đổi với VOA-Việt ngữ, anh Nguyễn Hữu Tài nói anh Tấn bị cáo buộc vi phạm điều 88, nhưng cá nhân anh không biết vi phạm điều 88 là gì:

“Theo em nghĩ ảnh không biết gì về hoạt động mà nhà cầm quyền nói là theo điều 88. Em chỉ thấy là có cái khăn màu vàng trong những hộp nước yến, mà bất cứ hộp nào cũng có. Nhà cầm quyền nói đó là vật chứng để khởi tố, buộc tội anh Tấn phạm theo điều 88.”

Giáo Hội Trung Ương Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy cũng đồng ý với anh Tài rằng bị kết tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” chỉ vì một tấm vải màu vàng là hoàn toàn không hợp lý:

“Chuyện cờ vàng là một cách dựng chuyện để bắt ông Tấn, vì khi mọi việc đã xảy ra thì cờ vàng chỉ là một miếng vải màu vàng dùng để trang hoàng trong những hộp nước yến, chứ công an không tìm ra được lá cờ nào của Việt Nam Cộng Hòa.”

Giáo Hội Trung Ương Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy nói:

“Dựng chuyện bắt người, dùng nhục hình bức cung dẫn đến cái chết thương tâm một con người, một tín đồ PGHH, là một việc làm hết sức khó hiểu trong một cái chết đầy bí ẩn, chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải làm sáng tỏ vấn đề, trả lại công bằng cho nạn nhân.”

Ông Điền nói thêm:

“Nguyễn Hữu Tấn là một công dân tốt, trong sạch thế mà bị hàm oan. Như vậy là phải trả lại sự công bằng cho gia đình ấy, và trả lại sự công bằng cho đại gia đình Phật giáo Hòa Hảo chúng tôi, nếu không thì bữa nay tín đồ này, ngày mốt tín đồ Phật giáo Hòa Hảo khác. Tôi hết sức là đau lòng.”

Nguyễn Hữu Tấn là một công dân tốt, trong sạch thế mà bị hàm oan. Như vậy là phải trả lại sự công bằng cho gia đình ấy, và trả lại sự công bằng cho đại gia đình Phật giáo Hòa Hảo chúng tôi, nếu không thì bữa nay tín đồ này, ngày mốt tín đồ Phật giáo Hòa Hảo khác.

Giáo Hội Trung Ương Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy cho rằng dùng nhục hình bức cung là chuyện thường ngày xảy ra tại Việt Nam.

“Tính đến nay trên cả nước có bao nhiêu trường hợp tự tử trong đồn công an, và cuối cùng mọi chuyện cũng đâu vào đó, những người bức cung vẫn an nhiên tự tại, và nạn nhân vẫn mãi mãi ôm mối hận ngàn thu”.

Các đài truyền hình Mỹ từ chối phát quảng cáo của Trump

VOA

Một số đài truyền hình tin tức quốc gia ở Mỹ, cụ thể là ABC, CBS, NBC và CNN, đã từ chối phát quảng cáo của Tổng thống Donald Trump ca ngợi những thành tựu của 100 ngày đầu tiên ông tại nhiệm.

Quảng cáo này cho thấy dòng chữ “fake news” (tin tức giả) đè lên gương mặt của những người dẫn chương trình truyền hình được khắp cả nước biết tới.

Ông Trump dùng cụm từ “tin tức giả” chủ yếu để đả kích bất kỳ tường trình nào chỉ trích ông và chính quyền của ông.

Các mạng lưới truyền hình lập luận rằng quảng cáo này không chính xác. CNN và NBC cho biết họ sẽ phát quảng cáo này nếu dòng chữ “tin tức giả” được xóa bỏ.

CNN nói trong một thông cáo, “Truyền thông chính thống không phải là tin tức giả, và vì thế quảng cáo này là sai trái.”

“Đối diện với quảng cáo không hợp với chủ trương thiên vị của họ, CNN, ABC, CBS, và NBC giờ chọn cách chặn quảng cáo của chúng tôi. Đây là một hành động kiểm duyệt chưa từng thấy ở Mỹ mà nên khiến tất cả những công dân yêu chuộng tự do lo lắng,” Lara Trump, con dâu và cố vấn vận động tranh cử của tổng thống, nói. “Rõ ràng, truyền thông chính thống cổ vũ mạnh mẽ Tu chính án thứ Nhất chỉ khi nó phục vụ quan điểm chính trị của họ.”

Tu chính án thứ Nhất xác lập quyền tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ, cũng như quyền tự do báo chí.

Quảng cáo này do ban vận động của ông Trump sản xuất. Tổng thống đã nộp hồ sơ tái tranh cử vào năm 2020.

Nhật Trung đối thoại về tài chính lần đầu tiên từ hai năm qua

0

media
Hai bộ trưởng Tài Chính Nhật Taro Aso (T) và Trung Quốc Tiêu Tiệp trước cuộc thảo luận song phương ở Yokohama, ngày 06/05/2017. Reuters

Hôm nay, 06/05/2017, Nhật Bản và Trung Quốc mở các cuộc thảo luận song phương về tài chính đầu tiên từ 2 năm qua. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Trung Quốc Tiêu Tiệp ( Xiao Jie ) thảo luận về những nguy cơ đối với viễn cảnh kinh tế châu Á, như các chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump và căng thẳng trên vấn đề hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên. Cuộc họp Nhật – Trung diễn ra bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Yokohama, Nhật Bản.

 

Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã xấu đi do các tranh chấp chủ quyền biển đảo và do vấn đề lịch sử thời Nhật chiếm đóng Trung Quốc trong Đệ nhị Thế chiến. Tuy nhiên, gần đây lãnh đạo hai nước đã cố hàn gắn quan hệ thông qua đối thoại.

Mặc dù vậy, việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trong các định chế tài chính khu vực khiến một nhà hoạch định chính sách ở Nhật lo ngại, sợ rằng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á AIIB do Trung Quốc thành lập sẽ lấn át ADB, vẫn do Nhật yểm trợ.

Trong cuộc họp tay ba hôm qua cũng bên lề hội nghị ADB ở Yokohama, các quan chức tài chính Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đồng ý với nhau là phải chống lại mọi hình thức bảo hộ mậu dịch, một lập trường mạnh mẽ hơn lập trường của nhóm G20 trong việc chống lại các chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Trump.

Trung Quốc nay lại là quốc gia ủng hộ tự do mậu dịch mạnh mẽ nhất, trong khi tổng thống Trump chủ trương đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu và rút Hoa Kỳ ra khỏi các hiệp định thương mại đa phương. Nhật Bản thì cho rằng mậu dịch không chỉ phải tự do mà còn phải công bằng.

Các quan chức tài chính của ba nước Đông Bắc Á hôm qua cũng đã cam kết cùng nhau ngăn chận tình trạng bất ổn của thị trường do căng thẳng trên vấn đề hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.