Thời khắc này thuộc về đám đông

0
17
Sức mạnh sinh lợi nhuận của đám đông mà đại dịch đã ngăn chặn, đã nhanh chóng được hồi phục dưới hình thức quyền lực chính trị thông qua phong trào Black Lives Matter. Photograph by Michael Noble, Jr. / Getty

Đám đông là những gì làm cho thời hiện tại có tính chất chuyển biến đặc biệt – vừa mới mẻ vừa là sự kế thừa cho mùa hè năm 1968, khi một thế hệ cảm thấy rằng “nền dân chủ là ở trên đường phố”, dưới ngòi bút của nhà sử học James Miller.

Paul Elie, ngày 5 tháng 7, 2020

Translated from The New Yorker Article The Present Belongs to Crowds

Sức mạnh sinh lợi nhuận của đám đông mà đại dịch đã ngăn chặn, đã nhanh chóng được hồi phục dưới hình thức quyền lực chính trị thông qua phong trào Black Lives Matter. Photograph by Michael Noble, Jr. / Getty

Nhà văn Don DeLillo, trong cuốn “Mao II” được xuất bản năm 1991, đề xuất rằng “tương lai thuộc về đám đông.” Cuốn tiểu thuyết này cung cấp một loạt hình ảnh đầy năng lượng của đám đông, kèm theo một cốt truyện nhẹ nhàng, khơi gợi, và có những lời bình luận tiên tri làm sôi nổi thêm. Những hình ảnh này là từ năm 1989: Những người biểu tình ủng hộ dân chủ Trung Quốc bị quân đội giải tán tại Quảng trường Thiên An Môn; ở Tehran, vài triệu người thương tiếc trên đường đến đám tang của Ayatollah Khomeini; một “thành phố lều” [của người vô gia cư] nổi lên trong Công viên Quảng trường Tompkins [New York]; hàng trăm người hâm mộ bóng đá Anh bị đè vào hàng rào lưới mắt cáo ở Sân vận động Hillsborough, ở Sheffield, trông “giống như một bức tranh tường fresco trong một nhà thờ tối, cũ, một cách nhìn méo mó về sự đâm đầu vào chỗ chết mà chỉ có bậc thầy của thời đại mới có thể vẽ được.” [Thảm họa giẫm đạp ở Hillsborough]

Cái tương lai thuộc về đám đông đang là hiện tại của chúng ta. Hồi tháng tư, bạn có thể nghĩ rằng “hết thời của đám đông rồi” – khi mà người Mỹ bị giải tán khỏi những nơi công cộng bởi lệnh trú ẩn tại nhà, cách ly vật lý, và nỗi sợ bị lây nhiễm. Đám đông chưa hết thời đâu, tất nhiên rồi. Năm 2020 ở Mỹ hiện được định hình bằng hình ảnh của đám đông sánh ngang với năm 1989: những người chờ đợi xếp hàng dài hàng dặm tại các ngân hàng thực phẩm; Cảnh sát Công viên Mỹ sử dụng hơi cay để xua tan người biểu tình ở quảng trường Lafayette; hơn mười nghìn người đã tập trung bên ngoài bảo tàng Brooklyn để ủng hộ quyền con người cho người Da Đen chuyển đổi giới tính; Tổng thống Trump trên sân khấu tại một sân vận động không được đông đúc ở Tulsa. Những câu hỏi cấp bách trong cuộc sống cộng đồng của chúng ta có liên quan các đám đông: bản chất của chúng, sức mạnh của chúng, sự nguy hiểm của chúng, và sự hiển nhiên của chúng. Những câu hỏi về hình thức xã hội của chúng ta trong tương lai cũng vậy, một tương lai bị che phủ bởi một cơn đại dịch và đặc trưng bởi sự nhận thức mới về sự bất công sau khi cảnh sát đối xử với công dân không phải như một cá nhân mà như một thành viên của một nhóm – một đám đông.

