NƯỚC MỸ VÀ E PLURIBUS UNUM

0
485
Ảnh NYTimes
Mạnh Kim

Người da màu không chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trên các trang bìa tạp chí thời trang nói chung mà đến tận tháng 9-2018, lần đầu tiên trong lịch sử 126 năm, tạp chí Vogue mới đăng trang ảnh trang bìa (với Beyonce) được chụp bởi một nhiếp ảnh gia da màu (Tyler Mitchell). Và trong 74 năm lịch sử của Viện hàn lâm khoa học-điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) tính đến trước năm 2001, chưa từng có diễn viên da màu nào đoạt giải ở hạng mục nam/nữ diễn viên chính (nếu không kể Sidney Poitier giành giải nam diễn viên chính trong Lilies of the field từ bốn thập niên trước đó). Chuyện “Mỹ trắng-Mỹ đen” là vấn đề muôn thuở của nước Mỹ. “Bức tường màu da” luôn tồn tại, mang đến vô số bi kịch vừa bi phẫn lẫn hào hùng, vừa chua xót lẫn tự hào, vừa cay đắng lẫn vinh quang…

Ông quan tòa Tối Cao Pháp Viện Clarence Thomas

“ỹ ắ” à “ỹ đ”

Dữ liệu về khoảng cách liên quan gần như mọi phương diện giữa người da trắng và da đen tại Mỹ có thể chất đầy nhiều thư viện. Thu nhập bình quân của các gia đình Mỹ đen thấp hơn Mỹ trắng gần 60% (41.000 USD so với 71.000 USD); tỷ lệ thất nghiệp Mỹ trắng thấp hơn Mỹ đen (14,2% so với 16,7%); tỷ lệ nghèo đói trong cộng đồng Mỹ đen cao hơn Mỹ trắng (20,8% so với 8,1%); tỷ lệ người Mỹ trắng không có bảo hiểm y tế là 5,4% và ở người Mỹ đen là 9,7%…; và trong khi chỉ chiếm 13% dân số nhưng tỷ lệ người da đen tử vong bởi coronavirus lên đến 23%. Mỹ đen cũng chiếm tỷ lệ cao hơn Mỹ trắng ở các bệnh mãn tính, trong đó có tiểu đường, huyết áp cao và béo phì… Báo cáo Racial Wealth Divide cho biết, tính đến năm 2016, có 72% gia đình Mỹ trắng có nhà, so với 44% Mỹ đen. Và trong danh sách Fortune 500 CEO, hiện chỉ có bốn người da đen. Tỷ lệ sinh viên vay tiền ở người Mỹ đen (cùng với người Latin), đặc biệt giới nữ, cũng cao hơn Mỹ trắng…

Ben Carson, đương kim Bộ trưởng nhà ở và phát triển đô thị

Tất cả thống kê tương tự có thể khiến kết luận rằng Mỹ đen là những người không có chí tiến thủ, cam chịu số phận, sống nhếch nhác bẩn thỉu, lười biếng, ít vận động, ham vui, đổ thừa số phận, chẳng biết làm gì hơn là hận đời dẫn đến khuynh hướng bạo lực “trả thù xã hội”… Tuy nhiên, khi xét đến yếu tố “khoảng cách thành tựu” (achievement gap), giới nghiên cứu xã hội và giáo dục học Mỹ đã không miệt thị hay khinh bỉ họ, và nhắc rằng muốn tìm hiểu chính xác bản chất vấn đề thì những yếu tố như tất cả cấp độ kinh tế (thu nhập, việc làm…) lẫn bối cảnh môi trường sống (ngoại ô, vùng quê hoặc đô thị) phải được xem xét hầu có thể giúp nhận diện những thành tố cụ thể ảnh hưởng đến khoảng cách thành tựu giữa các trường, giữa các học khu, giữa các cộng đồng và giữa người Mỹ trắng và Mỹ đen…

Robert F. Smith, người Mỹ da màu giàu nhất nước Mỹ

Bất cứ ai ở Mỹ cũng đều biết rằng hệ thống trường học Mỹ là không đồng đều. Trường ở khu nhà giàu luôn tốt hơn (so với khu nhà nghèo): được tài trợ nhiều hơn, có giáo viên tốt hơn, có chương trình giảng dạy phong phú hơn. Thập niên 1960, Martin Luther King đã viết: “Bằng chứng thống kê cho thấy, năm 1964, Chicago chi trung bình 366 USD/năm/học sinh tại các trường có đông học sinh da trắng, và từ 450 USD đến 900 USD/năm/học sinh cho các học khu da trắng ở ngoại ô; trong khi các học khu da đen chỉ nhận được 266 USD”. Đến nay, tình hình không đến mức quá bi thảm nhưng những thay đổi chưa bao giờ đến mức triệt để.

