QUỐC HỘI HOA KỲ VÀ DỰ LUẬT CỨU TRỢ NGƯỜI TỊ NẠN 1975

0
13

Joe Biden ủng hộ người Việt định cư tại Mỹ

Nguyễn Quốc Khải
25-06-2020

Mùa bầu cử 2020 đang sôi động. Chỉ còn hơn bốn tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Joe Biden sẽ là ứng cử viên tổng thống chính thức của Đảng Dân Chủ. Do đó trong những ngày gần đây những người tôn thờ Trump tuyên truyền rằng ông Biden là người chống tị nạn Việt Nam để lấy phiếu của người Việt cho ông Trump. Vì ông Biden là một thượng nghị sĩ rất trẻ từ khi mới 30, vừa đủ tuổi tối thiểu để nhậm chức, cho nên kiểm lại hồ sơ của Quốc Hội có thể sẽ biết thực hư như thế nào. Đây cũng sẽ là cơ hội để xem lại những dự luật về việc cứu trợ người Việt tị nạn và tin tức thời sự liên quan vào khoảng thập niên 1970.

ĐẠO LUẬT DI TẢN VÀ CỨU TRỢ NGƯỜI TỊ NẠN CỘNG SẢN

Trong hồ sơ pháp luật của Quốc Hội Hoa Kỳ, tôi tìm thấy ba tài liệu chính liên quan đến việc di tản và cứu trợ người Việt tị nạn vào 1975. Thứ nhất là dự luật S. 1484 (Vietnam Contigency Act) được Thượng Viện chấp thuận với số phiếu 75-17 vào ngày 24-4-1975. Trong số 17 phiếu chống có phiếu của ông Joe Biden. Ngay từ khi tranh cử vào thượng viện khi vừa 30 tuổi vào 1972 ông đã ủng hộ việc rút quân Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam.

Khi chuyển xuống Ha Viện, dự luật S. 1484 bị bác bỏ chung với dự luật cũa Hạ Viện H.R. 6096 (Vietnam Humanitarian Assistance and Evacuation Act of 1975) với 162 phiếu thuận và 246 phiếu chống vào ngày 1-5-1975.

Rất tiếc tôi chì tìm thấy một vài chi tiết giải thích những lý do những dự luật trên đây bị Quốc Hội bác bỏ. Lý do đầu tiên là chính quyền Ford muốn Quốc Hội cho ông quyền sừ dụng quân đội Mỹ nếu cần thiết để bảo vệ việc di tản người Mỹ và người Việt ra khỏi Việt Nam.

Nghị Sĩ Robert C. Byrd (Dân Chủ, West Virginia) chống việc dùng quân đội Mỹ để di tản người Việt vì biện pháp này “không thiết thực và nguy hiểm”. Ông nói “Nếu chúng ta bắt đầu làm như vậy, chúng ta sẽ nhập vào cuộc chiến trở lại”.

Dân Biểu Bob Carr (Dân Chủ, Michigan) nói rằng Tổng Thống Ford biết Quốc Hội sẽ không bao giờ chấp thuận viện trợ quân sự, cho nên Tổng Thống nên di tản ngay những người còn ở đó và chấm dứt chơi trò chính tri với họ”.

Ngoài ra, Thư Ký Báo Chí Ron Nessen của Nhà Trắng thừa nhận rằng đa số điện báo (1,125 – 443) và điện thoại (342 – 290) gọi vào chống lại kế hoạch của Tổng Thống Ford.

Chính quyền Ford chủ tâm liên kết việc di tản người Mỹ và người Việt với khoản xin viện trợ quân sự cho Việt Nam mà Tổng Thống Ford cho là cần thiết để ổn định tình thế và nhờ vậy việc di tản sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Sau khi bị thất bại tại Hạ Viện với dự luật H.R. 6096, Tổng Thống Gerald Ford vào ngày 6-5-1975, qua Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, đã đệ trình Quốc Hội dự luật mới có tên là Indochina Migration and Refugee Assistance Act (S. 1661). Dự luật này được đa số Thượng Viện chấp thuận với 77 phiếu thuận và hai phiếu chống của hai nghị sĩ Cộng Hòa là Jesse Helm (North Carolina) và William Scott (Virginia). Ngoài ra có 20 nghị sĩ không bỏ phiếu.

