Nhà báo giữa lằn sinh tử – Kỳ 5: Afghanistan – vùng đất nguy hiểm

0
51
Phóng viên ảnh quân đội Hilda Clayton và bức ảnh cuối cùng của cô - Ảnh: Military Review
   
TTO – Theo Ủy ban An toàn nhà báo Afghanistan, trong năm 2016 đã có 13 nhà báo thiệt mạng tại Afghanistan. Nguy hiểm ngày càng lớn khi IS “song kiếm hợp bích” với Taliban tại vùng đất này.
Nhà báo giữa lằn sinh tử - Kỳ 5: Afghanistan - vùng đất nguy hiểm
Phóng viên ảnh David Gilkey (ngồi sau) – Ảnh: NPR
David Gilkey đưa tin về chiến tranh và xung đột tại Iraq và Afghanistan từ sau vụ 11-9-2001. Anh ấy đã nỗ lực giúp công chúng nhận ra cuộc chiến và những người ở bên trong cuộc chiến ấy.
Michael Oreskes (đại diện cho Đài NPR)

Vinh danh David Gilkey

Ngày 17-5, năm phần tử IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) đã tấn công cơ quan thường trú Đài phát thanh – truyền hình quốc gia Afghanistan tại Jalalabad (tỉnh Nangarhar). Một tên kích nổ bom tại cổng vào. Bọn còn lại xông vào bên trong.

Giao tranh kéo dài hơn bốn tiếng. Toán IS bị tiêu diệt. Sáu người thiệt mạng gồm bốn nhân viên và kỹ thuật viên nhà đài, hai cảnh sát cùng với 17 người bị thương.

Tỉnh Nangarhar giáp biên giới Pakistan được xem là địa bàn đặc biệt nguy hiểm đối với giới truyền thông. Đây vốn là lãnh địa của Taliban. IS đã mở mặt trận mới tại Afghanistan từ đầu năm 2015 và lấy tỉnh Nangarhar làm địa bàn trú đóng.

Trước đây các phóng viên chiến trường chỉ lo đối phó với Taliban thì nay lại có thêm mối nguy hiểm từ IS.

Nhà báo giữa lằn sinh tử - Kỳ 5: Afghanistan - vùng đất nguy hiểm
David Gilkey (giữa) tác nghiệp tại Afghanistan – Ảnh: CNN

Trong nhiều năm qua, các nhà báo tại Afghanistan đã trả giá rất đắt. Tiêu biểu như phóng viên ảnh người Mỹ David Gilkey, 50 tuổi, làm cho Đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR).

Ngày 5-6-2016, David Gilkey cùng người phiên dịch Zabihullah Tamanna (người Afghanistan) 38 tuổi đi chung xe của một đơn vị quân đội Afghanistan hành quân tại tỉnh Helmand ở miền nam Afghanistan.

Đoàn xe bị Taliban phục kích. Xe chở hai người trúng pháo của địch. David Gilkey và đồng nghiệp thiệt mạng. Hai phóng viên Tom Bowman và Monika Evstatieva của NPR đi trên chiếc xe khác may mắn thoát chết.

David Gilkey đã nhận được nhiều giải thưởng cho các tác phẩm nhiếp ảnh và video. Năm 2007, anh được trao giải Emmy cho loạt video về cuộc sống tại Iraq của lính thủy đánh bộ Mỹ. Ảnh của anh cũng đã góp phần giúp NPR được trao giải Peabody với phóng sự về dịch Ebola ở châu Phi.

Một năm sau ngày mất của David Gilkey, ngày 5-6 mới đây Bảo tàng Newseum ở Washington đã tổ chức lễ vinh danh 14 nhà báo thuộc nhiều quốc tịch thiệt mạng năm 2016, trong đó có David Gilkey và Zabihullah Tamanna.

Ông Gene Policinski, giám đốc bảo tàng, cảm xúc: “Các nhà báo được vinh danh tại đài tưởng niệm này đã hi sinh cuộc sống với nỗ lực phục vụ công chúng. Nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục làm việc sau khi bị tấn công hay bị đe dọa đến tính mạng”.

Nguy cơ giữa thành thị

Sau 16 năm chiến tranh với yểm trợ quân sự của NATO và qua ba đời tổng thống, Chính phủ Afghanistan chỉ kiểm soát được 57% lãnh thổ và 62% dân số. Phần còn lại rơi vào tay Taliban và IS. Sau khi NATO rút quân vào cuối năm 2014, đến nay vẫn còn 14.000 binh sĩ NATO đồn trú tại Afghanistan, trong đó có 8.400 lính Mỹ.

Thế nhưng tình hình ngày càng xấu đi. Vụ đánh bom tự sát ở Kabul hôm 31-5 là bằng chứng cho thấy chiến dịch bình định ở Afghanistan đã thất bại.