Ở nhiều khía cạnh, xã hội Mỹ ít đông đúc hơn trước đây. Một thế kỷ trước, vài nơi thuộc Vùng Hạ Đông (Lower East Side – New York) có một mật độ số dân gấp bốn lần so với ngày nay. Lượng người đi tàu điện ngầm được đếm ở mức cao nhất là 2.1 tỷ lượt đi vào năm 1946. Một trận đấu play-off [trận đấu lại (sau trận đấu hòa, để định hơn thua)] tại sân vận động Yankee vào tháng 10 năm ngoái bán sạch vé – 49,277 – là thua mười hai nghìn người hâm mộ so với một trận đấu World Series cũng sạch vé ở sân vận động Yankee thứ nhất ở năm 1928. Các đường phố của chúng ta rộng rãi hơn so với các đường phố ở Lagos và Calcutta.Những đám đông đã không giảm đi nhiều như chúng đã chuyển dịch, thông qua chính sách công cộng không khác gì kiểm soát đám đông trên quy mô lớn. Sự phát triển sau chiến tranh ở New York và các thành phố khác đã công khai mời gọi người Da Trắng ra vùng ngoại ô và giới hạn người Da Đen vào các dự án nhà ở công, tách ly chủng tộc hầu hết các trường công, và các khu phố nơi cảnh sát áp dụng các chiến lược dừng-và-khám-xét không được dùng ở nơi khác. Đường cao tốc, thủy lợi và hệ thống điều hòa không khí đã thúc đẩy sự định cư ở miền Nam và miền Tây, cho phép số lượng lớn người dân sống ở những nơi trước đây là xa xôi. Sự bành trướng của các thành phố với ”các khu vực đô thị” thành ra đã tụ tập dân cư cũng như phân bố nó. Bản đồ những điểm nóng COVID-19 tại Mỹ ngày nay cho thấy một đất nước với những nơi đông đúc từ bờ này sang bờ kia. Có 53 khu vực đô thị của Hoa Kỳ có từ một triệu người trở lên; sau New York, Los Angeles và Chicago là 15 thành phố khác từ 3 triệu người trở lên, bao gồm Minneapolis – St.Paul; Atlanta; Seattle; Washington, D.C.; và Phoenix- mỗi nơi đều có xung đột trong những tuần vừa qua.

COVID-19 lây lan đặc biệt là qua đám đông, cho dù là ở Mardi Gras ở New Orleans hay qua cuộc sống hàng ngày ở New York, nơi dân số dày đặc gần gấp đôi so với ở thành phố có mật độ dân số cao thứ hai, San Francisco. Khi các lệnh trú-ẩn-tại-nhà có hiệu lực, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn về cách mà cuộc sống cộng đồng của chúng ta được xây dựng xung quanh đám đông. Các trường đại học tập hợp mọi người lại với nhau trong một không gian nhỏ, vì những lý do đã ăn sâu trong quan niệm của chúng ta về giáo dục đại học, mà với việc sinh viên bị giải tán, các trường buộc phải suy nghĩ lại không chỉ mô hình kinh doanh mà cả phương pháp sư phạm, quan niệm của họ về cộng đồng, và về cách mà họ tạo môi trường hòa nhập hay chia rẽ. Các sự kiện thể thao trực tiếp liên quan mật thiết với sự hiện diện của khán giả mua vé đến nỗi các môn thể thao chuyên nghiệp giờ đây dường như không còn bền vững cũng như chẳng còn thú vị nếu không có họ. Trong khi giải Ngoại hạng Anh phải lồng thêm tiếng ồn đám đông vào các chương trình phát sóng các trận bóng đá mà không có người hâm mộ, các ông chủ và các vận động viên Giải Bóng Chày Major League đã đàm phán trong ba tháng mà vẫn bế tắc, vì các ông chủ bị mất tiền bán vé, một phần thiết yếu trong doanh thu của họ; và trò tiêu khiển quốc gia của Mỹ gần như sụp đổ.

