Hẻm Sài Gòn kể chuyện ‘đặc sản’: Mê hồn trận bát quái ở thành phố ‘ma’

0
109
Thanh Niên Online
Hẻm "bát quái" có chợ tự phát ở đầu hẻm, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân /// Ảnh: Vũ Phượng
Hẻm “bát quái” có chợ tự phát ở đầu hẻm, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dânẢnh: Vũ Phượng
Sài Gòn có những hẻm nhỏ, hẻm 334 đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) được người dân ví như một ‘trận đồ bát quái’ vì trong hẻm có nhiều đường nhánh to nhỏ, chồng chéo, chằng chịt lên nhau. Nếu không phải là người dân trong hẻm thì thật khó tìm được lối ra trong mê hồn trận.
Các con hẻm ở Sài Gòn không biết có từ bao giờ, có những con hẻm lối đi rộng rãi nhưng rất thanh bình, cũng có những con hẻm chỉ xíu xiu, nhà này cách nhà kia 2 bước chân mà cuộc sống bên trong thật náo nhiệt.
Hẻm Sài Gòn kể chuyện 'đặc sản': Mê hồn trận bát quái ở thành phố 'ma' - ảnh 1
VIDEO: Mê hồn trận trong hẻm “bát quái” – Thực hiện: Vũ Phượng
Trong các con hẻm, nhà này mọc san sát nhà kia, hầu như đầu hẻm nào cũng có một chiếc tủ nho nhỏ bán nước ngọt, cà phê hay tủ bánh mì, xe nước mía. Người dân trong hẻm cũng có thể mua đủ thứ đồ cần thiết hàng ngày mà không cần phải đi đâu xa vì hầu như hẻm nào cũng có vài tiệm tạp hóa bán đủ thứ đồ từ cây kim, sợi chỉ cho đến bột giặt, xà bông, củ hành,…
Cuộc sống trong hẻm thường tấp nập vào sáng và chiều, trưa đến thì vắng tanh vắng ngắt như chốn không người.
Hẻm Sài Gòn kể chuyện 'đặc sản': Mê hồn trận bát quái ở thành phố 'ma' - ảnh 3
Xe hủ tiếu nằm ở ngã tư gần đầu hẻm “bát quái”Ảnh: Vũ Phượng

Vài con hẻm đông đúc còn có thêm chợ tự phát ở đầu hẻm hoặc ở đoạn nào đường rộng nhất. Xuất phát từ vài người khó khăn trong hẻm bán ít đồ thực phẩm để phục vụ nhu cầu hàng ngày, dần dần các con hẻm đông đúc hơn, nhu cầu mua đồ ăn, thức uống cũng tăng cao, nhiều người bán xuất hiện hơn rồi hình thành chợ tự phát lúc nào không hay.

Hẻm 334 đường Chu Văn An (phường 12, quận Bình Thạnh) được người dân ví như một “trận đồ bát quái” vì trong hẻm có nhiều đường nhánh to nhỏ chồng chéo lên nhau. Nếu không phải là người dân trong hẻm thì thật khó để tìm lối ra.

Hẻm 334 thật đặc biệt vì phần đầu hẻm giao nhau với đường Chu Văn An rộng hơn cả đường chính, ở đây có một chợ tự phát đã hoạt động khoảng 20 năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong hẻm.

