Luật mới gây xáo trộn lớn cho người Việt ở Thái

0
873
Người Việt Nam đang làm việc kiếm sống tại Thái Lan. RFA
RFA

Thái Lan áp dụng luật lao động mới với những điều khoản khắc khe hơn trước khiến nhiều lao động nước ngoài, trong đó có người Việt phải bỏ về nước, hoặc nghỉ làm cho qua đợt truy quét lao động mới nhất. Luật lao động mới của Thái Lan tác động thế nào đến số người Việt đang kiếm sống tại Xứ Chùa Vàng?

Yêu cầu chính phủ Thái thay đổi luật này

Linh mục Anthony Lê Ngọc Đức, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Công giáo ở Bangkok giải thích về Luật Lao động mới của Thái Lan:

“Luật lao động này là kết hợp giữa 2 vấn đề mà chính quyền Thái Lan muốn đáp ứng là vấn đề giữa việc quản lý Lao động nước ngoài, vấn đề thứ hai là việc buôn bán người. Bộ luật mới này bao gồm những điều khoản liên quan đến việc quản lý lao động nước ngoài cũng như những hình thức phạt đối với những người tham gia vào đường dây buôn bán người xuyên biên giới.

Luật lao động này là kết hợp giữa 2 vấn đề mà chính quyền Thái Lan muốn đáp ứng là vấn đề giữa việc quản lý Lao động nước ngoài, vấn đề thứ hai là việc buôn bán người.
-LM Anthony Lê Ngọc Đức

Cái điều mà lao động ViệtNam quan tâm nhiều nhất đó là việc quản lý lao động nước ngoài bất hợp pháp, và lần này có 1 điều khác biệt trong bộ luật mới này đó là mức phạt dành cho những chủ thuê người Thái thuê người bất hợp pháp gia tăng rất nhiều. Con số gia tăng từ 400 ngàn – 800 ngàn bath đối với mỗi người mà mình thuê, điều này làm cho các chủ thuê người Thái rất phản đối, chính vì vậy có những cái khiếu kiện để yêu cầu chính phủ phải thay đổi luật này, hoặc là tạm hoãn áp dụng luật bây giờ.”

Ông Nguyễn Trường Sơn, hiện đang làm cho tổ chức Ủy Ban cứu người vượt biển (BPSOS) chi nhánh Thái Lan nói rằng, luật lao động mới của Thái Lan gây xáo trộn rất lớn cho cộng đồng người Việt, đặc biệt là những người Việt tị nạn cộng sản:

“Sắc lệnh này không những gây ra sự xáo trộn rất lớn cho cộng đồng người Việt Nam đang làm việc ở Thái Lan, mà nó còn gây ra sự sợ hãi, xáo trộn cho cộng đồng người nước ngoài làm việc ở Thái Lan.

Đối với người Việt Nam đang ở Thái Lan có giấy tờ làm việc (work permit) sẽ không bị tác động gì cả, đối với cộng đồng người tị nạn ở Thái Lan sống với danh nghĩa bất hợp pháp thì cái sắc lệnh này ảnh hưởng đối với họ cực kỳ rõ ràng và nặng nề, bởi vì hầu hết những người tị nạn ở Thái Lan đều không có bất cứ giấy tờ hợp lệ nào và tất nhiên họ vẫn phải đi làm việc để kiếm sống.
Khi họ đi làm việc thì nghiễm nhiên trờ thành lao động bất hợp pháp, khi bị công an bắt thì chiếu theo cái sắc lệnh mới thì họ có thể bị tù từ 2-5 năm và có thể bị trục xuất về VN.”

Lao động Việt Nam bị ảnh hưởng

Người Việt Nam đang làm việc kiếm sống tại Thái Lan. RFA PHOTO
Người Việt Nam đang làm việc kiếm sống tại Thái Lan. RFA PHOTO

Theo trang Fan Page Kito Vua Khon Kaen của một nhóm Công giáo nhỏ ở tỉnh Khon Kaen, Thái Lan cho hay các chợ ở tỉnh này đã không nhận lao động Việt Nam từ ngày 8/7. Chợ Xí Mường Thòng, Khon Kaen được biết đến là 1 chợ có khá nhiều lao động Việt nam đang làm việc. Tuy nhiên giám đốc của chợ đã quyết định sa thải hết lao động Việt Nam buôn bán trong chợ.

Tờ Bangkok Post dẫn lời của ông Varanon Peetiwan, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thái Lan cho biết các cơ quan chức năng của 3 nước Myanmar, Lào và Campuchia đã liên lạc để cung cấp tài liệu liên quan cho công nhân của họ tại 5 trung tâm xác minh quốc tịch. Tuy nhiên đối với Việt Nam thì chưa như lời của Linh mục Anthony Lê Ngọc Đức:

“Đối với Việt Nam thì không có đường hướng nào để giải quyết. Một là về để rồi chờ lúc nào chiến dịch truy quét qua đi rồi trở lại, hoặc cứ tiếp tục ở lại nhưng làm việc âm thầm hơn. Hoặc là cứ tiếp tục ở lại rồi hy vọng khi mình làm việc không bị rủi ro bị bắt. Người Việt Nam mình không có đường hướng giải quyết tình trạng hiện nay.”

Ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng chính quyền Việt Nam cần học hỏi chính quyền các nước Campuchia, Lào, Miến khi họ mở nhiều văn phòng giải quyết pháp lý cho người lao động nước họ ngay khi luật lao động mới của Thái Lan có hiệu lực:

Việt Nam cũng nên học tập theo chính quyền Myanmar và chính quyền Campuchia, bởi vì công dân Việt Nam làm việc ở Thái Lan cũng khá là đông đảo và nếu chúng ta có những cái đoàn công tác hoạt động liên chính phủ thì để bảo vệ quyền lợi công dân Việt Nam sẽ rất là tốt!
-Nguyễn Trường Sơn

“Mong muốn của tôi đó là chính quyền Việt Nam cũng nên học tập theo chính quyền Myanmar và chính quyền Campuchia, bởi vì công dân Việt Nam làm việc ở Thái Lan cũng khá là đông đảo và nếu chúng ta có những cái đoàn công tác hoạt động liên chính phủ thì để bảo vệ quyền lợi công dân Việt Nam sẽ rất là tốt!”

Trước tình trạng lao động nước ngoài ồ ạt bỏ về nước gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế vốn phụ thuộc vào lao động nhập cư, ngày 5/7/2017 Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự Thái Lan quyết định tạm ngưng thực thi luật lao động mới trong vòng 180 ngày.

Tuy vậy, người Việt Nam ở Thái Lan đã, đang và sẽ vẫn là lao động bất hợp pháp ít nhất là trong tương lai gần.

Số lượng lao động Việt Nam ở Thái Lan ước tính từ 50-60 ngàn người, tuy nhiên trong những đợt truy quét lao động lớn ở Thái Lan số lượng có thể giảm xuống còn khoảng 20-30 ngàn người.

Số lao động này kỳ vọng gì ở chính quyền Việt Nam đối với tình cảnh của họ?

Mời quý vị đón xem phần 2: Lao động Việt Nam sống trong sợ hãi ở Xứ Thái.