Nữ phi hành gia Joan E. Higginbotham (giữa)

Để tìm hiểu chi tiết vấn đề này, có lẽ không báo cáo nào tốt hơn công trình nghiên cứu 60 trang được Trung tâm phân tích chính sách giáo dục thuộc Đại học Stanford công bố tháng 9-2019. Báo cáo có đoạn: “Chúng tôi dùng tám năm dữ liệu từ tất cả học khu công lập tại toàn nước Mỹ… và nhận thấy hệ thống trường công hiện nay vẫn còn rất nặng tình trạng phân biệt chủng tộc và giai cấp”. Những báo cáo tương tự có thể nói là vô số (và dễ dàng tìm kiếm trên mạng), được đưa ra thường xuyên, không phải để “biện hộ” cho “thất bại” của người da màu mà là để đánh động giới hoạch định chính sách, sao cho mọi người có thể thấy khiếm khuyết ở đâu để từ đó điều chỉnh nó. Đây là một “tập quán” đẹp của văn hóa Mỹ, thay vì đơn giản thể hiện sự hằn học, khinh bỉ, hoặc thậm chí căm thù “bọn mọi đen” và nguyền rủa họ “sao không nhấc mông lên để đổi đời”.

“Ký ức” thời đại này dường như có tuổi thọ rất ngắn. Trong khi người ta dễ dàng thấy “bọn mọi đen” suốt ngày tụ tập hút chích nhưng lại không nhớ đến những cuộc “nhấc mông” của người da đen mà hiếm hoặc chưa bao giờ người Mỹ gốc Á đạt được. Một trong chín vị quan tòa đang ngồi trong Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ là người da đen: Clarence Thomas. Ông không phải là người duy nhất. Người da đen đầu tiên có mặt trong Tối cao Pháp viện là Thurgood Marshall (từ tháng 10-1967 đến tháng 10-1991). Người da đen đầu tiên được in lên tem là Booker T. Washington (tem phát hành năm 1940).

Người da đen đầu tiên ngồi ghế thượng nghị sĩ là Hiram Rhodes Revels (1870). Pinckney Benton Stewart Pinchback là người da đen đầu tiên ngồi ghế thống đốc một tiểu bang (Lousiana, 1872). Người da đen đầu tiên tốt nghiệp Harvard là Richard Theodore Greener (sau đó làm hiệu trưởng Howard University School of Law). Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 hiện tại (116th Congress) có nhiều nghị sĩ da đen nhất lịch sử Hoa Kỳ (54 ở Hạ viện và ba ở Thượng viện)…

“ ”

Tại Viện bảo tàng quốc gia về lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Phi ở Washington DC (mới thành lập năm 2016), người ta thấy cái váy Rosa Parks may trong ngày mà bà từ chối nhường ghế cho một người da trắng trên chuyến xe bus ở Montgomery, Alabama (1-12-1955); thấy cái kèn trumpet hiệu Selmer của Louis Armstrong; thấy cặp găng boxing của Muhammad Ali; thấy dụng cụ tập của nhà vô địch Thế vận hội Gabby Douglas (Summer Olympics 2012); và thấy cả cái còng mà cảnh sát Cambridge (Massachusetts) dùng khi còng giáo sư Đại học Harvard Henry Louis Gates Jr (ngày 16-7-2009, giáo sư Gates về đến nhà, thấy cửa bị kẹt. Tài xế giúp ông mở. Một người đi đường gọi 911. Cảnh sát đến. Gates tranh cãi và bị bắt vì “có hành vi bất tuân pháp luật”)…