Đi qua hết chợ sẽ gặp ngã 3, đường quẹo trái, quẹo phải, lên thêm 1 đoạn, con đường bỗng nhiên thu lại bé xíu và liên tục có những đoạn cua ngoặt bất ngờ, nếu không kịp bẻ lái có lẽ tôi đã tông thẳng vào bức tường nhà dân. Chạy tiếp chừng 100 mét lại gặp bốn, năm đường nhánh chằng chịt lên nhau, nhánh này dẫn ra nhánh khác khiến tôi không thể định hình được vị trí mà mình đang đứng.
Hẻm Sài Gòn kể chuyện 'đặc sản': Mê hồn trận bát quái ở thành phố 'ma' - ảnh 5
Vừa vào đầu hẻm, đường khá rộng nên người dân tập trung bán thực phẩm và tạp hóa Ảnh: Vũ Phượng
Ông Đỗ Anh Trung, người dân trong hẻm thấy tôi đang ngơ ngác tìm đường đi thì chia sẻ: “Hẻm ở đây sâu lắm, thông qua hẻm 290 Nơ Trang Long, trong hẻm có nhiều đường chằng chịt, rẽ ngang, rẽ dọc, rẽ phải, rẽ trái, cô đi đến sáng mai cũng chưa tìm được lối ra. Nhiều người lạ đi vào đây như vào mê hồn trận, lạc nhiều lắm”.
Sau đó hỏi thăm, tôi được ông Trung chỉ lối ra như sau: “Cứ đi thẳng, quẹo phải, quẹo phải rồi quẹo trái, gặp đường tiếp quẹo trái rồi quẹo phải là ra được đường Nơ Trang Long”.
Hẻm Sài Gòn kể chuyện 'đặc sản': Mê hồn trận bát quái ở thành phố 'ma' - ảnh 6
Cụ bà sống lâu năm ở hẻm hàng ngày đi bộ ra đầu hẻm để mua thức ăn cho cả gia đình Ảnh: Vũ Phượng
Tôi phải nhẩm đi nhẩm lại mấy lần rồi mới nổ máy xe chạy tiếp nhưng ôi thôi, thực sự tôi đã không thể tìm được lối ra, càng quẹo phải thì càng nhiều đường nhánh hiện ra trước mặt. Lát sau, tôi phải nhờ một người dân dẫn đường ra lại đầu hẻm.
Trước khi hình thành nên con hẻm chằng chịt như thế này, khu vực đường Chu Văn An là một nghĩa địa lớn, chỉ thưa thớt vài căn nhà. Ở giữa là ruộng lúa, cây cối um tùm, nhiều nhất là cây tre, đất nhà nào cũng rộng nên trồng thêm một số cây ăn trái.
Ông Nguyễn Thanh Quang (62 tuổi), người sinh ra và lớn lên ở hẻm cho biết trước năm 1975, khu vực này trồng nhiều mít và ổi. Ngoài đường Nguyễn Văn Học, nay là Nơ Trang Long thì bạt ngàn vườn cao su, khu vực ngã 5 Nơ Trang Long, Phan Văn Trị, Chu Văn An có một xưởng cưa luôn tấp nập xe chở gỗ đến mỗi ngày.
Hẻm Sài Gòn kể chuyện 'đặc sản': Mê hồn trận bát quái ở thành phố 'ma' - ảnh 7
Ông Nguyễn Thanh Quang hàng ngày mang ghế nhựa ra trước cửa nhà ngồi hóng gió, đây là nhánh hẻm cụt nên khá yên tĩnh Ảnh: Vũ Phượng
Phía từ Học viện cán bộ TP.HCM kéo dài đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là ruộng lúa, lối đi chỉ như đường làng, tre mọc hai bên đường rũ vào nhau che mát cả đường đi. Khoảng năm 1985, các mộ tại đây được giải tỏa để thực hiện dự án nhưng sau không thấy mà chỉ thấy người dân bắt đầu xây dựng nhà cửa.
Ông Quang chia sẻ: “Khu vực này thuộc địa phận tỉnh Gia Định ngày trước, đoạn giao nhau với đô thành Sài Gòn là cầu Bông, bước qua cầu Bông như là qua một thế giới khác vậy đó. Những nhà có trước giải phóng thì miếng đất sẽ rộng hơn, những nhà xây sau đợt giải tỏa mộ đa phần có diện tích nhỏ. Từ ngày có thêm những nhà này, con hẻm trở nên ồn ào hơn chứ ban đầu chỉ lưa thưa vài nhà”.
Hẻm Sài Gòn kể chuyện 'đặc sản': Mê hồn trận bát quái ở thành phố 'ma' - ảnh 8
Ông Phương nhà ở cuối nhánh hẻm cụt phải ghi chữ trên tường để nhiều người nhìn thấy quay đầu xe từ xa Ảnh: Vũ Phượng
