Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử – Kỳ 6: Hi sinh ngày 19-6

0
79
Nhà báo người Kurd Bakhtiyar Haddad giữa Mossoul đổ nát - Ảnh: Facebook cá nhân
   
TTO – Chỉ cách lễ kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng VN hai ngày, Stéphan Villeneuve – 48 tuổi, người từng đưa tin nhiều cuộc chiến – đã tử nạn tại Mossoul. Anh đã hi sinh cho lý tưởng nghề nghiệp của mình.
Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử - Kỳ 6: Hi sinh ngày 19-6
Nhà báo người Kurd Bakhtiyar Haddad giữa Mossoul đổ nát – Ảnh: Facebook cá nhân
“Stéphan là phóng viên giỏi vì anh yêu mến con người. Trong nghề này, để làm được các phóng sự hay, những chân dung đặc sắc, để mang lại sự thật cần đặt mình vào vị trí của người khác
Đạo diễn phim tài liệu Jean-Marie Barrière

Can đảm và đam mê

Thứ hai ngày 19-6-2017, Stéphan Villeneuve đi theo lực lượng đặc biệt của quân đội Iraq đến thành phố cổ Mossoul cùng với ba nhà báo.

Một quả mìn tự tạo đã nổ. Stéphan Villeneuve ra đi cùng đồng nghiệp người Kurd là Bakhtyar Haddad và cuộn phim phóng sự dang dở. Hai nhà báo Pháp còn lại, Véronique Robert và Samuel Foray, bị thương.

Quả mìn này là một trong muôn ngàn bẫy rập do IS cài lại trên các đường phố Mossoul. Mìn tự tạo cùng với xe gài chất nổ là những vũ khí đáng sợ của IS.

Stéphan Villeneuve là nhà báo Pháp thứ 17 tử thương trong lúc đang làm nhiệm vụ kể từ năm 1989 đến nay.

Những phóng sự của anh nóng hổi hơi thở cuộc sống. Anh ở bên các thường dân nhiều tuần lễ, trong một thành phố Aleppo bị tàn phá, có mặt tại Syria cả tháng trời làm điều tra về IS.

Stéphan có được những lời chứng quý báu tại những vùng đất mà đa số nhà báo không thâm nhập được.

Jérôme Fritel, bạn đồng nghiệp, kể lại: “Stéphan bắt đầu vào nghề ở Hãng tin Capa, vào thời kỳ chương trình “24 giờ” được nhiều người theo dõi”.

Fritel đã cùng với Villeneuve thực hiện phóng sự “IS, sự khai sinh một nhà nước khủng bố”, một trong những phim tài liệu đầu tiên về tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Anh cho biết: “Hồi đó chúng tôi nói với nhau sẽ cùng làm chung phóng sự về sự sụp đổ của Mossoul.

Nhưng Stéphan nhận được một cuộc gọi đề nghị đi Mossoul vào tuần trước để làm phóng sự cho chương trình “Đặc phái viên”.

Anh ấy đến nơi hôm chủ nhật 18-6 để cùng với Véronique Robert và Bakhtyar Haddad tháp tùng Binh đoàn Vàng, lực lượng chống khủng bố của Iraq”.

Cũng theo Fritel, Stéphan Villeneuve không phải là một người liều lĩnh, muốn ghi hình bằng mọi giá.

Anh biết nên dừng lại ở đâu, “tuy nhiên, anh không phải là nhà báo ngồi văn phòng. Đối với Stéphan, để hiểu được tình hình phải có mặt trên thực địa. Anh dễ gây cảm tình, rất dễ tiếp xúc, sự xông xáo giúp anh trở thành một nhà báo thượng thặng”.

Stéphan Villeneuve là con nhà nòi. Cha anh là Bernard Villeneuve, quản lý SPQN (Nghiệp đoàn các nhật báo quốc gia) và cựu chủ nhiệm tờ Matin de Paris, tờ La Tribune.

Khi vào Hãng tin Capa, anh chưa đầy 20 tuổi và tự leo dần lên những bậc thang nghề nghiệp, luôn chọn những nơi khó khăn nhất.

Đến khi hãng tin này mở rộng quy mô, anh lại thích làm việc riêng cùng một nhóm bạn với tư cách nhà báo độc lập.

Stéphan có cuộc sống gia đình đầm ấm, có hai con trai sinh đôi Luna – Corto với người vợ đầu và hai con gái Bianca – Anna với người vợ sau Sophie.

Anh yêu mến bạn bè, mê đọc sách báo. Anh ngấu nghiến tất cả những gì liên quan đến chủ đề sẽ xử lý và thích chạy môtô Harley Davidson.

Ở tuổi 48, khi nhiều phóng viên chiến trường đã “gác kiếm”, anh vẫn lặn lội khắp nơi với sự đam mê và lòng can đảm, cũng như sự bình tĩnh hiếm có.

Stéphan Villeneuve đã tác nghiệp tại hầu như mọi điểm nóng trên thế giới kể từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, từ Somalia, Sarajevo, Rwanda đến Congo, Haiti, Yemen, Tunisia… và bây giờ là trận chiến Mossoul, giai đoạn cuối cùng để tái chiếm thành phố từ tay IS.

Một người bạn cho biết trước khi đi, Stéphan nói rằng chuyến đi này là chuyến cuối, “nhưng bao giờ anh cũng nói thế trước khi đi làm phóng sự”.