Ngành hàng không cũng vậy. Các chuyến bay chở khách trước đại dịch thu hút rất đông những người chịu chi trả cho sự thuận tiện của việc di chuyển bằng máy bay từ nơi này đến nơi khác, với chi phí giảm do họ sẵn sàng ngồi rất gần với hàng trăm người lạ trong vài giờ đồng hồ. Khi mọi người ở nhà, lo ngại với đám đông bên trong máy bay và không muốn bị cách ly hai tuần khi hạ cánh, các hãng hàng không bị cảnh báo về sự sụp đổ tài chính, bởi vì cấu trúc chi phí đầu tư và vận hành hiện tại đòi hỏi mọi khâu phải vận hành hết công suất mọi lúc. Những cấu trúc đó không còn đúng ở thời điểm hiện tại nữa. Du lịch hàng không trong tuần này giảm bảy mươi lăm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019; Washington Post tường thuật rằng, “đa số người dân cho biết họ sẽ không bay cho đến ít nhất hai tháng sau khi tất cả các luật hạn chế liên quan đến COVID-19 kết thúc.” Thậm chí sau đó, việc ngồi san sát nhau trong máy bay có thể là một điều của quá khứ.

….[S]ức mạnh sinh lợi nhuận của đám đông mà đại dịch đã ngăn chặn, đã nhanh chóng được hồi phục dưới hình thức quyền lực chính trị thông qua phong trào Black Lives Matter. Các cuộc biểu tình của tháng trước đã chỉ ra rằng, cũng như mọi khi, cách mà ngay lập tức và kịch tính nhất để mọi người trong một xã hội tự do thể hiện sự bất mãn và kêu gọi thay đổi là bằng cách tập trung trên đường phố. Những người đó, hầu hết đeo khẩu trang, tập hợp với sự không tuân thủ các hướng dẫn cách ly xã hội rành rành và nguy hiểm (Các cuộc biểu tình dường như không dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng ca nhiễm, có lẽ vì tập hợp ở ngoài trời, và vì các đường phố nơi họ tập hợp phần lớn vắng vẻ – hoặc có thể là quá sớm để biết được hậu quả.)

Quy mô và sự văn minh của các cuộc biểu tình đã tạo ra những hình ảnh đám đông tương phản tuyệt vời với đoạn video bằng điện thoại quay cái chết của George Floyd. Đoạn video đó ghi lại cảnh bốn sĩ quan từ từ và thờ ơ giết chết một người đàn ông – một thân một mình – và làm như thể họ đứng ngoài sự chứng kiến của người dân; hình ảnh của các cuộc biểu tình, được nhìn thấy bởi hàng chục triệu người, cho thấy hàng chục ngàn người tập hợp một cách hợp pháp và yên bình, trong khi các nhân viên An ninh Nội địa giám sát họ từ trực thăng. Đám đông là những gì làm cho thời hiện tại có tính chất chuyển biến đặc biệt – vừa mới mẻ vừa là sự kế thừa cho mùa hè năm 1968, khi một thế hệ cảm thấy rằng “nền dân chủ là ở trên đường phố”, dưới ngòi bút của nhà sử học James Miller.

