Hội nghị Trung ương 5 đã khép lại, nhưng dư âm vẫn đọng lại sau kỳ họp được cho là “đầy biến động” với vụ cảnh cáo và “tước ghế” Bộ Chính trị của ông Đinh La Thăng, nhân vật mà giáo sư nghiên cứu về Việt Nam Carl Thayer cho là “nạn nhân” của chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đây là bài học sâu sắc không chỉ đối với đồng chí Đinh La Thăng mà đối với tất cả chúng ta.
Trong phát biểu kết thúc cuộc họp kéo dài 6 ngày hôm 10/5, lãnh đạo đảng cầm quyền ở Việt Nam nhiều lần nhắc tới từ “tham nhũng”, “lãng phí” cũng như sử dụng các thuật ngữ lan truyền trên mạng xã hội bấy lâu nay như “chủ nghĩa tư bản thân hữu” và “nhóm lợi ích”.
Ông Trọng cũng nói rằng “những khuyết điểm và vi phạm rất nghiêm trọng” của ông Thăng khi làm lãnh đạo Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là “bài học sâu sắc” không chỉ đối với quan chức từng có nhiều tuyên bố mạnh miệng mà còn “đối với tất cả chúng ta”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trước ‘nhiệm vụ to lớn’
Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, Facebook ‘dậy sóng’
Người Sài Gòn và ‘biến cố’ của ông Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng ‘chưa phải là mục tiêu cuối cùng’?
Việc “rút ghế” ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của ông Thăng cùng lời được cho là “cảnh báo” về bài học của ông Trọng khiến các nhà quan sát cho rằng vụ kỷ luật này mới chỉ là sự khởi đầu của cuộc chiến mà không ít người cho là giống với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng ở Trung Quốc.
… Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tuy đạt được kết quả rất đáng khích lệ, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra…
Trước kỳ họp trên ít ngày, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, theo báo chí trong nước, “ký quyết định lập 8 đoàn kiểm tra, giám sát tham nhũng” với trọng tâm là “khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…”
Trong bài phát biểu dài gần 10 trang hôm 10/5, ông Trọng nói rằng “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tuy đạt được kết quả rất đáng khích lệ, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra”.
“Còn chậm chỉ đạo xử lý tình trạng thua lỗ, thất thoát nghiêm trọng về vốn và tài sản tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, tổng bí thư đảng cầm quyền ở Việt Nam tuyên bố, nói thêm rằng “hệ thống chính trị ở địa phương” “có nơi mất sức chiến đấu”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố “diệt chuột đừng để vỡ bình”.
Ông Trọng không nêu chi tiết “hậu quả rất nặng nề” mà ông Thăng gây ra khi còn nắm PVN là gì, nhưng theo báo chí trong nước, quan chức từng tuyên bố “cần phải kiên quyết thực hiện điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí” này “đã có một số quyết định đầu tư gây thất thoát vốn”, “với tổng số tiền rất lớn”.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trường Việt Nam, và đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng “ông Trọng và các cộng sự đang cố gắng thiết lập lại kỷ cương trong nội bộ Đảng Cộng sản cũng như toàn bộ xã hội” sau khi xảy ra tình trạng “tham nhũng, lợi ích nhóm, vi phạm điều lệ tổ chức, coi thường kỷ cương phép nước…”
Ông Hiệp cho rằng chuyện đó “làm suy yếu uy tín, tính chính danh của Đảng Cộng sản, đe dọa tới khả năng cầm quyền của Đảng”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân được chỉ định thay ông Đinh La Thăng làm Bí thư thành ủy Sài Gòn hôm 10/5.
Trong một bài nhận định hôm 10/5, Facebooker Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng trận chiến “’đả hổ diệt ruồi’ phiên bản Việt Nam cũng đã kết thúc tốt đẹp như một vở kịch có hậu”.
“Chủ trương ‘diệt chuột nhưng không để vỡ bình’ của ông Trọng [tuyên bố năm 2014] đã bộc lộ rõ ra qua chuyện dàn xếp cho [ông] Đinh La Thăng chức phó ban kinh tế… để chuyện chống tham nhũng chỉ dừng ở ruồi mà không dẫn lên đến hổ, để chuột bị diệt mà không ảnh hưởng đến bình”, cựu nhà báo viết thêm.
Hôm 10/5, lên tiếng lần đầu tiên sau khi bị loại khỏi Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải được báo chí trong nước trích lời nói đã “nhận thức sâu sắc” các sai phạm, đồng thời “xin lỗi” đảng và nhân dân.
Trong các bức ảnh đăng trên truyền thông, ông Thăng cười tươi khi nhận hoa chúc mừng nhiệm vụ “tham mưu kinh tế cho đảng” từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình đã được tiến hành từ nhiều năm trước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” sau đại hội đảng năm 2012, và tin cho hay, cho tới nay, hơn 120 quan chức cấp cao “đã sa lưới”, và hàng nghìn người bị truy tố.
[Ông] Đinh La Thăng không bị kết án tham nhũng và cuộc điều tra cũng không cho thấy nó đã xoáy vào vấn đề tham nhũng, mà chỉ liên quan đến “sai phạm” có tính chất hành chính. Nếu xem xét trên cơ sở vi phạm luật pháp thì Ban Kiểm tra [Trung ương], phải nói rõ từ đầu, rồi đi đến kết luận với chứng cứ. Nếu không vi phạm thì không đưa ra tòa, nếu vi phạm thì phải đưa ra tòa để xử.
Trả lời VOA Việt Ngữ, tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, cho rằng vụ ông Thăng “không thể coi là có gì gần với chính sách “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập.
“[Ông] Đinh La Thăng không bị kết án tham nhũng và cuộc điều tra cũng không cho thấy nó đã xoáy vào vấn đề tham nhũng, mà chỉ liên quan đến “sai phạm” có tính chất hành chính. Nếu xem xét trên cơ sở vi phạm luật pháp thì Ban Kiểm tra [Trung ương], phải nói rõ từ đầu, rồi đi đến kết luận với chứng cứ. Nếu không vi phạm thì không đưa ra tòa, nếu vi phạm thì phải đưa ra tòa để xử”, ông Việt viết.
Trong bài viết trên Facebook, cựu nhà báo Huy Đức viết: “…Ủy viên bộ chính trị hay ủy viên trung ương đều là những “vai vế trong đảng”, đảng có thể sử dụng quy trình chính trị nội bộ của mình để xử. Nhưng, hành vi của họ còn làm tổn hại tới lợi ích quốc gia và tiền bạc của dân”.
Ông Đức viết tiếp: “Nếu dân không có thực quyền. Nếu không có nhà nước pháp quyền. Nếu các cơ quan tố tụng luôn phải chờ đợi quy trình chính trị này để túm cổ bọn sâu mọt thì những thành tích chống tham nhũng sẽ rất tạm thời và đất nước rất dễ rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn”.