Dư luận nói gì về việc giảng dạy nhân quyền trong học đường?

0
394
Ảnh minh họa: Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy tại phiên tòa phúc thẩm ở Hà Nội ngày 22/9/2016. Photo: AFP
Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-09-08

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án giảng dạy nhân quyền trong trường học từ cấp mẫu giáo đến bậc đại học, sẽ được thực hiện từ năm 2025.

Dạy thí điểm từ 2017 đến 2020

Đề án giảng dạy nhân quyền trong học đường vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt sẽ được thí điểm ở ba tỉnh tại ba khu vực, giai đoạn 2017 đến 2020 và sẽ thực hiện đồng bộ trong hệ thống trường học phổ thông, các trường đại học và dạy nghề kể từ năm 2025.

Truyền thông trong nước nêu rõ nội dung của đề án bao gồm cấp mẫu giáo sẽ được học các yếu tố cơ bản về quyền và trách nhiệm; cấp tiểu học sẽ được dạy một số kiến thức căn bản liên quan các nguyên tắc cũng như giá trị về nhân quyền; cấp trung học cơ sở sẽ được học các chuẩn mực về công bằng, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt và cấp trung học phổ thông sẽ học về các định chế bảo vệ nhân quyền. Các trường dạy nghề sẽ truyền bá kiến thức cho học viên liên quan nội dung cơ bản của các quyền con người và quyền dân sự, quyền và nghĩa vụ của nhà tuyển dụng lẫn nhân viên trong mối liên hệ lao động. Bên cạnh đó, sinh viên các trường đại học và cao đẳng sẽ phải học cách thức áp dụng nhân quyền cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ dân sự và nhân quyền.

Mừng là mình đi theo các nước tiến bộ, học hỏi những điều hay để áp dụng vào giáo dục cho học sinh từ bé như thế thì tốt. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng có sự lo lắng vì những người truyền đạt về nhân quyền có đúng theo tiêu chuẩn quốc tế hay không? Thế hệ mà từ trước đến giờ không biết nhân quyền là gì hay họ không được tiếp thu đúng nghĩa của nhân quyền mà bây giờ họ truyền dạy lại thì không rõ hai chữ ‘nhân quyền’ có bị méo mó hay không
-Một phụ huynh

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận hầu hết phụ huynh, những người chú trọng đến việc học hành của con em mình, mà chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ sự vui mừng. Có cả những phụ huynh cho biết họ trông đợi điều này đã từ lâu vì các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam được giảng dạy về bạo lực cách mạng, tôn sùng cá nhân đã và đang dẫn đến hậu quả không ít thành phần trẻ của đất nước sống một cách hiếu chiến, bạo lực, ích kỷ, thậm chí thờ ơ và vô trách nhiệm với cộng đồng…Một phụ huynh ở Sài Gòn nói rằng bà rất phấn khởi khi nghe được thông tin về đề án giảng dạy nhân quyền trong học đường. Phụ huynh này chia sẻ:

“Mừng là mình đi theo các nước tiến bộ, học hỏi những điều hay để áp dụng vào giáo dục cho học sinh từ bé như thế thì tốt. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng có sự lo lắng vì những người truyền đạt về nhân quyền có đúng theo tiêu chuẩn quốc tế hay không? Thế hệ mà từ trước đến giờ không biết nhân quyền là gì hay họ không được tiếp thu đúng nghĩa của nhân quyền mà bây giờ họ truyền dạy lại thì không rõ hai chữ ‘nhân quyền’ có bị méo mó hay không? Chương trình giảng dạy nhân quyền áp dụng từ cấp mẫu giáo cho đến bậc đại học, mà nếu không khéo thành ra vô tình ươm sự tai hại vào đầu con trẻ.”

Chúng tôi đặt vấn đề với Giáo sư Vũ Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Bảo trợ Chất lượng Giáo dục về nỗi lo lắng của phụ huynh liên quan đề án giảng dạy nhân quyền trong học đường, được thực hiện vào năm 2025. Ý kiến của Giáo sư Vũ Phương Anh về nỗi lo lắng của phụ huynh là hợp lẽ và bà Giáo sư còn đưa ra nhận định đề án không mang lại hiệu quả, với lý do:

“Tôi chỉ lấy một ví dụ rất gần gũi là Việt Nam trong nhiều năm nói rằng phải đẩy mạnh việc giảng dạy cho sinh viên ‘kỹ năng mềm’. Nhưng thật ra nói như vậy theo chủ trương, mà thực hiện thì dạy ‘kỷ năng mềm’ một cách rất là ‘không mềm’. Rồi có một dạo thì giáo dục pháp luật vào học đường cũng vậy. Tức là mọi điều chủ trương được viết trên giấy thì nghe rất hay, nhưng lúc làm thì không đến đâu cả, mang tính hình thức, không thực sự có hiệu quả.”