Những người biểu tình ở Quảng trường Lafayette vào ngày 1 tháng 6 là cực kỳ quan trọng, không chỉ bởi vì vị trí bên ngoài Nhà Trắng mà còn bởi vì người đàn ông bên trong, người đã tự cho mình là người theo chủ nghĩa dân túy [chủ trương quyền lợi của dân thường] và sự uy quyền của mình là nhờ khả năng thu hút đám đông và phát biểu cho họ cũng như nói chuyện với họ. Trong cơn đại dịch, Donald Trump, mất đi những cuộc vận động tranh cử để vuốt ve cái tôi của mình và gợi ý rằng ông có sự ủng hộ của đông đảo người dân, đã rút lui như một vị tướng trong mê cung của mình. Khi đám đông tập trung bên ngoài Nhà Trắng, ông ta tìm cách chống lại nó bằng một đội bảo vệ được tập hợp gấp rút. Trên Twitter, ông kêu gọi những người ủng hộ của mình hãy nhanh chóng đến Quảng trường Lafayette để biểu tình phản đối lại. Đám đông đó đã không thành hiện thực. Vì vậy, ông nghĩ ra một cách khác để đưa thương hiệu dân túy của mình đến với số đông, bằng cách thông qua một cuộc vận động tranh cử, đầu tiên chọn ở North Carolina và sau đó chuyển đến Oklahoma, nơi những người tham gia sẽ không phải tuân theo cách ly xã hội. Một lần nữa, đám đông đã không thành hiện thực. Sáu ngàn người tham dự cũng là số người tham gia nếu các biện pháp cách ly xã hội được áp dụng. Cho dù nhìn ở góc độ nào, đó là một buổi tập hợp trong nhà với quy mô quá sai lầm: đủ lớn để có thể lây lan COVID-19 nhưng không đủ lớn để tạo cho chiến dịch tranh cử hình ảnh của đám đông mà Tổng thống khao khát.

Bây giờ, virus lây lan dễ dàng trở lại, từ người sang người trong các đám đông tại các quán bar, nhà hàng, nhà thờ và trung tâm mua sắm, ở những bang mà các lệnh trú-ẩn-tại-nhà lỏng lẻo hoặc không có. Một số tiểu bang hiện đang rút lại sự mở cửa, và đặc biệt là đóng cửa các quán bar và bãi biển; nhưng có vẻ như đám đông ở các bang mở cửa sớm sẽ không giảm và toàn bộ một số vùng của đất nước sẽ vội vàng chấp nhận ý tưởng rằng tập trung đông đúc là điều đúng đắn – về kinh tế, chính trị, tinh thần – ngay cả khi có thể tránh được hàng chục ngàn cái chết. Theo cách nghĩ này, đám đông là chúng ta, và cái chết do COVID-19 là một phần phí tổn cho tính xã hội bẩm sinh của con người chúng ta.

Đám đông người dân, theo DeLillo quan sát trong “Mao II”, có thể tạo sự kính sợ, sợ hãi, cảm giác tín ngưỡng về tính khả thi và sự chuyển biến, hoặc niềm vui thể xác đơn giản khi tham gia vào “sự gia tăng đám đông người giữa trưa” ở vùng trung tâm Manhattan. Cùng với những ảnh hưởng mạnh mẽ đó, đám đông hiện giờ khuấy động những mối quan tâm cá nhân và thiết thực về sự an toàn mà mỗi chúng ta luôn cảm thấy. Và những câu hỏi lớn về đám đông và cuộc sống cộng đồng, gợi ra vào mùa xuân năm nay bởi đại dịch và các cuộc biểu tình, vẫn đang chờ đợi sự chú ý đầy đủ của chúng ta. Có đúng là Tổng thống đã ma quỷ hóa những sự tụ tập công cộng, cũng chính là huyết mạch trong chiến dịch tranh cử của mình, như là một mối đe dọa cho xã hội dân sự (và yêu cầu rằng nó phải được kiểm soát gắt gao) khi phe đối lập thực hiện nó? Có sáng suốt khi khởi động lại nền kinh tế theo cách mà các cơ sở từ sân bay đến nhà máy chế biến thịt phải đặt mọi người san sát nhau hết mức có thể? Có bền vững không khi cho rằng thước đo thành công của một doanh nghiệp kinh doanh là nó thu hút được rất đông khách hàng – rằng nó “có thể khuếch trương được”. Đó là những câu hỏi mà chúng ta, với tư cách là một xã hội, cần phải hỏi nhau – trong nhà, qua các thiết bị điện tử, và vâng, trong đám đông trên đường phố.

Paul Elie, tác giả của “Cuộc đời bạn cứu có thể là của chính bạn,” là một Giáo sư ở Trung tâm Tôn giáo, Hòa bình và Tình hình Thế giới Berkley thuộc Đại học Georgetown

Translation by Jade Nguyen

Edited by Nhan Nguyen

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here