“NƯỚC MỸ KHÔNG PHẢI TRÊN BỜ SỤP ĐỔ

    0
    227
    “Black Lives Matter” Ảnh ; Hoàng Hải
       

    Tượng đài báo chí nước Mỹ, nhà báo Dan Rather vừa viết một status trên FB của ông. Bản tiếng Anh có thể tìm trên FB của ông.

    ———//———

    Tôi nói vậy không nhằm giảm thiểu những nguy hiểm của thời điểm hiện tại. Chúng rất lớn.

    Tôi nói như vậy không phải để phủ nhận nỗi đau. Nó rất sâu

    Tôi nói điều này không phải vì mục đích bình thường hoá những bất công. Chúng rất thực và đã diễn ra trong thời gian dài.

    Nhưng tôi đã nhìn thấy đất nước mình nhiều lần trải qua biến động. Tôi nhìn thấy những mối nguy đất nước đối mặt từ trong lẫn ngoài. Tôi đã chứng kiến nhiều thảm hoạ do thiên nhiên và con người gây ta. Tôi đã chứng kiến những làn sóng hận thù. Tôi đã nhìn thấy bạo lực và những điều nhức nhối . Một trong những dấu ấn trong thời kỳ tôi sống trên hành tinh này chính là tôi đã chứng kiến nhiều điều. Tôi cũng đã nhìn thấy rằng đất nước này, bằng tinh thần tốt đẹp nhất của người dân, có thể oằn mình đối mặt khó khăn mà không bị gãy vỡ. Khi đất nước này tự điều chỉnh, nó trở nên công bằng, thông hiểu và kiên cường hơn.

    Có phải nước Mỹ hiện tại rất tệ? Đúng. Chúng ta đang gặp nhiều vấn đề: đại dịch chết người xảy ra cùng lúc với tình hình kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời Đại Khủng hoảng, cộng với cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra một phần vì nhiệm kỳ tổng thống hỗn loạn, không vận hành đúng, không có tâm và gây chia rẽ. Nền báo chí của chúng ta, bức tường thành bảo vệ những giá trị tự do của hiến pháp, đang chịu sức ép từ những cuộc tấn công chính trị đảng phái và mô hình kinh doanh báo chí đang tan vỡ. Chúng ta đang chứng kiến những lý tưởng cao cả vào các vấn đề như di dân và khủng hoảng khí hậu bị từ bỏ. Chúng ta chứng kiến khoa học bị từ chối và các chuyên gia bị đe doạ.

    Trong khi kẻ thù của chúng ta, chủ yếu từ Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác, đang dùng các thủ thuật chiến tranh tâm lý tấn công vào các giá trị mạnh mẽ của dân chủ Hoa Kỳ – đó chính là sự đa dạng, nhà nước pháp quyền, hệ thống bầu cử. Giờ đây chúng ta nhìn thấy bạo lực trên đường phố xảy ra vì bất công sắc tộc, chúng đang phá hoại đất nước này kể từ khi lập quốc.

    Chứng kiến những điều này xảy ra trực tiếp trên truyền hình, trên internet và báo chí, trong tâm trí nhiều người họ biết rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mà họ yêu quý đang tan rã, rơi vào hố sâu. Những gì chúng ta đang chứng kiến là những gì mà nhiều người khác đã nhìn thấy từ trước, đặc biệt là nhóm người da màu và nhóm bị đẩy sang bên lề.

    Nước Mỹ cần phải được chỉnh sửa. Nó luôn cần chỉnh sửa. Đó vừa là mối nguy vừa là điều hứa hẹn trong hành trình đạt được điều mà chúng ta mong muốn trở thành vận mệnh một “liên hiệp hoàn hảo hơn”. Hi vọng là quan trọng nhưng chưa đủ. Chúng ta cần năng lượng và trí tuệ để hành động.

    Thời điểm hiện tại rất tệ, tuy nhiên có nhiều thời điểm trong quá khứ tôi còn lo sợ hơn cho tương lai. Trong thế chiến thứ Hai, tôi nhớ có lúc tưởng như Phát xít Đức và Nhật có thể thắng. Thương vong và sự huỷ diệt của cuộc chiến đó nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người. Tôi nhớ lại nỗi sợ sự trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản (the Red Scare) khi sự thù ghét bao trùm khắp cả nước. Tôi nhớ về nỗi sợ cuộc Chiến Tranh Lạnh, khi một ngón tay đặt trên nút bấm có thể kết thúc sự sống trên hành tinh này. Tôi nhớ vào năm 1968 khi các cuộc ám sát chính trị diễn ra và đất nước bị chia rẽ thực sự giữa Trắng và Đen. Tôi nhớ về tất cả thời kỳ này và nhiều thời kỳ khác nữa.

    Thời điểm này cho tôi hi vọng gì? Tôi nhìn thấy gương mặt của những người biểu tình ôn hoà và những phóng viên không sợ hãi khi tường thuật. Tôi nhìn thấy một đất nước đa chủng tộc và sắc dân mà tôi biết. Tôi nhìn thấy sự chuyển động và năng lượng. Tôi nhìn thấy sự tuôn trào tình yêu và hỗ trợ cho cho đồng loại. Tôi nhìn thấy nhiều người có chức vụ và đặc ân từ chối ngồi yên bên lề. Tôi nhìn thấy chúng ta đang kỷ niệm Tháng Tự Hào (Pride Month) trong tháng Sáu, và không hề cảm thấy rằng sao điều này có thể diễn ra. Tôi nhìn thấy rằng đất nước này bị lung lay bởi các vấn đề cấu trúc, hệ thống, pháp luật và văn hoá đã cần chúng ta chú ý từ lâu. Và tôi nhìn thấy đồng bào của mình nói rằng hãy cho tôi búa, cho tôi băng dán, cho tôi lá phiếu, chúng ta cùng nhau đồng hành và bắt tay vào việc.”

    –Dan Rather

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here