Nguyễn Phú Trọng sẽ bị liên minh Nguyễn Tấn Dũng – Nguyễn Văn Chi trả thù!

0
417

Trung Điền
*
Nếu để ý người ta thấy là ông Nguyễn Phú Trọng đã dùng cả hai Hội nghị Trung ương 5 diễn ra hồi tháng 3, 2017 và Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra từ mồng 6 đến mồng 10 tháng 10, 2017, để phô trương thanh thế và nhất là để chứng minh “đánh tham nhũng thật.”

Ông Trọng biết rất rõ là những gì mà Trung ương đảng CSVN thảo luận và quyết định trong hai Hội nghị này sẽ chẳng ai quan tâm vì trong thực tế nó không thay đổi gì tình trạng tồi tệ của xã hội Việt Nam hiện nay, nhưng người ta nhớ nhất chính là việc lột chức Ủy viên Bộ chính trị và Bí thư Thành ủy Sài Gòn của ông Đinh La Thăng ở Hội nghị 5 và lột chức Ủy viên Trung ương đảng và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng của ông Nguyễn Xuân Anh ở Hội nghị 6.

Ông Đinh La Thăng bị kết tội về các sai phạm tại Tập Đoàn Dầu Khí từ 2009 đến 2015, gồm thiếu trách nhiệm của dàn lãnh đạo PVN (Petro Vietnam) trong việc chỉ đạo, kiểm tra giám sát, quản lý người, đặc biệt là trong công tác luân chuyển cán bộ đối với các cá nhân gây thua lỗ, hoặc vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Xuân Anh bị kết tội về các sai phạm tại Thành Ủy Đà Nẵng từ 2015 đến 2017, gồm vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.

Cách nay vài năm, những sai phạm nói trên đã từng xảy ra ở nhiều cơ quan, đảng ủy nhưng nhận kỷ luật ở mức “khiển trách” hoặc cao lắm là “cảnh cáo”. Chính vì thế khi hai ông Đinh La Thăng và Nguyễn Xuân Anh bị lột chức đã có nhiều quan chức của chế độ tỏ vẻ kinh ngạc và cho là chưa hề xảy ra trong nội bộ.

Trong các chế độ độc tài đảng trị, mặc dù sinh hoạt đảng dựa trên nguyên tắc dân chủ tập trung, cá nhân phụ trách; nhưng mọi quyết định trong nội bộ đều phải thông qua sự đồng ý hay phê chuẩn của cấp cao hơn, thường là Ban tổ chức Trung ương hoặc là Ban bí thư. Đó là chưa nói đến sự “soi mói” của Ủy ban kiểm tra trung ương.

Ngoài ra, những cán bộ ở cấp Bí thư Tỉnh hoặc cấp Bộ trở lên nằm trong diện quản lý của Ban bí thư và Bộ chính trị về tư tưởng lẫn công tác. Nếu có những sai phạm được phát hiện hoặc được ai đó báo cáo, thì Ban bí thư hoặc Bộ chính trị “bật đèn xanh” cho Ủy ban kiểm tra trung ương nhập cuộc.

Đó là nói về nguyên tắc. Trong thực tế vận hành giữa các phe nhóm ở trong đảng, người ta đã có một quy luật bất thành văn là “tương nhượng”, tức là dựa vào nhau để cùng tồn tại trong từng giai đoạn cầm quyền giữa các phe.

Cứ mỗi năm năm, các phe sẽ thỏa hiệp nhau 4 ghế quan trọng gọi là Tứ Trụ (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội) để chia quyền lực, và phe nắm ghế Tổng bí thư được coi là mạnh nhất vào thời kỳ đó.

Sự thỏa hiệp này bắt đầu thành hình từ thập niên 60, dưới thời ba phe Lê Duẩn (Tổng bí Thư), Trường Chinh (Chủ tịch nước), Phạm Văn Đồng (Thủ tướng) nắm quyền sinh sát trong nội bộ một thời gian dài.

Nhưng đến năm 2011, sự “tương nhượng” nội bộ đã bị phá vỡ khi cả Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang đều muốn tranh ghế Tổng bí thư trong Đại hội 11 (1/2011). Cuối cùng, Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội – phe yếu nhất vào lúc đó, được dàn xếp đưa lên làm Tổng bí thư như vị trí trái độn.

Từ năm 2011 trở đi các phe trong Tứ Trụ gồm Nguyễn Phú Trọng (Tổng bí thư), Trương Tấn Sang (Chủ tịch nước), Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch Quốc hội). Trong tứ trụ này lại chia làm nhóm. Nhóm Trọng – Sang luôn luôn ở thế đối nghịch và tìm cách hạ bệ nhóm Dũng – Hùng vì nắm quá nhiều quyền bên chính phủ và bộ máy kinh tế.

Có thể nói là với đội hình tứ trụ từ năm 2011 trở đi, quyền lực của phe Tổng bí thư mà cụ thể là Nguyễn Phú Trọng có lúc thua xa quyền lực của phe Thủ tướng mà cụ thể là Nguyễn Tấn Dũng. Lý do là vào lúc đó, ông Nguyễn Tấn Dũng được Bộ chính trị của nhiệm kỳ X (2006, dưới thời Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư) phân công phụ trách bốn lãnh vực công tác quá lớn: kinh tế, đối ngoại, an ninh và phòng chống tham nhũng.

Nắm trong tay 4 lãnh vực này, nhất là tổng chỉ huy các ngành kinh tế và phòng chống tham nhũng từ năm 2006, nên ông Nguyễn Tấn Dũng đã coi thường nhóm Trọng – Sang. Ngoài ra, vào lúc đó, ông Nguyễn Tấn Dũng lại được sự “hậu thuẫn” của nguyên Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương đảng Nguyễn Văn Chi (nhiệm kỳ 2006-2011) nên đã giúp ông Dũng củng cố thế lực trong suốt 10 năm (2006-2016).

Chính vì thế sau khi loại được ông Nguyễn Tấn Dũng, giành ghế Tổng bí thư trong Đại hội 12 vào tháng 1, 2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã dùng chiêu bài “chống tham nhũng” để phục thù phe nhóm ông Dũng và các đồng minh của ông ta.

Việc ông Trọng cho bắt Trịnh Xuân Thanh, tước chức Bộ trưởng Công thương của ông Vũ Huy Hoàng, tước chức Thứ trưởng Bộ công thương của bà Hồ Thị Kim Thoa, lột chức Đinh La Thăng là nhắm vào phe ông Dũng. Còn ông Trọng cho lột chức Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng là nhắm vào ông Nguyễn Văn Chi, đồng minh của ông Dũng khi còn là chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương (2006-2011).

Trong trận chiến này, ông Nguyễn Văn Chi là đau nhất khi đứa con quý tử bị ông Trọng lột chức, đuổi ra khỏi Trung ương đảng với những tội chỉ ở mức cảnh cáo. Cuộc đời chính trị của Nguyễn Xuân Anh đã chấm dứt và đó là lý do mà Nguyễn Văn Chi sẽ phải liên kết với phe ông Dũng để trả thù cho con.

Nhìn vấn đề như vậy, ta mới thấy rằng ông Trọng thật sự đã sa lầy trong trò chơi chống tham nhũng của ông ta, khi dùng chính Hội nghị trung ương để tuyên án những đàn em địch thủ của mình mà không quan tâm gì đến các vấn đề khủng hoảng của đất nước.

Chờ xem sự phản công của liên minh Nguyễn Tấn Dũng – Nguyễn Văn Chi trong Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ vào năm 2018.

Nguồn: https://chantroimoimedia.com/2017/10/10/60645/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here