Người ở khu vực này thời trước cũng đa dạng, có chủ vườn, người làm thuê và có cả giang hồ. Theo ông Quang, giang hồ khu vực này xăm mình nhưng sống hòa nhã với làng xóm nên người ta hay gọi là “nghĩa khí giang hồ”.
Hẻm Sài Gòn kể chuyện 'đặc sản': Mê hồn trận bát quái ở thành phố 'ma' - ảnh 9
Chợ tự phát hay còn gọi là chợ cóc dường dù gây khó khăn trong việc quản lý nhưng vẫn có ý nghĩa với đời sống người dân trong hẻm vì sự tiện lợi và như một đặc trưng của hẻm Sài Gòn Ảnh: Vũ Phượng
Con hẻm được trải bê tông nên cứ sáng sáng, phần đường trước nhà nào thì nhà ấy tự dọn dẹp, quét cho sạch sẽ, mấy người già trong hẻm mang ghế ra cổng ngồi như một thú vui của tuổi già.
Vì đường hẻm chằng chịt, có một số nhánh thành hẻm cụt nên nhiều người lạ không biết cứ lao thẳng vào rồi lại chật vật tìm cách quay đầu xe.
“Nhất là mấy phụ nữ, đi xe tay ga to như con trâu vậy vào đây, đường thì nhỏ nên quay đầu xe đâu được, lại phải lùi ra khó khăn lắm”, ông Phương (55 tuổi), nhà ở cuối hẻm chia sẻ. Vậy nên, ông đã ghi dòng chữ “Hết đường” thiệt to để ai vô đây tự nhìn thấy phía xa và quay đầu.
Hẻm Sài Gòn kể chuyện 'đặc sản': Mê hồn trận bát quái ở thành phố 'ma' - ảnh 10
Mỗi khi mưa lớn, ông Trà Văn Lộc lại mở nắp cống rồi đứng canh không người dân đi vào khu vực nước ngập sâu Ảnh: Vũ Phượng
Ông Trà Văn Lộc (45 tuổi) thì cho biết khi ông còn nhỏ, khu đất của gia đình rộng thênh thang, cả nhà ở không hết. Khi đó đất chưa có giá nên nên cha ông còn cho một số người khó khăn phần đất còn dư lại của gia đình để họ dựng nhà ở tạm.
Ông Lộc tâm sự: “Ngày trước đường hẻm trước nhà tôi là rạch thoát nước, sau đó thì được lấp rạch làm lối đi, dân thấy cũng tiện nên ủng hộ, nhưng cống làm lại thì nhỏ quá. Hơn nữa đường Phan Chu Trinh mới làm cũng cao hơn mặt đường trong hẻm, nước không thoát kịp nên hễ mưa là ngập. Nhà nào cũng phải xây kè cao để ngăn nước. Có mấy lần mưa to, nước rút không kịp nên ngập lên đến gần lút xe máy, tôi phải mở nắp cống, còn ông hàng xóm thì chặn ở đầu hẻm không cho xe vô. Ban đầu thì tôi bất tiện chứ ở riết cũng quen”.
Hẻm Sài Gòn kể chuyện 'đặc sản': Mê hồn trận bát quái ở thành phố 'ma' - ảnh 11
Con hẻm buổi trưa thật yên bình và vắng vẻ Ảnh: Vũ Phượng
Nói về chợ tự phát ở đầu hẻm, ông Lộc kể rằng từ khoảng năm 1982, chỉ có vài hàng bán đồ ăn sáng, sau đó thì bán tạp hóa, càng ngày số người bán càng nhiều, chợ càng phình to, riết rồi bán rau cải, thịt cá hồi nào không hay. Đến giờ thì không còn chỗ để ngồi bán nữa, tiểu thương bán chủ yếu là người trong hẻm.
Hẻm Sài Gòn kể chuyện 'đặc sản': Mê hồn trận bát quái ở thành phố 'ma' - ảnh 12

tin liên quan

Người Sài Gòn với ký ức ‘chợ nhà giàu’ Tôn Thất Đạm giữa trung tâm

Lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng sầm uất ở trung tâm Sài Gòn, Chợ Cũ Tôn Thất Đạm, hay còn gọi là ‘chợ nhà giàu’ trước đây ngày qua ngày ngắm nhìn sự chuyển mình của thành phố. Theo UBND TP, tiền thân Chợ Cũ là tự phát nên nằm trong kế hoạch giải tỏa để trả lại lòng đường, vỉa hè.

Hẻm “bát quái” cũng như những hẻm khác ở Sài Gòn, người dân trong hẻm sống đùm bọc, hòa nhã với nhau, nhất là những người đã ở lâu năm. Khi nhà nào có đám tiệc là những nhà xung quanh tự động dẹp hết đồ đạc phía trước để hàng xóm bày biện bàn ghế, có việc thì qua phụ. Cứ vậy, ngày qua ngày, những người trong hẻm càng đoàn kết và gắn bó với nhau.

Vũ Phượng