Dự luật của Thượng Viện S. 1661 được sát nhập vào một dự luật của Hạ Viện có tên là Authorizing Funds for Assistance to Refugees from South Vietnam and Cambodia (H.R. 6755). Dự luật này được đệ trình Hạ Viện vào ngày 7-5-1975 và đã được thông qua với 381 phiếu thuận và 31 phiếu chống. Tổng Thống Ford ký thành luật vào ngày 23-5-1975. Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận cho Tổng Thống Ford dành một ngân khoản là $455 triệu để di tản và cứu trợ những người tị nạn từ Việt Nam và Campuchia, không kể một ngân khoản $98 triệu để chi vào việc di tản và hỗ trợ người tị nạn. Trong đạo luật này không có một ngân khoản nào dành cho viện trợ quân sự. Và nếu có cũng đã quá trễ vì Saigon đã thất thủ vào 30-4-1975.

Ngoài ra, Thượng Viện Hoa Kỳ có ra một nghị quyết (resolution) S. Res. 148 có tên là “Chào mừng những người tị nạn mới nhất đến đất nước chúng tôi” (Welcome the latest refugees to our shores) vào ngày 8-5-1975 với 92 phiếu thuận trong đó có Nghị Sĩ Joe Biden, một phiếu chống của Nghị Sĩ William Scott (Cộng Hòa, Virginia) và bẩy nghị sĩ vắng mặt.

BUỔI HỌP TẠI NHÀ TRẮNG VÀO NGÀY 14-4-1975

(https://history.state.gov/historicaldoc…/frus1969-76v10/d232)

Tôi cũng đã tìm thấy trong kho hồ sơ lịch sử đã được giải mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ một tài liệu về buổi họp vào ngày 14-4-1975 tại Tòa Bạch Cung giữa Tổng Thống Gerald Ford, Ngoại Trưởng Henry Kissinger, Bộ Trưởng Quốc Phòng James R. Schlesinger và Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện trong đó có Nghị Sị Joe Biden và một số viên chức cao cấp trong chính quyền.

Trong tài liệu này, tất cả mọi người, đặc biệt là Tổng Thống Ford, Ngoại Trưởng Kissinger, xem ra đều đồng thuận về hai việc quan trọng (1) Mang người Mỹ ra khỏi Việt Nam an toàn; (2) Di tản khoảng 175,000 người Việt; Riêng việc viện trơ quân sự cho VNCH được đề cập tới nhưng không đưa đến một quyết định nào cả.

Theo Ngoại Trưởng Kissinger kế hoạch di tản người Mỹ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Di tản số người Việt lớn lao là một bổn phận của Hoa Kỳ (obligation) sẽ phức tạp hơn, cần sự hợp tác của chính phủ VNCH và và có thể của cả Bắc Việt. Cũng theo ông Kissinger, “Tổng cộng số người Việt bị nguy hiểm lên đến trên một triệu. Danh sách không thể giảm bớt là 174,000 người. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể di tản hết những người ở trong tình trạng cực kỳ nguy khốn này. Chúng ta phải tập trung họ lại ở nơi mà chúng ta có điều kiện để di chuyển họ”.

Nghị Sĩ Frank Church (Dân Chủ, Idaho) góp ý rằng về mặt pháp lý rõ ràng không có khó khăn gì để di tản người Việt cùng với người Mỹ, nhưng với 175,000 người cần có hàng ngàn quân Mỹ bảo vệ.

Nghị Sĩ Stuart Symington (Dân Chủ, Missouri) đặt câu hỏi về người Việt tị nạn sẽ định cư ở đâu, Nghị Sĩ Clairborne Pell (Dân Chủ, Rhode Island) góp ý rằng “Chúng ta có thể đưa họ đến Borneo, cùng một vĩ độ, cùng một khí hậu, và đón nhận những người chống cộng sản”.

Tổng Thống Ford ngay lập tức đáp lại rằng “Chúng ta đã mở cửa đón người Hung. Tôi không muốn nói rằng tình trạng giống nhau nhưng truyền thống của chúng ta là tiếp nhận những người bị đàn áp. Tôi không nghĩ rằng những người này nên được đối sử khác biệt với những người khác – người Hung, người Cuba, người Do Thái từ Liên Xô”.

Ý kiến của Tổng Thống Ford là quyết định sau cùng vì sau đó không ai đem vấn đề này ra bàn thêm.

Trong buổi họp, Nghị Sĩ Biden chỉ phát biểu ba lần ngắn gọn. Ông than phiền rằng Bộ Ngoại Giao chưa cho xem kế hoạch [di tản]. Ông Biden muốn tách riêng ba vấn đề đã nêu trên là di tản người Mỹ, di tản người Việt và viện trợ quân sự. Ngoài ra theo ông ngân sách cần thiết tùy thuộc số người di tản. Theo biên bản của buổi họp, ông không hề chống đối việc đưa người tị nạn Việt Nam vào định cư tại Mỹ.

Ngoại Trưởng Kissinger trả lời Nghị Sĩ Biden rằng đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Hoa Kỳ không thể di tản những người tị nạn trong điều kiện khủng hoảng. Không ai nghĩ cần có một thời gian dài để di tản những người này. Chỉ có 10 ngày hay hai tuần mà thôi.

Tổng Thống Ford nói “Chúng ta không muốn mang quân đội Hoa Kỳ vào nhưng chúng ta cần có đủ ngân khoản để làm như chúng ta dự định cầm cự một thời gian … Nếu đây là một buổi họp để chuẩn bị di tản, nó sẽ làm chính phủ Việt Nam hoảng sợ. Nghị Sĩ Jacob Javits (Cộng Hòa, New York) đề nghị nói với báo chí $200 triệu.

VIỆN TRỢ QUÂN SỰ

Cũng trong buổi họp tại Nhà Trắng vào ngày 14-4-1975, Bộ Trưởng Quốc Phòng James R. Schlesinger nói rằng “Có những tiến bộ trong những ngày vừa qua. Họ [quân đội VNCH] đã chiến đấu tốt tại Xuân Lộc và vùng châu thổ [sông Cửu Long] nhưng tình trạng này là tạm bợ hay không tùy thuộc vào Bắc Việt và yêu cầu [viện trợ quân sự] của Tổng Thống. Tại vùng quân sự, Bắc Việt có tám sư đoàn, chính phủ Việt Nam có bẩy sư đoàn. Họ chiến đấu tốt nhưng họ đang thiếu đạn dược. Nói một cách tổng quát, nếu Bắc Việt tung hết lực lượng ra họ sẽ có ưu thế, nhưng quân đội miền Nam biết địa thế và bị dồn vào chân tường.”

Bộ Trưởng Schlesinger yêu cầu $722 triệu viện trợ quân sự. Trong đó $140 để trang bị bốn sư đoàn bộ binh, $120 triệu để cải tổ bốn đơn vị biệt động quân và $190 triệu cho đạn dược. Tổng Thống Ford nhắc tới một ngân khoản thứ hai là $300 triệu đã được Quốc Hội chấp thuận nhưng chưa có ngân khoản.

Nghị Sĩ Richard Clark (Dân Chủ, Iowa) nêu một câu hỏi về mục đích của viện trợ quân sự mà Tổng Thống Ford yêu cầu. Một lần nữa Tổng Thống Ford xác nhận rằng ông muốn dùng viện trợ quân sự để ổn định tình hình quân sự và tạo cơ hội thương thuyết và cho phép di tản người Mỹ và người Việt.

Theo tường thuật của New York Times vào ngày 18-4-1975, Ngoại Trưởng Kissinger, tại buổi điều trần trước Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, tiên đoán rằng nếu không có viện trợ quân sự quân lực VNCH sẽ cạn hết đạn dược vào cuối tháng 5. Tướng Frederick C. Weyand, Tham Mưu Trưởng Bộ Binh cũng có một nhận định tương tự trước Ủy Ban Quân Sự Hạ Viện.

Sau cùng Quốc Hội Hoa Kỳ đã không chấp thuận một ngân khoản viện trợ quân sự nào cho VNCH theo yêu cầu của Tổng Thống Ford. Ông cũng chịu chung một số phận như Tổng Thống Nixon.

Cả hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trong Quốc Hội Hoa Kỳ đều tiếp tay gây áp lực để ép Nixon chấm dứt chiến tranh qua luật ngân sách quốc phòng. Hai Nghị Sĩ John Sherman Cooper (Cộng Hòa) và Frank Church (Dân Chủ) đã đệ trình một số tu chính án cho luật ngân sách quốc phòng để cấm Nixon chi tiền không những vào chiến tranh Việt Nam mà còn cả ở Thái Lan, Lào và Campuchia. Có đến 73 nghị sĩ trên tổng số 100 ủng hộ, không phải chỉ có nghị sĩ Dân Chủ mà thôi.

Một tu chánh án khác do hai nghị sĩ Mark Hatfield (Cộng Hòa) George McGovern (Dân Chủ) bảo trợ đòi chấm dứt hoạt động quân sự vào 31-12-1970 và rút quân ra khỏi Việt Nam vào 31-12-1971, nhưng tu chánh án này không đạt được đa số phiếu ủng hộ (39/55).

