GẶP QUAN COI TÙ

0
18
Amnesty International

Vũ Thư Hiên 

(Tặng các bạn ở tù và sẽ ở tù vì chính kiến)

Một hôm cục trưởng Cục chấp pháp tới, lũ lượt theo sau cả một bộ sậu thuộc hạ – cán bộ Cục chấp pháp, cán bộ trại. Phòng giam hẹp, một số phải đứng ngoài cửa. Tôi nhân ra người đi đầu là cục trưởng Cục chấp pháp nhờ có lần Huỳnh Ngự cho tôi biết, bằng giọng thì thầm, rằng người vừa ghé qua phòng hỏi cung chính là cục trưởng của y, tên Trúc. Anh chàng này có gương mặt trơ, không cá tính, không đường nét dễ nhớ – một cục đất xét trong xưởng điêu khắc cộng sản. 

Tôi có ác cảm với y không phải vì tôi đang ở tù. Giả sử ở ngoài đời mà tôi gặp y thì cảm giác của tôi cũng vẫn thế – tôi không ưa cái bản mặt ấy. Đó là một thứ phản ứng sinh vật. Nó nằm sẵn trong ta, làm cho ta có cảm tình hay ác cảm với kẻ đứng trước mặt mình. Gương mặt y cho thấy y là thứ người ra đời chỉ để vâng lời cấp trên, quát nạt cấp dưới. Khác với nô lệ thường, y là cai nô lệ. 

Trúc bước vào, mắt cố ý làm ra vẻ lơ đãng lướt qua quang cảnh nơi ở của chúng tôi. Phùng Mỹ đang đọc sách, anh đứng dậy theo thói quen khi có khách đến nhà. Tôi không thích lịch sự với tên hãnh tiến, tôi ngồi yên tại chỗ. Y cố ý giấu vẻ khó chịu, cười bả lả:

– Anh Hiên quên mất phép lịch sự, có khách đến chơi nhà mà cũng không mời ngồi. 

Tôi thản nhiên:

– Anh sai rồi. Trước hết, đây không phải nhà tôi. Vì thế tôi không cần lịch sự với các anh. Sau, nếu là nhà tôi thì cũng không phải ai tôi cũng mời vào nhà, đừng nói gì tới mời ngồi, anh trách tôi là vô duyên. 

Trúc ngượng, quay sang hỏi chuyện Phùng Mỹ. Rồi không lẽ không nói gì với tôi, y hỏi:

– Lâu nay anh vẫn nhận được thư nhà đều chứ? Chị với các cháu khỏe không?

Tôi nhếch mép cười:

– Tôi không hiểu câu hỏi. Thư nhà của chúng tôi các anh duyệt rồi mới cho chúng tôi nhận, gia đình chúng tôi ở ngoài ra sao các anh còn biết hơn chúng tôi. Tôi không hiểu các anh đạo đức giả để làm gì?

Trúc không chịu được sự mất mặt với thuộc hạ. Y quắc mắt:

– Này, anh phải biết: chừng nào còn nằm trong tay chúng tôi các anh hãy giữ mồm giữ miệng, kẻo vạ vào thân… 

Tôi cũng nóng mặt:

– Bây giờ mà còn dọa dẫm tôi nữa thì thật là buồn cười. Cái vạ lớn nhất tôi đã được biết, anh còn muốn mang cái vạ nào nữa tới để dọa tôi?

– Anh tưởng Đảng phạt anh thế này là nhiều rồi à? Anh sẽ còn được biết cái nhiều hơn nữa, nếu anh muốn… 

– Thế thì hãy đưa cái đó ra đây coi. 

– Được, hãy chờ đấy!

Y vùng vằng quay ra. Thuộc hạ im thin thít, lục tục theo sau. Khi y tới cửa, tôi gọi với:

– Này, anh kia! Về bảo với cái anh Lê Đức Thọ nhà anh, hoặc Trần Quốc Hoàn cũng được, rằng hãy chịu khó đọc lấy vài cuốn của Marx rồi hãy xưng mác-xít. Bảo họ rằng chính Marx lên án chế độ giam người lâu ngày trong xà lim là hết sức vô nhân đạo đấy!