Bộ trưởng văn hóa Françoise Nyssen tuyên bố: “Với sự ra đi của Stéphan Villeneuve, thêm một lần nữa nghề phóng viên chiến trường lại bị tấn công. Tôi xin vinh danh lòng can đảm trong việc đưa tin và tính chuyên nghiệp đã được tất cả những ai từng làm việc chung với ông công nhận”.

Điện Elysée hôm 20-6 truy tặng nhà báo Stéphan Villeneuve Bắc Đẩu bội tinh.

Nhà báo thách thức tử thần

Không thể không nhắc đến Bakhtiyar Haddad, 41 tuổi, nhà báo người Kurd đồng thời là hướng dẫn viên cho các phóng viên nước ngoài, vừa tử nạn chung ngày 19-6 với Stéphan Villeneuve.

Từ 14 năm qua, ông hỗ trợ các phóng viên chiến trường nước ngoài tại Iraq – một nghề ít được nhắc đến, trừ khi xảy ra một bi kịch. Không có ông, các tin tức trên báo chí Pháp về cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo chưa chắc có được bề sâu như lâu nay.

Vui tính và phóng khoáng, Haddad thường nói đùa với đủ mọi người, từ các dân quân canh gác tại vô số trạm trên đường tới Mossoul đến một sĩ quan cao cấp của Binh đoàn Vàng – đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Iraq.

Ông giúp chuẩn bị cho phóng sự nhờ vào cuốn sổ tay liên lạc đầy ắp của mình, tổ chức các cuộc hẹn, dịch sang tiếng Pháp những cuộc phỏng vấn bằng tiếng Kurd hoặc Ả Rập.

Haddad biết rõ những đường ngang lối tắt ở Mossoul như lòng bàn tay. Ông được gọi là “nhà báo thách thức tử thần”.

Không có ông, phóng viên coi như mất đi tai mắt và chiếc la bàn. Haddad thường hợp tác với các kênh truyền hình Pháp nhưng cũng hướng dẫn các thông tín viên, đặc phái viên báo viết hay đài phát thanh.

Ông hướng dẫn các đồng nghiệp thoải mái tại tiền phương cũng như trong tổ chức chính quyền. Cũng như nhiều người Kurd và Iraq khác, Bakhtiyar Haddad là sản phẩm của chiến tranh.

Ông sinh ra tại Erbil, thủ phủ khu tự trị Kurd tại Iraq, có cha là Abdullah Haddad, trưởng khoa tiếng Kurd Trường đại học Slahaddin. Chạy trốn chế độ Saddam Hussein, gia đình ông sinh sống ở Pháp bốn năm rồi mới quay về nước.

Khởi đầu sự nghiệp với Đài truyền hình France 2, sau khi chế độ độc tài Iraq sụp đổ, Bakhtiyar Haddad đến Falouja, thành trì của Al Qaeda năm 2004 cùng với một phóng viên ảnh trẻ tuổi người Pháp.

Ông bị người Mỹ bắt giữ, phải mặc bộ đồng phục tù nhân màu cam, nhưng sau đó thoát được nhờ tài ăn nói và sự khéo léo.

Bakhtiyar Haddad còn là tài xế. Năm 2008, tổng thống Pháp Niçolas Sarkozy mở ra Lãnh sự quán Pháp đầu tiên tại vùng Kurd thuộc Iraq, suốt bốn năm Haddad là lái xe, người phiên dịch, hướng dẫn viên cho tổng lãnh sự Frédéric Tissot.

Bakhtiyar Haddad bị tuyến đầu thu hút. Năm 2014, quân thánh chiến tràn vào miền bắc Iraq và tiến hành thanh lọc chủng tộc, tôn giáo. Haddad bị thương ở bàn tay tháng 6-2016 khi đưa tin trận tái chiếm Falouja. Ông không bao giờ mặc áo giáp chống đạn.

Trong trận phản công của người Kurd chống lại IS tại Bachiqa, một chiếc xe gài chất nổ của quân thánh chiến lao vào dân quân Kurd khiến nhiều người thương vong, nhà báo Haddad trở thành nhân viên cứu hộ xông xáo nhất.

Bakhtiyar Haddad luôn lừa được tử thần. Nhưng lần này thần chết đã tìm được ông vào buổi sáng định mệnh 19-6 ở Mossoul, khi lực lượng đặc biệt Iraq đang trong giai đoạn cuối cùng để giải phóng thủ phủ quân thánh chiến. Haddad không bao giờ còn thấy được ngày chiến thắng.

Kỳ cuối: Bằng chứng khí độc của các nhà báo

Nhiều phóng viên tử nạn tại Iraq

Nữ phóng viên Véronique Robert, cùng làm việc cho Công ty #5 bis Productions với Stéphan Villeneuve, bị thương nặng ở đầu và ngực, được phẫu thuật tại bệnh viện trong một căn cứ quân sự Mỹ. Còn Samuel Forey – phóng viên Pháp thứ ba đi cùng, làm việc cho nhiều cơ quan truyền thông, trong đó có tờ Le Figaro – bị thương nhẹ hơn, đã được đưa về Pháp.

Iraq là một trong những nước nguy hiểm nhất đối với các nhà báo. Kể từ năm 2014 đến nay, đã có 28 phóng viên tử nạn tại đây.

Riêng trong trận đánh Mossoul, đã có 3 nhà báo thiệt mạng ngay từ khi trận chiến này khởi đầu vào tháng 10-2016. Hơn nữa, quân thánh chiến IS vẫn đang giam giữ 10 phóng viên và thông tín viên các báo, đều là người Iraq, từ hai năm nay.

LY LA (Từ PARIS)/TUỔI TRẺ
Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here