Tổng Thống Nixon xin viện trợ cho Việt Nam trong tài khóa 1-7-1974 đến 30-6-1975 một ngân khoản là $1.45 tỉ nhưng chỉ được Quốc Hội chấp thuận $700 triệu.

Tóm lại cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã bỏ rơi Việt Nam.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973

Để trả lời một câu hỏi của Nghị Sĩ John Sparkman (Dân Chủ, Alabama) về trách nhiệm của Hoa Kỳ theo Hiệp Định Paris 1973, Tổng Thống Ford nói rằng Hoa Kỳ đã ký và ủng hộ Hiệp Định Paris 1973 thiết lập do sáng kiến của Hoa Kỳ.

Ngoại Trưởng Kissinger giải thích rằng với Hiệp Định Paris Hoa Kỳ không có bổn phận gì cả nhưng có thẩm quyền đó là Điều 7. Hoa Kỳ có quyền cung cấp viện trợ và ép buộc thi hành những thỏa hiệp.

Ông Kissinger trình bầy tiếp rằng đối với chinh quyền Việt Nam, Hoa Kỳ đã nói nếu họ để quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ sẽ có nhiều may mắn hơn để trợ giúp Việt Nam và buộc phải thi hành hiệp định Paris. Một vài người gọi đó là trách nhiệm tinh thần. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không bao giờ tự cho rằng có bổn phận, không bao giờ nhận trách nhiệm theo Hiệp Định Paris.

Điều 7 của Hiệp Định Paris nói rằng cả hai phe của miền Nam Việt Nam không được phép tiếp nhận nhận binh sĩ, cố vấn và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên kỹ thuật quân sự, súng đạn và vật liệu chiến tranh vào miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên đôi bên có quyền thay thế những những vũ khi, đạn dược bị phá hủy, hư hại hay hao mòn.

Câu nói của Ngoại Trưởng Kissinger rất quan trọng. Do đó tôi chép lại nguyên văn bằng tiếng Anh như sau:

“The Accords had not obligations but authorities, that is, Article 7. President Nixon and others judged that permitting the United States to extricate itself would permit the United States to provide aid and enforce the agreements. Under the Paris Accords, we have no obligation. To the GVN we said that if they let us get our forces out it would enhance our chances of getting aid for them and enforcing the agreement. It was in this context, not that of a legal obligation. We never claimed an obligation; we never pleaded an obligation. But some of us think there is a moral obligation.”

Không ít hội đoàn và một số nhân vật chính trị và tôn giáo Việt Nam ở hải ngoại trên 10 năm nay bám vào Hiệp Định Paris 1973 để nuôi hi vọng lấy lại miền Nam Việt Nam, phục hồi chế độ VNCH để đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa, không những nên nghiên cứu lại nội dung của hiệp định mà quan trọng hơn cả là nên tìm hiểu kỹ về chính giới Hoa Kỳ trước đây và hiện nay quan niệm như thế nào về trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với hiệp định này. Nếu thấy đây đã là ngõ cụt, thời nên tính chuyện làm ăn khác.

KẾT LUẬN

Bình tĩnh và công bình mà nói, những tài liệu lịch sử đã được phổ biến Hoa Kỳ cho thấy một phần nào rằng chiến tranh Việt Nam không thể thắng được ngay từ 1964. Chính Tổng Thống Johnson cũng rất do dự về việc đem quân vào Việt Nam vào 1965. Ngay sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, Tổng Thống Johnson nhìn xa trông rộng đã tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ 2.

Vào đầu năm 1969, Hoa Kỳ có gần 550,000 quân ở Việt Nam. Không phải đợi đến 1973, Tổng Thống Nixon lên thay đã bắt đầu rút quân và thực hiện chương trình Việt Nam hóa chiến tranh. Số phận của miền Nam Việt Nam đã an bài từ khi Nixon ép VNCH ký vào Hiệp Định Paris vào tháng Giêng 1973, không phải vì Quốc Hội không chấp thuận $722 triệu hay $300 triệu viện trợ quân sự vào những ngày cuối cùng của VNCH.

Chỉ có người Việt mới chậm hiểu và tiếp tục bản chất đó cho đến bây giờ, nên đã, đang và sẽ bị thiệt thòi. Cái giá phải trả đôi khi rất cao như vài triệu người chết trên chiến trường vài trăm ngàn người chết chìm dưới biển cả.