Ngày 1-6-2020 xuất hiện bức thư nội bộ mà ông chủ Robert F. Smith, người Mỹ da màu giàu nhất nước Mỹ với tài sản 6,7 tỷ USD (CEO của công ty Vista Equity Partners), gửi cho nhân viên. Smith kể rằng, ông vẫn còn nhớ như in nỗi đau thời niên thiếu khi chứng kiến cảnh cha mẹ an ủi nhau khi họ nhận được tin em trai của họ vừa bị bắn chết. Nạn nhân vừa lấy được bằng thạc sĩ, vừa lập gia đình và vừa được chính quyền bang Colorado nhận vào vị trí thanh tra các cơ sở kinh doanh. Hôm đó, ông đến trạm xăng. Người nhân viên da trắng ở cây xăng không thể tin một người da màu lại có thẻ đổ xăng dành cho viên chức nhà nước. Thế là tay nhân viên da trắng lấy súng bắn nạn nhân chết tại chỗ. Bi kịch xảy ra cách đây gần 50 năm nhưng đến nay những chuyện phi lý, như trường hợp giáo sư Đại học Harvard Henry Louis Gates, vẫn còn. Nó cho thấy cái gọi là “Black Lives Matter” – phong trào ra đời năm 2013 – thật sự là một nhức nhối của xã hội Mỹ. “Black Lives Matter” không thể dùng để biện bạch cho sự bạo loạn đập phá nhưng nó giải thích được tại sao người Mỹ thuộc đủ màu da đang xuống đường, kể cả những nơi không có đông người da màu, như thời thập niên 1960 khi hầu như chỉ người da màu mới đi theo hiệu triệu của Martin Luther King.

Nước Mỹ rất rộng lớn. Để hiểu nước Mỹ là điều thật sự không dễ. Không quốc gia nào kỳ lạ bằng nước Mỹ. Không có xã hội nào nhiều mâu thuẫn và cực tốt lẫn cực xấu tồn tại cùng lúc bằng Mỹ. Cũng ít quốc gia nào “động não” nhiều để tháo gỡ những mâu thuẫn xã hội bằng Mỹ. Nỗ lực giảm thiểu bất công, trong đó có vấn đề màu da, luôn là một trong những chính sách hàng đầu gần như đối với bất kỳ nội các nào.

E Pluribus Unum – có nghĩa “Một, từ nhiều”, hàng chữ xuất hiện trên tờ đôla và Quốc huy Hoa Kỳ – đã nhắc rằng nước Mỹ hình thành từ sự đa dạng như thế nào. Cái gọi là “lịch sử non trẻ” của Mỹ thật ra là một lịch sử rất “giàu dữ liệu” và “phong phú sắc màu”, đầy thời khắc biến động, đầy giai đoạn hỗn loạn, đầy bi kịch mất mát và cũng đầy thành tựu với những cuộc “nhấc mông” ngoạn mục của người da trắng lẫn da màu sau những thăng trầm tưởng chừng không thể nào vượt lên nổi. Nước Mỹ được dựng lên bằng gì? Bằng sự phỉ báng chia rẽ và khinh bỉ người khác? Không. Nước Mỹ đã đi lên bằng E Pluribus Unum. Có thể thấy giá trị đó ở việc bất luận vấn đề chủng tộc vẫn chưa thể xóa bỏ khỏi xã hội như một phần cá tính kỳ thị của con người nói riêng thì nước Mỹ nói chung vẫn tồn tại một thứ đáng gọi là “phẩm chất quốc gia”, thể hiện ở việc tôn vinh và trân trọng người da màu.

Ảnh NYTimes

Ngày 20-7-2019, Cơ quan quản trị không gian và hàng không quốc gia Hoa Kỳ (NASA) tổ chức chương trình 50 năm sự kiện Apollo 11 đưa người lên Mặt trăng. Nhân dịp này, NASA đã tôn vinh 20 phi hành gia người Mỹ gốc Phi. Họ là những con người hiếm hoi thấy được vũ trụ mênh mông như thế nào. Trên đó, khi nhìn xuống, con người dưới này chỉ là những cái “dấu chấm” không hình không dạng. Trên đó, cùng những đồng nghiệp da trắng hoặc bất kỳ màu da nào, họ có thể hiểu hơn ai hết ý nghĩa ca khúc Black or White của Michael Jackson, một anh “mọi đen” bất tử và vĩ đại mọi thời. But, if you’re thinkin’ about my baby/ It don’t matter if you’re black or white…

Những gì đang diễn ra là tiền đề để lịch sử Mỹ lại được viết thêm một trang. George Floyd không phải và không nên xem như một người hùng nhưng Floyd đang trở thành cái bản lề đánh dấu một sự lật trang. “Black Lives Matter” sẽ làm thay đổi nước Mỹ, sao cho có thể “It don’t matter if you’re black or white”. Và tinh thần lẫn giá trị Mỹ tiếp tục dựa vào cái cột sừng sững E Pluribus Unum…