TẢN MẠN ĐÊM GIAO THỪA

3
51
   

Huỳnh Thị Tố Nga

Ngồi nghe vài tiếng pháo nổ đì đẹt, chỉ còn vài phút nữa là giao thừa, một năm mới tính theo âm lịch bắt đầu. 

Thời còn bé, tết là sự nôn nao của tuổi thơ. Cứ đêm giao thừa, nhà nhà thường hay nấu bánh tét hoặc bánh chưng. Ở vùng nông thôn, bếp lửa cháy đỏ, người lớn ngồi xung quanh bếp lửa hồng, tụi con nít chạy vòng quanh, cứ mong chờ tới đúng giờ giao thừa để được xem đốt pháo, có đứa thức không nổi, gần tới giờ đó là ngủ gục, đến sáng mai thức dậy khóc tấm tức, trách mẹ hay bà sao không kêu dậy để được đón giao thừa!

Trước đó mấy ngày, thường mọi người hay gom củi để dự trữ nấu bánh. Nhà tôi thường hay gom lá cây, lá mít, lá điều,… Ông ngoại nói rằng, quét lá cho sạch để đón Tết, dùng lá đốt lửa đêm giao thừa cho ấm cúng hơn, thói quen đơn giản như vậy nhưng không biết tại sao tôi lại nhớ hoài, chắc chỉ có ông ngoại tôi mới có thói quen đốt lá khô như vậy. 

Thời gian trôi nhanh, ai rồi cũng đi qua tuổi thơ, mỗi giai đoạn của thời đại có sự thay đổi, những toan tính, những đổi thay đã làm cho tết không còn giữ được cái hồn trong trẻo. Tết chủ yếu là thời gian để gia đình sum họp, nhưng miếng cơm manh áo đè nặng lên vai những người trẻ thời nay, vội về rồi vội ra đi, ông bà, con cháu không còn thời gian với nhau, tết trôi qua trong sự nhạt nhẽo…

Gần một thế kỷ trôi qua, đất nước Việt Nam đã nghiêng ngả, thăng trầm theo thời cuộc. Dân tộc Việt Nam đã không còn giữ gìn được bản sắc dân tộc, văn hóa Việt đã dần phai tàn, con người Việt Nam dưới sự cai trị độc tài và văn hóa ngoại lai, tinh thần yêu nước đã bị mài mòn. Có thổn thức không, khi con người thời nay dần cạn kiệt tình cảm, sự lên ngôi của vật chất làm cho con người lầm tưởng rằng họ có cuộc sống rất đầy đủ, nhưng thực tế, sự đầy đủ vật chất lại làm giảm sút đời sống tinh thần mà đa phần không nhận ra. Những người trẻ thời nay, họ thờ ơ với tinh thần dân tộc, đôi khi còn có nhận thức sai lầm rằng, tinh thần dân tộc là tinh thần cực đoan, mà không hiểu rằng, dân tộc hình thành như một kết cấu đa nguyên tự nhiên một cách tất yếu. Mỗi người sinh ra đều có quê hương, đều có dân tộc của mình, khi tinh thần dân tộc trong tâm hồn phai nhạt, con người sẽ sống vô cảm, thờ ơ với đất nước, thái độ “sao cũng được” của họ đã tiếp tay cho bộ máy toàn trị mặc tình thao túng. 

Thời khắc chuyển giao, con người luôn có nhiều cảm xúc, sẽ có rất nhiều dự định, toan tính cá nhân cho tương lai, nhưng chúng ta có nhìn lại, trong mỗi chúng ta, có nhìn thấy, có lo toan gì cho dân tộc của chúng ta hay không?

HUỲNH THỊ TỐ NGA

Feb 9, 2024

Advertisement
   

3 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here