Không đi bán tôm khô mà vào đại học

2
26
(Hình: Mùa hè 2023, bậc thềm giảng đường Đại Học Nông Lâm)
   

Lưu Thủy Hương

(tản văn)

*

Năm P lên lớp sáu, gia đình rời cư xá Kiến Thiết, về cư trú ở xóm đạo vùng ven. Ở đây, những nam thanh nữ tú một thời lừng lẫy ở trường cấp ba học xong lớp 12 rồi thành anh sửa xe, chị bán tôm khô, thợ dệt thuê. Câu chuyện quá đỗi bình thường, không vào được đại học thì sớm ra đời kiếm sống. Bà con họ hàng của P ngoài Bắc vô cũng nói như vậy, chị em P học chi cho nhiều rồi cũng đi bán hành ngò, tôm khô.

P cũng tin là số kiếp mình sẽ gắn liền với mẹt tôm khô nên P gia nhập hội tôm khô ngoài chợ rất sớm. Những hôm đi chợ, P thường nấn ná bên mấy sạp hàng, lơ ngơ nhìn các chị buôn bán.

Chị V, giọng ca oanh vàng của giáo đường, ngồi bán chè bánh lọt.

Chị H học rất giỏi, nhà có lò đậu hũ, buổi sáng mang đậu nóng ra chợ bỏ mối.

Chị N bán tôm khô, hột vịt, chanh hành góc xéo bên kia, từng là người đẹp nổi tiếng của trường Thái Văn Lung.

Bán ở chợ vài năm rồi mỗi chị ôm một nách con, rồi ai cũng xấu, cũng lam lũ như ai.

P ngồi ở chợ lẩn thẩn nhìn thiên hạ, chẳng thấy vui, chẳng thấy buồn.

Một ngày đẹp trời, chị Hai của P đậu đại học Nông Nghiệp 4 (tức Nông Lâm sau này). Thời đó, lý lịch như gia đình P mà đậu đại học năm đầu hiếm như sao trời đêm mưa. Chị đậu thiệt, lên trường đi học rồi về nhà cười tủm tỉm, chị bắt đầu kể về một cuộc sống thú vị, lạ lùng trên đồi Thủ Đức. Chuyện chị kể khác với chuyện ôm mẹt tôm khô ngoài chợ nhiều lắm. Chị học cách nào mà vô đại học thì P không biết, vì cả ngày chị phải phụ Ba Mẹ công việc mưu sinh rất vất vả. Ban đêm P ngủ khò khò thì chị học bài. Thành ra P đâu có thấy chị học hành gì.

Chuyện chị Hai vào được đại học năm đầu không chỉ là quả bom nổ ra trong dòng họ, trong thôn xóm mà còn là động lực (hay áp lực) thôi thúc P học hành. Phải nói thật, P ít quan tâm tới chuyện học, đã có viễn cảnh đi bán tôm khô, P lại càng không biết học để làm gì.

Khi bạn bè lo luyện thi từ năm lớp 9, lớp 10 thì cuối năm lớp 11 P mới ì ạch nhấn ga. Nhưng P có cái lợi thế hơn thiên hạ là P có thể ngủ rất ít. Từ khi là em bé nằm trong nôi, P đã không thích ngủ, cứ mở mắt nhìn lên nóc mùng và… khóc ỏm tỏi vì buồn chán. Trong khi bạn bè phải ngủ 8-9 tiếng một đêm thì P chả cần ngủ nghê gì mà có thể thức học bài thâu đêm, khi nào tối mắt thì chạy ra sau hè dội lên đầu mấy gáo nước lạnh. Đầu tóc ướt nhẹp như vậy, P hiên ngang vô nhà chiến đấu với đống bài tập toán đại số. Gần sáng, P mới chợp mắt hai tiếng, rồi dậy cho heo gà ăn, rồi cắp tập đi học.