Hiệu quả của đề án là gì?

e3798ae7-1e35-4720-9e1b-58dba07fa0f1.jpeg
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người được Đức trao giải thưởng Nhân quyền năm 2017, tại Tòa án Nhân dân Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2007. Photo: AFP

Trong khi đó, những người cổ súy và ủng hộ phong trào dân chủ trong nước cho rằng đây là một bước ngoặc quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam. Nhà báo tự do Võ Văn Tạo nói với RFA ông tin là những ai có thiện chí với xã hội, khi nghe thông tin về đề án dạy nhân quyền trong học đường cũng đều phấn khởi vì đề án này theo ông có thể nói mang ý nghĩa rất nhân văn và khai phóng. Với kinh nghiệm sống của một người ở độ tuổi ngoài lục tuần, nhà báo Võ Văn Tạo lý giải vì sao xã hội Việt Nam hiện thời tồn tại quá nhiều vấn nạn, mà trong đó nguyên nhân chủ yếu là do cách hành xử của con người:

“Tôi đã sống ở ngoài Bắc nhiều năm và sau này ở miền Nam thì tôi có cảm tưởng như nền giáo dục của Nhà nước Cộng Sản Việt Nam không đào tạo ra những con người theo hướng nhân bản và khai phóng, mà chỉ muốn đào tạo ra những robot, chứ không phải những con người thực sự. Bản chất của con người là tự do nhưng nền giáo dục trong các nhà nước cộng sản, trong đó có Nhà nước Cộng Sản Việt Nam chỉ muốn tạo ra các robot biết tuân lệnh thôi. Tức là họ không cho người dân tự do làm điều gì cả. Mọi điều là do họ nghĩ ra và ra lệnh, bắt buộc người dân làm. Bản chất của Cộng Sản là như thế.”

Nhà báo Võ Văn Tạo cùng một số nhà đấu tranh dân chủ nêu ra lập luận trong trường hợp giới chức lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết tâm muốn cải thiện tình hình dân chủ của nước nhà thì việc giảng dạy nhân quyền trong học đường cũng khó mang lại kết quả trong một sớm một chiều. Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích:

Nhà cầm quyền Việt Nam phải thực thi tòa án độc lập và nền báo chí tự do để người dân có thể được xét xử một cách công bằng, nếu như dính dáng đến tòa án cũng như họ được quyền lên tiếng khi họ bị oan sai. Chỉ khi nào hai điều kiện tối thiểu đó được đáp ứng thì mới có nhân quyền ở Việt Nam. Tôi nghĩ Nhà nước Việt Nam cần phải có lộ trình rõ ràng để thực thi từng bước cho hai điều kiện tối thiểu này
-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung

“Bởi vì suốt bao nhiêu năm qua, miền Bắc Việt Nam từ năm 1955 trở đi và miền Nam từ năm 1975 trở đi, tư duy của nền giáo dục hủy hoại toàn bộ văn hóa và phẩm chất của người Việt Nam. Thế thì việc dựng lại không hề dễ dàng, thậm chí một, hai thế hệ mà khôi phục được. Dù họ có thực lòng.”

Lên tiếng liên quan việc giảng dạy nhân quyền trong trường học, cựu tù nhân lương tâm-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung cho biết thế hệ 8X của anh từng được học về tôn trọng nhân quyền. Nhưng đối với anh, đó cách dạy nhồi sọ và bóp méo, làm cho nhiều thế hệ hiểu sai ý nghĩa thực sự của nhân quyền. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung nêu ra một ví dụ như học sinh được học khái niệm quốc gia đánh đồng với Đảng Cộng Sản và quyền con người phải đặt dưới quyền độc lập tự chủ của quốc gia.

Là một người bị kết án tù vì theo đuổi lý tưởng tự do-dân chủ cho Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung khẳng định đề án giảng dạy nhân quyền trong trường học, mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt, sẽ góp phần cải thiện tình hình nhân quyền Việt Nam một cách tích cực, chỉ khi nào nhà cầm quyền Hà Nội thực thi hai điều kiện chính yếu:

“Nhà cầm quyền Việt Nam phải thực thi tòa án độc lập và nền báo chí tự do để người dân có thể được xét xử một cách công bằng, nếu như dính dáng đến tòa án cũng như họ được quyền lên tiếng khi họ bị oan sai. Chỉ khi nào hai điều kiện tối thiểu đó được đáp ứng thì mới có nhân quyền ở Việt Nam. Tôi nghĩ Nhà nước Việt Nam cần phải có lộ trình rõ ràng để thực thi từng bước cho hai điều kiện tối thiểu này.”

Mặc dù dư luận trong nước bày tỏ niềm hân hoan đối với thông tin nhân quyền sẽ được đưa vào giáo trình giảng dạy trong trường học và bắt đầu thí điểm ngay trong năm nay; tuy nhiên theo ghi nhận của RFA thì cộng đồng cư dân mạng và những người quan tâm đến đề án này lại tỏ ra hoài nghi trước tin tức một cô giáo tại Ninh Bình bị công an đến trường áp giải ngay sau lễ Khai giảng năm học mới, vào ngày 6 tháng 9 để làm việc, do “phương hại đến an ninh chính trị” qua những chia sẻ trên mạng xã hội của cô về hiện tình đất nước liên quan giảm biên chế giáo viên, nợ công, thực phẩm bẩn…Một số người cho rằng Nhà nước Việt Nam muốn tỏ rõ thực tâm để dân chúng nâng cao sự hiểu biết và tôn trọng nhân quyền thì cần phải xóa tan định kiến của dư luận vẫn thường nói, như nhà báo tự do Võ Văn Tạo bảo với chúng tôi “Họ nói một đằng nhưng họ làm một nẻo.”