Y cười gằn:

– Được rồi, Đảng rộng lòng đối xử tử tế với các anh, cho các anh được giam riêng, sướng như ông hoàng không muốn, lại muốn lao động khổ sai. Muốn thế thì được thế… Hừm, đồ… 

– Đi đi! Hãy nói với Đảng của anh rằng tôi không cần cái sự rộng lòng nào hết! Và anh, với lối ăn nói vô lễ của anh, đừng vác mặt đến gặp chúng tôi nữa… 

Nhưng y đã ra tới sân. 

Phùng Mỹ khuyên tôi:

– Cậu phải bình tĩnh. Đừng sa vào âm mưu khiêu khích. 

Tôi cười nhạt:

– Mình đâu có định khiêu khích chúng nó. Chẳng qua mình muốn cho chúng nó biết chúng ta không phải là con vật không hiểu tiếng người để cho nó muốn nói gì cũng phải nghe. Không biết hôm nay nó vác mặt tới có mục đích gì?

Phùng Mỹ trầm tư:

– Vì thế mới phải bình tĩnh để nghe nó nói hết xem nó muốn cái gì, chúng nó có âm mưu gì? Cậu nóng như lửa ấy. 

Tôi nhận lỗi. Tôi có nóng thật. Người tù vốn thế – thỉnh thoảng nó lại bị một cơn giận bùng lên, không kìm giữ được. 

Vài ngày sau, tôi được gọi ra gặp vợ. 

Nhìn thấy tôi, vợ tôi òa khóc. Tôi xúc động, vừa ôm lấy vợ tôi thì vợ tôi hét lên vì đau đớn. Thì ra tôi chạm phải bên vai đang sưng tấy vì gánh đồ tiếp tế cho tôi. Tội nghiệp, vợ tôi có quen gánh gồng bao giờ đâu. 

– Em gánh nặng quá! – vợ tôi nói – Mà đường thì xa. 

Ở trong cái nhà tù tôi được đưa tới bằng xe ô tô, tôi đâu có hình dung được con đường vợ tôi phải đi nó thế nào. Đêm tôi được đưa lên đây, trong ánh đèn pha, tôi chỉ thấy lá cây rừng và con đường gập ghềnh, khúc khuỷu thoáng hiện thoáng mất trong bóng tối. Nghe kể mới biết vợ tôi đi con đường khác, đường trong rừng, trời mưa thì bùn nhão nhoét phải bấm từng bước chân, lại còn phải ngồi mà lết trên những thân cây của cầu khỉ vượt qua những suối sâu nhiều lần để chuyển dần đồ mang theo cho tới khi chuyển hết… 

Vợ tôi gày, xanh lướt. Trên mặt đầy những tàn nhang. Khi nào vợ tôi yếu thì những vết tàn nhang lại hiện lên. Chưa bao giờ tôi thấy vợ tôi yếu đến như thế. Gánh đời cũng quá nặng rồi, vợ tôi đuối sức mất rồi. 

– Tình hình chưa có gì tốt đâu anh ạ. – nhân lúc tên quản giáo coi tù gặp gia đình bước ra ngoài, vợ tôi thì thào – Mẹ gặp bác Nguyễn Lương Bằng mấy lần, có em đi cùng, nhưng bác ấy sợ lắm, chẳng dám giúp gì mình đâu. Cán bộ cũng chỉ thì thào với nhau về vụ các anh, chứ không ai dám thắc mắc. Nghe nói còn nhiều người bị bắt lắm. 

Tôi muốn nói với vợ tôi đừng chờ đợi tôi nữa, ngày trở về quá xa, mà cũng có thể sẽ chẳng bao giờ có, nhưng tôi không nỡ. 

Thôi được, tôi sẽ viết điều đó trong một bức thư gửi sau vậy. 

– Anh tiếc số sách. Nhiều cuốn quý lắm. Sưu tầm nhiều năm mới được bằng ấy, đến nhà xuất bản Sự Thật  còn phải mượn, chưa nói gì các nhà xuất bản khác. Nếu có ai sử dụng được thì đem cho người ta khỏi phí. Nhà mình ẩm, mối xông mất. Cả quần áo của anh nữa, đem cho đi, năm năm rồi, vải mục hết. 

Vợ tôi lắc đầu quầy quậy:

– Không. Em không cho đâu. Cho như thế cứ như anh chết rồi ấy. 

– Anh còn sống chỉ là nỗi khổ cho em… 

– Đừng nói bậy. 

Chúng tôi nắm chặt tay nhau.

(trích hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày)