NHÀ BÁO GIỮA LẰN RANH SINH TỬ – KỲ 2: Đào thoát khỏi quê nhà

0
87
Hình ảnh các binh sĩ Iraq ngược đãi nghi can IS - Ảnh: Ali Arkady
19/06/2017 16:05 GMT+

TTO – Phóng viên ảnh Ali Arkady cùng gia đình đang ẩn náu tại một nơi bí mật. Anh buộc phải rời quê hương Iraq để bảo đảm an toàn cho… tính mạng của mình.

Ngày 4-1-2017, tại sân bay Doha (Qatar), Ali Arkady ngồi đó hít thật sâu, mắt nhắm nghiền. Anh nghĩ: “Mình vẫn còn sống. Mình đã có ảnh. Bây giờ mới là lúc căng nhất đây”.

“Tôi mong muốn ngày nào đó gặp lại những người tôi đã tát để xin lỗi họ nếu họ còn sống… Hình ảnh được công bố, tôi không mong giàu có, nổi tiếng. Đó là thông tin và có thể là công lý
Ali Arkady

Bí mật trốn chạy

Phóng viên ảnh Ali Arkady (bút danh), 34 tuổi, làm việc cho Hãng ảnh quốc tế VII (Mỹ). Chuyến đi này do hãng ảnh bố trí để đưa anh đào thoát khỏi Iraq.

Trong hành trang của anh có ảnh chụp và băng video chứng minh các binh sĩ Iraq ở Mosul đã vi phạm Công ước Genève về bảo vệ thường dân trong thời chiến.

Máy bay hạ cánh xuống một địa điểm bí mật. Hãng ảnh VII phân công người đón Ali Arkady đi ngay. Anh hủy sim điện thoại, lập địa chỉ email mới, đổi mật khẩu.

Trên mạng xã hội, các binh sĩ Iraq hỏi han. Ali viện cớ mất điện thoại và con gái bị bệnh để kéo dài thời gian. Anh phải giữ bí mật chuyến đào thoát đến lúc vợ anh Marwa (26 tuổi) và con gái Dima (4 tuổi) gặp lại anh.

Suốt ba tuần trong tháng 1-2017 tại quốc gia Ali đến, anh phải thuyết phục các nhân viên chính phủ cấp visa cho vợ con anh. Bằng chứng là hình ảnh anh mang theo khẳng định gia đình anh đang gặp nguy hiểm.

Ngày 13-1, theo hướng dẫn của Ali, vợ con anh rời Khanaqin đi Erbil (khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq), nơi binh lính Iraq rất khó vào.

Đến cuối tháng 1, anh thở phào nhẹ nhõm. Vợ con anh đã được cấp visa. Họ rời Iraq, bỏ lại sau lưng bạn bè, gia quyến và công việc.

36 tiếng sau, Ali xúc động ôm chầm lấy vợ con tại phòng chờ sân bay, thế nhưng anh biết cơn ác mộng vẫn chưa kết thúc. Cuộc sống gia đình anh bây giờ chỉ gói gọn trong ba vali và ít tiền tiết kiệm.

Đầu tháng 2, tài khoản Instagram của Ali bị tin tặc xâm nhập. Tất cả ảnh đều bị xóa. Facebook thông báo có người nhiều lần định xâm nhập tài khoản. Ali biết thủ phạm là ai. Đã đến lúc phải công bố sự thật cho thế giới biết.

Quê hương Khanaqin của Ali, với đa số dân người Kurd, cách biên giới Iran 7km. Lớn lên, anh trở thành nghệ sĩ vẽ tranh, mê chụp ảnh, kết hôn với Marwa – cô giáo dạy ở Trường Mỹ thuật Khanaqin.

Năm 2011, anh gặp được người của Hãng ảnh Metrography (Iraq). Cơ duyên ấy đã đưa anh đến với ảnh báo chí. Anh tác nghiệp trên khắp Iraq. Ảnh đã được đăng trên nhiều báo như Der Spiegel, The Global Post, The Guardian, The Independent. Tháng 6-2014, Ali tham gia chương trình bảo trợ của Hãng ảnh VII.

Đến giữa tháng 10-2016, tuần báo Der Spiegel của Đức đề nghị Ali làm phóng sự về chiến dịch tái chiếm Mosul (do Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát từ tháng 6-2014).

Từ đó với máy ghi hình trong tay, anh theo chân các binh sĩ sư đoàn phản ứng nhanh thuộc Bộ Nội vụ Iraq truy bắt và thẩm vấn các nghi can IS.

Tội ác ghê tởm

Ban đầu, Ali Arkady cứ tưởng các binh sĩ Iraq là những người hùng. Trên thực tế anh đã chứng kiến một sự thật khác hẳn. Họ không ngần ngại sử dụng bạo lực từ dọa nạt, hỏi cung ban đêm đến tra tấn, hiếp dâm, xử bắn không cần xét xử.

Suốt hai tháng, anh cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt với họ. Vì sao họ đồng ý cho anh tự do quay phim, chụp ảnh?