8h30 sáng 31-5, tên đánh bom liều chết lái xe bồn đã kích nổ hơn 1,5 tấn chất nổ gần khu vực ngoại giao vốn được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thủ đô Kabul. Đây là vụ tấn công kinh hoàng nhất ở Afghanistan từ khi Taliban rút chạy năm 2001. Hơn 150 người chết và hơn 300 người bị thương.

Trong số người chết có Aziz Novin, cộng tác viên của Đài truyền hình Tolo News (Afghanistan) và Mohammad Nazir, người lái xe cho Hãng tin BBC.

Hàng chục nhà báo bị thương, trong đó có bốn người của hãng tin BBC, ba người của Đài truyền hình TV1 (Afghanistan). Trụ sở TV1 và Tập đoàn truyền thông Killid cùng với Đài truyền hình tư nhân Shemshad bị thiệt hại vật chất nặng nề.

Ngày 2-6, người dân Kabul bức xúc trước tình hình an ninh tệ hại đã xuống đường tuần hành về dinh tổng thống. Cảnh sát bắn thẳng làm năm người chết. Hai nhà báo của đài phát thanh – truyền hình quốc gia và kênh truyền hình tư nhân Aryana nằm trong số những người bị thương.

Điều đáng lo ngại đối với các nhà báo tác nghiệp ở Afghanistan là nguy hiểm không chỉ xuất phát từ vùng xung đột. Do tình hình mất an ninh, căng thẳng giữa giới truyền thông và chính quyền địa phương ngày càng gia tăng.

Hôm 22-5 vừa qua, cảnh sát ở Jalalabad đã sử dụng vũ lực đối với hai phóng viên Parviz Romel và Nurolah Shirzad của các hãng tin Reuters và AFP. Tỉnh trưởng đã hứa sẽ điều tra.

Ba ngày sau, ông Abdolhai Nemati (tỉnh trưởng tỉnh Baghlan) đã nhốt một phóng viên và hai cộng tác viên của kênh truyền hình tư nhân Arezo trong văn phòng ông suốt hai tiếng để yêu cầu họ xóa băng ghi hình lúc ông trình bày về tình hình an ninh trong tỉnh.

Giây cuối cùng trước khi chết

Có những cái chết trong lúc tác nghiệp rất bi thương như trường hợp của hạ sĩ Hilda Clayton, nhà báo ảnh quân đội Mỹ mới 22 tuổi làm việc cho tạp chí Military Review. Cô là phóng viên ảnh nữ đầu tiên của quân đội Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan.

Hilda Clayton có nhiệm vụ bám theo các binh sĩ trong mọi hoạt động triển khai ở Afghanistan để ghi nhận thông tin.

Ngày 2-7-2013, các binh sĩ Afghanistan tổ chức một buổi bắn đạn thật trong sa mạc tỉnh Laghman để chứng tỏ họ đã nắm vững kỹ thuật do quân đội Mỹ hướng dẫn. Cô cùng tham dự với dự tính sẽ chỉ dẫn cho một nhà báo quân đội Afghanistan về chụp ảnh chiến tranh.

Một quả đạn cối đột ngột phát nổ tại chỗ trong buổi bắn đạn thật. Đúng lúc đó Hilda Clayton bấm máy. Cô cùng trợ lý người Afghanistan và ba binh sĩ thiệt mạng. Hình ảnh vụ nổ chỉ mới được công bố trên tạp chí Military Review số tháng 3 và 4-2017.

Military Review giải thích các phóng viên ảnh quân đội đã được huấn luyện phải chụp ảnh, quay phim trong mọi tình huống và tạp chí muốn công bố ảnh để vinh danh Hilda Clayton, đồng thời nhắc nhớ rằng phóng viên nữ cũng đương đầu với nhiều tình huống nguy hiểm như đồng nghiệp nam giới.

Nhà báo giữa lằn sinh tử - Kỳ 5: Afghanistan - vùng đất nguy hiểm
Phóng viên ảnh quân đội Hilda Clayton và bức ảnh cuối cùng của cô – Ảnh: Military Review

Danh tính của nữ phóng viên ảnh Hilda Clayton đã được ghi trên bức tường các anh hùng tại Trường Thông tin quốc phòng (Bộ Quốc phòng) ở bang Maryland, nơi cô tốt nghiệp năm 2012. Trường Thông tin quốc phòng đã đổi tên giải thưởng ảnh chiến đấu hằng năm Combat Camera thành giải thưởng Hilda I. Clayton Best Combat Camera.

>> Kỳ tới: Hi sinh ngày 19-6

TRẦN NGỌC LONG/TUỔI TRẺ
Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here