Không ai tin là P có thể thi đậu bất cứ kỳ thi nào, vì P là một học sinh vô cùng lơ đãng. Vào lớp học, đầu óc P lan man nghĩ tới mấy con cá bảy màu, mấy con dế lửa, mấy con heo, mấy con gà… Thầy cô trong trường còn mắng vốn Mẹ của P: “Nó học kiểu đó thế nào cũng rớt tốt nghiệp”. Mẹ buồn quá, thay vì nghĩ tới chuyện sắm mẹt tôm khô cho P đi bán sớm, thì buổi tối mẹ làm kẹo đậu phọng cho P ăn để có sức chiến đấu.

P khoái chí gặm kẹo và lại thức khuya. Nhà nghèo, không có tiền đi học thêm nên Mẹ dạy P môn văn và môn toán, Ba dạy P môn sinh và môn hóa. Ai hỏi thi trường nào, P nói mơ màng: “Thi Nông Nghiệp, chứ trường nào nữa”. Trong tim P, ngọn đồi Thủ Đức của những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ luôn hiện ra với đồng cỏ bạt ngàn và những cánh diều đầy màu sắc.

Ngày đi thi, P cũng đi thi như ai. Vì tâm lý không biết tương lai là gì nên P rất thoải mái, tự tin. Gần ngày có kết quả, cô ruột của P nhờ cô Trà hiệu phó trường xem điểm giúp. Không ngờ cô Trà thông báo: rớt rồi. Mà cô Trà nói rớt thì chắc chắn là rớt. P ngơ ngác gạt nước mắt, ôm mấy lu cá đá, cá bảy màu đi cho tụi con trai trong xóm rồi chuẩn bị hành trang đi bán tôm khô.

Mấy ngày sau, bỗng có giấy báo đậu đại học gửi tới nhà. Hình như có ai đó trùng tên với P thi rớt nên cô Trà xem nhầm.

Chuyện P đậu đại học làm rung rinh một nửa quận Thủ Đức. Khi đó quận Thủ Đức nhỏ lắm, người biết người. Gia đình lý lịch tối thui có hai đứa con gái mười bảy tuổi đậu đại học năm đầu không chỉ là tin mừng, mà nó còn là giấc mơ cho một vùng đất đầy những đứa con trai, con gái mang lý lịch tối thui y như vậy. Thủ Đức trước 1975 là vị trí đắc địa của chính quyền Sài Gòn, ở đây là khu cư xá sĩ quan cao cấp, cư xá công chức nhà nước, làng đại học quốc gia. Thủ Đức là vùng đất ưu tú và chiến lược. Dân Thủ Đức trí thức, con gái Thủ Đức đẹp kiêu sa (trừ P ra nghe), nhưng sau 1975, cái lý lịch mà dân Thủ Đức phải mang vác nặng nề lắm. Nói để mà hiểu, mà thương nhau thôi.

Năm đó, trường trung học Thủ Đức của P có chín lớp 12, mỗi lớp khoảng bốn mươi học sinh. Trong khoảng ba trăm sáu mươi học sinh đó chỉ có hai đứa đậu thẳng vào đại học là P và bạn Đức Hà (hình như học 12E?). Vùng đất trí thức mà tỉ lệ đậu ít như vậy, đủ biết cuộc đời nghiệt ngã ra sao.

Nhận được thư báo đậu đại học, P ngã lăn ra ngủ liên tục hai tuần. Ngủ li bì, ai gọi cũng không thức, không trả lời. Ngủ dậy, P đã là một con người khác, có một giấc mơ khác.

Giấc mơ của P thả trên đồi Nông Lâm.

Ước mơ của P bay trên đồi Nông Lâm.

*

LTH-VTP

Advertisement
   

2 COMMENTS

  1. My cousin recommended this website to me, however I’m not sure if he wrote this post because no one else has such in-depth knowledge of my problems. You are amazing, thanks.

  2. Thank you I have just been searching for information approximately this topic for a while and yours is the best I have found out so far However what in regards to the bottom line Are you certain concerning the supply

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here