Trao đổi với báo Télérama (Pháp) tại một địa điểm bí mật, Ali giải thích: “Họ biết tôi từ hồi ở Fallujah nên họ tin tôi”. Thật ra đó không phải là lý do duy nhất.

Đêm 21-11-2016, bốn binh sĩ đưa anh đến nơi hỏi cung. Nghi can bị bịt mắt ngồi trên ghế. Các binh sĩ lần lượt đánh ông ấy, sau đó một người nói: “Ali, anh là người duy nhất không đánh nó”. Ali trả lời anh là nhà báo nên không đánh người. Họ quắc mắt nhìn anh. Anh chợt nghĩ bây giờ là ban đêm, anh lại có một mình và là người Hồi giáo dòng Sunni.

30 giây thinh lặng. Ali quyết định bước tới tát một cái. Anh hiểu họ muốn thử thách anh. Anh biện bạch: “Nếu tôi từ chối, một ngày nào đó họ sẽ bắn vào đầu tôi và vờ như tôi là nạn nhân IS”. Lần khác, Ali còn bị ép đánh vào cổ nghi can Mahdi Mammoud trước ánh mắt nhìn chằm chằm của viên đại úy.

Từ dạo ấy, Ali không ngủ được. Anh định dừng lại, nhưng rồi tiếp tục vì muốn có đầy đủ chứng cứ. Tháng 12-2016, anh đã chứng kiến họ tra tấn hai anh em làm nghề bán chả chiên và chủ tiệm sửa xe không có liên hệ nào với IS. Anh cũng nhìn thấy họ ở trong buồng rất lâu với vợ nạn nhân.

Ali quyết định giữ khoảng cách. Các binh sĩ tỏ thái độ dọa dẫm. Họ gửi qua điện thoại hình ảnh hai anh em bị giết và một nghi can bị bắn. Ali ngẫm nghĩ: “Lời cảnh báo rất rõ. Họ muốn nói: mày hãy nhìn xem bọn tao có thể làm gì”.

Kế hoạch đào thoát manh nha. Ngày 21-12-2016, Ali trình bày với các binh sĩ con gái bị bệnh nên anh phải về quê. Tại Khanaqin, anh bàn tính với vợ kế hoạch chạy trốn. Do đó Ali mới có mặt trên chuyến bay tại Doha hôm 4-1-2017.

Công bố sự thật

Gần năm tháng sau ngày Ali Arkady rời Iraq, lần lượt những hình ảnh chấn động của anh được công bố trên Der Spiegel, Télérama, kênh truyền hình ABC News (Mỹ), báo Toronto Star (Canada).

Thế giới nhìn thấy hình ảnh các nghi can bị bịt miệng, bịt mắt, bị trói tay và bị treo lủng lẳng. Một số nghi can bị hỏi cung với dao kề sát gáy. Một thanh niên bị bắn chết như thỏ.

Công luận hết sức phẫn nộ. Ngày 25-5, Bộ Nội vụ Iraq thông báo mở cuộc điều tra và cam kết sẽ trừng phạt những kẻ phạm tội. Sư đoàn phản ứng nhanh Iraq phản bác, cho đó là hình ảnh “ngụy tạo”.

Tuy nhiên trả lời ABC News, đại úy Omar Nazar thú nhận phải sử dụng “kỹ thuật mạnh tay” vì các nghi can có liên hệ với IS.

Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu ở Iraq và Syria xác nhận sư đoàn phản ứng nhanh Iraq đã bị ghi vào danh sách đen từ năm 2015 và Luật Leahy của Mỹ cấm cung cấp vũ khí cho các nhóm vi phạm nhân quyền như sư đoàn này.

Về phần Ali Arkady, anh liên tục bị các binh sĩ Iraq hăm dọa. Họ đang truy tìm anh. Cha mẹ anh còn ở Iraq cũng không yên. Anh đã xin tị nạn chính trị tại một quốc gia châu Âu. Gia đình anh hầu như tuần nào cũng phải đổi chỗ ở.

Ngày cũng như đêm, lúc nào Ali Arkady cũng bị hình ảnh tra tấn ấy ám ảnh. Anh phải nhờ một tổ chức nhà báo hỗ trợ tâm lý.

Anh ngậm ngùi kể: “Nếu biết trước, tôi đã không đến đó. Tôi thường mơ đừng bao giờ làm thiên phóng sự này. Nhưng tôi không còn chọn lựa nào khác. Đó là làm nhân chứng”.

Ali vẫn hi vọng sẽ trở lại nghề báo dù tương lai vô định: “Tôi không biết chúng tôi sẽ sống nơi nào, phải học nói thứ tiếng gì, con gái tôi học trường ở đâu… Nhưng một ngày nào đó, chúng tôi sẽ trở về nhà nếu thánh Allah muốn thế. Chỉ có điều chắc lúc đó tôi đã già rồi”.

______________

Kỳ tới: “ Kẻ phản bội”

TRẦN NGỌC LONG/TUỔI TRẺ